Pages

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Senkaku/Điếu Ngư : Tàu Trung Quốc tiếp tục thách thức Nhật Bản


Tàu hải giám Trung Quốc No. 51 (front) và tuần duyên Nhật
trong vùng biển tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ảnh ngày 14/09/ 2012.   
REUTERS/Kyodo
Đức Tâm
Bắc Kinh áp dụng « chiến tranh tiêu hao » : Việc tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư xẩy ra gần như cơm bữa.

Ngày hôm nay, lực lượng tuần duyên Nhật Bản thông báo là ba tàu hải giám của Trung Quốc lại tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi mà Tokyo đang quản lý trên thực tế, còn Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền.

Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh hôm thứ Sáu, 18/01, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản trong hồ sơ này và cảnh báo Bắc Kinh không nên đơn phương hành động, thách thức quyền quản lý Tokyo đối với quần đảo Senkaku. Thậm chí, lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ còn nhấn mạnh, vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ở biển Hoa Đông, nằm trong phạm vi điều chỉnh của hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật.
Trong hai ngày liên tiếp, 19 và 20/01, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ và cho rằng Washington đã « phản bội » lại lập trường trung lập của mình trong hồ sơ này.
Tình hình ở biển Hoa Đông trở nên căng thẳng hơn, kể từ tháng Chín năm ngoái, sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa một số hòn đảo ở thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc liên tục điều tàu ngư chính và hải giám đến khu vực này. Thậm chí, gần đây, máy bay Trung Quốc còn xâm phạm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong tháng Chín và cho đến đầu tháng Mười 2012, nhiều cuộc biểu tình bài Nhật, được Bắc Kinh bật đèn xanh, đã diễn ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc.
Sau khi chính phủ cánh hữu Tự Do-Dân Chủ của thủ tướng Shinzo Abe quay lại cầm quyền, Nhật Bản tuyên bố loại trừ mọi khả năng đàm phán về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đang nghiên cứu việc đưa một số thiết bị quân sự đến gần khu vực này. Còn Bắc Kinh cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu địa hình Senkaku/Điếu Ngư, để lập bản đồ « các đảo và bãi đá thuộc lãnh thổ Trung Quốc ».

Không có nhận xét nào: