Pages

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Kinh Tế Việt Nam


 Đặng Tấn Hậu
                                                       
Kinh tế lấy từ chữ “kinh bang tế thế”. Kinh bang là trị nước, tế thế là giúp đời. Mục đích của kinh tế là làm cho dân giàu nước mạnh. Kinh tế học là môn khoa học dựa trên định luật nhân quả, xử dụng  toán thống kê và toán sát xuất để tìm hiểu sự liên hệ giữa nhân quả và đo lường kết quả. Y như y học, kinh tế gia thường làm việc qua 4 giai đoạn từ quan sát tổng quát đến định bệnh, tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp trị liệu.

TỔNG QUÁTVN là một thành viên của tổ chức Đông Nam Á (ASEAN) gồm có 10 quốc gia là Thái Lan, Cao Miên, Lào, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Miến Điện, Brunei, VN và Tân Gia Ba.
•    VN có diện tích lớn đứng hàng thứ tư sau Nam Dương, Miến Điện và Thái Lan.
•    VN có đông dân đứng hàng thứ hai sau Nam Dương.
•    phía đông VN nhìn ra biển có nhiều hải sản, dầu hỏa, hải cảng và ăn thông ra Biển Đông và Thái Bình Dương.
•    phía tây có núi rừng, nhiều thú lạ, gổ và đất quý
•    phía bắc có nhiều mỏ và phía nam có ruộng lúa phì nhiêu.
Nhìn chung, VN phải là quốc gia đứng đầu về kinh tế trong vùng ĐNÁ, tuy nhiên, theo các chỉ số hiện nay thì kinh tế VN vẫn còn có nhiều yếu kém như:
•    kinh tế VN tăng trưởng 10%/năm khi mới bắt đầu “đổi mới” vào cuối thập niên 80, nhưng giảm dần chỉ còn lại 5%/năm (1) cho đến ngày hôm nay ; đó là chưa kể thời kỳ “bao cấp” (kinh tế cộng sản) sau 75 nên VN có nạn đói.
•    tổng số lượng quốc gia VN trên mỗi đầu người đứng gần cuối sổ chỉ hơn Lào, Cao Miên và Miến Điện, nhưng lại thua xa các quốc gia khác trong vùng ĐNÁ.
•    mặc dù VN đông dân, nhưng tổng số tiền hối suất VN chỉ bằng $183/người so với nợ nước ngoài của VN trên $400/người tức là tiền nợ cao hơn gấp đôi tiền hối suất (2).
•    VN nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, tiêu thụ nhiều hơn sản xuất nên nợ càng ngày càng cao mặc dù VN có hơn $10 tỷ mỹ kim do Việt Kiều hải ngoại gởi về VN mỗi năm, cộng thêm các loại tiền du hý, từ thiện v.v. theo NQ 36 CSVN.
•    VN xử dụng nhiều điện sau Thái Lan và Nam Dương, nhưng mức sản xuất trên mỗi đầu người VN vẫn còn kém xa so với các quốc gia trong vùng trên mỗi đầu người (3) tức là CSVN tiêu xài điện phí phạm.
•    lạm phát VN cao với 2 con số khoảng 25%, mặc dù ngày nay lạm phát có phần thuyên giảm (và bắt đầu gia tăng trở lại) nên rất cao so với sự tăng trưởng của nền kinh tế VN, tức là kinh tế VN đi thụt lùi.
•    theo bản phúc trình của tổ chức “phóng viên không biên giới” năm 2011-12, VN đứng cuối sổ về “tự do báo chí” tại ĐNÁ hay đứng hạng thứ 172 trên thế giới so với Miến Điện hạng thứ 169 (4) (mặc dù Miến Điện theo chế độ độc tài quân phiệt trước đây). 
•    90% kinh tế VN nằm trong tay các tập đoàn công do đảng CSVN quản lý, 10% nằm trong tay tư nhân.
•    VN bắt chước theo TC “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tức là áp dụng kinh tế “tư bản cổ điển” bóc lột thợ thuyền và kinh tế “độc tài cộng sản” cướp đất của người dân (5).
Tóm lại, VN có tài nguyên thiên nhiên cân bằng, đầy triển vọng phát triển, nhưng thực tế, kinh tế VN rất yếu kém vì chính sách độc tài nên kém sáng tạo, chuyên in ấn lậu và sản xuất hàng kém chất lượng, mức tăng trưởng kém, lạm phát cao, nợ nhiều, đầu tư ngoại quốc thấp, nhập cảng nhiều hơn xuất cảng v.v.    
 
ĐỊNH BỆNH
Đảng CSVN họp khẩn cấp trong 15 ngày kể từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 10, năm 2012 nhằm tìm kiếm giải pháp đối phó với các căn bệnh kinh tế trầm trọng có thể đưa tới sự phá sản của nền kinh tế VN. Đó là:
•    ngân hàng VN sắp bị phá sản vì nợ xấu quá cao trên 30% (6), nghĩa là nếu ngân hàng VN cho vay $100 tỷ mỹ kim thì mất hết $30 tỷ mỹ kim vì người vay không có tiền để trả nợ.
•    90% kinh tế VN nằm trong tay “tập đoàn công”, xí nghiệp công do CSVN nắm mà trên 75% các xí nghiệp công đã và đang bị phá sản vì không có tiền trả nợ đã vay của ngân hàng, của dân chúng trong nước và nước ngoài.
•    10% kinh tế VN trong tay xí nghiệp tư, nhưng các xí nghiệp tư cũng đang trên đường phá sản vì tiền lời cao (do ngân hàng không cho vay) và giá nguyên liệu cao do lạm phát và đồng tiền VN mất giá.
•    thợ thuyền thất nghiệp gia tăng, đời sống khó khăn vì không có bảo hiểm thất nghiệp, y tế, giáo dục, vật giá cao và đầu tư ngoại quốc giảm (vì CSVN thiếu chữ tín và Miến Điện bắt đầu theo thể chế dân chủ thu hút đầu tư ngoại quốc).
•    ruộng lúa khai khẩn nuôi dân càng ngày càng co cụm lại vì nhà nước lấy đất của nông dân cho công ty ngoại quốc mướn hay dâng cho tập đoàn công nên dân oan khiếu kiện càng ngày càng đông và sông Cửu Long bị khô cằn vì TC xây đập trên thượng nguồn. 
Tóm lại, sự phá sản của các ngân hàng và xí nghiệp công (tập đoàn) như Vinaxin, Vinalines, Vinachem v.v lên đến cả trăm tỷ mỹ kim, cộng thêm người dân trong nước không còn tin vào tiền tệ nên mới có vấn đề người dân chỉ buôn bán, làm ăn trả bằng tiền mỹ kim hay vàng; thay vì đồng tiền Hồ vừa mất giá, vừa không có giá trị trong nước và hải ngoại.
Tin tức cho biết thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ in thêm tiền để phá giá tiền Hồ (cướp tiền); đồng thời, ông cướp luôn vàng của dân qua hình thức cấm dân lưu hành vàng trong nước (nếu vàng không có dấu ấn của nhà nước). CSVN dành độc quyền phát hành vàng (có dấu ấn) và mua vàng của dân với giá rẽ để đóng dấu lên.  
NGUYÊN NHÂN
•    CSVN thành lập tổ chức công (tập đoàn) như Vinaxin, Vinalines, Vinachem v.v độc quyền khai thác, buôn bán các lãnh vực kinh tế quan trọng (key industries) tại VN. CSVN cho các tổ chức công được ưu đải vay ngân hàng với lãi suất thấp hay phát hành trái phiếu (bond) bán trên thị trường thế giới với sự bảo đảm của chính phủ CSVN.
Ai cũng biết CSVN chủ trương “hồng hơn chuyên” trong việc điều hành nên năng suất kém, cộng thêm đầu tư vào ngành nghề không chuyên môn (dàn trải) như hãng đóng tàu đầu tư vào “bất động sản”’ hay mua tàu củ (không xử dụng được, rồi khai là tàu mới để dễ thụt két nên không có tiền trả nợ).
•    Thông thường, ngân hàng thương mại lấy tiền của chính phủ và tiền của khách hàng cho người khác vay để kiếm lời. Tiền cho vay dựa trên một số bảo chứng để tránh tình trạng “nợ xấu”. Trường hợp VN, ngân hàng cho cán bộ hay tập đoàn công vay (mà không có tiền bảo chứng) nên một khi họ quỵt nợ thì ngân hàng kể như phá sản, kéo theo tín dụng sụp đổ, hệ thống ngân hàng tiêu v.v.
•    Như đã trình bày, tập đoàn công mướn công an, bộ đội cướp đất của dân, họ có thể đền bù cho dân số tiền nhỏ, rồi họ ghi vào sổ sách giá trị cao của miếng đất.  Mục đích của CSVN là làm tăng tài sản của xí nghiệp, rồi tẩu tán tiền mặt từ công quỹ vào túi riêng của họ. Đó là lý do các tập đoàn công do CSVN điều hành không có tiền để trả nợ, mặc dù sổ sách ghi tài sản của tập đoàn càng ngày càng gia tăng.
Tóm lại, nguyên nhân gây ra ngân hàng phá sản vì giám đốc ngân hàng “sợ” cán bộ, vì giám đốc tập đoàn công là đảng viên CSVN. Các hãng công phá sản vì CSVN điều hành, lợi dụng quyền thế tham nhũng, thụt két ăn chia, nhất là việc làm “bí mật” (no transparence), sổ sách lem nhem (no accountability), không có ai xét sổ sách (control) hay thẩm định (audit).
Tất cả các căn bệnh trên đều bắt nguồn từ nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kinh tế “thị trường” đi đến độc quyền buôn bán. Kinh tế “xã hội chủ nghĩa” chủ trương độc đảng, không có ai thẩm định vì người thi hành và giám sát là một nên tham nhũng, cướp đất của dân là hậu quả tất nhiên; đó là chưa kể đất đai, đất nước VN mà CSVN tuyên bố là tài sản của họ.
GIẢI PHÁP
Thông thường,tổng số lượng quốc gia gồm có nhiều yếu tố; tạm kể 3 yếu tố chính là  “tiêu thụ và sản xuất”, “đầu tư quốc gia và ngoại quốc”, “xuất nhập cảng và hối suất”. Nếu tiêu thụ giảm thì sản xuất giảm, thất nghiệp tăng. Nếu nhu cầu có mà không có tiền đầu tư thì cũng không thể sản xuất. Nếu nhập cảng cao hơn xuất cảng thì nợ tăng và hối suất thiếu, không có tiền mua nguyên liệu v.v
•    Tình trạng VN, nợ cao, hối suất thấp, nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, điểm này cho thấy ngân sách VN không cân bằng, chỉ lo trả tiền lời không cũng không còn tiền, chứ đừng nói đến đầu tư vào các công trình mới. Do đó, chính phủ phải hạn chế nhập cảng các món hàng không cần thiết như “xe siêu” của các đại gia và chận đứng cán bộ rửa tiền.
•    Thất nghiệp tăng vì tập đoàn công có năng suất kém, không cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế, do đó, chính phủ phải tăng con số tư nhân kinh doanh, cho tư nhân vay tiền với lãi suất thấp để tư nhân đầu tư, mướn thêm nhân viên, làm tăng thị trường tiêu thụ, gián tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và giảm thất nghiệp trong nước.
•    Tôn trọng luật “bất động sản” để người dân yên tâm khai khẩn đất đai trồng trọt. Điều cần nhớ, dân số VN lên đến 90 triệu người với diện tích co cụm, do đó, tránh khai thác đất xử dụng làm sân đánh golf vừa có hại cho môi trường “thiếu nước ngọt”, vừa không sinh ra lúa gạo, lại còn đưa tới sự bất công cướp đất của người dân.
•    Kinh tế toàn cầu đòi hỏi sự cạnh tranh nên nhà cầm quyền cần có cơ quan nghiên cứu “nhu cầu thế giới” qua sự tự do thông tin để làm kim chỉ nam sản xuất, đào tạo thợ có tay nghề chuyên môn (tức là giáo dục), lo an sinh cho người thợ (bảo hiểm thất nghiệp, y tế, nhà cửa, xã hội) và tôn trọng luật pháp, giữ chữ tín để thế giới tin tưởng mà đầu tư.
Thực tế, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vay thêm tiền ngoại quốc, phá giá đồng tiền để trả nợ, không giữ chữ tín trong thương mại, bao che đồng bọn (nhóm lợi ích) để bảo vệ bè phái, bán lãnh thổ, lãnh hải cho TC để lấy ngoại tệ (lệ thuộc TC), thụt két, biển thủ nên đưa tới hậu quả là công ty phá sản, ngân hàng sập tiệm, nợ quốc gia chồng chất v.v. Người dân cong lưng trả nợ thế cho cha con của ba Dũng và đồng bọn “thái tử đảng” tham nhũng, thụt két thì cũng đủ chết.
Trung ương CSVN và bộ chính trị họp khẩn cấp để giải quyết vấn đề kinh tế qua chương trình “phê và tự phê”, đưa tới kết quả sau 15 ngày hội nghị là không đảng viên nào có tội mà chính toàn dân VN có lỗi vì không “tố cáo” tội ăn hối lộ của giới chức mà ai cũng biết trước là người nào dám tố cáo thì sẽ bị tống giam với tội danh “lật đổ chính phủ do thế lực thù địch chỉ đạo” (sic). Hội nghị vừa qua chỉ sát định “đất nước VN không phải của người dân VN mà chính là của đảng CSVN” và sát định thêm một điều “không ai dám phê bình quan chức CSVN”.     

KẾT LUẬN

Tóm lại, vấn đề “tái cấu trúc” không xa lạ trong lãnh vực kinh tế thương mại, nhưng dưới chiêu bài “phê và tự phê” nhắm vào “nhóm lợi ích” không có kết quả. Thứ nhất, ai dại gì “tự phê”, tự khai chính mình biển thủ để nói tôi trốn ở bụi này; còn “phê bình ông xếp” thì lại mang họa vào thân. Tái cấu trúc chỉ thành hình khi có mục tiêu, thí dụ sản xuất như thế nào để xuất cảng tăng, làm tăng hối suất như “thỏa mãn nhu cầu của khách hàng với giá bán phải chăng v.v” và xử phạt, khen thưởng phải phân minh. Điều này đã không xảy ra trong kỳ đại hội đảng CSVN đầu tháng 10, 2012.
Ngược lại, CSVN đã không dám trừng phạt kẻ có tội mà ai cũng biết kẻ làm hại kinh tế VN là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình. Ngay sau ngày bế mạc hôị nghị của đảng CSVN, Nguyễn Tấn Dũng đã thách thức đảng viên CSVN và toàn dân VN qua sự khen thưởng kẻ có tội là ông Nguyễn Văn Bình có công thi đua làm cho ngân hàng VN “sập tiệm”. Điều cần nhớ, báo Global Finance chuyên về kinh tế tài chính có trụ sở đặt tại New York đã chấm điểm thấp cho ông Nguyễn Văn Bình dựa trên kết quả là tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát và lãi suất tăng cao tại VN.

Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng còn lên tiếng trên đài truyền hình tại VN vào ngày 4 tháng 12, 2012 kêu gọi người dân ủng hộ nhóm lợi ích của ông đã “tham nhũng, biển thủ” mà ông đã áp dụng theo băng đảng “Chaebol” của Nam Hàn, mặc dù tay chân, bộ hạ của ông đã thất bại trong việc điều hành kinh tế thương mại tại VN vì yếu tố của sự thất bại là “không có kiến thức” (chất xám), không có sáng kiến (độc tài) như nhóm Chaebol (mà đa số là nhóm quý tộc có học vấn).
Tưởng cần nhắc lại, sau chiến tranh Triều Tiên 1953, Liên Sô ủng hộ nhà độc tài cộng sản Kim II Sung tại Bắc Hàn. Lấy độc trị độc, HK ủng hộ các nhà độc tài quốc gia, đặc biệt là tướng Park Chung Hee năm 1961 tại Nam Hàn. Mặc dù Nam Hàn theo thể chế dân chủ, bầu cử tự do, nhưng cơ cấu xã hội Nam Hàn vẫn còn có nhóm quý tộc, nô lệ và dân chúng.

Nhóm quý tộc lập thành băng đảng “Chaebol” có 3 ưu điểm là kiến thức, tiền và quyền lực nên tổ chức Chaebol đã đưa kinh tế Nam Hàn đến chổ cường thịnh, mặc dù người dân Nam Hàn không thích họ, nhưng vẫn phải thần phục họ (7). Ngày 19.12.2012, con gái của nhà độc tài quốc gia Park Chung hee là Park Geun hee vừa đắc cử tổng thống Nam Hàn cho nhiệm kỳ 2013-2018; điều chắc chắn là bà sẽ không theo chính sách độc tài của ông cha vì thời kỳ này đã qua.
Trong khi đó, CSVN phá nát kinh tế thị trường miền nam VN sau 75, lại còn đứng ra độc quyền khai thác kinh tế chiếm 90% thị trường VN mà đa số những người lãnh đạo CSVN có quyền thế, nhưng không có “kiến thức” (chất xám), kể cả “tư bản”; ngoại trừ bán nước, cướp đất và xuất cảng thanh niên thiếu nữ ra nước ngoài làm nô lệ lao công và tình dục v.v.; đó là chưa kể dùng quyền lực để tham nhũng.
Tại sao con bệnh VN èo uột như vậy mà không chết? Xin thưa nếu đứng về “vi mô” (cá nhân) thì có người đã tự tử hay bị tù như ông Đoàn Văn Vươn; nhưng đứng về “vĩ mô” (tổng thể) thì chuyện bán nước, làm tay sai cho ngoại bang là hậu quả tự nhiên; điều quan trọng là người dân VN có chống nổi hệ thống khát máu của công an trị hay không?
Tưởng cần nhắc lại, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa mới thăng 48 chức tướng cho công an có công đàn áp người dân VN vào cuối năm 2012. Tóm lại, còn đảng CSVN thì người dân VN còn bị cướp đất, còn cong lưng trả nợ thế cho CSVN tiêu xài, rửa tiền và chuyển ngân lậu ra nước ngoài. Thương quá, VN ơi!    
Ghi Chú:
1.    thông thường, quốc gia thời “hậu chiến” phải tăng trưởng ít nhất 25%/năm, rồi giảm dần qua thời gian y như con bệnh cần hồi phục mau lẹ để trở lại bình thường. Kinh tế VN chỉ tăng 10% rồi giảm dần đến 5%, đó là chưa kể trường hợp kinh tế VN rơi vào giai đoạn “bao cấp”, nạn đói đã xảy ra tại VN vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80.
2.    nợ nhiều hơn tiền có trong tay.
3.    VN tiêu xài điện phí phạm nên gia tăng xây đập ẩu tả làm vỡ đê gây nguy hại môi trường và đời sống dân chúng.
4.    Miến Điện là quốc gia theo thể chế quân phiệt độc tài vừa mới thoát khỏi áp lực của TC, sẽ đổi theo thể chế dân chủ, nhân công Miến Điện rẻ hơn VN và tôn trọng chữ “tín” trong lãnh vực thương mại. Ngoại quốc sẽ đầu tư vào Miến Điện trong tương lai thay vì đầu tư vào VN mà họ gặp rất nhiều khó khăn với chế độ “nửa nạc, nửa mỡ” của CSVN.
5.    chế độ cộng sản không chấp nhận quyền “bất động sản” nên cán bộ CSVN có thể chiếm đoạt tài sản, đất cát, nhà cửa của người dân sau khi người dân đã khai khẩn.
6.    “Vietnam: a tiger at bay”, The Economist (Sept. 15th, 2012), tr. 37
7.    “Who really runs Korea?”, Bloomberg Businessweek (Nov. 26-Dec 2, 2012), tr. 19-20. Bài báo cho biết “ông Chung Mong Koo là chủ tịch hãng Hyundai Motor, hãng này bị hãng Huyndai Mobis nắm, hãng Huyndai Mobis bị hãng Kia Motors làm chủ và người chủ của hãng Kia Motors là hãng Huyndai Motor mà ông Chung Mong Koo là chủ tịch của hãng Huyndai Motor; tức là ông làm chủ của cả ba hãng lớn ở Nam Hàn”. Đây là hình thức độc quyền chồng chéo của băng đảng Chaebol Nam Hàn. 

Không có nhận xét nào: