Pages

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Miến Điện : Hướng phản công đầu tiên của Nhật để chống áp lực từ Trung Quốc


Tổng thống Miến Điện Thein Sein (T) tiếp phó thủ tướng
kiêm bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, Naypyidaw,
03/01/2013   
REUTERS
Trọng Nghĩa
Khi tân thủ tướng Shinzo Abe chính thức lên cầm quyền tại Nhật Bản ngày 26/12/2012, ít ai nghĩ rằng chính phủ của ông lại chọn Miến Điện là nước để khai mở chính sách ngoại giao của mình. Thế nhưng, không đầy 10 ngày sau, đích thân phó thủ tướng Taro Aso đã đến Naypyidaw để củng cố quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này. Theo các nhà phân tích, ngoài mục tiêu kinh tế - rất rõ nét – còn có một mục tiêu chính trị : Tăng cường ảnh hưởng của Tokyo để hạn chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.

« Miến Điện đã được chọn cho chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của một thành viên nội các Abe ». Ông Aso, người đồng thời là bộ trưởng Tài chính, đã nói như trên trong một cuộc họp báo, sau khi hội đàm với tổng thống Thein Sein. Ông Aso đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế Miến Điện đối với Nhật Bản.
Tân thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nổi tiếng là người quan tâm đến các nước đang phát triển tại châu Á để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp Nhật Bản, và Miến Điện, mà một số nhà phân tích mô tả như là nền kinh tế chưa khai phá cuối cùng của khu vực, là một trong các nước mà đảng Dân chủ Tự do của ông rất muốn thắt chặt quan hệ.
Còn ông Aso, cựu thủ tướng Nhật Bản từ năm 2008 cho đến khi đảng Dân chủ Tự do bị thất cử và phải rời bỏ chính quyền vào tháng 09/2009, cũng là một cố vấn hàng đầu của một hiệp hội Nhật-Miến, chuyên phát huy các lợi ích kinh doanh hỗ tương.
Thông qua các kênh riêng của mình, Aso đã từ lâu tìm kiếm một cơ hội đến thăm Miến Điện để tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản, và khuyến khích chính phủ Thein Sein tiếp tục cải cách dân chủ và tự do hoá thị trường. Chuyến thăm của ông ra chỉ diễn ra vài ngày sau khi nội các Abe được thành lập.
Với việc trừng phạt quốc tế được nới lỏng sau khi một chính phủ cải cách lên cầm quyền tại Miến Điện từ tháng 03/2011, Nhật Bản đã đi đầu trong việc cắt giảm món nợ khổng lồ của Miến Điện - ước tính vào khoảng 500 tỷ Yên - và cung cấp hỗ trợ tài chính mới.
Không những thế, Tokyo còn khuyến khích các định chế tài chánh quốc tế và khu vực - đặc biệt là Ngân hàng Phát triển châu Á ADB - cấp tín dụng cho Miến Điện. Trong chuyến thăm Miến Điện, ông Aso còn cam kết : « Do việc Miến Điện đang ngập trong nợ nần và không thể thu hút đầu tư, Nhật Bản sẽ loại bỏ những trở ngại này… ».
Tokyo không hỗ trợ vô điều kiện. Trả lời hãng tin Nhật Bản Kyodo, một quan chức cao cấp trong chính phủ Nhật Bản đã cho biết là nếu Miến Điện muốn thấy các thành viên nội các Nhật Bản khác theo chân ông Aso đến thăm Miến Điện, thì chính quyền nước này phải tiếp tục thể hiện sự « sẵn sàng » thực hiện đều đặn tiến trình cải cách dân chủ và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc kinh doanh.
Trợ giúp của Nhật Bản cho Miến Điện cũng nhằm mục đích kềm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn luôn luôn duy trì quan hệ thân thiện với Miến Điện trong những thập kỷ bị cô lập về mặt ngoại giao và kinh tế thời chính quyền quân sự.
Các quan chức tại Tokyo được cho là rất cảnh giác trước việc Bắc Kinh giành được ưu thế trong việc thúc đẩy các dự án phát triển kinh tế ở Miến Điện trong những năm tới đây.
Một quan chức tại một công ty kinh doanh lớn tại Nhật Bản nhận xét : « Một trong những vấn đề hàng đầu đối với các nước công nghiệp phát triển trong lãnh vực ngoại giao châu Á là tránh việc để cho Trung Quốc độc quyền trong việc thúc đẩy quan hệ với Miến Điện ».
Hoa Kỳ cũng cảnh giác trước nguy cơ này. Vào cuối năm ngoái, ông Barack Obama đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đi thăm Miến Điện, một dấu hiệu chứng tỏ sự khôi phục uy tín đáng kể của nước này trên trường quốc tế, và chính sách chuyển trục sang châu Á của Washington.
Việc Tokyo hỗ trợ Naypyidaw có thể đóng một vai trò tích cực trong việc hậu thuẫn cho sự thay đổi chiến lược của Mỹ. Theo kế hoạch dự kiến, thủ tướng Abe sẽ đến Washington vào cuối tháng Giêng để tiếp xúc với tổng thống Obama. Trong chương trình nghị sự giữa hai bên, có lẽ sẽ có vấn đề dân chủ hóa và phát triển kinh tế của Miến Điện.

Không có nhận xét nào: