Pages

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Vấn đề biển Đông: Nhìn lại 2012, dự phóng 2013


Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1
 Trả lời phỏng vấn đài phát thanh “Đáp Lời Sông Núi ” ngày 6-1-2013.
  1/ Kính chào Ông Trương Nhân Tuấn. Trước hết, xin ông tóm lược qua tình hình Biển Đông trong năm 2012. Những sự kiện nào đáng chú ý nhất thưa Ông?
 Trong năm 2012, những yếu tố đã xảy ra ở Biển Đông mà tôi xem là quan trọng gồm có các việc:

 1 – Thứ nhứt là Luật biển của VN được QH thông qua, ngày 21 tháng 6 năm 2012, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.
2 – TQ cho phát hành hộ chiếu mới điện tử, trong đó có in hình bản đồ chín đoạn chữ U. Việc này đã xảy ra từ nhiều tháng trước đây, nhưng chỉ đến tháng 11 VN mới có những phản ứng thích hợp.
3 – Tháng 6, TQ cho gọi thầu khai thác dầu khí trên 9 lô, trên thềm lục địa của VN, ở các tỉnh miền trung.
4 – Tháng 5, TQ cho một số đông đảo tàu đánh cá tràn ngập bãi cạn Scarborough của Phi mà TQ gọi là Hoàng Nham thuộc Trung Sa quần đảo, sau đó gởi thêm nhiều tàu chiến đến bảo vệ,
5 – Đại hội thuợng đỉnh hàng năm của các nước Hiệp Hội Đông nam Á, năm nay được tổ chức ở Nam Vang, đã thất bại.
 2/ Theo Ông thì những sự kiện này đã ảnh hưởng đến tình hình Việt Nam như thế nào?
 Những việc này theo tôi có ảnh hưởng mạnh mẽ đến VN.
 Trước hết, Luật Biển VN có hiệu lực ngày 1-1-2012 thì cái gọi là “quy định kiểm soát biển Đông” của TQ cũng đi vào hiệu lực. Theo qui định này, từ ngày 1-1-2013, ở các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, TQ có quyền kiểm soát và trục xuất các tàu bè trong vòng 12 hải lý chung quanh các đảo đó.
 Điểm thứ hai, về hộ chiếu có in hình chữ U, theo tôi là một cái bẫy của TQ để gài VN thừa nhận chủ quyền của TQ. Nếu phía VN không có một thái độ đúng mức đối với tấm hộ chiếu đó, thì hành vi của VN sau này có thể được hiểu như là sự đồng thuận của VN về tấm bản đồ trên hộ chiếu. Tức mặc nhiên nhìn nhận các đảo và vùng biển xác định bằng tấm bản đồ chín đoạn thuộc chủ quyền của TQ.
 Điểm 3, TQ gọi thầu tại 9 lô trên thềm lục địa miền Trung của VN, tôi cho rằng là hệ quả trực tiếp của việc VN công bố luật biển đã được quốc hội thông qua. Việc này nếu VN giải quyết không khéo có thể biến một vùng không có tranh chấp thành một vùng có tranh chấp với TQ. Hệ quả của việc này, thay vì là việc bảo vệ lãnh thổ lại trở thành việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Ý nghĩa của hai việc này rất khác nhau. Một bên là việc tự vệ chính đáng, một bên là thuơng lượng để chia chác vùng tranh chấp.
 Điểm 4, vấn đề tranh chấp giữa TQ và Phi về chủ quyền bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham). Tôi thấy rằng thái độ của Phi là tìm cách đưa vấn đề ra một tòa án quốc tế để phân giải. Đây là một lối giải quyết đúng đắn,VN nên học hỏi làm theo. Trong năm 2012, nhiều lần các viên chức HK, chính thức và không chính thức, đã đề nghị các bên một trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp. Điều ngạc nhiên là ta không hề nghe một ý kiến nào của VN về đề nghị này.
 Điểm 5, sự thất bại của Hiệp hội các nước Đông Nam Á tại hội nghi thuợng đỉnh Nam Vang, tháng 7 năm 2012, trước hết là một thất bại chua cay của nền ngoại giao VN. Kết quả đại hội không ra được thông báo chung, là việc chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử thành lập của hội. Tức là TQ đã thành công mua chuộc một số nước trong ASEAN, điển hình là Kampuchia, khiến khối này mất đoàn kết, không có một lập trường chung của Khối về Biển Đông. Đây là một thất bại, báo hiệu sự phá sản về chính trị và ngoại giao của VN. Ta cũng biết là từ nhiều thập niên nay, Lào và Kampuchia là hai nước có quan hệ mật thiết với VN.
  3/ Theo nhận xét của Ông thì Biển Đông trong năm 2013 có còn tiếp tục là một điểm nóng không? Ông nghĩ rằng có thể xẩy ra đụng độ bằng vũ lực không?
 Theo tôi, từ nay trở đi, Biển Đông là một điểm nóng trên bản đồ của thế giới. Chiến tranh ở đây có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Thử tưởng tượng một kịch bản: TQ không cho tàu VN, ngư dân hay của quân đội, đến gần trong vòng 12 hải lý tại các đảo TS mà họ tuyên bố chủ quyền nhưng hiện do VN kiểm soát, theo đúng như qui định mà họ vừa công bố có hiệu lực. VN sẽ lâm vào thế bí. Không tiếp tế được cho người trên đảo thì không chóng thì chày sẽ mất đảo mà đi vào vùng biển mà TQ kiểm soát thì chắc chắn súng sẽ nổ.
 Ta cũng không thế quên tranh chấp giữa Nhật và TQ về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư ở khu vực biển Hoa Đông, tranh chấp này cũng ảnh hưởng đến tranh chấp ở biển Đông. Tranh chấp Nhật-Trung ở đây ngày một gay gắt.
 Tôi có nhận xét rằng, một cuộc xung độ xảy ra giữa Nhật và TQ sẽ lôi kéo toàn khu vực Đông Á và Đông Nam Á, cùng với HK và các đồng minh, vào cuộc chiến. Vì Nhật và HK cùng các đồng minh có mối tương quan ràng buộc do các hiệp ước an ninh hỗ tương.
 TQ cũng có tính toán cùng một lúc giải quyết các vấn đề tranh chấp về lãnh thổ, trong đó có vấn đề giải phóng Đài Loan, là mục tiêu của đảng CSTQ từ năm 1949 đến nay. Nhưng theo tôi vì hiện nay việc này vẫn là ước muốn của TQ vì lực lượng quân sự của TQ còn thua Nhật rất xa về kỹ thuật, huống chi đối với HK. Trong khi đầu tư và trao đổi kinh tế hai bên Trung-Nhật rất quan trọng, lên đến hàng ngàn tỉ đô la. TQ cũng còn lệ thuộc rất nhiều Nhật ở các mặt hàng kỹ thuật cao. Vì vậy viễn tượng chiến tranh hai bên khó xảy ra trong lúc này.
 Nhưng tại biển Đông, nguy cơ xung đột giữa VN và TQ thì có sác xuất cao. VN hiện nay không có liên minh quân sự với nước nào, ngoài một số ý kiến tiết lộ qua các viên chức nhà nước, cho thấy VN có thể dành Cam Ranh cho Nga sử dụng. Tức VN lựa chọn đi với Nga. Việc làm này có thể sẽ đưa VN vào một tư thế khó xử đối với TQ và HK. Cả hai cường quốc này, tương lai xa có thể xung đột, nhưng hiện tại đều không muốn Nga hiện diện trong vùng. Nếu VN và Nga có những toan tính chiến lược, có thể HK sẽ làm ngơ để TQ ra tay chiếm TS, không cho Nga vào đặt căn cứ ở VN, mà việc này có thể làm cho VN bị phân liệt. TQ có thể đánh VN sớm và VN sẽ đối phó một mình, như trường hợp cuộc chiến Hoàng Sa tháng giêng 1974 hay cuộc chiến TS vào tháng 3 năm 1988.
 Khi chiến tranh bùng nổ, VN không thể trông chờ các nước ASEAN, cũng không thể trông chờ ở dư luận quốc tế hay lòng nghĩa hiệp của bất kỳ một cường quốc nào. Các việc chà đạp nhân quyền, bắt bớ tự tiện và kết án bằng những bản án nặng nề những người khác chánh kiến hay những người tranh đấu cho một nước VN tốt đẹp hơn, đã làm cho bộ mặt của VN càng thêm mất thiện cảm. Trong khi VN lại phải đề phòng phản ứng khó lường của Kampuchia. Nước này có thể nhân dịp này đánh VN để dành lại các đảo hay các vùng đất, mà họ cho là của họ, đã mất vào tay VN do tổ chức hành chánh thuộc địa từ thời Pháp.
 Theo tôi, từ bây giờ cho đến hết tháng 5 là thời điểm lý tưởng để TQ mở cuộc tấn công. Vì khoảng thời gian này biển Đông ở trong chu kỳ biển lặng.
 4/ Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng CSVN, trong cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 1 tháng 1, 2013, khi được hỏi về các cuộc biểu tình của dân chúng phản đối hành động gây hấn của Trung Cộng tại Biển Đông, đã phát biểu: “Biểu tình bây giờ sẽ gây mất ổn định. Trong khi đó đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. Ông nhận định như thế nào về câu trả lời này.
 Theo tôi thì ông Vịnh đã có một nhận xét hết sức sai lầm về quyền được bày tỏ ý kiến, quyền được biểu tình của công dân.
 Về vấn đề ổn định để phát triển, ông Vịnh quên rằng VN đã ổn định, nếu tính từ đầu thập niên 90, đến nay đã hai thập niên. Trong hai thập niên ổn định ở mức tuyệt đối này, về mọi mặt VN vẫn không hề phát triển. Nếu chỉ nói về kinh tế, ta thấy nền kinh tế VN đang trên đà sụp đổ, nạn lạm phát, tỉ số thất nghiệp tăng cao. So sánh với các năm trước, trong vòng vài năm mà dân VN mất đi ½ khả năng mua sắm, tức bị nghèo đi một nửa. Trong lúc các quặng mỏ đã khai thác cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, các xí nghiệp nhà nước thì hầu như phá sản, tạo gánh nặng nợ nần cho người dân. Các xí nghiệp tư nhân phần nhiều đang chờ phá sản. Hệ thống ngân hàng, do nợ xấu đến từ việc bất động sản mất giá và bị đông lạnh, đang bị đe dọa sụp đổ. Ngân sách VN hiện nay chỉ trông chờ ở nguồn kiều hối.
 Như vậy yếu tố ổn định không hề là một điều kiện cần để VN phát triển. Nếu ta nhìn sang các nước phát triển chung quanh, Thái Lan, Đài Loan, Đại Hàn… ta thấy ở các xứ đó ngày nào cũng có biểu tình phản đối nhà nước, không vì lý do này thì cũng vì lý do khác. Nếu gọi đó là bất ổn thì tại sao các nước đó phát triển ào ào? Do đó, theo tôi, dân chủ mới là yếu tố cần để một quốc gia phát triển.
 Ý nghĩa lời nói của ông Vịnh nằm chỗ khác. Vì lo ngại TQ đánh chiếm biển Đông, do đó VN cố làm mọi việc để TQ hài lòng, không vịn được bất cứ việc gì có thể kiếm cớ gây sự. Hiện nay các cấp lãnh đạo của VN, nhất là phe quân đội, luôn ca tụng công ơn của TQ đã giúp cho VN trong các cuộc chiến. Ông Vịnh cũng vừa tuyên bố, nội dung đề cập gần xa đến việc khai thác chung với TQ. Đây là mục tiêu của Đặng Tiểu Bình đề ra từ thập niên 80. Nếu việc này xảy ra, phía TQ được hưởng ½ ở những gì mà họ đòi hỏi, thì cũng là một hình thức mất nước.
 Tôi cho rằng thái độ của ông Vịnh là chạy trốn sự thật. Trong khi muốn giải quyết vấn đề, trước tiên phải dân chủ hóa chế độ, tôn trọng nhân quyền, phải nắm lấy cơ hội hợp tác với HK và đưa vấn đề ra một trọng tài phân xử. Nhưng đến hôm nay sợ là đã quá trễ.
 KẾT:
Cám ơn nhà biên khảo TRƯƠNG NHÂN TUẤN đã chia sẻ các nhận định về tình hình Biển Đông trong năm 2012 và viễn ảnh trong năm 2013. Xin hẹn gặp lại Ông trong các buổi phát thanh tới./.
 Publié par Nhan Tuan Truong à l’adresse 04:

Không có nhận xét nào: