Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Việt Nam muốn thu hút 14 tỷ đôla năm 2013



Số vốn FDI được đưa vào sử dụng trong năm 2013 sẽ gần giống như năm 2012
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam năm 2013 có thể đạt từ 13-14 tỷ đôla, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trong buổi họp báo ngày 4/1/2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh cho biết sau khi thảo luận, Bộ đã đưa ra dự kiến vốn đầu tư FDI đăng ký năm 2013 đạt khoảng 13-14 tỷ đôla, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 10,5 - 11 tỷ đôla, tương đương với năm ngoái.

Tính tới tháng 12 năm ngoái, đã có 98 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 14.489 dự án và vốn đăng ký tổng cộng 213,6 tỷ đôla.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013 vẫn sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa thể phục hồi mạnh trong năm tới."

Nhật vẫn là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, chiếm 13,6% số vốn đăng ký.

Giảm rào cản

"Hiên tượng chồng chéo trong chính sách, như chuyện Bộ Kế hoạch Đầu tư thì ra chính sách ưu đãi, Bộ Tài chính lại đánh thuế cần phải được giải quyết"
Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời báo chí trong nước, ông Vinh cho biết Bộ của ông sẽ kết hợp với các Bộ, ngành liên quan để giảm rào cản, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư nước ngoài.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn 2011-2020 nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực," ông Vinh nói.
Việc tăng tốc độ giải ngân, theo ông Vinh, cũng là một điều được chú trọng và sẽ được thực hiện qua tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương bên cạnh việc giảm rào cản với một số ngành dịch vụ Việt Nam đang có nhu cầu.
Vị Bộ trưởng cũng lưu ý các dự án không khuyến khích sẽ bị hạn chế bằng cách "xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế".
Đặc biệt, hiên tượng chồng chéo trong chính sách, như chuyện Bộ Kế hoạch Đầu tư thì ra chính sách ưu đãi, Bộ Tài chính lại đánh thuế, theo ông Vinh, cũng cần phải được giải quyết. Hiện Bộ Kế hoạch đầu tư đã trình chính phủ sửa đổi các nút thắt này.
Ngoài ra các khâu cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là những mục tiêu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắm đến trong năm 2013.

Nâng tầm nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư nói ngành nông nghiệp ở Việt Nam chưa nhận được sự đầu tư hợp lý
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ngành nông nghiệp là một 'cứu cánh' của kinh tế vĩ mô, tuy nhiên chưa nhận được đầu tư hợp lý.
"Từ trước đến nay, việc thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất hạn chế. Ngay cả doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực này cũng thấp," ông nói.
Theo ông Vinh, để khuyến khích FDI vào lĩnh vực này và nâng sản xuất nông nghiệp lên tầm hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao hơn thì phải sửa đổi chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi FDI vào lĩnh vực này mà cụ thể là sửa đổi Nghị định 61 về thu hút đầu tư.
Ông đưa ra ví dụ: "Các doanh nghiệp chế biên nông, lâm sản ... đều có hỗ trợ," và "trong thu hút FDI sẽ quy định nếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vào khu vực, địa bàn khó khăn sẽ được ỗ trợ mạnh hơn ..."

Đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài

Cũng trong cuộc họp ngày 4/1, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài báo trong năm 2012, đã có 75 dự án đầu tư của Việt Nam ra 28 quốc gia được cấp phép, với tổng vốn đầu tư 1.3 tỷ đồng.
Ông Hoàng cũng cho biết, xu hướng đầu tư ra nước ngoài đang có sự gia tăng đáng kể.
Các quốc gia được cho là những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư của Việt Nam, theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar, chủ yếu các ngành chiến lược như dầu khí, thủy điện, cây công nghiệp, viễn thông.
Tuy nhiên theo ông Hoàng, năm 2013 vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ chỉ đạt 1-1,5 tỷ đôla, vốn thực hiện cao nhất chỉ 1 tỷ đôla, thấp hơn so với năm 2012.

Không có nhận xét nào: