Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Lo ngại vì nhiều nhà mạng dùng thiết bị Trung Quốc


Đáng báo động là nhiều máy chủ của các bộ ngành bị tấn công, trong đó có 395 máy chủ bị kết nối âm thầm và thường trực ra nước ngoài để đánh cắp thông tin mật.

Hà Vân (TBKTSG Online) - Hầu hết các thiết bị mà các công ty viễn thông Việt Nam sử dụng đều là sản phẩm của các công ty Trung Quốc Huawei và ZTE. Đây là hai công ty làm dấy lên lo ngại về an ninh thông tin tại các quốc gia, khu vực như Mỹ, châu Âu... trong thời gian qua. 

Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam về an ninh thông tin, trong vòng 12 tháng qua, có 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các hãng sử dụng thiết bị của hai tập đoàn công nghệ này. Riêng trong năm 2009, đã có hơn 5 triệu thiết bị như USB, moderm, router của Huawei và ZTE đã được bán ra trên thị trường Việt Nam. Con số thiết bị của hai hãng này bán ra trong nửa năm nay chưa được hiệp hội này thống kê được. 

Ông Trịnh Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin phía Nam (Vnisa), nhận xét rằng đây là mối lo về an ninh, an toàn cho viễn thông trong nước khi có nhiều thông tin về tin tặc xuất phát từ Trung Quốc đang gây lo ngại trên thế giới. 

“Hiện nay, các thiết bị mạng và viễn thông của chúng ta đều nhập từ các công ty nước ngoài. Chúng ta đang phải tin vào cam kết của nhà sản xuất rằng họ không cài mã độc vào trong thiết bị khi bán cho chúng ta,” ông Minh nói. 

Các chuyên gia an ninh thông tin khác cũng cho rằng, niềm tin này hiện đang bị lung lay khi một số quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Úc và một số nước ở châu Âu e ngại về tính trung thực của cam kết của hai công ty trên. 

Cũng trong báo cáo của hiệp hội An ninh thông tin Việt Nam, trong 12 tháng qua, xu hướng tội phạm mạng nhắm đến các tổ chức và doanh nghiệp với mục đích phá hoại kinh tế gia tăng rất nhanh tại Việt Nam. 

Về hình thức tấn công, đa số tội phạm mạng đều sử dụng hình thức như ăn cắp thẻ tín dụng, lừa đảo trong thương mại điện tử và thanh toán điện tử. 

Ngoài ra, chúng cũng khai thác các lỗ hổng của ứng dụng điện toán đám mây và bảo mật trên thiết bị di động. Một trong những hình thức khá phổ biến hiện này là sử dụng các trang website lừa đảo như nạp thẻ cào điện thoại, các trang web trò chơi online, trang thương mại điện tử giả mạo nhằm ăn cắp mật khẩu và tài khoản ngân hàng. 

Riêng trong 6 tháng đầu năm, có 2.638 loại virus máy tính mới xuất hiện làm lây nhiễm khoảng 4,3 triệu máy tính tại Việt Nam và gây tổn thất khoảng 8.000 tỉ đồng; khoảng 425 website của doanh nghiệp và tổ chức bị tội phạm mạng tấn công. 

Đáng báo động là nhiều máy chủ của các bộ ngành bị tấn công, trong đó có 395 máy chủ bị kết nối âm thầm và thường trực ra nước ngoài để đánh cắp thông tin mật.



Không có nhận xét nào: