Pages

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Cảnh sát VN có thêm quyền nổ súng

Công an Việt Nam
Hai văn bản pháp luật trong tháng Hai được ban hành tăng cường quyền trấn áp của công an Việt Nam
Cảnh sát cơ động Việt Nam được quyền nổ súng để 'trấn áp bạo loạn và tụ tập đông người', theo một pháp lệnh sắp có hiệu lực từ ngày 01/7/2014.
Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tuần này quy định "trong tình huống xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh, cảnh sát cơ động được phép nổ súng trấn áp".

Pháp lệnh gồm 24 điều thông qua hôm 23/12/2013 cũng quy định lực lượng cảnh sát vũ trang này được quyền trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại để đảm bảo nhiệm vụ.
Tuy nhiên, việc nổ súng được quy định "phải tuân thủ những quy định để đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và tính mạng, sức khỏe con người."

“Cảnh sát cơ động được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại,” điều 13 của Pháp lệnh ghi rõ.
"Pháp lệnh cũng quy định việc nổ súng của cảnh sát cơ động trong trường hợp xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh do Bộ trưởng Công an quyết định"
Báo Dân trí
Ngoài ra, theo quan chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Việt Nam, lực lượng này còn được trang bị, sử dụng một số loại vũ khí khác "không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh đó và được trang bị, sử dụng các loại phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng."
Theo pháp lệnh mới, Bộ trưởng Bộ Công an "có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc."
Ở các tỉnh thành, địa phương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương "có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ trong địa bàn quản lý" và "kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an và chịu trách nhiệm về quyết định của mình."

'Ngăn ngừa sai phạm'

Pháp lệnh cũng nêu một số quy định nhằm hạn chế sai phạm liên quan điều động lực lượng cảnh sát vũ trang này.
Theo đó, sáu hành vi bị nghiêm cấm là: "Tổ chức, điều động, sử dụng Cảnh sát cơ động trái với quy định của Pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan:
"Chống lại hoặc cản trở Cảnh sát cơ động thi hành công vụ; Giả danh Cảnh sát cơ động; Lạm dụng, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân."
Công an Việt Nam
Lực lượng an ninh mới được pháp nổ súng với những trường hợp 'chống cán bộ thi hành công vụ'
Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, nhà nước Việt Nam thông qua các quy định liên quan tới việc tăng cường quyền của các lực lượng an ninh, trong đó công an, trong xử lý các vấn đề liên quan trật tự, trị an trong xã hội.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam ra nghị định cho phép lực lượng an ninh được dùng vũ lực hoặc nổ súng đối với những trường hợp 'chống cán bộ thi hành công vụ'.
Nghị định 208/2013/ND-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành vào ngày 17/12 và có hiệu lực từ ngày 01/2/2014 viết:
"Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí ... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực... hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ”.
Theo văn bản quy phạm pháp luật này, hành vi 'chống người thi hành công vụ' được xác định là "hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực" đối với người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, việc "không chấp hành hiệu lệnh," "có hành vi nhằm cản trở người thi hành công vụ hoàn thành nhiệm vụ" cũng bị quy là "chống người thi hành công vụ".

'Đâu là giới hạn?'

Các quy định mới có thể gây ra một tranh cãi, luật sư Nguyễn Văn Miếng, từ văn phòng luật sư Hồng Đức, trong một trao đổi mới đây với BBC cho rằng nghị định này đã "vượt quá giới hạn phòng vệ".
"Người ta chống cự mình như thế nào thì mình chỉ được chống lại theo một cách tương đương, chứ không thể vượt quá giới hạn chính đáng được. Nếu người ta chống bằng tay không mà anh lại nổ súng, thì đó là sai rõ ràng"
Luật sư Nguyễn Văn Miếng
Ông nói: "Người ta chống cự mình như thế nào thì mình chỉ được chống lại theo một cách tương đương, chứ không thể vượt quá giới hạn chính đáng được. Nếu người ta chống bằng tay không mà anh lại nổ súng, thì đó là sai rõ ràng."
Còn luật sư Hoàng Văn Hướng, thuộc văn phòng luật sư Hoàng Hưng, nói với BBC cần phải có quy định cụ thể trong trường hợp nào thì được phép nổ súng.
"Cái cơ bản là quy trình tác nghiệp của người thi hành công vụ. Phải đặt ra dấu hỏi là nổ súng vào ai, chứ không phải ai vi phạm cũng nổ súng", ông nói.
Hôm thứ Tư, bình luận về cả hai văn bản Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động và Nghị định 208/2013/ND-CP, một chuyên gia về luật nhân quyền từ Việt Nam không muốn tiết lộ danh tính nói:
"Nếu không có chế tài phù hợp, các quy định pháp luật mới này có thể dễ dàng tạo ra điều kiện và cho phép các sai sót, sai phạm trong lĩnh vực nhân quyền,
"Mặt khác, ranh giới giữa đâu là những hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị trấn áp và những người vô tội được xem là chưa hoàn toàn rõ ràng, tường minh, có thể dẫn tới việc nhiều quyền cơ bản của công dân như tự vệ chính đáng, biểu tình, biểu đạt chính kiến, khiếu nại v.v... sẽ bị trấn áp, đe dọa bằng bạo lực một cách sai trái và nghiêm trọng," ý kiến quan sát này nói với BBC.

Không có nhận xét nào: