Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Chẳng nhẽ lấy Nhục làm Vinh?

Ngày 3-12-2013 vừa qua, Bộ giáo dục đào tạo đã báo cho cả nước biết một tin vui, là Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới OECD (Organization for Eonomic Coopenration and Development) đã công bố bảng xếp hạng “Chương trình đánh giá học sinh Quốc tế PISA (Programme for International Student Assement), theo đó Việt Nam được xếp thứ 17 trên 65 nước tham gia, trong khi Anh quốc chỉ xếp thứ 26.

“Thắng lợi của Việt Nam đã gây bất ngờ cho thế giới!” - một quan chức cấp cao Bộ giáo dục đào tạo tuyên bố như vậy. Một quan chức khác, cũng của bộ này kiêu hãnh nói rằng: “Cả thế giới bị thuyết phục!” .


Ôi, vinh hạnh quá!

Ai cũng biết PISA là một cuộc khảo sát chu kỳ 3 năm một lần, để theo dõi tiến bộ của nền giáo dục trong việc phấn đấu đạt các mục tiêu giáo dục cơ bản, nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh ở tuổi 15, là tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc. Cuộc trắc nghiêm này đặt ra câu hỏi: “Liệu nhà trường của chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ cho người trẻ tuổi những thách thức của cuộc sống của người trưởng thành chưa?”. Phải làm gì để tuổi trẻ bước vào đời bằng chính đôi chân của mình? Bởi thế PISA không chỉ khảo sát trình độ đọc, hiểu, toán, khoa học mà còn hỏi học sinh về động cơ và niềm tin về bản thân mình. Mục tiêu của PISA là “Để chuẩn bị đáp ứng các thách thức của cuộc sống ở mức độ nào!?”.

Với ý nghĩa mục đích mang tính chiến lược và rất nhân văn như vậy, cuộc khảo sát rất nghiêm túc, đòi hỏi sự trung thực tuyệt đối của mỗi quốc gia dự thi. Hiện nay trên thế giới đã có 65 nước tham gia vào chu kỳ khảo sát này, và Việt Nam là thành viên mới nhất.

Mới nhất nhưng lại tiến bộ nhất: Nhảy phắt lên đầu 48 nước ! Và hiên ngang vượt Anh quốc , một đất nước có nền giáo dục hiện đại, 9 bậc.

Bao nhiêu năm qua, ngành giáo dục Việt Nam cải đi, cách lại chả thấy tiến bộ chút nào. Chạy trường, mua lớp, mua điểm, dạy kèm, học chay, bằng giả...vẫn là vấn nạn. Bệnh thành tích hết thuốc chữa. Hình ảnh những ngôi trường tơi tả, những lớp học tạm ở vùng sâu vùng xa, thầy cưỡng bức trò, và bạo lực học đường làm nhói lòng các bậc ông, bà cha mẹ. Bộ trường giáo dục đào tạo Phạm Vũ Luận là một trong những quan chức có phiếu tín nhiệm thấp nhất trong cuộc thăm dò của Quốc hội vừa qua. Vậy mà bùng một phát trở thành ngôi sao sáng chói giữa trời!

Phép mầu nào vậy nhỉ?

Theo nguồn tin của Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh: Từ tháng 5-2011, ngành giáo dục đã chính thức triển khai tập dượt chương trình PISA tại 40 cơ sở giáo dục, thuộc 9 tỉnh thành phố (Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, T/p Hồ Chí Minh, Gia Lai, Công Tum, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định). Tháng 4-2012 đã tổ chức khảo sát chính thức PISA tại 162 trường, thuộc 59 tình thành, với 5.100 học sinh tuổi 15. Các thầy cô giáo đã biết rõ điểm yếu của hầu hết học sinh và kết luận: Nếu không chuẩn bị kỹ cho học sinh làm quen với tư duy của các dạng đề thi PISA, các em sẽ không thể giải đúng”. Do đó “Trường nào cũng phải cho học sinh hiểu, làm quen với PISA từ 4 đến 8 buổi, trong đó không thể thiếu việc giải đề mẫu để làm quen với hình thức ra đề ở những năm trước” …

Đấy, cái phép mầu để đạt thứ hạng cao PISA của Việt Nam là thế! Chả mới mẻ cao siêu gì, vẫn là trường điểm, đội mẫu, học thuộc, thi thử...những mánh lới luồn lách của anh chàng khôn vặt. Đó là những mánh lới đã từng tạo ra cả một bộ sưu tập các nhà vô địch Olympic toán quốc tế, đặc biệt các cuộc thi Robotcom không thèm đứng thứ nhì!

Không ít người đặt câu hỏi: Học sinh Việt Nam thông minh thế, học giỏi thế, sao ít có những phát minh độc lập, cách hành xử kém văn hóa và rất lạc lõng khi tiếp xúc với cộng đồng thế giới? Sao xã hội ta ngày càng lắm thủ đoạn lừa gạt làm giàu bất chính? Và sâu xa hơn, phổ quát hơn, là sao đạo đức Việt Nam xuống cấp và vẫn nghèo nàn lạc hậu?

Có lẽ ngành giáo dục gián tiếp trả lời qua việc tạo ra cái “kỳ tích xếp hạng PISA”. Đó là thói quen “Lộng giả thành chân!” đánh mất ý chí tự cường và lòng tự trọng.

PISA là để chuẩn bị cho người trẻ tuổi những thách thức của cuộc sống khi bước vào tuổi trưởng thành, giúp họ tự tin vào chính mình để vượt qua những thách thức cam go một cách quang minh chính đại. Nói cách khác, là để giúp tuổi trẻ tiếp cận cuộc sống, phấn đấu đạt được mục đích cuộc sống bằng chính năng lực của bản thân.

Trái với tinh thần ấy, bằng các lảm của mình, ngành giáo dục Việt Nam đã vạch cho họ con đường ngắn nhất để đi đến đích trước mọi người, là gian lận.

Căn bệnh thành tích đẻ ra gian lận. Căn bệnh ấy té ra không chỉ ở cơ sở, từng trường, từng lớp, từng địa phương, từng giáo viên mà ở tận đầu nguồn, không phải cấp tính mà đã ngấm sâu trong não bộ!

Buổi tối hôm ấy ngồi xem TV, nghe thông báo Việt Nam chiến thắng trong cuộc thi sát hạch PISA, mấy người bạn tôi đã phá lên cười, và nói: “Vừa mới được bầu vào Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc với phiếu áp đảo, giờ lại được thứ bậc cao PISA, các ông cộng sản giỏi thiệt!”.

Vâng, rất giỏi. Nhưng có đáng tự hào?

Đài BBC bình luận: “Việt Nam đoạt PISA thứ hạng cao chả có gì bất ngờ” Đài này còn tiết lộ: “Bây giờ các ‘ban chuyên trách’ cũng lại được thành lập tại nhiều cấp và sẽ tiếp tục công tác chuẩn bị cho kỳ sát hạch 2015”.

Thành tích hoặc danh hiệu gì thì cũng nên phản ảnh đúng thực chất, đó cũng là nhu cầu của sự nghiệp đổi mới – nhìn thẳng vào sự thật. Nền giáo dục nước ta hiện nay có xứng đáng được xếp hạng vinh danh được như vậy chưa? Chẳng lẽ vì ‘chạy theo thành tích’ mà bị mang tiếng với dư luận rằng: “Chiến thắng” như thế khác nào lấy nhục làm vinh ?!

Minh Diện

(Blog Bùi Văn Bồng)

Không có nhận xét nào: