Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Những chỉ dấu về một quốc gia thất bại

Kính Hòa, phóng viên RFA


000_Hkg8442283-305.jpg
Công an và dân phòng ngăn chặn người dân đến dự phiên tòa xử gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Tòa án Hải Phòng sáng 02/4/2013
AFP photo
Sự vắng mặt của lực lượng trị an trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản dân chúng, sự sử dụng lực lượng côn đồ để trấn áp đối kháng, phải chăng là chỉ báo của một xã hội ngày càng mất kiểm soát?

Lực lượng “quần chúng tự phát”

Ngày 10/12, ngày Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam bị tấn công tại TP HCM và Đà Nẵng. Nhiều người bị thương tích nặng, và những việc này diễn ra với sự chứng kiến của các nhân viên công an và dân phòng. Cùng ngày, các nhà hoạt động tổ chức nói chuyện và phát tờ rơi về hiến chương nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trước chợ Bến Thành bị những người gọi là “quần chúng tự phát” ném mắm tôm vào người.

Trong vài năm trở lại đây, những nhóm người gọi là “quần chúng tự phát,” từ được báo chí nhà nước sử dụng khi phải đưa những tin tức thuộc loại này,  hầu như luôn luôn xuất hiện để tấn công những người đang tổ chức các hoạt động mà nhà nước của đảng cộng sản Việt Nam không thích. Từ biểu tình đòi đất của nông dân, cho đến những vụ có liên quan đến tôn giáo, từ biểu tình chống sự gây hấn của Trung Quốc đến việc tham dự các phiên tòa xử các nhà đối kháng.
Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật. Pháp luật đó không có tác dụng, bây giờ người ta noi gương chính quyền mà sử dụng bạo lực.
-Phạm Đình Trọng
Ngày 5/12 một xe chở bia bị lật gần thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, hàng ngàn lon bia đổ tràn ra đường. Hàng trăm người đổ đến cướp những lon bia và tài sản của người lái xe.  Không thấy bóng dáng công an và dân phòng. Báo chí nhà nước cũng đã đưa tin này nhưng không thấy sử dụng cụm từ “quần chúng tự phát.”
Những vụ cướp tàn sản của người bị tai nạn ngoài đường phố ngày càng nhiều, ngay cả báo chí nhà nước cũng đưa tin. Còn ở thôn quê, những vụ trộm chó đã dẫn đến việc đám đông đánh chết kẻ trộm mà không có nhân viên công quyền can thiệp. Các nhóm người khai thác cát lậu ở Hải dương đã ẩu đả với dân làng gây nhiều thương vong. Hồi tháng 10 năm 2013, đến phiên các nhân viên công an bị dân làng bắt trói, làm áp lực với chính quyền để thỏa mãn những yêu cầu của họ.
Đứng trước những diễn tiến này, nhà văn Đại tá Phạm Đình Trọng, người đã công khai từ bỏ đảng cộng sản cách đây mấy năm Đã nói với chúng tôi trong một lần trao đổi:
“Cái này nó báo động một sự việc nghiêm trọng, đó là một xã hội bạo lực. Một xã hội bạo lực đang thắng thế và cái sự thắng thế này nó bắt đầu từ chính quyền. Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật. Pháp luật đó không có tác dụng, bây giờ người ta noi gương chính quyền mà sử dụng bạo lực. Chính quyền dùng bạo lực với dân quá phổ biến và trở thành bình thường. Việc đó trở thành một khuôn mẫu ứng xử của xã hội thì bây giờ người dân người ta cũng ứng xử như thế thôi.”
1229862_385456651557282_183864447_250.jpg
Công an, côn đồ bao vây dân để để xe ủi phá hoại tài sản hoa màu tại Văn Giang ngày 17-9-2013. Courtesy FB NghiemVietAnh.
Cái bạo lực mà cơ quan công quyền dùng để đối xử với dân chúng chính là lực lượng công an, dưới lăng kính của chủ nghĩa Mác Lê là công cụ trấn áp bằng bạo lực của giai cấp. Nhưng lực lượng trấn áp đó đối với các nhà đối kháng như trong buổi kỷ niệm ngày nhân quyền vừa qua lại được các nhà hoạt động nhân quyền chỉ ra rằng được nguy trang dưới vỏ bọc của các nhóm “quần chúng tự phát.” Blogger Bùi Thanh Hiếu nói:
“Thường thì họ mang loại sắc phục khác nhau, thí dụ như sinh viên thì họ đồng nhất mặc quần bò áo thun bó sát người, đấy là về thanh niên. Về nữ thì họ mặc đồng loạt áo trùm đầu chấm hoa, trùm khăn và đeo khẩu trang. Họ ăn mặc như thế và thống nhất với nhau. Sau đó trà trộn vào trong dân. Công an bên ngoài đã được lệnh những người như thế nên tránh họ ra.”
Dĩ nhiên là các cuộc tấn công những người đối kháng không bao giờ được lực lượng công an thừa nhận.
Chưa có thống kê về ngân sách của ngành công an ở Việt nam, nhưng ở nước láng giềng cùng thể chế là Trung Quốc, người ta biết rằng ngân sách của lực lượng này cao hơn cả bộ quốc phòng. Tức là người ta sợ những rối loạn bên trong hơn là kẻ thù bên ngoài. Tương tự như vậy, bộ máy công an ở các quốc gia cộng sản cũ cũng rất khổng lồ. Trong một khảo cứu gần đây của Đại học Western Washington thì trong xã hội Đông Đức cũ, cứ tám người dân thì có một người tham gia vô các lực lượng an ninh không chính thức hay là làm chỉ điểm, mật vụ cho đảng cộng sản cầm quyền.

Chỉ báo về một quốc gia thất bại

Thế nhưng tại sao một lực lượng hùng hậu như vậy lại không ngăn cản được người dân cướp bia, hay cướp tài sản người bị nạn ngoài đường phố?
Có thể nguyên nhân đầu tiên là một nguồn lực lớn của lực lượng này được đổ vào việc kiểm soát các hoạt động của những người đối kháng, và cả những hoạt động của những tổ chức dân sự không thuộc sự kiểm soát của đảng!
Nhưng quan trọng hơn là quan điểm về luật pháp của đảng cầm quyền. Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã nói với báo chí rằng Hiến pháp của quốc gia đứng sau cương lĩnh của đảng cộng sản. Bình luận về câu nói này, Đại tá Phạm Đình Trọng nói:
Chính quyền dùng bạo lực với dân quá phổ biến và trở thành bình thường. Việc đó trở thành một khuôn mẫu ứng xử của xã hội.
-Phạm Đình Trọng
“Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được.
Đây là cái nhận thức của ông ấy, chứ không phải ông ấy lỡ lời. Đây là một nhận thức sai trái, vô cùng nguy hại. Dân tộc Việt Nam có một ông đứng đầu đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì nguy hiểm quá. Với một đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước vô pháp luật.”
Điểm lại những sự kiện trong năm vừa qua: côn đồ hành hung người dân mà không có sự can thiệp của công quyền, kẻ trộm bị đánh chết không xét xử, cướp tài sản người khác giữa thanh thiên bạch nhật… Thì thấy rằng một xã hội không được kiểm soát đã xuất hiện, bên cạnh sự tha hóa quyền lực của giới cầm quyền. Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, người bị hành hung vào ngày 10 tháng 12 vừa qua tại Đà Nẵng nói về lực lượng công an:
“Một nhà nước được người dân lập ra đóng thuế để bảo an, để bảo vệ người dân, trấn áp ‘côn đồ các đảng’ mà bây giờ bị thoái hóa đến mức mà hai lực lượng này có lẽ cấu kết với nhau thì trở thành một nhà nước côn đồ, phát xít rất nguy hiểm.”
Lực lượng kết hợp của côn đồ và công an dĩ nhiên không ngăn cản được các vụ buôn bán phụ nữ xuyên biên giới như vụ nhà chứa có liên quan đến sứ quán Việt nam tại Nga, hay không thể cản được các vụ buôn bán ma túy như vụ hàng trăm ký lô heroin lọt cửa hải quan vừa rồi tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong chính trị học hiện đại, có một khái niệm được gọi là những “quốc gia thất bại.” Đó là nơi mà các tầng lướp lãnh đạo rất tham nhũng, một số đông dân chúng rất bần cùng, bạo lực ngự trị xã hội… Những chỉ dấu như thế đã xuất hiện ở Việt Nam ngày một nhiều: Tình hình tham nhũng được chính các nhà lãnh đạo Việt Nam thừa nhận là rất nặng nề, người dân không được bảo vệ bởi luật pháp và nhân viên an ninh, nạn buôn người và ma túy phát triển mạnh…
Năm 2009, quỹ Hòa Bình thế giới Carnegie xếp Việt Nam nằm ở ranh giới để bước vào nhóm các quốc gia thất bại. Bốn năm đã trôi qua, các chỉ dấu cho một quốc gia thất bại dường như lại nặng nề hơn
!

Không có nhận xét nào: