Pages

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Tiên đoán "đại mưu đồ" của Tập Cận Bình năm 2014

(Kienthuc) Năm 2013, Trung Quốc được cho đã gây nhiều sóng gió trên sân khấu chính trị thế giới. Một câu hỏi đặt ra, năm 2014, những bước đi tiếp theo của Trung Quốc là gì?

Theo ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ ở Trung Tâm Wilson, 3 sự kiện chính liên quan đến Trung Quốc thống trị truyền thông nước Mỹ trong năm 2013 bao gồm: Hội nghị vạch ra hướng đi của con rồng châu Á trong thập kỷ tới gần đây; động thái đơn phương lập Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông của Bắc Kinh và việc nước này trì hoãn cấp visa cho phóng viên, nhà báo Mỹ.
Trong thời điểm năm 2013 sắp khép lại và năm 2014 đang tới gần, câu hỏi về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc thời gian tới rất được dư luận quan tâm. Trả lời về vấn đề này, ông Robert Daly đưa ra một số dự đoán thú vị, đáng chú ý.

Theo nhà phân tích này, chương trình nghị sự của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục xoay quanh 3 vấn đề chìa khóa bao gồm: Cải cách, Hồi sinh và Đàn áp.



1. Cải cách

Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Quốc" ngay từ khi lên cầm quyền.

Trong hội nghị thảo luận về hướng đi của Trung Quốc trong thập kỷ tới, Chủ tịch Tập tuyên bố các mục tiêu chính sách chìa khóa của ông bao tăng trưởng bền vững, tăng cường an sinh xã hội, cải thiện vấn đề môi trường và nỗ lực làm trong sạch chính phủ. Chủ tịch Tập Cận Bình trông rất tự tin chương trình cải cách ông quyết tâm theo đuổi. Nhưng đây cũng sẽ là thử thách không hề đơn giản, kiểm tra quyền lực của nhà lãnh đạo và tiến trình phát triển của Trung Quốc trong năm tới.
Theo ông Robert Daly, nếu Chỉ tịch Tập có thể loại bỏ toàn bộ bổng lộc và đặc quyền mà giới tinh hoa chính trị - không phải một mà là hàng triệu quan chức - vốn quen được hưởng bấy lâu nay, đây sẽ là sự thay đổi vĩ đại và mang lại lợi ích đáng kể cho Trung Quốc. Nhưng nếu Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ cố tạo ra ảo giác về tiến trình cải tổ, phát triển thông qua một vài thông báo cách chức, điều tra, bỏ tù quan tham; các cuộc họp phê bình và tự phê bình… ông sẽ chỉ ra kêu gọi và nỗ lực cải cách chỉ là trò vờ vịt. Và sẽ không khó để thấy các dấu hiệu chứng tỏ Trung Quốc trì trệ và mong manh, yếu ớt.

2. Sự hồi sinh
Trong bài diễn văn đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây tiếng vang với lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân phấn đấu hết mình để hiện thức hóa "Giấc mơ Trung Quốc”.
Trên trường quốc tế, Giấc mơ Trung Quốc đặt ra yêu cầu bành trướng sức mạnh và quyền lực ở Tây Thái Bình Dương – điều Bắc Kinh cho là tự nhiên, không bàn cãi và thỏa đáng. Tự nhiên có nghĩa là Trung Quốc có quyền theo đuổi mục tiêu này. Không bàn cãi nghĩa là không quốc gia nào khác có thể ngăn chặn mục tiêu này của Trung Quốc. Và cuối cùng, thỏa đáng là muốn khẳng định, bản thân Trung Quốc là một cường quốc hiền hòa.
Sự mặc định về địa vị của Trung Quốc và mối quan ngại của nhiều quốc gia khác rằng, Bắc Kinh sẽ theo đuổi các mục tiêu của họ bằng mọi giá chính là nguyên nhân tạo ra căng thẳng ở khu vực Đông Á.
Tham vọng cường quốc cũng giải thích cho việc Bắc Kinh lập Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông và có thể sẽ đưa ra động thái tương tự ở Biển Đông, thậm chí Biển Hoàng Hải trong năm 2014 bất chấp dư luận quốc tế.
Từ đó, thử thách đối với Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm tới sẽ là khả năng tiếp cận và xoa dịu các nước láng giềng châu Á của ông. Trong những tháng gần đây, ngoại giao khu vực của Bắc Kinh đã “dậm chân tại chỗ” khi nhiều nước láng giềng của họ đồng loạt tăng ngân sách quân sự và nỗ lực hình thành những liên minh mới để chống lại sức mạnh quân sự đang lên của “người khổng lồ châu Á.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập vẫn có thể xoay chuyển tình thế nếu trong năm tới, ông chỉ ra các nỗ lực hợp tác chân thành với các nước láng giềng để giải quyết bất đồng, tranh chấp từ đó, cải thiện, tăng cường quan hệ. Nhờ đó, vị thế của Trung Quốc trong khu vực có thể được khôi phục và khu vực Tây Thái Bình Dương “trời yên bể lặng” hơn.
Ngược lại, nếu Bắc Kinh vẫn thực thi chiến lược ngoại giao bắt nạt, chèn ép, làm căng thẳng khu vực leo thang, con rồng châu Á sẽ phải đối mặt với sự ghẻ lạnh và phản ứng chống trả từ các láng giềng khu vực.

3. Đàn áp

Năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc bị cáo buộc tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch đàn áp các blogger, nhà báo, nhà hoạt động bất đồng chính kiến. Bắc Kinh cũng bị cáo buộc thực thi chính sách đàn áp mạnh ở khu vực Tân Cương và Tây Tạng.
Có 3 lý do cơ bản để Chủ tịch Tập tiếp tục theo đuổi đường lối của những người tiền nhiệm. Một là quan điểm chỉ có Đảng Cộng sản mới có khả năng đảm bảo sự ổn định cần thiết để hiện thực hóa Giấc mơ Trung Quốc. Hai là tự do ngôn luận đe dọa sự thống trị của Đảng cầm quyền. Và cuối cùng, Đảng Cộng sản phải hạn chế quyển tự do để đẩm bảo sự thịnh vượng. Tuy nhiên, nhiều người cáo buộc các chiến dịch đàn áp quyết liệt của Bắc Kinh đang phản tác dụng và gây ra sự bất mãn trong xã hội, đặc biệt là ở các khu vực Tân Cương và Tây Tạng.
Từ đó, sẽ thú vị để chờ xem, năm tới liệu Chủ tịch Tập sẽ tiếp tục thực thi chiến lược đàn áp và đàn áp mạnh tay hơn hay sẽ áp dụng chính sách xoa dịu, giảm kiểm duyệt để an dân – điều mà chỉ một nhà lãnh đạo thực sự mạnh mẽ và có tầm nhìn hiện đại mới có thể thực hiện./Bạch Dương (theo CNN)

Không có nhận xét nào: