Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Báo Thanh Niên đưa tin: Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại (Trọn bộ)

Châu Minh Linh
Theo báo Thanh Niên

Dân Luận: Hoan hô báo Thanh Niên đã không ngần ngại đề cập đến đề tài lịch sử nhạy cảm này. Giá mà công khai thêm cả việc chính quyền miền Bắc phản ứng thế nào nữa cho đủ đa chiều thì tốt :D
Các tường thuật có chi tiết mâu thuẫn nhau về Hải chiến Hoàng Sa, nhưng có một thực tế không thể chối cãi, đó là Trung Quốc đã ngang nhiên xâm lăng quần đảo của Việt Nam. Và người Việt Nam đã chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, nhiều người đã bỏ mình vì nước.

Hải chiến Hoàng Sa: Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH ngày 19.1.1974

(TNO) Ngay khi trận Hải chiến Hoàng Sa đang diễn ra vào ngày 19.1.1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa đã ra tuyên cáo lên án Trung Quốc xâm lược và khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của VNCH tại quần đảo này. Dưới đây là toàn văn tuyên cáo. 



Bản tuyên bố
“Sau khi mạo nhận ngày 11.1.1974 chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Trung Cộng đã đưa Hải quân đến khu vực Hoàng Sa, và đổ bộ quân lính lên các đảo Cam Tuyền (Hữu Nhật - TNO), Quang Hòa và Duy Mộng.
Lực lượng Hải quân Trung Cộng gồm có 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn.

Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải rời khu vực.

Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt Nam.

Sáng ngày 19.1.1974, hồi 10 giờ 20, một hộ tống hạm Trung Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu trục hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt Nam Cộng Hòa. Để tự vệ, các chiến hạm Việt Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên.

Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.

Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền và an ninh của Việt Nam Cộng Hòa, mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.

Với tư cách là một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công, Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo của Trung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó. Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á châu.

Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia”.
/TNO (giới thiệu)


Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 2: Hành quân giữ đảo

(TNO) Sự kiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngụy xưng chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 11.1.1974 là lời thách thức trắng trợn đối với chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Ngay lập tức, chính quyền Sài Gòn đã có phản ứng bằng ngoại giao và quân sự. 


Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa ra chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974
- Ảnh: Tư liệu
Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận vơ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, “ngay ngày hôm sau, 12.1.1974, với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã chính thức và cương quyết lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và lên án hành động gây hấn của nước này”, ông Vương Văn Bắc, nguyên là Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa, nhớ lại trong một bài viết được công bố tại Paris vào năm 2007.
Ông Bắc, là một luật sư, còn cho biết: “Ngày 16.1.1974, cũng với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã gửi công điện cho ông Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để lưu ý Hội đồng Bảo an tới tình hình căng thẳng nghiêm trọng gây ra bởi lời tuyên bố ngang ngược và những hành vi trái phép của Trung Cộng trong vùng Hoàng Sa, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh tại vùng này. Chính phủ VNCH yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban bố mọi biện pháp thích nghi để cải thiện tình hình”.

Lệnh hành quân

Giữa lúc tình hình căng thẳng leo thang tại Hoàng Sa, song song với các động thái ngoại giao, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã tăng cường chiến hạm ra vùng biển đảo này. Ngày 15.1.1974, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải lệnh cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) trực chỉ Hoàng Sa phối hợp với lực lượng quân sự thường trực tại đây sử dụng biện pháp hòa bình để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Trước đó, tàu Hải quân VNCH chỉ đến Hoàng Sa trong những chuyến tuần tra định kỳ; còn lực lượng trú đóng chỉ bao gồm một trung đội Địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang với 24 quân nhân.
Trung tá Lê Văn Thự, Hạm trưởng HQ-16, kể lại trong một bài viết vào năm 2004: “Ngày 15.1.1974, tàu tôi - HQ-16 - được lệnh ra công tác đảo Hoàng Sa, chở theo một cố vấn Mỹ và một thiếu tá Bộ binh thuộc Quân đoàn I. Tàu khởi hành tối 15.1.1974 và đến Hoàng Sa sáng ngày 16.1.1974. Khi đến nơi, Địa phương quân trên đảo thấy tàu đã lái xuồng ra đón viên thiếu tá Bộ binh lên đảo. Trong khi chờ đợi để đưa thiếu tá Bộ binh về lại Đà Nẵng, tôi vận chuyển tầu rời đảo Hoàng Sa ra biển, thả trôi tàu gần đảo Quang Hòa”. 
Ông Thự còn cho biết khi dùng ống nhòm quan sát đảo Quang Hòa thì thấy “có một dãy nhà sườn gỗ còn đang xây cất dở dang, chỉ có sàn nhà, chưa có mái” và ông đã gọi báo về Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải. Vào trưa 16.1, HQ-16 phát hiện một tàu chiến Trung Quốc tiến vào vùng biển trong khu vực cụm đảo Lưỡi Liềm.
Lúc bấy giờ, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng đang tuần tra vùng biển gần cù lao Ré (đảo Lý Sơn) thì nhận được lệnh trở về Đà Nẵng để chuẩn bị ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Lúc rời Đà Nẵng ra Hoàng Sa, HQ-4 có quân số 170 người và một trung đội Biệt hải quá giang. Công điện hành quân thượng khẩn số 50.356 của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải, sau khi thông báo việc tàu và quân Trung Quốc xâm chiếm một số đảo ở Hoàng Sa, đã nêu nhiệm vụ: “Lực lượng tham dự hành quân tiến chiếm lại các đảo nói trên khởi sự vào ngày “N”… HQ-16 tiến chiếm lại đảo Money (Quang Ảnh - NV) vào ngày “N” bằng nhân viên cơ hữu… HQ-4 nhận 32 nhân viên biệt hải từ Đà Nẵng vào ngày “N”… đổ bộ chiếm đảo Robert (Hữu Nhật), sau đó là Drummond (Duy Mộng) và Duncan (Quang Hòa). Theo thông tin do Hạm trưởng San chia sẻ với Thanh Niênmới đây, thì vào giai đoạn ban đầu, ông là chỉ huy trưởng cuộc hành quân bảo vệ Hoàng Sa, gồm hai tàu HQ-4 và HQ-16.
Lúc bấy giờ, phía Trung Quốc cũng tăng cường tàu cá và tàu chiến tới khu vực. Một số toán lính của họ cũng được triển khai đổ bộ lên các đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm.
Trước tình hình hết sức khẩn trương, Việt Nam Cộng Hòa đã điều thêm hai tàu Trần Bình Trọng (HQ-5) và Nhật Tảo (HQ-10) đến để tăng cường lực lượng bảo vệ đảo. HQ-5 do trung tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng, đến Hoàng Sa vào trưa 18.1; HQ-10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy, đến nơi vào buổi tối cùng ngày (một số tài liệu cho biết HQ-5 và HQ-10 cùng đến Hoàng Sa vào sáng 18.1; dù khác nhau về giờ, nhưng các thông tin đều khẳng định hai tàu này có mặt vào ngày 18.1).
Đến lúc này, đại tá Hà Văn Ngạc, đi theo tàu HQ-5, thừa lệnh Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải làm chỉ huy trưởng toàn bộ công tác trên mặt biển.


Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư của VNCH

Tàu tuần tra HQ-10 Nhật Tảo của VNCH
Vờn nhau trước trận chiến
Nhắc lại, sau tuyên bố mạo xưng chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 11.1.1974, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự tại nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhóm lưỡi liềm là một cụm đảo nằm ở góc tây nam quần đảo Hoàng Sa, cho tới thời bấy giờ vẫn do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát; còn cụm đảo An Vĩnh ở đông bắc và đảo Linh Côn ở phía đông đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ thập niên 1950.
Về các hoạt động của Trung Quốc tại nhóm Lưỡi Liềm, sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm cho hay đến ngày 15.1.1974, Trung Quốc đã đổ quân lên các đảo Hữu Nhật (Robert), Quang Ảnh (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond). Tài liệu Hoàng Sa - Lãnh Thổ Việt Nam Cộng Hòa do chính quyền Sài Gòn ấn hành cũng đưa thông tin tương tự, và cho biết “chiến hạm ta đã dùng loa và đèn hiệu yêu cầu những người Trung Cộng rời khỏi đảo, nhưng vô hiệu”. Cũng theo tài liệu này, ngày 17.1, vào lúc 7 giờ 45, một tiểu đội xung kích Việt Nam Cộng Hòa đã đổ bộ lên đảo Quang Ảnh mà không gặp sự kháng cự nào. Trên đảo, họ thấy 6 ngôi mộ mới, có bia viết chữ Tàu, có thể là bằng chứng ngụy tạo nhằm chứng tỏ người Trung Quốc đã chiếm giữ đảo từ lâu. Toán xung kích này được lệnh nhổ cờ Trung Quốc, phá hủy hết các dấu tích ngoại bang trên đảo.
Sau khi ra đến khu vực Hoàng Sa vào xế trưa 17.1, HQ-4 đã phối hợp với HQ-16 để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Một số diễn biến căng thẳng đã xảy ra sau đó, khi tàu cá và tàu chiến Trung Quốc tiếp tục tiến sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đôi bên dùng loa phóng thanh để tuyên bố chủ quyền và yêu cầu đối phương rời đi. Hạm trưởng Vũ Hữu San kể lại, sau một hồi giằng co không đạt kết quả, ông đã húc mũi tàu HQ-4 vào tàu cá 407 của Trung Quốc, khiến tàu Trung Quốc bị hư hỏng nặng phần buồng lái.
Cuối buổi chiều 17.1, hai chiếm hạm Kronstadt trang bị hải pháo 100 và 37 ly, mang số hiệu 271 và 274, của Trung Quốc xuất hiện. Hai tàu Trung Quốc tiến nhanh về phía HQ-16 và HQ-4 để uy hiếp. Đáp lại, tàu Việt Nam Cộng Hòa sử dụng đèn hiệu để yêu cầu tàu đối phương rời đi. Sau khoảng 60 phút vờn nhau, hai tàu chiến Trung Quốc lui về đậu gần đảo Quang Hòa và Duy Mộng.
Qua ngày 18.1, các chiến hạm Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, mà theo nhận định của phía Việt Nam Cộng Hòa là muốn tái chiếm đảo Hữu Nhật. Trung tá Lê Văn Thự nhớ lại: “Khoảng 10 giờ sáng ngày 18.1.1974, Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho tôi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, sau đó cho toán người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hòa và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Quang Ảnh. Sau khi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, tôi vận chuyển HQ-16 bên trong lòng chảo để đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán người nhái lên đảo thì một tàu Trung Cộng xuất hiện, cản trước mũi, không cho tàu tôi tiến gần đến đảo.
Tôi phải ngưng máy, vận chuyển để tránh đụng tàu. Nhưng cả hai tàu cũng cọ vào nhau làm dẹp một số trụ căng dây an toàn chung quanh tàu Trung Cộng và làm rách bè nổi của tàu Trung Cộng. Nhờ xáp lại gần, tôi thấy tàu Trung cộng số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12.7 của tàu tôi. Tàu Trung Cộng nhỏ hơn tàu tôi nhưng vận chuyển nhanh nhẹn hơn.
Tôi báo cáo với Đại tá Ngạc những gì xẩy ra. Sau đó tôi lái tàu ra khỏi lòng chảo và đổ bộ toán người nhái vào mặt ngoài biển (mặt nam) của đảo Quang Hòa vào chiều ngày 18.1.1974.
HQ-16 chỉ ở cách xa bờ một, hai hải lý rồi người nhái thả xuồng cao su có trang bị máy mà chạy vào bờ chứ HQ-16 không thể vào sát bờ được vì đá ngầm và san hô. Toán người nhái rời tàu chừng non một tiếng thì gọi máy báo cáo là ở trong bờ bắn ra. Tôi hỏi người liên lạc máy là có thấy người ở trên bờ không và các anh đã lên được bờ chưa? Họ trả lời là đang lội nước ngang ống chân, còn chừng vài chục thước nữa mới tới bờ… 
Vài phút sau thì nghe báo cáo là một thiếu úy người nhái bị bắn chết. Họ xin rút lui vì không thể vào bờ an toàn được. Tôi báo cáo với Đại tá Ngạc và xin cho người nhái rút lui. Toán người nhái đã trở về lại HQ-16”. Viên cố vấn Mỹ mà ông Thự đề cập là Gerald Kosh, một nhân viên của Phòng tùy viên quốc phòng Mỹ tại Việt Nam (DAO).
Trong buổi chiều và tối 18, hai bên ở trong thế kiềm chế lẫn nhau, sử dụng loa, đèn hiệu hoặc di chuyển để đẩy đuổi đối phương. Những diễn biến căng thẳng này vào ngày hôm sau sẽ dâng lên đến đỉnh điểm, trở thành một trận hải chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt mà kết cục của nó trở nên vô cùng đau đớn cho đất nước Việt Nam. (còn tiếp)

Châu Minh Linh
Nguồn ảnh lấy từ tài liệu: “Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của VNCH” của Cục Tâm Lý Chiến-Tổng Cục CTCT-Quân Lực VNCH năm 1974

Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 3: Tương quan lực lượng

(TNO) Trong trận hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974, phía Việt Nam Cộng Hòa có 4 tàu chiến, đối đầu với 6 chiến hạm của Trung Quốc.

Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) là tàu chiến hiện đại nhất bên phía Việt Nam Cộng Hòa
Sau khi Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp cụm An Vĩnh và đảo Linh Côn ở phía đông bắc và đông quần đảo Hoàng Sa từ thập niên 1950, Việt Nam Cộng Hòa vẫn duy trì hoạt động thực thi chủ quyền thường trực tại cụm Lưỡi Liềm ở miệt tây nam cũng như đảo Tri Tôn, các bãi cát, đảo nhỏ khác. Vào thời điểm tháng 1.1974, trên đảo Hoàng Sa nằm ở vị trí trung tâm nhóm Lưỡi Liềm có một đơn vị địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang trấn đóng, cùng với một vài nhân viên khí tượng, hải dương. Đến khi Trung Quốc ngạo ngược mạo xưng chủ quyền vào ngày 11.1.1974 cũng như gia tăng tàu chiến và tàu cá chở quân nhân tới cụm Lưỡi Liềm, Việt Nam Cộng Hòa điều lần lượt 4 tàu chiến ra bảo vệ Hoàng Sa.
Đầu tiên là tàu HQ-16, ra tới Hoàng Sa vào sáng 16.1; tiếp theo là tàu HQ-4 đến nơi vào xế trưa 17.1, mang theo một trung đội Biệt hải (thuộc Sở vòng vệ Duyên hải, đóng tại Đà Nẵng). Ngày 18.1, tàu HQ-5 chở theo một đại đội Hải kích (tức lực lượng người nhái thuộc Hải quân) và tàu HQ-10 ra đến Hoàng Sa.

Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa

Như vậy, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa trước trận hải chiến có 4 tàu vũ trang, với các trang bị, tính năng cụ thể như sau:
Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) nguyên là tàu USS Castle Rock biên chế cho Hải quân Mỹ vào năm 1944, sau đó chuyển qua cho Tuần duyên nước này và rồi bàn giao cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1971. Tàu dài 94,72 m, rộng 12,52 m, độ choán nước 1.766 tấn (tối đa là 2.800 tấn), vận tốc tối đa 18 hải lý/giờ (34 km/giờ). Vũ khí gồm: 1 pháo 127 ly trước mũi; 1 pháo 40 ly đôi ở sân thượng phía trên khẩu 127 ly; 2 khẩu 40 ly hai bên hông và 2 khẩu 20 ly hai bên hông đài chỉ huy. Thủy thủ đoàn khoảng 200 người.
Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) nguyên là tàu USS Chicoteague của Hải quân Mỹ, hạ thủy năm 1942, sau đó chuyển giao cho Tuần duyên Mỹ rồi chuyển cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1972. Tàu có đặc tính tương tự HQ-5.

Chiếc Kronstadt số hiệu 274 của Trung Quốc tham gia Hải chiến Hoàng Sa
Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) là tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. HQ-4 trước đây vốn là tàu hộ tống USS Forster bắt đầu được biên chế vào Hải quân Mỹ năm 1944. Đến năm 1951 nó được chuyển cho Tuần duyên Mỹ và năm 1971 thì bàn giao cho Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Tàu dài 93 m, rộng 11,15 m, có độ choán nước 1.590 tấn; vận tốc 22 hải lý/giờ (39 km/giờ); tàu có tầm hoạt động 16.900 km khi chạy ở tốc độ tiết kiệm 22 km/giờ. Trang bị của HQ-4 gồm có 2 pháo 76 ly, một số súng 20 ly. Khi chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa, một số trang bị của tàu được thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ mới. Theo ông Lữ Công Bảy, Hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành hàng hải kiêm trưởng khối hành quân trên tàu HQ-4, hệ thống hải pháo 76 ly của tàu được điều khiển (nạp đạn và bắn) bằng điện. Thủy thủ đoàn gồm 170 người.
Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) vốn là tàu quét mìn USS Serene (AM-300) của Hải quân Mỹ, được hạ thủy vào năm 1943 và chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa năm 1964. Tàu dài 56,24 m, rộng 10 m, độ choán nước 650 tấn, vận tốc tối đa 14 hải lý/giờ (26 km/giờ). Tàu có 1 pháo 76 ly ở phía mũi, 2 súng 40 ly hai bên hông, 4 súng 20 ly đôi ở hai bên đài chỉ huy.
Phía Việt Nam Cộng Hòa cũng chuẩn bị một lực lượng dự bị gồm tuần dương hạm Trần Quốc Toản (HQ-6) và hộ tống hạm Chí Linh (HQ-11). Có thông tin là các phi đoàn phản lực F-5 và A-37 được lệnh trực chiến ở Đà Nẵng để thực hiện chiến dịch yểm trợ trên không.
Ở đây có một điểm cần lưu ý, đó là cách gọi các loại tàu chiến dưới thời Việt Nam Cộng Hòa khá đặc biệt. Tuần dương hạm là loại tàu lớn nhất của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, nhưng thực ra là tàu cũ của Mỹ, có độ choán nước khá nhỏ và khả năng đại dương, hỏa lực hữu hạn, khác với khái niệm “tuần dương hạm” (cruiser) phổ biến của thế giới, vốn chỉ loại tàu chiến có choán nước trên 9.000 tấn và hỏa lực cực mạnh.

Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) là soái hạm bên phía Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh: Tư liệu
Lực lượng xâm lược của Trung Quốc
Sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm cho biết phía Trung Quốc có tổng cộng 11 tàu các loại, trong đó có hai tàu săn ngầm Kronstadt mang số 271 và 274; 2 chiếc tàu rà mìn T-43 mang số 389 và 396 là có hỏa lực đáng kể. Các tàu còn lại là tàu chở quân hoặc tàu cá được vũ trang. Cuối trận hải chiến, Trung Quốc còn điều thêm hai tàu Kronstadt (281 và 282) nữa.
Tàu hộ tống săn ngầm Kronstadt do Liên Xô sản xuất, kích thước tiêu chuẩn: dài 52 m, rộng 6,5 m, choán nước tối đa 380 tấn và vận tốc tối đa 24 hải lý/giờ (39 km/giờ). Tàu được trang bị 1 pháo 100 ly ở sân trước và 2 súng 37 ly ở sân sau, 2 giàn bom lặn chống ngầm và 2 giàn thả mìn. Thủy thủ đoàn chừng 60 người.
Tàu rà mìn T-43 cũng do Liên Xô sản xuất, với kích thước chuẩn: dài 58 m, rộng 6,1 m, choán nước tối đa 610 tấn và vận tốc tối đa 17 hải lý/giờ (27 km/giờ). Tàu được trang bị pháo 85 ly.
Bên cạnh đó, theo một số nguồn thông tin chưa kiểm chứng, Trung Quốc còn có lực lượng dự phòng gồm 4 xuồng tên lửa cao tốc lớp Komar do Liên Xô sản xuất; một số tàu khu trục, săn ngầm và một số lượng khá lớn máy bay MiG đóng tại đảo Hải Nam. Về khả năng Trung Quốc điều tàu tên lửa và cho máy bay không kích cụm đảo Lưỡi Liềm thì Thanh Niên Online sẽ có bài viết riêng. Ở đây, chúng tôi chỉ tạm đưa ra những thông tin chưa thể xác minh về lực lượng dự bị để bạn đọc tham khảo.

Tương quan

Theo đánh giá của những người trong cuộc, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa có vẻ nhỉnh hơn về mặt “tàu to súng lớn”. Cụ thể, các tuần dương hạm HQ-5 và HQ-16 có đại bác 127 ly, trong khi súng pháo lớn nhất của Trung Quốc chỉ khoảng 100 ly. Tàu của Việt Nam Cộng Hòa lớn hơn nhiều so với tàu của đối phương, do đó có sức chịu đựng lớn hơn. Tàu hộ tống Nhật Tảo (HQ-10), chiếc có hỏa lực yếu nhất và là chiếc nhỏ nhất của phía Việt Nam Cộng Hòa, khi đem so sánh với tàu Trung Quốc thì cũng đã tương đương, chỉ kém về tốc độ.
Về quân số binh sĩ, có vẻ như phía Trung Quốc chiếm ưu thế, vì họ có một số tàu cá chở quân nhân, tàu chở quân. Lực lượng dự phòng của họ cũng có thể được tăng cường từ cụm đảo An Vĩnh, cách cụm Lưỡi Liềm vài chục hải lý. Tài liệu CIA mới được giải mật gần đây cho biết vào thời điểm trước trận hải chiến, Mỹ đã phát hiện Trung Quốc có hoạt động xây dựng hạ tầng ở đảo Phú Lâm thuộc cụm An Vĩnh.
Theo cuốn Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San (cựu hạm trưởng HQ-4) và Trần Đỗ Cẩm, trong một trận hải chiến khi đôi bên gần nhau, cỡ súng lớn chưa chắc đã chiếm được lợi thế vì không tận dụng được tầm bắn xa, hơn nữa nhịp bắn lại chậm. Phần các chiến hạm Trung Quốc có vận tốc cao lại nhỏ nhẹ dễ vận chuyển nên chiếm được ưu thế trong lúc cận chiến, đặc biệt là trong một khu vực có nhiều đá ngầm, bãi cạn như Hoàng Sa. Các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa không những vừa to, cao lại xoay trở tương đối chậm nên là mục tiêu rất dễ dàng cho địch thủ nhắm bắn.
Theo tác giả Trần Đỗ Cẩm, do các chiến hạm Trung Quốc nằm rất thấp gần sát mặt nước nên rất khó bắn trúng. Trong khi các khẩu hải pháo Việt Nam Cộng Hòa nằm trên cao nên xoay trở rất khó khăn, có khi phải hạ cao độ xuống dưới đường chân trời mới có thể nhắm trúng mục tiêu nằm gần. Các chiến hạm Trung Quốc thấp hơn nên dễ dàng nâng cao độ của đại bác chừng dăm ba độ là đã có thể tác xạ hữu hiệu.
“So sánh những sở trường và sở đoản của từng loại chiến hạm, trong trận hải chiến một chọi một tại Hoàng Sa, lực lượng đôi bên có vẻ tương đồng, việc hơn thua phần lớn sẽ do các cấp chỉ huy và tinh thần của thủy thủ đoàn quyết định. Tuy nhiên, kể về lực lượng trừ bị ứng chiến, phía Trung Cộng chiếm ưu thế tuyệt đối, nhất là về mặt không yểm”, theoTài liệu Hải chiến Hoàng Sa/Châu Minh Linh

Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 4: Nổ súng chống giặc

(TNO) Sau nhiều ngày giằng co, cuối cùng súng đã nổ trên biển Hoàng Sa. Trận hải chiến chỉ diễn ra trong hơn 30 phút (không kể các cuộc đụng độ trên đảo), nhưng thời gian ngắn ngủi đó đã để lại cho tất cả người Việt Nam những mất mát vô cùng.

Sơ đồ trận hải chiến theo mô tả trong sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa

Hải chiến Hoàng Sa thực sự đã diễn ra như thế nào thì thật khó có một tường thuật chính xác. Đến nay, nhiều tài liệu quan trọng của Trung Quốc chưa được giải mật, ngoài những tài liệu được tô vẽ để phục vụ mục đích tuyên truyền. Phía chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã công bố nhiều tài liệu ngay sau trận hải chiến với mục đích tố cáo hành vi xâm lược của Trung Quốc, nhưng chỉ lược thuật khái quát trận đánh nên người đọc khó nắm bắt một cách chi tiết.
Nhiều cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng tham gia trận đánh cũng đã kể lại diễn biến, nhưng đều giới hạn trong góc nhìn của cá nhân, những quan sát có được từ vị trí người đó đứng trong trận chiến, cộng thêm một số tài liệu mà người đó thu thập được. Các hồi ức cá nhân này đôi khi mâu thuẫn nhau, khiến những người chỉ tìm hiểu trận đánh qua sách vở đôi khi bối rối.
Trong loạt bài này, chúng tôi tổng hợp nhiều nguồn, gồm tài liệu của Bộ Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa, các sách viết về Hải chiến Hoàng Sa xuất bản ở hải ngoại, các bài viết đăng tải trên mạng, tài liệu lưu trữ tại Việt Nam cũng như phỏng vấn - trực tiếp và gián tiếp - một số nhân chứng là cựu quân nhân từng tham gia trận đánh.

Đổ bộ giành lại đảo

Hồi ức của các cựu hạm trưởng Vũ Hữu San và Lê Văn Thự đều cho biết tàu Việt Nam Cộng Hòa chủ động nổ súng vào tàu xâm lược Trung Quốc.
Ông Lê Văn Thự, cựu hạm trưởng HQ-16, nhớ lại: “Chiều ngày 18.1.1974, khoảng 6 giờ, đại tá Ngạc gọi máy cho tôi và ra lệnh cho tôi chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán người nhái lên đảo Quang Hòa...
Đến tối ngày 18.1.1974, máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Cộng phá rối tần số, không liên lạc được. Tôi không thể gọi đại tá Ngạc, HQ-4 hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải. Tôi chỉ liên lạc được với HQ-10 bằng máy PRC-45 là loại máy truyền tin xách tay, chỉ liên lạc được trong vòng 10 hải lý.
Sau khi nhận lệnh, tôi nghĩ chỉ còn cách đổ bộ toán người nhái vào ban đêm mới may ra lên được đảo, nhưng chưa chắc toán người nhái đã vào trót lọt được vì có thể tàu Trung Cộng theo dõi và liên lạc chỉ điểm cho người của họ trên đảo canh chừng để bắn khi người nhái vào bờ... Vì thế, muốn thi hành lệnh của đại tá Ngạc, tôi nghĩ chỉ còn cách là phải tiêu diệt tàu Trung Cộng trước rồi mới tính chuyện đổ bộ người nhái lên đảo sau”.
Ông Thự kể rằng lúc này phía Trung Quốc điều thêm hai tàu nữa. Ông liền gọi cho thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng HQ-10, để bàn kế hoạch. Theo đó, HQ-10 và HQ-16 sẽ rời xa các đảo trong đêm, tắt hết ánh sáng trên tàu để địch không biết vị trí, vào sáng sớm sẽ tiến vào vùng lòng chảo bên trong cụm Lưỡi Liềm để tấn công chiến hạm Trung Quốc.
Sáng sớm 19.1.1974, các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa tiến vào vùng lòng chảo giữa cụm đảo. Theo hồi ức của Hạm trưởng San, lúc bấy giờ bốn tàu chiến của Trung Quốc mang các số hiệu 389, 396, 271 và 274 cũng tiến ra nghênh chiến. Lúc 6 giờ 48 phút, lực lượng đổ bộ bắt đầu được triển khai: toán Biệt hải trên HQ-4 đổ bộ mặt nam đảo Quang Hòa, toán Hải kích trên HQ-5 đổ bộ mặt tây nam đảo. Khi tiến vào đảo, họ đã bị quân Trung Quốc nấp trong công sự bắn ra. Lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đáp trả bằng súng phóng lựu M.79 và tiểu liên M.16. Cuộc cận chiến trên đảo khiến trung úy Lê Văn Đơn và một thành viên tên Long của toán Hải kích tử trận, 2 thành viên khác bị thương. Toán Biệt hải cũng bị lực lượng Trung Quốc đông đảo uy hiếp. Đến khoảng 9 giờ 30, trước tình hình bất lợi, các lực lượng đổ bộ rút về tàu, mang theo những người bị thương và thi thể người tử trận. Như vậy, nỗ lực đổ bộ giành lại quyền kiểm soát tại đảo Quang Hòa của Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại.
Cũng theo tường thuật trong sách của cựu Hạm trưởng Vũ Hữu San và tác giả Trần Đỗ Cẩm, từ 10 giờ 17 cho tới 10 giờ 24, các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa di chuyển chiến thuật để lập một vòng cung phía tây đảo Quang Hòa. Phân đội bắc gồm HQ-16 và HQ-10 di chuyển tới tây bắc đảo, phân đội nam gồm HQ-5 và HQ-4 di chuyển tới phía tây đảo. Bốn tàu Trung Quốc lập tức bám theo. 

Cuộc đụng độ giữa tàu Trung Quốc (cận cảnh) và tàu Việt Nam Cộng Hòa (mà theo tài lieu trên mạng của Hạm trưởng Vũ Hữu San là chiếc HQ-4) trong tranh vẽ của Trung Quốc - Ảnh: China.com

Chủ động khai hỏa

Trận hải chiến chính thức khởi sự vào lúc 10 giờ 22 phút sáng 19.1. Theo Hạm trưởng Vũ Hữu San, sau khi mệnh lệnh tác xạ của đại tá Hà Văn Ngạc được truyền đi từ trung tâm chỉ huy đặt trên HQ-5, tất cả các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa đồng loạt nổ súng vào tàu Trung Quốc.
“Lúc bấy giờ, tôi đứng trên đài chỉ huy với Hạm trưởng San, nghe có lệnh bắn truyền xuống, ông hạm trưởng hét ‘bắn!’ đồng thời ổng điều chiếc tàu chạy quanh quanh để tránh đạn. Ngay thời khắc đầu tiên, do bị bất ngờ nên quân Trung Quốc thiệt hại nặng”, 40 năm sau cuộc chiến, ông Lữ Công Bảy, hạ sĩ quan giám lộ tàu HQ-4, kể lại với phóng viên Thanh Niên Online.
Do mục tiêu nằm trong tầm bắn nên các loại súng pháo 20 ly và 40 ly bắn rất hiệu quả, theo sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm. Tuy nhiên, các khẩu 76 ly của HQ-4 và 127 ly của HQ-5, HQ-16 có tốc độ bắn chậm hơn trong khi tàu Trung Quốc nhỏ bé và di chuyển rất linh hoạt thành ra rất khó ngắm trúng mục tiêu. Trong các chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa, chỉ có pháo của HQ-4 là điều khiển bằng điện; còn lại đều là hệ thống quay tay khá cổ điển nên việc “bắt chết mục tiêu” gặp nhiều trở ngại. HQ-10 là chiến hạm nhỏ nhất và chỉ còn một máy chính hoạt động nên xoay trở rất khó, giàn ra đa lại bị hỏng nên nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy nan.
“Lúc đó chính mắt tôi thấy rõ ràng chiếc tàu bên trái của Trung Quốc bị dính đạn. Một cụm lửa bùng lên rất to. Chiếc tàu mất hẳn trên màn hình ra đa. Có lẽ nó chìm tại đó luôn. Chiếc còn lại thì đâm đầu vô đảo chứ không dám rượt theo mình”, ông Bảy kể. Nhưng cùng lúc, phía Việt Nam Cộng Hòa cũng chịu tổn thất lớn lao. Chỉ khoảng 10 phút sau khi khai hỏa, HQ-10 đã bị loại khỏi vòng chiến. “Qua bộ đàm, bạn tôi là Vương Thương báo cáo HQ-10 trúng hai phát đạn pháo của Trung Quốc, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận và hạm phó bị thương. Anh em trên đài chỉ huy HQ-10 toàn bộ đều bị thương hoặc chết. Sau đó thì không thể liên lạc được, chắc bên đó không còn ai giữ máy bộ đàm”.
Ba chiếc tàu còn lại của Việt Nam Cộng Hòa cũng dính đạn, trong đó nghiêm trọng nhất là HQ-16 bị trúng một quả đại bác vào hầm máy phải, nước tràn vào khiến tàu nghiêng hẳn. Lúc bấy giờ, do Trung Quốc phá sóng truyền tin tầm xa nên việc liên lạc giữa tàu và Đà Nẵng là bất khả thi; các tàu chỉ có thể liên lạc với nhau bằng máy bộ đàm cầm tay PRC-25 khi ở cự ly gần.
Sau khoảng 30 phút kể từ khi tàu Việt Nam Cộng Hòa khai hỏa, tình trạng lúc này là: phía Việt Nam Cộng Hòa có một tàu bị bắn cháy, nhiều người chết và bị thương; HQ-16 và HQ-5 hư hại khá nặng, HQ-4 cũng dính đạn nhưng hoạt động còn tốt. Phía Trung Quốc có một tàu bị bắn cháy, các tàu còn lại hư hại nặng, tổn thất nhân mạng không thể biết.
Theo tài liệu Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa của chính quyền Sài Gòn cũng như hồi ức của cựu Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San, đại tá Hà Văn Ngạc - chỉ huy trưởng chiến dịch trên biển - và một số người trong cuộc khác, trận hải chiến kết thúc vào lúc khoảng 11 giờ trưa 19.1.1974. Lúc này, Trung Quốc đang điều thêm tàu đến tiếp viện, trong đó có xuồng cao tốc Komar trang bị tên lửa. Nhận thấy tình hình quá bất lợi, phía Việt Nam Cộng Hòa đã ra lệnh triệt thoái các tàu còn lại về Đà Nẵng.
Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ đó rơi vào tay giặc.
Một sự thật khác về Hải chiến Hoàng Sa?
Như đã đề cập từ đầu, tường thuật về Hải chiến Hoàng Sa 1974 của người trong cuộc có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Theo bài viết của trung tá Lê Văn Thự (cựu Hạm trưởng HQ-16) được công bố vào năm 2004 tại Mỹ, thì trong suốt trận hải chiến vào sáng 19.1, ông đã không hề biết tàu HQ-4 và HQ-5 ở đâu và cũng không liên lạc được với đại tá Hà Văn Ngạc, là chỉ huy cao nhất tại hiện trường.
Mời các bạn đọc bài viết này tại đây: Một sự thật khác về Hải chiến Hoàng Sa (?)
Châu Minh Linh

Báo Thanh Niên đưa tin: Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 5: Bỏ mình vì nước

Bỏ mình vì nước

Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và con tàu HQ-10 Nhật Tảo nằm lại giữa biển khơi trong Hải chiến Hoàng Sa - Ảnh tư liệu
Gần 40 năm sau trận hải chiến, trong căn nhà tạm cư ở quận 10, TP.Hồ Chí Minh, góa phụ Huỳnh Thị Sinh kể với phóng viên Thanh Niên Online: “Ngày 18.1.1974, nhiều người nghe tin có đánh nhau ở ngoải nên kéo ra cầu tàu quân cảng chờ. Cô không ra được. Nghe người ta bảo chưa biết tàu mình ra làm sao”. Đến ngày 19.1, hung tin báo về, chồng bà, Thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà, tử trận ở tuổi 30, mất xác cùng con tàu HQ-10 Nhật Tảo mà ông chỉ huy.
“Người ta làm lễ truy điệu long trọng cho ông xã cô. Có cả tư lệnh Hải quân tới viếng”. Người chồng quá cố của bà được vinh danh, được truy phong trung tá hải quân dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.
Chồng bà Sinh nằm trong số ít nhất 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, trước sự xâm lăng của quân Trung Quốc.

Nằm lại nơi biển xa

Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) là tàu nhỏ nhất và có hỏa lực yếu nhất của Việt Nam Cộng Hòa. Khởi đầu cuộc chiến, các tàu 389 và 396 của Trung Quốc dồn hỏa lực vào HQ-16, nên HQ-10 được dịp “rảnh tay” phát hỏa vào tàu địch, khiến chiếc 389 của đối phương gần như tê liệt. Tuy nhiên, chỉ trong vòng khoảng 10 phút kể từ khi khai chiến, đài chỉ huy HQ-10 bị trúng đạn pháo, toàn bộ hệ thống truyền tin và hầm máy tê liệt. Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận, Hạm phó – Thiếu tá Nguyễn Thành Trí cũng bị trọng thương. HQ-10 trôi không kiểm soát và va vào tàu 389 của Trung Quốc, theo cuốn Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa. Sau đó, hai chiến hạm Trung Quốc mới nhập vùng còn bắn dữ dội vào HQ-10 lúc này đã bất khả phản kháng, khiến tàu chìm vào buổi chiều ngày 19.1.
Khi HQ-10 trúng đạn, nhiều thành viên tàu tử trận cùng với Hạm trưởng. Số thủy thủ còn lại là 23 người đã tìm cách thả bè đưa Hạm phó Nguyễn Thành Trí đào thoát. Trong lúc lênh đênh trên biển, Hạm phó Trí cùng một thủy thủ khác đã không qua khỏi do vết thương quá nặng, đành nằm lại giữa biển khơi. Sau vài ngày trôi dạt không thức ăn, nước uống, những người sống sót trên bè được tàu chở dầu Skopionella trên đường từ Hồng Kông đi Singapore vớt được.
Khi tàu HQ-16 bị bắn trúng hầm máy, Trung sĩ Điện khí Xuân bị đạn chém đứt lìa tay. Trong hành trình rút về Đà Nẵng, Trung sĩ Xuân đã qua đời do vết thương quá nặng và không được chăm sóc đúng mức.
Hạm trưởng HQ-16 Lê Văn Thự nhớ lại: “Khi rời Hoàng Sa, tôi hết sức ân hận đã bỏ lại trên đảo một toán nhân viên 8 người do Trung úy Liêm chỉ huy khi có lệnh đưa nhân viên lên giữ đảo. Trung úy Liêm và toán nhân viên sau đó đã mạo hiểm vượt biển bằng bè vì không muốn Trung Cộng bắt làm tù binh. Sau hơn mười ngày lênh đênh trên biển, bè trôi về tận ngoài khơi Qui Nhơn, được ngư phủ cứu và được đưa vào bệnh viện Qui Nhơn cấp cứu. Họ vượt biển mà không chuẩn bị thức ăn nước uống nên Hạ sĩ Quản kho Nguyễn Văn Duyên đã chết vì kiệt sức khi đưa vào Qui Nhơn”.
Theo Hạm trưởng Vũ Hữu San, HQ-4 là tàu hiện đại nhất của Việt Nam Cộng Hòa nên phía Trung Quốc tưởng nhầm là soái hạm. Địch dồn hỏa lực rất lớn vào HQ-4 nên tàu trúng nhiều đạn nhưng sau đó khắc phục các tổn thất khá nhanh. Về nhân mạng, theo thống kê sau cuộc chiến, HQ-4 có Hạ sĩ vận chuyển Nguyễn Thành Danh và Nguyễn Văn Vượng (thành viên nhóm Biệt hải quá giang theo tàu) tử thương.
Bên cạnh đó, HQ-5 tổn thất một thành viên và bốn quân nhân thuộc nhóm Hải kích đi theo tàu. Theo các thống kê thu thập được cho đến hôm nay, phía Việt Nam Cộng Hòa tổn thất 74 nhân mạng trong Hải chiến Hoàng Sa; ngoài ra còn 16 người bị thương và 48 người bị bắt làm tù binh khi Trung Quốc tăng quân đổ bộ lên chiếm các đảo vào ngày 20.1.
Ngày 30.1.1974, phía Trung Quốc bắt đầu trao trả tù binh qua ngả Hồng Kông.

Căm giận và tưởng nhớ

Cuộc xâm lăng của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974 đã thổi bùng ngọn lửa tranh đấu của nhân dân Việt Nam. Tài liệu do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công bố cho biết tại hầu hết các tỉnh thành ở miền Nam, dân chúng và các đại diện dân cử, đoàn thể tôn giáo, nghiệp đoàn, hội sinh viên… đã tổ chức mít tinh, hội thảo, tuần hành, ra quyết nghị “để lên án đế quốc Trung Cộng và ủng hộ Chánh phủ VNCH”. Đồng bào còn gửi thỉnh nguyện thư lên Liên Hiệp Quốc và Tòa án Quốc tế La Haye đề nghị có biện pháp thích đáng với Trung Quốc.
Sinh viên Đại học Văn khoa và Minh Đức “đã tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong biến cố Hoàng Sa”, theo tài liệu Hoàng Sa – lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều quân nhân tử trận đã được truy phong, truy tặng các danh hiệu. Nhiều quân nhân sống sót sau cuộc chiến được tôn vinh
Về mặt ngoại giao và chính trị, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã có nhiều phản ứng mạnh mẽ. Chúng tôi xin giới thiệu ở đây hai bản tuyên cáo chính thức của Việt Nam Cộng Hòa sau khi Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Những văn bản này là bằng chứng khẳng định ý chí duy trì chủ quyền, không bao giờ từ bỏ chủ quyền dù bị nước ngoài cưỡng chiếm bất hợp pháp của chính quyền tại Sài Gòn lúc bấy giờ.
Chúng ta coi những tờ chiếu, tờ lệnh mà các triều vua, chúa thời Nguyễn ban cho các đội thủy quân, đội dân binh đi thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa là bằng chứng chứng minh chủ quyền, cho thấy hoạt động thực thi chủ quyền cấp nhà nước của các nhà nước tại Việt Nam là liên tục và không bao giờ từ bỏ. Thì ở đây, sự kiện các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa nổ súng vào tàu quân xâm lược Trung Quốc, cũng như những tuyên bố chính thức từ Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xung quanh Hải chiến Hoàng Sa 1974 là những bằng chứng đanh thép tố cáo hành động xâm lăng phi pháp của Trung Quốc, khẳng định ý chí chủ quyền không bao giờ nhượng bộ của người Việt Nam.
Châu Minh Linh
_________________________
Hải chiến Hoàng Sa: Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH ngày 19.1.1974

Ngay khi trận Hải chiến Hoàng Sa đang diễn ra vào ngày 19.1.1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa đã ra tuyên cáo lên án Trung Quốc xâm lược và khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của VNCH tại quần đảo này. Dưới đây là toàn văn tuyên cáo. 

“Sau khi mạo nhận ngày 11.1.1974 chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Trung Cộng đã đưa Hải quân đến khu vực Hoàng Sa, và đổ bộ quân lính lên các đảo Cam Tuyền (Hữu Nhật - TNO), Quang Hòa và Duy Mộng. Lực lượng Hải quân Trung Cộng gồm có 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn.
Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải rời khu vực.
Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt Nam.
Sáng ngày 19.1.1974, hồi 10 giờ 20, một hộ tống hạm Trung Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu trục hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt Nam Cộng Hòa. Để tự vệ, các chiến hạm Việt Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên.
Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.
Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền và an ninh của Việt Nam Cộng Hòa, mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.
Với tư cách là một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công, Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo của Trung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó. Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á châu.
Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia”.
Châu Minh Linh
_________________________
Hải chiến Hoàng Sa: Tuyên cáo ngày 14.2.1974 của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa

Sau khi Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm Hoàng Sa, một làn sóng phản đối mạnh liệt đã nổ ra trên khắp miền Nam Việt Nam. Chính quyền tại Sài Gòn cũng đã ra tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược. Dưới đây là tuyên cáo ngày 14.2.1974 của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Tuần hành phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa
“Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết nhất của một Chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết làm tròn nghĩa vụ này, bất luận những khó khăn trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu.
Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.
Chừng nào còn một hòn đảo thuộc phần lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chánh đáng của mình.
Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có.
Trong dịp này, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hòn đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam, từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không thể chối cãi được.
Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.
Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này”./Châu Minh Linh

Không có nhận xét nào: