Pages

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Cựu binh: 'Hoàng Sa đáng ra không mất'


Những thủy thủ tham gia trận Hoàng Sa được chào đón tại đất liền

Nghe Bài Này
Một cựu binh Hoàng Sa nói ông vẫn chưa quên những ký ức trận chiến năm 1974 và vẫn ấp ủ ý muốn được quay lại chiến trường cũ.

“Khổ lắm, làm một người quân nhân thì đành phải làm theo lệnh,” ông nói.
Trò chuyện với BBC qua điện thoại, ông Đỗ Văn Thọ, cựu hạ sỹ quan điện tử trên khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư thuộc hải quân VNCH, nói ông và các đồng đội “rất buồn” ngày HQ-4 phải rút lui, để lại Hoàng Sa phía sau.

“Tôi vẫn còn căm hận lắm đấy. Tôi giờ sức khoẻ còn dồi dào lắm, nếu phải ra đi để tái chiếm lại [Hoàng Sa] thì tôi cũng sẵn sàng ra đi thôi.”

‘Không chịu tăng viện’


Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư
Ông Thọ cho biết trong cuộc giao tranh ngày 19/1/1974, HQ-4 bị hư hỏng nặng, nhiều thuỷ thủ bị thương, và tàu của ông mất đi thiếu uý Sá và hạ sỹ Doanh.
Ông nói ông và các đồng đội đã rất “bất bình” vì không được tăng viện, đồng thời cho rằng nếu nhận được tiếp viện, Hoàng Sa có thể đã không mất.
“Hải quân VNCH thì bao nhiêu chiến hạm, rồi cả không quân nữa. Lúc đó cứ nói sẽ yểm trợ cho chúng tôi mà không thấy gì cả.”
Ông Thọ cũng cho biết đây là tâm lý của “tất cả những người tham dự cuộc chiến”, không chỉ riêng HQ-4.
“Tại sao phi cơ thì nhiều mà không đi, còn bao nhiêu chiến hạm nữa, như HQ-1 Trần Hưng Đạo.”
“HQ-10 đã bị hỏng máy, gặp nhiều trở ngại kỹ thuật, mà còn không chịu thay thế, rồi đánh nhau như thế không chịu tăng viện. Trong khi đó khu trục hạm HQ-1 Trần Hưng Đạo, là soái hạm, cứ nằm mãi ở Bộ Tư lệnh, làm kiểng sao?”
“Có một trận lớn như vậy, giặc đến như vậy, phải dốc sức mà đánh giặc chứ, sao chỉ để có 4 tàu vậy?”
“Tôi rất buồn và rất thương thiếu tá Nguỵ Văn Thà, bị để trong hoàn cảnh kẹt quá như vậy. Tôi nghĩ đó là lỗi của Bộ Tư lệnh hải quân VNCH.”

Hình chụp HQ-4 đâm vào tàu 407 của Trung Quốc ngày 17/1/1974, hai ngày trước khi xảy ra trận hải chiến

‘Đạp xích lô'

Vị cựu binh cho biết khi trở về đất liền, ông và các đồng đội được “đồng bào đón tiếp, giúp đỡ rất nhiều”.
“Cái cuộc nội chiến thì không nói làm gì, nhưng đánh nhau với người nước ngoài thì khác. Dân mình toàn người yêu nước chứ đâu phải không, họ cho rằng điều đó là xứng đáng,” ông nói.
Ông Thọ cho biết sau ngày 30/4/1975, ông đã nghĩ đến chuyện ra đi, nhưng có hai lý do khiến ông ở lại.
“Đúng ra tôi phải đi, nhưng vợ thì mới sanh con đầu lòng. Đó là lý do thứ nhất.”
“Thứ hai là HQ-4 lúc đó đang sửa chửa, chỉ còn vỏ, mà tôi không muốn đi trên một con tàu khác.”
“Từ ngày nhận chiến hạm, 25/12/1971, cho đến ngày cuối cùng, tôi cũng chỉ ở đơn vị này, không chuyển đi đâu cả.”
Ông Thọ hiện đang cư trú tại Bắc Lân, Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM.
Ông cho biết những năm qua ông “chỉ làm nông nghiệp để kiếm sống, sau đó phải đi đạp xích lô để nuôi gia đình” và không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính quyền.
“Sau này giải phóng làm đại lộ, diện tích nhà tôi ở bị mất hết một nửa, tôi phải bán hết đất đai nông nghiệp để sống qua ngày,” ông nói.

''Giặc Tàu''

"Hữu nghị hữu nghị cái gì chứ, nhiều khi họ phỏng vấn, tôi gọi là “giặc Tàu”, cũng không đồng ý cho tôi nói từ đó. Thành thử tôi cũng rất buồn"
Khi được hỏi ông nghĩ gì về thái độ của chính quyền ngày nay đối với vấn đề trên Biển Đông, ông Thọ nói:
“Tại sao giặc đến không đánh mà phải nhịn nhục đến nỗi mất hết 64 người năm 1988. Tôi nghe buồn lắm.”
“Giặc đến thì cứ đánh, đánh không lại cũng đánh, tại sao lại để họ tự nhiên bắn hết 64 người như vậy, tôi thấy chuyện đó là không được.”
“Hữu nghị hữu nghị cái gì chứ, nhiều khi họ phỏng vấn, tôi gọi là “giặc Tàu”, cũng không đồng ý cho tôi nói từ đó. Thành thử tôi cũng rất buồn.“
“Tính ông Hạm trưởng [Vũ Hữu] San (hạm trưởng HQ-4), cũng giống như tôi vậy, gặp là cứ đánh thôi, chuyện gì tới sẽ tới, đánh không lại cũng đánh.”
“Thuyết phục hay là nói qua nói lại hay đèn tín hiệu với nhau, phiền lắm.”
“Chúng tôi ngang ngược lắm, thấy là ‘làm’ thôi.”

Không có nhận xét nào: