Pages

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Dương Chí Dũng có ‘khai man’ ông Ngọ?

Dương Chí Dũng có cố tình lôi ông Ngọ theo vì ân oán cá nhân?
Trong lúc có ý kiến cho rằng ông Dương Chí Dũng ‘có động cơ’ để ‘vu khống’ Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là người đã mật báo cho ông bỏ trốn thì cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét hết sức nghiêm túc lời khai của ông Dũng.
Hôm 7/1, trong phiên tòa xét xử em trai là Dương Tự Trọng và các đồng phạm về tội “Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài’, ông Dương Chí Dũng đã khai rằng người báo tin để ông bỏ trốn là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, đương kim thứ trưởng Công an.


Đáng chú ý ông Phạm Quý Ngọ lại từng trưởng Ban chuyên án điều tra vụ việc ở Vinalines nên có ý kiến cho rằng Dương Chí Dũng ‘khai man’ ông Ngọ nhằm lật lại cuộc điều tra để gỡ tội cho bản thân.
Ông Dũng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, đã bị tuyên án tử hình trong một phiên tòa trước đó về hai tội ‘Tham ô’ và ‘Cố ý làm trái’.

‘Có bằng chứng thì khai’

BBC Việt ngữ đã đem vấn đề này trao đổi với ông Trần Đình Triển, luật sư bào chữa của ông Dương Chí Dũng trong phiên tòa trước.
Ông Triển đưa ra hai lập luận để cho rằng nhận định trên là ‘không chuẩn xác’.
"Nếu anh không có bằng chứng mà khai ra làm mất uy tín người khác thì có thể bị xử lý tội vu khống."
Luật sư Trần Đình Triển
Thứ nhất, trong quy trình tố tụng có hai nguyên tắc là ‘bị cáo không được quyền vu khống người khác’ nhưng đồng thời ‘cũng không được che giấu’.
“Những vấn đề có căn cứ thì khai, nhưng không được lợi dụng yếu tố nào đó để có lợi cho bản thân mình,” ông giải thích.
Thứ hai, tình tiết có liên quan ông Ngọ cũng đã được ‘ông Dũng khai trong giai đoạn điều tra’ chứ không phải chờ đến sau khi biết có án tử hình mới khai, ông Triển cho biết.
“Tôi tin chắc những tình tiết này cũng đã được xem xét trong quá trình điều tra,” ông nói.
Luật sư Triển cũng xác nhận với BBC rằng chính ông đã khuyên thân chủ của ông không nên khai chi tiết về ông Ngọ trong phiên tòa xử ông mà đợi đến phiên tòa xử em trai của ông thì mới khai.
“Khi xét xử vụ án Dương Chí Dũng về tội ‘Cố ý làm trái’ và ‘Tham ô tài sản’, tình tiết báo tin không gắn với vụ việc nên nếu khai ra thì người ta sẽ hiểu nhầm mình đưa sự việc không liên quan,” ông giải thích và nói thêm rằng trong phiên tòa xử tội ‘Tổ chức trốn ra nước ngoài’ thì đưa ra lời khai về ông Ngọ sẽ phù hợp hơn.
Ông Triển cũng nói rằng với tư cách luật sư, ông đã khuyên thân chủ của ông rằng: “Cái gì có bằng chứng thì khai. Không có thì không khai và nên khai ở thời điểm nào.”
“Nếu anh không có bằng chứng mà khai ra làm mất uy tín người khác thì có thể bị xử lý tội vu khống,” ông nói.

Nhiều tình tiết

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ bị cho là 'đang đổ bệnh'
Luật sư Triển cũng nói rằng có nhiều chi tiết cơ quan điều tra có thể xác minh về lời khai của ông Dũng.
“Chẳng hạn tình tiết ông Dũng khai gặp ông Ngọ ở Quảng Ninh (để đưa 10.000 đô la) thì cũng cần xác minh vợ chồng ông Ngọ tại thời điểm đó có mặt ở Quảng Ninh hay không,” ông dẫn chứng.
“Hay việc liên quan nhà ông Ngọ (ông Dũng khai đến căn hộ của ông Ngọ ở tòa nhà Pacific trên đường Lý Thường Kiệt để đưa 500.000 đô la) thì thường những khu chung cư có vị trí như vậy đều có camera (quay lại),” ông nói thêm.
“Vấn đề điện thoại liên lạc với nhau nữa, và còn chi tiết (ông Dũng khai) có người con trai ông Ngọ là Hùng tại thời điểm đó có đi dự sinh nhật của một gia đình – điều này có không?”
Về việc liệu ông Dũng khai thêm có phải là có động cơ muốn giảm nhẹ tội hay không, Luật sư Triển lập luận rằng nếu sự việc có thật mà ông Dũng không khai thì sẽ mắc tội ‘Che giấu tội phạm’, còn nếu không có thật mà ông Dũng khai thì sẽ phạm thêm tội ‘Vu khống’.
"Không thể nào nói với vai trò Viện kiểm sát hay Hội đồng Xét xử dám đưa ra kết luận như vậy đối với một vụ án mà mang tính chất rất là bức xúc và chấn động dư luận."
Luật sư Trần Đình Triển
Còn về việc lời khai ông Dũng tại cơ quan điều tra bất nhất, lúc thì nói ông Ngọ mật báo, lúc nói không, ông Triển cho rằng ‘trong hồ sơ các vụ án lời khai không đồng nhất cũng thường xảy ra’.
“Trách nhiệm của cơ quan tố tụng phải chứng minh lời khai nào là đúng,” ông nói, “Ông Dũng phải khẳng định trong những lời khai mâu thuẫn đó thì lời khai nào là chính xác thì cơ quan bảo vệ pháp luật có căn cứ để xem xét có phù hợp không thì mới đưa ra kết luận được.”
Nhận định về việc Hội đồng xét xử trong phiên tòa Dương Tự Trọng ra quyết định khởi tố vụ án ‘Làm lộ bí mật nhà nước’, ông Triển cho rằng ‘đây là cả quá trình xem xét vụ án trước đó và cũng có những dấu hiệu và căn cứ rồi mới đi đến quyết định như vậy’.
“Không thể nào nói với vai trò Viện kiểm sát hay Hội đồng xét xử dám đưa ra kết luận như vậy đối với một vụ án mà mang tính chất rất là bức xúc và chấn động dư luận.”

‘Trâu lấm vẩy bùn’

Trong khi đó, ngày 9/1 báo mạng PetroTimes đã đăng bài viết của Tổng biên tập Nguyễn Như Phong, người vốn là đại tá công an, với lập luận ủng hộ Tướng Phạm Quý Ngọ rất rõ ràng và rằng lời khai của Dương Chí Dũng không đáng tin.
Điều đáng nói là vụ án chỉ vừa mới được khởi tố và sự vụ vẫn còn đang được điều tra.
Luật sư Trần Đình Triển tin rằng thân chủ ông có cơ sở khi đưa ra lời khai nhằm vào ông Ngọ
Tác giả Phong đã đưa ra một số lập luận để cho rằng lời khai của Dương Chí Dũng nhằm vào Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là đáng ngờ.
Theo Đại tá Phong thì vụ việc ông Dũng khai ông Ngọ sau khi bị bắt đã được báo lên các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đã được ‘xem xét hết sức cẩn trọng’ nhưng sau đó ông Ngọ vẫn được nâng hàm từ trung tướng lên thượng tướng.
“Việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng,” tác giả viết.
Tác giả cũng đặt nghi vấn về lời khai bất nhất của ông Dũng, lúc thì khai đưa ông Ngọ 500.000 đô la, lúc thì ‘viết bản khai lại và xin lỗi ông Ngọ vì đã vu oan cho ông’.
Ngoài ra, ông cũng nghi ngờ rằng việc ông Dũng đem tiền đến nhà ông Ngọ mà ‘qua mắt được lực lượng theo dõi thì rất lạ’.
"Việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng."
Nguyễn Như Phong, tổng biên tập PetroTimes
“Xách một túi tiền nặng 5kg không phải là chuyện đùa. Hơn thế nữa lại ngang nhiên mang đến nhà riêng Thứ trưởng Bộ Công an, thì xem ra tình huống này có vẻ trinh thám lắm!,” ông lập luận.
Đại tá Phong cũng cho biết thêm là ‘trước phiên tòa 7 ngày’, ông đã gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa.
Theo lời ông Phong thuật lại thì ông Ngọ đã bình thản nói rằng: "Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai. Sẽ có nơi điều tra làm rõ".
“Ông chỉ nói như vậy, rồi chuyển sang chuyện ông đang bị bệnh tật hành hạ,” bài báo tường thuật.
Tác giả yêu cầu ‘phải làm cho ra ngô ra khoai’ nhưng cũng lưu ý rằng ‘từ xưa đến nay, chuyện bị cáo ra Tòa khai vấy theo kiểu "trâu lấm vẩy bùn" cho người khác là không hiếm’.

Không có nhận xét nào: