Pages

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Người Buôn Gió - Những ngày đáng lo ngại năm 2014

1) Lo ngại Thái Nguyên

Vụ bạo động Thái Nguyên cho thấy mầm mống bức xúc, nóng giận tích tụ trong đám đông dân chúng Việt Nam rất cao. Nguyên nhân của sự bức xúc này không chỉ phải là vụ việc xô xát giữa bảo vệ và một công nhân. Mà sự bức xúc khiến người dân cáu giận nổi cơn như vậy còn do nhiều thứ tích sẵn trong người,  chẳng hạn như giá cả leo thang, bất công giàu nghèo, pháp luật thiếu minh bạch..thậm chí là cả tình trạng tắc đường, những nhiễu hành chính.... Những thứ này theo ngày tháng sống cứ tích tụ lại trong người dân thành những phẫn uất và bùng nổ thành bạo động có khi chỉ một lý do vu vơ.

Hẳn ai trong chúng ta đều không lạ gì những câu chửi thề thốt ra khi ai đó xem ti vi, báo chí hay chứng kiến cảnh nào đó diễn ra trước mắt, hoặc nghe kể lại. Sự bực bội đập vào mắt, vào thần kinh mỗi người dân hàng ngày, hàng giờ ở đủ mọi nơi. Từ bếp ăn cho đến nhà trường, công sở, ngoài đường..

Công an như thường lệ vào cuộc điều tra khởi tố vụ án '' gây rối trật tự công cộng ''. Thường ở nước ta , vấn đề thường hay giải quyết phần ngọn như vậy. Cho nên hết đám đông này đốt xe, phá nhà máy, ủy ban, chặn đường, khiếu kiện, chở quan tài....cứ xảy ra liên miên. Cho dù sẽ tìm ra được thủ phạm trong vụ này,có đưa ra xét xử làm gương, làm điểm gì đi chăng nữa . Thì sự cảnh cáo của bản án trong vụ này cũng chẳng khiến được những vụ khác xảy ra, bởi như đã nói. Nguyên nhân của cơn nóng giận nó thâm nhập vào người dân qua quá nhiều ngả. Có khi người dân Việt Nam không những được xếp hạng hạnh phúc nhất nhì thế giới, mà còn đáng được xếp hạng nóng tính nhất nhì thế giới.

Một điều thật đáng buồn hay đáng lo ngại nữa ở vụ việc này. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư, phải khó khăn lắm mới kéo được một nhà đầu tư lớn như Samsung vào VN để đầu tư ngành công nghệ cao như điện thoại. Sự việc xảy ra này chắc sẽ để trong đầu những nhà đầu tư mối lo ngại về tình trạng bất ổn có thể bùng phát bạo động bất cứ lúc nào. Không ai dám đầu tư vào vùng đất mà người dân không thuần tính , dễ nổi nóng như vậy. Thông tin về sự việc, số người chết, bị thương, tài sản bị phá có thể được nói cách khác cho dân chúng yên tâm. Nhưng với người đầu tư là chủ nhà máy, khu công nghiệp thì không thể nói họ không có thông tin trung thực. Thử hỏi sự hấp dẫn về nhân công giá rẻ, cần cù, chịu khó...có làm át mỗi lo ngại về một đám đông sẵn sàng nổi khùng đập phá hết, tấn công hết mọi thứ bất cứ lúc nào, bất cứ lý do gì. ?

Bài toán giải đáp để không tái diễn cảnh này không phải chỉ xử tù người gây rối là xong. Án tù cho người gây rối cũng không thể làm yên lòng những nhà đầu tư nước ngoài, cũng như những người có lương tri, tấm huyết thực sự với tiền đồ đất nước.

2) Lo ngại ngân hàng

Vụ án nhân viên ngân hàng Huyền Như lấy hàng ngàn tỷ đồng. Ngân hàng Viettinbank phủi tay chịu trách nhiệm. Tòa án mở phiên tòa xét Huyền Như lừa của người gửi tiền, người gửi tiền cho ngân hàng phải gánh chịu hậu quả.

Nếu thế thì sẽ còn ai dám đến ngân hàng gửi tiền. Một người dân bước vào ngân hàng, gặp nhân viên ngân hàng để làm thủ tục gửi số tiền tiết kiệm. Nhân viên ngân hàng đưa giấy chứng nhận giả, có con dấu giả và thu tiền tại quầy giao dịch ngân hàng. Sau đó nhân viên đó cuỗm tiền biến mất, ngân hàng bảo chưa thấy tiền vào ngân hàng nên không chịu trách nhiệm, đi tìm nhân viên đó mà đòi. Nếu việc này được xử cho Viettinbank vô trách nhiệm thì người dân nào dám mang sổ đỏ đến ủy ban làm công chứng, mang giấy tờ, mang vàng đến ngân hàng để hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ mới đây.? Làm sao người dân biết được vàng, tiền, sổ đỏ của mình đã nhập vào trong số tài khoản của ngân hàng, ủy ban....? Có cấp trên thông báo à, cấp trên cũng té nốt thì sao, có giấy chứng nhận của xyz à, giấy chứng nhận cũng giả nốt thì sao.?

Bài toán nào để lấy được lòng tin của những người đến ngân hàng giao dịch sau vụ Viettinbank chối phắt trách nhiệm của mình.?

Mất niềm tin là một nguyên nhân lớn dẫn đến phẫn uất. Một xã hội ở đâu cũng thấy không có niềm tin thì chắc hẳn ở đâu cũng có sự phẫn uất là điều đương nhiên. Và con người không thể hiền lành, thuần chất trong một bối cảnh mà mọi sự trắng đen , điên đảo không biết đâu mà lần, mà xác định.

3) Lo ngại pháp luật.

Cứ ngỡ rằng vụ án Dương Chí Dũng tố Phạm Quý Ngọ báo tin để trốn thoát. Lời khai rành rọt tại tòa. Tất nhiên đúng sai thì còn phải điều tra. Nhưng việc tòa thấy đủ dấu hiệu căn cứ để khởi tố là đương nhiên đúng luật. Và khi nào có lệnh khởi tố, có quá trình điều tra, có kết luận điều tra thì mới rõ Phạm Quý Ngọ có tội hay không.?  Thế nhưng lời đề nghị khởi tố vụ án này mới được đưa ra đã gặp những phản ứng không hề đúng luật từ phía báo chí, cơ quan an ninh điều tra.

Niềm tin của người dân đang lên bỗng nhiên khựng lại. Khi báo CAND vào cuộc đăng lời ông quyền thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra trung tướng Hoàng Công Tư. Ông Tư khẳng định quá trình điều tra trước đó mà cơ quan ông phụ trách phối hợp vụ án cho thấy Dương Chí Dũng khai không đúng về ông Ngọ.

Ông Hoàng Công Tư như thế đã làm lộ bị mật điều tra chưa.? Đã làm lộ bí mật những vụ án do Ban Nội Chính, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trương ương thụ lý chưa.? Vụ án đang được đề nghị khởi tố, đúng sai phải để xác minh. Ông Tư dựa vào điều nào của luật tố tụng hình sự mà bỗng dưng kể quá trình Dương Chí Dũng khai tại cơ quan ông thế nào, ông đã xác minh điện thoại gọi đi gọi lại ra sao.?

Hay luật có khoản nào quy định cho ông Hoàng Công Tư tiết lộ điều tra như vậy. Có vụ án đã khởi tố , đã điều tra, đã đưa ra tòa. Nhưng tòa bác bỏ hồ sơ, đề nghị điều tra lại, những vụ án như thế là thường. Đã có vụ án nào mà bên điều tra nhảy lên mặt báo cự nự rằng quá trình điều tra trước đó thấy kẻ này có tội, người kia không có tội chưa.? Cự nự kiểu đó thì còn gì là tòa án, còn gì là pháp luật nghiêm minh nữa.?

4) Lo ngại truyền thông.

Tiếp đến ông nhà báo Nguyễn Như Phong. Bài báo mới đây của ông Nguyễn Như Phong có nhan đề '' Suy ngẫm lời khai của Dương Chí Dũng về cho tướng  Phạm Quý Ngọ'' đã lên tiếng bênh vực cho ông Ngọ khi mà vụ án còn đang chưa có điều tra. Nhờ bài báo này đã lộ ra một Nguyễn Như Phong thực sự.

Nếu ai tinh ý, đọc phong cách viết bài báo này, sẽ thấy nó trùng lặp với phong cách của các trang mạng điện tử có tên NTD và một vài trang Dư Luận Viên khác. Một thói quen cầm đèn định hướng ô tô, coi mình là đỉnh cao của pháp luật vẫn thường thấy đầy trịch thượng y hệt nhau. Chính những trang này và những bài viết dạng định hướng áp tội cho người khác trong các vụ án của những nhà đấu tranh dân chủ như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân . Và trong vụ án này, vẫn giọng văn đấy, vẫn lối viết ấy, kiểu áp đặp , định hướng tòa án ấy. Khác cái là bênh vực Phạm Quý Ngọ vô tội.

Có lẽ sự việc Dương Chí Dũng khiến Nguyễn Như Phong mất bình tĩnh. Bộc lộ dấu vết  ngòi bút của mình.

Qua đó người dân cảm nhận được ai là kẻ đứng đầu đám dư luận viên hay áp tội cho những người yêu nước , trước khi phiên tòa xảy ra. Cảm nhận được những bài viết đả kích, kết tội người đấu tranh yêu nước do kẻ nào chấp bút , kẻ nào chỉ đạo, phong cách viết của ai.

Lời khai của Dương Chí Dũng để lộ ra tướng Phạm Quý Ngọ báo tin, nhận tiền. Tướng Phạm Quý Ngọ có tội hay không còn phải điều tra, điều tra có lộ ra gì nữa không là điều còn phải chờ đợi. Thế nhưng mới chỉ lời đề nghị khởi tố vụ án. Ít nhất đã có hai người mất bình tĩnh để lộ mình. Người thứ nhất là ông trung tướng Hoàng Công Tư , người thứ hai là nhà báo đại tá Nguyễn Như Phong.

Có thể một vài bản tin thời sự tối nữa, Trần Bình Minh sẽ vào cuộc.

Một điều rất lạ, đang trong lúc dư luận trong ngoài, cả các thế lực mà nhà nước ta hay gọi là ''phản động '' thu hút vào vụ đại án Dương Chí Dũng, Huyền Như. Thì đột ngột im ắng lâu ngày, ông Đinh Thế Huynh UVBCT đột ngột xuất hiện nói về đề tài mà dường như dư luận đã quên . Đề tài gì đó về hiến pháp , chống xuyên tạc và gì gì đó. Một đề tài rất lạc lõng trong lúc cả dư luận đang hướng về phía khác.

Tại sao ông Đinh Thế Huynh xuất hiện thời điểm này. Các dư luận viên sẽ nói là đó là chuyện bình thường, việc ông ấy vẫn làm. Chỉ được cái suy diễn lung tung.

Một UVBC, một người lõi đời làm truyền thông, tuyên huấn như ông Đinh Thế Huynh xuất hiện vào lúc này không phải là điều bình thường tí nào. Mà ông muốn nhân cơ hội này để đưa thông điệp cá nhân mình. Cho dư luận nhớ tới trong lúc truyền thông hỗn chiến gay gắt này, ông là người quản lý đấy. Và giữa một bên đang định khởi tố vụ án '' mật báo tin '' và một bên phản bác ( nghe như phản bác 258 hay diễn đàn XHDS ý nhở ) ..bên nào có ông Huynh bên đó sẽ nắm được dư luận.

Đó chẳng phải là điều đáng lo ngại nữa hay sao.?

Người Buôn Gió 

Không có nhận xét nào: