Pages

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Người Việt ở Thái đón Tết Giáp Ngọ

Anh Vũ, thông tín viên RFA

Nghe Bài Này

anh-2-305.jpg
Một gian hàng bán giò chả tại chợ Việt Nam ở Bangkok - Thái Lan, ảnh chụp trước đây.
Courtesy VOV
Tết cổ truyền của người Việt là một nét đẹp văn hóa dân tộc từ ngàn đời nay. Lúc này người Việt trên toàn thế giới bất kỳ ở đâu cũng đang chuẩn bị cho một cái Tết, vì đó là thời điểm mà người Việt xa quê hương nhớ về tổ quốc và ông bà tổ tiên của mình. Tết Nguyên đán Giáp Ngọ này, người Việt Nam ở Thái Lan đón Tết thế nào?

10 vạn người Việt ở Thái

Cộng đồng người Việt ở Thái Lan hiện nay có ước chừng 10 vạn người, song trên thực tế con số này đến nay đã tăng lên đáng kể, khi đã có một số lượng lớn người Việt Nam tìm đến Thái Lan để làm ăn, học tập và sinh sống.
Việt kiều ở Thái Lan ngoài một số ít di cư đến Thái Lan từ trước thế kỷ XVIII với lý do tôn giáo, số còn lại phần lớn là những người là di dân gốc Việt từ Lào sang Thái trong chiến tranh Đông dương khi người Pháp tái chiếm Lào đầu thập kỷ 40 thế kỷ trước, họ còn được gọi là Việt kiều mới. Đây là số người tạo nên một cộng đồng người Việt Nam lớn nhất ở Thái Lan, hiện định cư tập trung ở các tỉnh vùng Đông bắc Thái Lan dọc theo sông Mekong là biên giới Lào – Thái Lan, tập trung ở các tỉnh Noongkhai, Udonthani, Nakhornphanom, Mucdahan, Ubonrachthani…
Vùng Đông bắc mới đông người Việt, ở đó cộng đồng người Việt ở Đông bắc vẫn giữ được truyền thống, thí dụ họ vẫn đến nhà nhau rồi họ tổ chức các thứ đông vui lắm.
-Anh Đặng Thái Toàn
Những người Việt xa quê nói về cái Tết Việt trên đất Thái Lan như thế nào? Anh Đặng Thái Toàn quê ở Nam định đang làm cho một cửa hàng ở khu vực Maboonkrong - Bangkok cho biết, năm trước anh ăn Tết ở vùng Đông bắc, nơi có nhiều người Việt vì anh đã từng làm việc ở tỉnh Mucdahan, sau này mới chuyển vào Bangkok nên chỉ lo công việc, chẳng có thời gian nghĩ đến Tết. Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Thái Toàn nói:
“Tôi cũng mới nên thấy phong tục tập quán trong này nó cũng khác, đi xa thì buồn chẳng đâu bằng được ở Việt Nam. Ở ngoài vùng Đông bắc mới đông người Việt, ở đó cộng đồng người Việt ở Đông bắc vẫn giữ được truyền thống, thí dụ họ vẫn đến nhà nhau rồi họ tổ chức các thứ đông vui lắm.”
Ở khu vực Đông bắc của Thái Lan, người Việt sinh sống thành cộng đồng lớn, ngôn ngữ Việt vẫn được sử dụng trong các gia đình có lẽ là nguyên nhân khiến cho tập tục Tết Nguyên đán vẫn giữ nguyên được bản sắc và nét truyền thống. Những ngày này tại vùng Đông bắc Thái Lan thời tiết rất lạnh, tuy nhiên bà con vẫn cố gắng chuẩn bị cho một cái Tết theo đúng truyền thống. Theo thông lệ hàng năm, Hội người Việt ở mỗi tỉnh sẽ lần lượt đăng cai tổ chức Tết chung cho toàn thể cộng đồng và khoảng ngày 23 tháng Chạp sẽ có cả ngàn người Việt từ 19 tỉnh vùng Đông bắc sẽ về đó dự để ăn Tết chung.
anh-1-250.jpg
Một gian hàng bán đồ Tết tại chợ Việt Nam ở Bangkok - Thái Lan, ảnh chụp trước đây. Courtesy VOV.
Chị Nguyễn thị Hải một Việt kiều đang sống ở tỉnh Udonthani và làm nghề buôn bán tại chợ Thassaban ở thị xã cho biết, hàng năm người Việt ở đây ăn Tết Nguyên đán như ở Việt Nam, cũng có bánh chưng, dưa góp, bánh mứt kẹo… và các nghi lễ cúng Tết ông bà tổ tiên nhân dịp đầu năm mới.
Những ngày trước Tết bà con Việt kiều cũng đi thăm mộ người thân trong các khu nghĩa trang riêng của người Việt, sáng mùng một Tết mọi người đến nhà nhau chúc Tết và nghỉ một ngày để vui tết. Năm nay gia đình chị cũng đã chuẩn bị cho việc đón Tết như mọi năm, trao đổi với chúng tôi chị Nguyễn Thị Hải cho biết:
“Tết ở đây tuy xa tổ quốc, nhưng năm nào chúng tôi cũng cố gắng tổ chức như ở Việt Nam. Ở Việt Nam có cái gì thì ở đây cũng có cái ấy, cũng có bánh chưng và các thứ như ở Việt Nam. Và những ngày ấy chúng tôi sẽ dành một ngày thắp hương cho ông bà tổ tiên và tập trung con cái. Năm nay chuẩn bị hết rồi, chỉ chờ đến Tết là chúng tôi nghỉ để vui Tết.”

Hướng về quê hương

Người Việt ở trong thủ đô Bangkok thì sống rải rác khắp nơi, không tập trung. Tuy nhiên khu vực nhà thờ công giáo Samsean ở trung tâm thủ đô Bangkok là nơi cộng đồng người Việt thường có mặt cuối tuần để tiến hành các nghi lễ tôn giáo. Và ở khu vực này có một khu chợ Việt họp vào sáng các ngày Chủ nhật, có một số gia đình người Việt bán các mặt hàng thức ăn đặc sản Việt Nam, ngoài ra còn có bánh chưng, giò, chả, bánh đa nem bày bán. Những ngày Chủ nhật giáp Tết ở khu vực chợ này người mua, kẻ bán tấp nập mà khách hàng phần đông là người Việt đang sinh sống ở Bangkok và các vùng phụ cận.
Tết ở Bangkok buồn, không có gì vui vẻ, nhưng mình vẫn cố giữ truyền thống cho con cháu nó biết và nhớ mình là người Việt.
-Chị Mali Suwanatip
Qua tìm hiểu và tiếp xúc với chị Mali Suwanatip có tên Việt là Bé, một Việt kiều ở khu vực Bangkhea của Bangkok đến khu chợ Samsean để mua sắm Tết. Chị Mali Suwanatip cho chúng tôi biết, chị là người công giáo, gia đình chị di cư đến Thái Lan từ nhiều đời, nên hầu như không còn nói được tiếng Việt. Nhưng hàng năm vào dịp Tết, thì gia đình chị vẫn tới mua bánh tét, chả giò… về cúng ông bà tổ tiên và cố gắng để cho con cháu biết họ là người gốc Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, chị Mali Suwanatip nói:
“Tết của người Thái là tết Songkran vào tháng tư, chỉ có người Trung Quốc ăn Tết giống mình. Tết ở Bangkok buồn, không có gì vui vẻ, nhưng mình vẫn cố giữ truyền thống cho con cháu nó biết và nhớ mình là người Việt. Nên năm nào vào dịp này gia đình tôi cũng mua các thứ để cúng ông bà tổ tiên của mình.”
Hiện nay những người Việt Nam sang lao động hay học tập ở Bangkok cũng nhiều, song những ngày Tết Nguyên đán không phải là ngày nghỉ Tết nên mọi người vẫn làm công việc của mình như những ngày bình thường. Tuy vậy vào những ngày Tết họ vẫn cố gắng tạo cho mình chút hương vị Tết để tấm lòng của họ có thể hướng về tổ quốc, về gia đình  và người thân. Nói với chúng tôi về việc chị và các bạn bè Việt Nam đang ở Bangkok đã đang và sẽ làm gì trong những ngày Tết, chị Vũ Thanh Phúc là sinh viên năm cuối bậc Cao học của trường ĐH North Bangkok cho biết:
“Chúng em bên này cũng cố gắng hết sức làm cho giống ở Việt Nam, ngày Tết chúng em thường hay tụ tập cùng các bạn bè. Cùng mua đồ Việt Nam và cũng nấu các món ăn Việt Nam, rồi cập nhật các hình ảnh đón Tết ở Việt Nam. Sau rồi gọi điện về nhà trước lúc giao thừa.”
Mỗi năm khi Tết đến là thời điểm năm cũ qua đi để cho mùa Xuân mới về, đây cũng là thời điểm mà người Việt cho dù ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này lòng cũng hướng về gia đình và Tổ quốc với nỗi nhớ nhà của những người con đất Việt xa quê hương. Những người Việt đang làm ăn sinh sống trên xứ người ở Thái Lan cũng có cùng tâm trạng như vậy
.

Không có nhận xét nào: