Việt Nam đã vượt Miến Điện về con số tù nhân chính trị và có thể đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á về phương diện này, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới (HRW) cho biết trong một cuộc họp báo.
Cuộc họp báo diễn ra ở Bangkok hôm 21/1 là để công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2013.
Tù nhân và ngôn luậnPhúc trình cho biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã ‘xấu đi nghiêm trọng’ trong năm 2013.
Việt Nam hiện đang có khoảng từ 150 đến 200 tù nhân chính trị, theo ước lượng của HRW. Trong số này có 63 người bị kết án trong các phiên tòa có động cơ chính trị, tăng hơn so với 40 người trong năm 2012.
Như thế, với việc Miến Điện đã thả gần hết những tù nhân chính trị của họ trong năm 2013, Việt Nam có thể đã vươn lên giữ vị trí đầu bảng ở Đông Nam Á ở phương diện này, ông Robertson nói trước báo giới quốc tế.
Phúc trình của HRW lên án việc các tòa án ở Việt Nam ‘không có sự độc lập và không thiên vị theo yêu cầu của luật pháp quốc tế’.
“Khi mà Đảng Cộng sản và chính quyền có lợi ích trong phiên tòa thì chính họ chứ không phải sự thật và luật pháp mới là nhân tố quyết định bản án,” phúc trình viết, “Các phiên xử thường đầy những vi phạm về tố tụng để đưa ra những phán quyết mang tính chính trị đã được quyết định từ trước”.
"Khi mà Đảng Cộng sản và chính quyền có lợi ích trong phiên tòa thì chính họ chứ không phải sự thật và luật pháp mới là nhân tố quyết định bản án."
Phúc trình của HRW
Phúc trình dẫn những điều luật trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam như điều 79, 87, 88, 89, 91 và 258 và thậm chí cả luật thuế đã được sử dụng để bỏ tù những người cổ súy thay đổi chính trị.
Trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân bị chính quyền kết án 30 tháng tù giam về tội ‘trốn thuế’ được HRW đưa ra làm ví dụ.
Về tự do ngôn luận, báo cáo viện dẫn Nghị định 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành cấm các trang cá nhân tổng hợp thông tin trên mạng và việc khởi tố các blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào dựa trên điều luật 258 để làm bằng chứng cho việc chính quyền tăng cường tấn công vào những cây bút độc lập trên mạng.
Hội họp và tôn giáo
Về quyền tự do hội họp, HRW lên án việc chính quyền Việt Nam không cho phép tổ chức các cuộc tuần hành, tập hợp hay biểu tình mà họ cho là mang tính chính trị và trừng trị những ai dám chống lại.
Ví dụ mà HRW đưa ra là việc chính quyền can thiệp và quấy rối các buổi dã ngoại nhân quyền hồi tháng Năm ở ba thành phố lớn trong khi những người tham dự chỉ thảo luận Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền và ngăn không cho các nhân vật đối kháng như các ông Huỳnh Ngọc Chênh và Nguyễn Hoàng Đức ra nước ngoài.
Chính phủ cũng tăng cường kiểm soát tôn giáo, phúc trình cho biết, bằng cách dùng bạo lực trấn áp các nhóm tôn giáo nằm ngoài khuôn khổ các giáo hội của Nhà nước như các nhóm Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Công giáo ở Tây Nguyên, Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ngoài ra, HRW cũng lên án việc bỏ tù 14 thanh niên mà đa phần là Công giáo và Tin Lành ở Nghệ An hồi đầu năm 2013 mặc dù những thanh niên này chỉ ‘thực hiện những quyền tự do căn bản’.
Hiến pháp và giam giữ
Bản Hiến pháp mới mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua hôm 28/11 được HRW nhận xét là ‘dù có những cam kết về nhân quyền nhưng lại có nhiều kẽ hở nghiêm trọng’ và ‘không đảm bảo việc bảo vệ và phát huy các quyền tự do căn bản’.
Không những thế, chính quyền Việt Nam còn bị lên án về tình trạng bạo lực trong giam giữ khi mà có những tin tức từ truyền thông chính thức và các nguồn khác về việc công an ‘bạo hành, tra tấn hoặc thậm chí làm chết người bị giam giữ’.
Phúc trình cũng nêu lên tình trạng những người nghiện ma túy, kể cả trẻ em, bị giam giữ ở những trung tâm cai nghiện và bị bắt ‘lao động cải tạo’.
“Việc giam giữ này không có cơ quan pháp luật nào giám sát cả. Ai vi phạm kỷ luật sẽ bị đánh đập và nhốt trong phòng cách ly nơi họ không có đồ ăn thức uống,” báo cáo viết.
“Việt Nam tiếp tục ngày càng đi xuống về nhân quyền,” ông Phil Robertson kết luận.
Những cáo buộc của HRW thường bị Việt Nam bác bỏ, xem đó là "bịa đặt" hay "vu cáo".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét