Nghe bài này
Chỉ sau tác phẩm Nguyên Khí một thời gian ngắn, tiểu thuyết Sóng gió Biển Đông của nhà văn Hoàng Minh Tường lại không thể ra mắt vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa mặc dù đã được Cục xuất bản cho phép. Đây là cuốn sách thứ ba của nhà văn Hoàng Minh Tường gặp trở ngại sau hai cuốn Thời của thánh thần và Nguyên khí. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với tác giả để tìm hiểu thêm lý do. Trước tiên nhà văn Hoàng Minh Tường cho biết:
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Thật ra nếu bình thường không có gì xảy ra thì Sóng gió Biển Đông đã xuất bản từ tháng 5 năm ngoái. Tôi đã làm việc với giám đốc nhà xuất bản Lao Động và đã nhất trí. Tôi nghĩ rằng cuốn sách này nó cũng nói về chuyện làm ăn trên Biển Đông được lấy bối cảnh từ một làng chài nên bối cảnh chính trị không có gì ảnh hưởng cả, thậm chí còn tốt nữa. Cuốn sách này trước kia đã in ở nhà xuất bản Công an một phần rồi bây giờ được chỉnh sửa lại và thêm hai chương hải chiến Hoàng Sa và Trường Sa.
Hai chương này tôi cũng thừa nhận rằng có những vấn đề nhạy cảm và đã lấy ra bây giờ lại đưa vào, bổ xung vào sau. Thế là ông giám đốc nhà xuất bản Lao Động mặc dù lúc đầu ông ấy đã đồng ý và đã ký tá chuẩn bị đem in, họa sĩ vẽ bìa rồi nhưng cuối cùng thì ông ấy lại không dám ký. Không biết là tự ông ấy quyết định hay có ý kiến gì của ai không nhưng trước khi nghỉ hưu ông ấy lại không dám ký vì vậy bây giờ sách vẫn treo ở đấy.
Hai chương này (hải chiến Hoàng Sa và Trường Sa) tôi cũng thừa nhận rằng có những vấn đề nhạy cảm và đã lấy ra bây giờ lại đưa vào, bổ xung vào sau. Thế là ông giám đốc nhà xuất bản Lao Động mặc dù lúc đầu ông ấy đã đồng ý và đã ký tá chuẩn bị đem in...nhưng cuối cùng thì ông ấy lại không dám ký.Nhà văn Hoàng Minh Tường
Một vài nơi cũng muốn in nhưng bây giờ vẫn còn trục trặc. Tôi rất muốn cuốn sách này sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa thất thủ. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên đề cập tới cuộc hải chiến mà chúng ta luôn luôn quan tâm.
Mặc Lâm: Anh vừa nói là Sóng gió Biển Đông được bổ xung thêm chương hải chiến Hoàng Sa, anh có căn cứ trên tài liệu vừa được công bố rộng rãi trong thời gian vừa qua hay dựa vào đó để hư cấu thêm cho đúng với tinh thần một cuốn tiểu thuyết?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Vâng, chương này được tôi hư cấu trên những tài liệu mà tôi đã đọc được. Rất nhiều tài liệu từ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia trận chiến Hoàng Sa trên các trang mạng và tôi theo rất sát sự thật. Nhân vật của tôi là người tham chiến trên con tàu HQ10 Nhật Tảo của Thiếu tá Ngụy Văn Thà và tôi chỉ xoay quanh cái tàu ấy thôi chứ tôi không viết cả một cuộc chiến vì cuộc chiến này có sự tham gia của 4 chiếc tàu. Tôi theo nhân vật vì đây là cuốn tiểu thuyết nên nhân vật phải gắn bó với một bối cảnh. Trong chương này có anh Thiếu úy Đỗ Trọng Hải đã tham gia trên tàu Nhật Tảo của Thiếu tá Ngụy Văn Thà. Tôi viết nhân vật này gắn liền với cuộc chiến trên tàu.
Tất nhiên những cứ liệu hoàn toàn là có cơ sở từ ngày chiếc tàu khởi hành tại Đà Nẵng vào ngày 17 cho tới tới ngày 19 thì tàu đã bị nó đánh chìm
Mặc Lâm: Anh cũng nói là tiểu thuyết Sóng gió Biển Đông được dựng lên từ một làng chài gắn bó với Biển Đông. Phải chăng các cơ quan trách nhiệm lo sợ anh miêu tả những câu chuyện có dính tới việc tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, bắt cóc đòi tiền chuộc ….?
Rất nhiều tài liệu từ các chiến sĩ VNCH đã tham gia trận chiến Hoàng Sa trên các trang mạng và tôi theo rất sát sự thật. Nhân vật của tôi là người tham chiến trên con tàu HQ10 Nhật Tảo của Thiếu tá Ngụy Văn Thà và tôi chỉ xoay quanh cái tàu ấy thôiNhà văn Hoàng Minh Tường
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Cũng có vấn đề đó. Trong Sóng gió Biển Đông ngoài hai chương hải chiến Hoàng Sa và Trường Sa thì những nhân vật của tôi ra đánh cá ở Hoàng Sa thì bị bắt. Nếu cả cuốn tiểu thuyết được đọc lại thì thấy hoàn cảnh của ngư dân họ khổ lắm. Trong đó có người bị bắt bị giam đến hơn một tháng. Có những người lạc vào đảo như là Robinson Crusoe. Tất nhiên là một cuốn tiều thuyết nên tôi triển khai trên cơ sở viết về ngư dân bị tàu Trung Quốc bắt trên đảo Phú Lâm có lẽ vì thế mà các nhà xuất bản họ cũng ngại.
Ngay thậm chí trong làng báo cũng thế. Khi tôi ra Trường Sa vào tháng Tư năm ngoái, khi về tôi có viết một phóng sự cho báo Văn Nghệ để phúc trình về Trường Sa trong đó có nói một phần về cuộc chiến Trường Sa, một biên tập viên khi biên tập vội vàng cắt đi. Tôi nói nếu cắt thì tôi không in và tôi gọi cho Tồng biên tập Nguyễn Trí Huân, cuối cùng bài viết đó đăng hoàn toàn trong đó có cuộc chiến tôi viết lại về đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin. Sau khi đăng thì độc giả hoan nghênh thôi.
Thật ra khi chúng ta đưa ra sự thật thì có gì đâu. Có lẽ một số nhà xuất bản các anh ấy hơi ngại. Thường các anh ấy tự biên tập trước khi đưa lên. Cuốn sách này không liên quan gì tới Cục xuất bản cả mà nó liên quan tới nhà xuất bản. Nhà xuất bản thì anh giám đốc có quyền. Cuốn sách đã được lên lịch in và cục xuất bản đã chấp nhận rồi.
Sóng gió Biển Đông và Nguyên Khí là hai cuốn sách tôi nghĩ rằng khi in ra thì sẽ được độc giả đón nhận nồng nhiệt vì đó là tấm lòng và trách nhiệm của nhà văn đối với những vấn đề của đất nước. Nhà văn chỉ nói lên sự thật bằng tác phẩmNhà văn Hoàng Minh Tường
Mặc Lâm: Sóng gió Biển Đông bây giờ đang nằm ở đâu thưa anh?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Cuốn sách trước đây nằm ở nhà xuất bản Văn Học và Lao Động nhưng tôi đã rút lại nơi nhà xuất bản Lao Động sau khi anh giám đốc nhà xuất bản này nghỉ hưu. Trước khi anh ấy nghỉ hưu thì có hứa là sẽ ký và cho in nhưng bây giờ tới khi nghỉ hưu thì anh ấy lại ngại!
Mặc Lâm: Trong lúc lấn cấn như thế này thì cuốn sách làm sao kịp ra mắt vào dịp kỷ niệm 40 năm sắp tới?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Không, không kịp đâu. Tôi đang kỳ vọng sẽ ra vào tháng 3 nhân ngày kỷ niệm Trường Sa. Ngày 19 tháng 3 là ngày kỷ niệm Trường Sa thì cuốn sách ra được.
Sóng gió Biển Đông và Nguyên Khí là hai cuốn sách tôi nghĩ rằng khi in ra thì sẽ được độc giả đón nhận nồng nhiệt vì đó là tấm lòng và trách nhiệm của nhà văn đối với những vấn đề của đất nước. Nhà văn chỉ nói lên sự thật bằng tác phẩm. Vấn đề gì nó thuộc về tinh thần yêu nước dù dưới dạng nào thì cũng sẽ đến tay bạn đọc. Hiện nay có một hai nơi họ đang tác động để các nhà xuất bản họ phải nghĩ lại đã đến lúc chúng ta dám nói sự thật về cả hai trận hải chiến và nếu không nói thì chúng ta có tội. Có tội với lịch sử, có tội với các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của tổ quốc chúng ta.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét