Pages

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Tỉa cành hay bứng gốc


Nguyễn Nhơn (Danlambao) - Đây không phải là nói về nghệ thuật trồng cây cảnh. Đây cũng không phải là nói về thói Sở Khanh: “Chơi hoa rồi lại bẽ cành bán rao” Mà đây là nói về phương cách giải trừ chế độ toàn trị cộng sản. Tỉa cành là nói về giải pháp cải lương, cắt xén, cải sửa lần hồi chế độ để cho lần hồi khá hơn. Bứng gốc là làm cách mạng thay đổi chế độ cộng sản phản nước hại dân cho sạch sẽ, thay thế bằng chế độ mới tốt đẹp hơn theo đúng tinh nghĩa của hai chữ cách mạng.

Tỉa cành hay cải lương 


Hồi đầu năm 2011, ông Hà Sĩ Phu trình bày trước bà Phó Đại sứ Mỹ về giải pháp nầy, nguyên văn như sau đây:

“Nay trước cao trào cách mạng dân quyền ở Trung Á và Bắc Phi cũng lại rộ lên những lời kêu gọi xuống đường như họ! Chúng tôi vẫn chia sẻ những khát vọng chính đáng ấy, nhưng nếu cứ suy nghĩ nông nổi, hời hợt, cảm tính như vậy thì không thể đạt đến thành công. Ở VN khó lòng xảy ra những cuộc Cách mạng Hoa Lài, Hoa Sen… kiểu như vậy.”

Vì nhận xét như trên nên Hà Sĩ Phu đưa ra giải pháp cải lương mệnh danh là CON ĐƯỜNG HÒA BÌNH, Kiến tạo Dân trí và xã hội Dân sự như sau:

“- Chúng tôi nghĩ hãy khoan đòi những tiêu chuẩn dân chủ cao. Khi chưa có quyền Tự do gì mà muốn có Dân chủ sẽ được xơi Dân chủ giả hiệu ngay. Trước hết hãy nâng cao Dân trí trong những nỗ lực giành các quyền Tự do hiến định: Quyền Tự do Thông tin-báo chí, và Quyền Tự do lập các Hội dân sự, nghề nghiệp, Ái hữu… mà tuy trên danh nghĩa đã có, nhưng nay phải giành cho có thực chất. Chúng tôi phải dựa trên thế hợp pháp mà gỡ từng bước, tiến tới quyền làm chủ đích thực của dân.Có hai loại Quyền nói trên mới mong tiến lên đòi Quyền thứ ba là Quyền ứng cử và bầu cử để cải biến dần các cơ quan quyền lực, tiến tới một chính thể mới Dân chủ pháp trị văn minh phù hợp với Dân tộc.

Khi chưa có khả năng huy động quần chúng để làm “Cách mạng” trực tiếp, thì đây là cung cách duy nhất để thoát khỏi đêm dài toàn trị. Đây chính là con đường HOÀ BÌNH. Kiến tạo Dân trí và xã hội dân sự làm nền tảng, chính là tích cực tạo điều kiện để thời cơ xuất hiện.” (*)

Từ bấy đến nay các quí ông bà đã tiến hành “con đường Hòa bình” tóm tắt như sau đây:

Liền sau thông điệp kể trên là 11 cuộc biểu tình mệnh danh chống tàu xâm lăng nhưng thực chất là làm giá, yểm trợ cái “Kiến Nghị” của 20 mươi nhân sĩ trong nước và lá “Thơ Ngỏ” của (36-1) “Trí thức” hải ngoại gởi cho Bộ Chánh Trị đảng xin – cho Hòa hợp Hòa giải, đoàn kết chống tàu xâm lăng. Cả hai văn kiện hoành tráng đều bị đảng quăng vào sọt rác!

Hồi năm ngoái, Lê Thăng Long ra, đạo diễn cho ra phong trào Con Đường Việt Nam” với cương lĩnh chủ yếu là: Khai dân trí - Chấn dân khí – Hậu dân sinh theo đề cương của nhà cách mạng Phan Chu Trinh hồi đầu thế kỷ trước! Con đường thì hoành tráng mà ít người tử tế chịu đi nên ông sáng lập Rồng Bay buồn tình bỏ đi để xin theo đảng cộng sản.

Gần đây thì liên tiếp năm ba tổ chức dân sự mọc lên, chỉ hoạt động theo hình thức hội tương trợ. Vừa rồi một hội tổ chức thăm viếng một nhà dân chủ mới ở tù ra, mấy thành viên chủ chốt bị bắt về UBND xã đánh cho bầm vập.

Cho tới nay thì coi như con đường “Hòa bình” đầy chông gai, đổ màu in ít mà bị bắt bớ đánh đập thì nhiều mà tiếng vang không được bao nhiêu, mặc dầu các diễn đàn thân hữu tích cực hỗ trợ. Xem ra con đường cải lương dài hạn khó thành công hay cứ nói theo cách của các nhà nghiên cứu về quá trình chuyển đổi dân chủ từ từ của các chế độ cộng sản chệt và an nam thì: Một phần tư thế kỷ nữa, Bắc Kinh và Hà Nội có nhiều dân chủ… hơn bây giờ!

Như vậy giải pháp tỉa cành chỉ đổ máu, tù đày in ít, nhưng mà tồn đọng cho tới 25 năm nữa thì tính ra cũng nhiều. Vậy, nên chăng tính chuyện bứng gốc một lần cho xong?


Bứng gốc hay Cách mạng


Các nhà cải lương thường nhân danh từ bi tránh đổ máu, tàn phá, chủ trương tranh đấu ôn hòa bất bạo động. Có nhiều vị còn ra vẻ rành về chiến thuật, chiến lược về học thuyết Gandhi, Mandela. Các quí vị cứ nói khơi khơi là tranh đấu ôn hòa bất bạo động mà không giải thích rành rẽ cho em cháu đang tranh đấu ghe nội dung của nó là gì. Bởi vì quí vị mà nói rõ ra là quí vị lâm vào thế kẹt.

Bởi vì vế thứ nhất của học thuyết Gandhi là: Bất hợp tác. Quí vị phần lớn là đang tại chức, có khi có chức danh cũng lớn. Vậy thì làm sao khẳng khái phủi áo từ quan cho đặng? Quí vị đã về hưu thời cũng vậy. Làm sao rời bỏ căn hộ và cái sổ hưu? 

Cho nên quí vị chỉ có thể “phản biện trong phạm vi cơ chế” thôi chớ không được “kích động bạo lực” (Lời tiến sĩ Nguyễn Quang A). Quí vị đã không làm được vế thụ động thứ nhất, hiển nhiên không thực hành vế tích cực thứ hai: Bất tuân dân sự. 

Cái món nầy muốn thực hành cần phải gan dạ, dũng mãnh và kiên trì hết mực. Đó là dấn thân vận động quần chúng, tổ chức thành các phong trào tranh đấu rộng lớn với tính cách từ phản kháng tới thực hiện cách mạng thay đổi.

Xét về tình hình xã hội hiện nay, các điều kiện để vận động tổ chức các nhóm nhỏ thành các phong trào rộng lớn đã có sẳn. Tiêu biểu như các nhóm nông dân phản kháng Văn Giang, Dương Nội... Chỉ cần tổ chức được nhiều nhóm nòng cốt tỏa ra các nơi vận động kết hợp là có kết quả.

Nếu như quí vị từ khước bổn phận của trí thức trước vận nước suy vi, dân tình đói khổ thì người dân bị cùng đường vùng lên tự cứu thì khi ấy mới là đổ máu và hỗn loạn vì không ai hướng dẫn.

Trí thức là ai? Phải chăng là những người có học, được hưởng nhiều ơn huệ của xã hội hơn đông đảo đồng bào ít học. Theo lẽ công bằng phải đứng ra gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn, lúc nầy là lúc dấn thân hành động cứu dân, cứu nước kẻo không còn kịp nữa.

Không có nhận xét nào: