Pages

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Từ Sài Gòn - Hà Nội đến Washington DC - Geneva: Con đường Nhân Quyền


Vũ Đông Hà (Danlambao) - Vào tháng 5 năm 2013 trong khi nhà nước Việt Nam đang vận động ráo riết để được trở thành thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, thì các bạn trẻ của VOICE, Dân Làm Báo, Truyền thông Chúa Cứu Thế, Con Đường Việt Nam và các blogger nòng cốt sau này của Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã cùng với tổ chức Freedom House soạn thảo Báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) để gửi đến Hội Đồng Nhân quyền.

Ban soạn thảo đã chia nhau ra từng lãnh vực, trong đó VOICE đặc trách lĩnh vực xã hội dân sự và dân oan, Dân Làm Báo về tự do ngôn luận, Truyền thông Chúa Cứu thế trình bày những vấn nạn của tự do tôn giáo và Con Đường Việt Nam nói về tình trạng xét xử bất công và giam giữ tù nhân chính trị một cách khắc nghiệt tại Việt Nam.

Đây là bước đầu trong một nỗ lực phối hợp dài hạn của các bạn trẻ tranh đấu cho Nhân Quyền tại Việt Nam.

Ngày 17 tháng 7 năm 2013, các blogger Việt Nam công bố Tuyên bố 0258 (1) yêu cầu "Việt Nam phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc" và xác định hướng hoạt động của các bạn:

- Tiếp tục xúc tiến và truyền đạt đến người dân Việt Nam về các quyền của họ bằng cách phân phối công khai bản Tuyên ngôn nhân quyền, tổ chức các diễn đàn công khai để thảo luận về nhân quyền ở Việt Nam và vận động cho những sự cải thiện cần thiết trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. 

- Tiếp tục giám sát, báo cáo và bình luận công khai về sự cải thiện, thụt lùi hay vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, với sự tập trung vào vấn đề chính sách và thực thi chính sách ảnh hưởng đến nhân quyền do nhà chức trách Việt Nam tiến hành. 

Tuyên bố 0258 đã khởi đầu cho một chương trình vận động quốc tế bền bĩ về Nhân Quyền của các blogger Việt Nam. Liên tục trong hơn một tháng, từ Sài Gòn, Hà Nội sang Bangkok, Manila, các blogger ở mọi lứa tuổi khác nhau đã tiếp xúc với Văn phòng Cao Ủy LHQ về Nhân Quyền (OHCHR); Đại sứ quán Hoa Kỳ, Thụy Điển, Úc, Đức; các nước trong G4 bao gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Canada, New Zealand; phái đoàn EU; các tổ chức nhân quyền, truyền thông quốc tế như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Frontline Defenders, Ủy ban Luật gia Quốc tế (The International Commission of Jurists), Ủy ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalist), Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Southeast Asia Press Alliance)...

Cuộc vận động nhân quyền 0258 cũng là một bước ngoặt trên con đường tranh đấu cho Nhân Quyền. Các blogger Việt Nam đã mở ra một môi trường hoạt động mới, rộng hơn, đa dạng hơn - Vượt biên giới: Từ Sài Gòn, Hà Nội sang Bangkok tiến đến Washington DC và mở đường sang Geneva, Thụy Sỹ.

Để chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho cuộc vận động, các bạn trẻ - thành viên những nhóm hội dân sự độc lập tại Việt Nam - đã gắng sức tự học hỏi, trang bị cho mình những hiểu biết vốn dĩ không thể có trong môi trường giáo dục bị chính trị hóa, đảng hóa cao độ. Những bạn trẻ đã lập nên các nhóm học tập (learning group), để cùng chia sẻ tài liệu, trao đổi, thảo luận về các chủ đề chính trị, xã hội, chính sách, v.v... mà lâu nay vẫn được mặc định là “đã có đảng và nhà nước lo”. Đó là những bạn trẻ như Nguyễn Hiệp, Trịnh Hữu Long, Bùi Tuấn Lâm, Vũ Thùy Linh, Xuân Nhật, Trương Mỹ Ngân, Nguyễn Thị Yến Trang, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Thành Tiến, Nguyễn Anh Tuấn... Đó là những nhóm đọc sách, nhóm tranh biện ở Đà Nẵng, nhóm chính trị, luật pháp và tiếng Anh ở Hà Nội, nhóm intern (thực tập sinh) tìm hiểu về xã hội dân sự ở Philippines, nhóm viết bài ''bút chiến'' trên Internet, v.v...  Có nhiều nhóm hội, nhưng điểm chung là, tất cả các bạn đều trẻ trung, đầy nhiệt huyết và ham hiểu biết. Một trong các nhóm như thế đã bị côn an đập cửa nhà, trấn áp thô bạo, bắt lên đồn, vào tối 13 tháng 8 năm 2013 khi các bạn đang cùng nhau học tiếng Anh. Bạn trẻ Phạm Ngọc Thắng và Hồ Đức Thanh đã bị hành hung. 

(Bạn Hồ Đức Thanh vừa mất ngày 2 tháng 1 năm 2014 sau một thời gian rơi vào trạng thái gần như trầm cảm. Một người bạn lớn tuổi của nhóm bạn trẻ ở Hà Nội, học giả Jonathan London, đã viết về cái chết của Thanh: “Tôi hy vọng trong một tương lai gần, một chuyện như vậy sẽ không xảy ra được ở Việt Nam nữa. Đến lúc đó và nhiều năm sau nữa, chúng ta sẽ nhớ mọi đóng góp của Thanh và những người khác, đã và đang trả một giá quá cao chỉ vì bày tỏ những chính kiến của họ một cách xây dựng và hoàn toàn bất bạo động. Ở Hàn Quốc, Đài Loan và các nước văn minh trong khu vực khộng có những chuyện xấu như vậy”). 

Bất chấp mọi sự đe dọa, sách nhiễu và đàn áp thô bạo, thiếu văn hóa, của côn an, những nỗ lực của các bạn trẻ dấn thân vì nhân quyền và tự do vẫn tiếp tục. Bởi vì họ đều hiểu, bên cạnh lòng nhiệt huyết, thế hệ trẻ Việt Nam phải chuẩn bị lên đường bằng hành trang kiến thức.

Từ Sài Gòn - Hà Nội đến Washington DC - Geneva: Con đường Nhân Quyền...

Cuộc vận động nhân quyền 0258 cũng mở ra một phương hướng hoạt động mới: công khai,minh bạch và kết hợp. Hình ảnh của các blogger trẻ tuổi như Đào Trang Loan, Nguyễn Thảo Chi sánh vai với những bậc đàn chị như blogger Phương Bích, như bạn trẻ Châu Văn Thi với người cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy, như facebooker Lê Thị Phương Lan với chị Lê Hiền Giang... công khai, minh bạch tiếp xúc với quốc tế đã nói lên những tính chất này.

Ngày 10 tháng 12 năm 2013. Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Để gia tăng khả năng đóng góp, góp phần vào việc phát triển nền tảng của các hoạt động xã hội dân sự, các blogger chính thức ra mắt Mạng Lưới Blogger Việt Nam - gọi tắt là MLBVN với tinh thần: "Nỗi sợ hãi làm chúng ta tê liệt nhưng niềm hy vọng sẽ giúp chúng ta đạp lên sợ hãi mà đứng lên. Đứng lên vì dân tộc này, vì 90 triệu người dân trên đất nước có hơn 4000 năm lịch sử này phải có quyền đứng lên. Đứng lên vì chúng ta không thể tiếp tục quỳ. Đứng lên để một ngày không xa bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có thể ngẩng mặt cao đầu và tuyên bố với cộng đồng nhân loại rằng: xứ sở này là nơi mà những con người đang sống thực sự trong tự do, công bằng và bác ái." (2)

Các bạn đã đứng lên dù trong Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, côn an đã đến tận nhà hành hung blogger Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để phá buổi tổ chức ra mắt MLBVN tại Sài Gòn; đã hành hung các bạn trẻ Nguyễn Tiền Tuyến, Trần Hoàng Hận, Hoàng Văn Dũng, Võ Công Đồng, Hoàng Bùi, Tin Ba, Trung Hiếu tại Sài Gòn và đã cướp bong bóng bay, hành hung các blogger Hà Nội khi MLBVN công khai tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền tại 2 nơi này. (3)

Máu đã đổ. Những vết bầm vẫn chưa tan. Nhưng các blogger trẻ tuổi vẫn tiếp tục đứng thẳng. Cuối năm 2013, để phối hợp và mở đường vận động quốc tế, tiếp nối những quan hệ với các tổ chức nhân quyền thế giới qua cuộc vận động nhân quyền 0258, các thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam gồm có blogger Đào Trang Loan, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Thảo Chi, Châu Văn Thi lên đường xuất cảnh. Tất cả đều bị an ninh phi trường, cửa khẩu ngăn chặn (4). Lệnh từ trên đã ban trước đó. Thành viên của MLBVN bị cầm tù trên chính đất nước của họ. Nhà nước Việt Nam đã không cho các nhóm xã hội dân sự độc lập đi ra nước ngoài cũng như đã và đang ngăn chặn những báo cáo viên đặc biệt của LHQ - UN Special Rapporteur - nhập cảnh Việt Nam để tìm hiểu và điều tra tình trạng nhân quyền. "Việt Nam dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản" - kết luận của phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải được xem là sự thật không thể phủ nhận!

Việc các blogger bị cấm xuất cảnh đã được thông báo và loan tin rộng khắp, được các tòa đại sứ tại Việt Nam của nhiều nước quan tâm. Ngày 10 tháng 1 năm 2014 Mạng Lưới Blogger Việt Nam, cùng với đại diện No-U Sài Gòn, No-U Hà Nội, Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, đại diện tín đồ đạo Dương Văn Mình, đã đến tham dự buổi thảo luận với đại diện các sứ quán Đức, Thụy Điển, Úc, Hà Lan, Na Uy, Liên minh EU, Bỉ về tình hình nhân quyền Việt Nam nhằm chuẩn bị cho phiên UPR ở Geneva - trong đó việc xuất ngoại của các nhóm dân sự độc lập là một nhu cầu và là quyền công dân được hiến định và quy định bởi các điều ước quốc tế mà nhà nước Việt Nam là thành viên ký kết. (5)

Kết quả của cuộc vận động là ngày 23 tháng 1 năm 2014, tổ chức Ân xá Quốc Tế (Amnesty International) chính thức gửi thư mời các blogger Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Đào Trang Loan, Châu Văn Thi tham dự những buổi hội thảo và các chương trình liên quan đến UPR do AI tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 5 tháng 2 năm 2014. (6)

Trước đó, bắt đầu từ ngày 12 tháng 1 năm 2014, từ thông báo chính thức của các nhóm dân sự độc lập tại Việt Nam - "Nhận lời mời của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (OHCHR) và một số tổ chức quốc tế khác, một phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc kể từ ngày 12/1/2014. Thành phần phái đoàn gồm đại diện các tổ chức VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam và thân nhân một số tù nhân chính trị." (7)

Tháng 1, từ ngày 10 đến ngày 27 năm 2014 tại Hoa Kỳ, các bạn trẻ Việt Nam đã tham gia buổi điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos tại Hạ viện Hoa Kỳ qua phần thuyết trình bằng video của ông Trần Văn Huỳnh, thành viên phái đoàn, là thân phụ của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức; đã gặp mặt Dân biểu Frank Wolf là Đồng Chủ tịch Ủy ban; đã thăm văn phòng của ba Dân biểu trong TPP Caucus - là nhóm Dân biểu có vai trò quan trọng trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP; đã gặp ông Scott Busby, Phó Thứ trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động; đã thảo luận với ông Scott Flipse, Phó Giám đốc Chương trình Chính sách và Đông Á, đặc trách Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế, về tình hình nhân quyền VN. (8)

Vào ngày 23 tháng 1 năm 2014, tại New York, các bạn blogger đã gặp đại diện Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, thông báo về các hoạt động đã đang và sẽ diễn ra của phái đoàn. (9

Từ Sài Gòn - Hà Nội đến Washington DC - Geneva: Con đường Nhân Quyền...

Chặng dừng kế tiếp theo thông báo của các bạn là châu Âu. Tại Brussels, Bỉ, nơi được xem là thủ đô của Cộng Đồng chung Âu châu (EU), các bạn sẽ có buổi gặp gỡ với các nghị viên của EU và tổ chức tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng Fronline Defender (tạm dịch: Người Bảo vệ Tuyến đầu).

Vào ngày 30 tháng 1 năm 2014, tại Geneva, các nhóm dân sự độc lập tại Việt Nam sẽ tổ chứcNgày Việt Nam (Vietnam Day), phối hợp với Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), Tổ chức Phục vụ Nhân quyền Quốc tế (International Service for Human Rights), Liên minh Toàn cầu vì Sự Tham gia của Công dân (World Alliance for Citizen Participation), tổ chức buổi trình bày và thảo luận về tình hình nhân quyền Việt Nam với sự tham gia của phái đoàn ngoại giao các nước và các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Các lĩnh vực trọng tâm của phần thuyết trình và thảo luận là tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tình trạng tra tấn và đối xử tàn nhẫn tù nhân và xã hội dân sự ở VN.

Từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 4 tháng 2 năm 2014, các bạn sẽ tiếp xúc các phái đoàn ngoại giao các nước và các tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Geneva, và ngày 5 tháng 2 năm 2014, sẽ tham dự phiên UPR của Việt Nam với tư cách các tổ chức liên quan đã từng gửi báo cáo tham vấn chính thức cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Từ Sài Gòn - Hà Nội đến Washington DC - Geneva: Con đường Nhân Quyền...

Các blogger Việt Nam đã lên tiếng. Đã biến lời nói thành hành động. Đã biến ngòi bút trên mạng thành chân đi trên khắp nẻo đường Việt Nam và diễn đàn thế giới. Con đường vẫn còn dài nhưng đây là bước đầu của những người mà việc tranh đấu để bảo vệ nhân quyền, tự do, dân chủ, phẩm cách và giá trị của con người là mục tiêu, là khát vọng của họ.



____________________________________

Chú thích:






6:



Không có nhận xét nào: