Một cựu quan chức ngân hàng ở Thuỵ Sĩ vừa trao cho Wikileaks chi tiết của một số cơ quan tài chính và hàng nghìn người nước ngoài gửi tiền ở tài khoản hải ngoại, theo tin của Reuters.
Ông Rudolf Elmer, người bị cơ quan tài chính Julius Baer đuổi việc năm 2002, từng khoe với một tờ báo Thuỵ Sĩ rằng ông có trong tay hai bộ đĩa ghi tên tuổi và chi tiết tài khoản của 2000 khách hàng, gồm cả các chính trị gia, doanh nhân và nghệ sĩ trên thế giới.Ông Elmer nói với tờ Der Sontag rằng trong số đó có 40 chính trị gia là những người gửi tiền vào tài khoản ở các ngân hàng hải ngoại.
Mục tiêu của việc làm này là, theo ông Elmer, người bị ra tòa tại Thuỵ Sĩ hôm thứ Tư, chính là để dư luận biết "Những ai trốn đằng sau bức màn bí mật của nhà băng, và có nhiều khả năng họ cũng trốn thuế".
Các tài khoản ở hải ngoại (offshore bank accounts) thường được nhiều triệu phú, tỷ phú cũng như một số quỹ tài chính ở Hoa Kỳ, Anh và Đức, ưa thích sử dụng.
Ông Elmer xuất hiện cùng chủ trang Wikileaks, Julian Assange, sau khi trao hai bộ đĩa cho Wikileaks trong một cuộc họp báo ở London hôm 17/1.
Reuters nói sau khi bị sức ép quốc tế phải bỏ bớt tính bí mật của ngành ngân hàng, chính quyền Thuỵ Sĩ đã phải đồng ý hợp tác với sở thuế của những quốc gia khác muốn truy những ai họ cho là 'trốn thuế'.
Trong năm 2010, Thuỵ Sĩ đồng ý trao chi tiết của 4450 khách hàng của nhà băng USB AG cho chính phủ Mỹ để tránh không bị phạt.
Hoa Kỳ nghi rằng có những công dân nước họ dùng tài khoản ở Thuỵ Sĩ để tránh nộp thuế.
Ông Elmer, người vẫn được đi lại tự do vì không bị bắt giữ, đã sang Mỹ năm 2007 để trao cho Sở Thuế Hoa Kỳ chi tiết về tám khách hàng, và sau đó ông cũng khai báo tại Đức trong vụ việc liên quan đến một tín quỹ là Moonstone Trust.
Dư luận Âu Mỹ gây nhiều sức ép lên chính quyền nước họ đòi tiết lộ tên tuổi những người giàu gửi tiền ở hải ngoại.
Tuy thế, cho đến nay, chi tiết cá nhân của các chủ tài khoản từ những nước châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh vẫn hiếm khi được tiết lộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét