Bộ trưởng Công an Việt Nam đề nghị sửa luật để cho phép “tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, có những dấu hiệu phạm tội tham nhũng”.
Thượng tướng Trần Đại Quang phát biểu trong khi trả lời chất vấn về vụ Vinalines của Quốc hội chiều nay 14/6.
“Theo quy định của pháp luật trước khi khởi tố bị can có lệnh bắt và khám xét đối với ông Dương Chí Dũng thì chưa được áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật,” tướng Quang giải thích.Ông nói đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân Cục trưởng Cục hàng hải Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Nhân việc này, ông kiến nghị Quốc hội và cơ quan chức năng sửa đổi Luật tố tụng hình sự và Luật phòng chống tham nhũng.
Ông muốn cấp trên “cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, có những dấu hiệu phạm tội tham nhũng để tránh tình trạng có những đối tượng tìm cách bỏ trốn.”
Vị tướng công an xác nhận công an đã được phép điều tra bí mật với “tội phạm ma túy và các tội phạm xâm hại đến quốc gia”.
"Cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, có những dấu hiệu phạm tội tham nhũng để tránh tình trạng có những đối tượng tìm cách bỏ trốn."
Bộ trưởng Trần Đại Quang kiến nghị
Mặc dù không chính thức trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có phát biểu ngắn về vụ Vinalines hôm nay.
Ông nhắc lại quan điểm rằng việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đã được Bộ “thực hiện đúng và đầy đủ các quy trình, quy định về công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm cán bộ của Đảng, của Nhà nước và đúng thẩm quyền”.
Dẫu vậy, ông nói mình nhận trách nhiệm “chưa thực sự sâu sát việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng trong bối cảnh, thời điểm bổ nhiệm, công tác giám sát, kiểm tra cán bộ trước đây cũng làm không tốt”.
Ông Thăng “xin được rút kinh nghiệm sâu sắc và kiểm điểm một cách hết sức nghiêm túc trong việc đánh giá và quản lý cán bộ”.
‘Hạn chế khả năng đối phó’
Trong ngày hôm nay, Việt Nam vừa công bố chính thức kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Hội nghị này bế mạc hôm 15/5 và chỉ hai ngày sau, nổ ra vụ Vinalines với quyết định khởi tố ông Dương Chí Dũng.
Bản kết luận, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, tái khẳng định “sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Điều 4 của văn bản này ghi: “Nghiên cứu áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế khả năng đối phó của đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí khi bị thanh tra, kiểm tra”.
“Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả.”
“Có quy định nhằm hạn chế tối đa việc cho bị can được tại ngoại trong quá trình điều tra hành vi tham nhũng và việc áp dụng hình phạt tù, nhưng cho hưởng án treo đối với đối tượng phạm tội tham nhũng,” theo văn bản.
Đề nghị với Quốc hội của Bộ trưởng Công an được chú ý trong bối cảnh chống tham nhũng chịu sự kiểm soát của giới lãnh đạo chóp bu trong Đảng.
Giới quan sát đặt câu hỏi liệu “điều tra bí mật” có thể được dùng cho cuộc đấu tranh nội bộ giữa các nhóm trong Đảng hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét