Pages

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Sách lược hay chiến lược?


Có ít nhắt là 3 sự thật  liên quan đến tình hình Việt Nam trong vòng 1 tháng qua kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Trung Quốc.

Một là, báo chí truyền thông cùng các chuyên gia trong ngoài nước đều thống nhất nhận định về tình trạng sản xuất sa sút, nguồn thu ngân sách không đủ chi, giá ngoại hối USD tăng, giá vàng nhảy múa trong khi các mặt hàng đều tăng, đặc biệt giá điện tăng đột biến do ngành điện lạm thu của khách hàng (tham khảo tại đây)

Đó là gì nếu không phải là biểu hiện của tình trạng lộn xộn trong kinh doanh với những hình thái "chụp giựt", "tự cung tự tiêu"... trên quy mô cả nước.

Mặc khác, trong khi bên cạnh những lời cảnh báo chiếu lệ yếu ớt chỉ phát ra từ một số báo chí và phương tiện thông tin đại chúng,  dòng hàng hóa và đầu tư ngầm từ Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường nội địa Việt Nam với các thương lái rầm rập  lùng sục khắp nơi để mua, thuê đất đai, bất động sản...Tuy nhiên, lạ thay, cả chính khách lẫn người dân Việt Nam đều vẫn bình chân như vại, chẳng lo khủng hoảng kinh tế cũng không lo bị thua thiệt...

Hai là, sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc và hai bên ký hàng loạt văn kiện thỏa thuân "đối tác chiến lược" bầu không khí chính trị-xã hội Việt Nam dường như trở nên trầm lắng khác thường mà trong đó cảm nhận chung là tâm trạng phân vân của người dân. Đó có thể một phần do biện pháp bắt bớ, đàn áp người bất đồng ý kiến gần đây. Nhưng lý do chính có lẽ là do tác động của sự thỏa thuận Trung-Việt, hoặc do "cộng hưởng" của cả hai nguyên nhân trên.

Dù sao người dân vẫn chờ đợi. Tuy nhiên, họ đã không phải chờ lâu khi sáng nay ngày 9/6 vừa có tin 2 tàu cá của Việt Nam đã bị tàu hải quân Trung Quốc hành hung và cướp phá, thậm chí đã chặt cột cờ đỏ sao vàng vứt xuống biển khi đang đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam  (Tham khảo tại đây)

Ba là, tại Hà Nội mới xuất hiện những tấm biển hiệu giao thông tiếng Trung bên cạnh tiếng Việt (chứ không phải tiếng Anh và tiếng Việt như thường lệ). Chuyện này nhắc nhớ đến nhiều đợt dậy lên khi có những kẻ muốn dùng ngôn ngữ, văn hóa và màu cờ v.v... để gây ảnh hưởng tại đất nước này. Họ thuộc thế lực nào, từ bên trong hay bên ngoài  không ai biết rõ. Trong một biểu hiện rất đáng lưu ý, gần đây bắt đầu xuất hiện luận điểm cho rằng Việt Nam nên giao biển đảo cho Trung Quốc quản lý..., miễn là giữ vững độc lập chủ quyền trên đất liền. Đứng đằng sau loại tư tưởng này là thế lực nào cũng không rõ.

Liệu đáng lo hay đáng mừng trước những diễn biến tình hình nêu trên đây?

Vẫn biết mềm dẻo, khôn khéo bao giờ cũng nên là quốc sách của dân tộc ta, nhất là trong những thời điểm khó khăn và trước những kẻ thù lớn mạnh và hiếu chiến. Nhưng vấn đề là tình thần đó được vân dụng như thế nào. Phải chăng nó đang được vận dụng một cách toàn diện cùng lúc trên cả mặt trận đối ngoại và đối nội và bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-chính trị-xã hội, và  không ngờ nó đang "đi vào cuộc sống" quá nhanh như vây?

Nếu vậy thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác, và hậu quả là rất khó lường. Có lẽ đây là điều mà ông cha ta chưa từng làm trong các thời kỳ lịch sử trước đây. Trong các thời kỳ trước khi giới lãnh đạo hai quốc gia bàn bạc với nhau điều khôn lẽ khéo thế nào, dân chúng luôn có thái độ tôn trọng chờ đợi sự giải thích. Nhưng thời nay mọi thông tin đều được dân cửu vạn trên biên giới đến bọn buôn lậu ở chợ Bến Thành và các vùng sâu vùng xa đều có thể tự "quán triệt" và triển khai cho mục đích riêng của họ. Nói một cách dân dã, khi một sách lược rơi vào tình trạng "trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường" thì khó mà thành công! Ấy là chưa nói đối phương còn khôn khéo quỹ quyệt nhiều lần hơn ta.

Trên đây chỉ là vài lời bàn trong góc độ phạm trù "sách lược". Còn nếu mọi việc đã chuyển thành "chiến lược" rồi thì đó là một câu chuyện khác ./.

Trần Kinh Nghị

Không có nhận xét nào: