Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Lý Sơn: Bị TQ bắt tàu, ngư dân quay qua nghề cào hến

VRNs (13.12.2013) – Quảng Ngãi - “Phần lớn những người làm giã cào là rất nghèo, vốn từng là ngư dân, bị Trung Quốc bắt tàu, mất hết vốn, về sắm giã cào kiếm ăn quanh bờ để đắp đổi qua ngày” – Một ngư dân cho biết như vậy.

Đã có không ít người chết vì hến
Ở Lý Sơn, ngoài chuyện đi đánh bắt xa bờ, trồng tỏi, bắp, lượm rác, còn có thêm vài nhóm nghề lẻ tẻ như cào hến, bắn cá trong các hốc đá. Nhìn chung, những nghề này không nguy hiểm mấy. Nhưng ít ai dám giới thiệu với ngưới khác cái nghề mình đang kiếm sống vì nó có thu nhập quá thấp và thường bị đặt xuống tầng đáy xã hội.
Dụng cụ cào hến thường là chiếc giã cào có cán dài từ 1,5 mét đến 2 mét hoặc những chiếc rổ sổ rổ rá, nói chung tùy vào mực nước cao hay thấp, địa hình đáy cào mà dùng dụng cụ thích hợp. Trung bình, mỗi ngày, người giỏi thì cào được chừng 3 kg hến ruột, nếu không gặp chỗ hến tụ thì cào được rất ít. Và để kiếm thêm thu nhập, người cào hến còn đi đục hà, bắt sao biển để bán.

Ông Huỳnh Tiến Tấn, làm nghề giã cào đã được ba mươi năm, cho biết: “Nghề này được cái là an toàn hơn so với nghề đánh bắt xa bờ. Nhưng nói thì nói vậy chứ cũng chẳng an toàn lắm đâu, mỗi khi gặp sóng dữ, mà cào thì rất mau mệt, dễ bị đuối sức, nước ở mức ngang ngực nó cuốn trôi mình như chơi. Đã có không ít người chết vì hến”.
“Trung bình, nếu làm giỏi, gặp may, mỗi ngày kiếm được chừng một trăm ngàn đồng, cũng đủ để sống, bữa nào trời đãi thì được trên trăm ngàn, cũng có bữa kiếm không tới hai chục ngàn đồng, nói chung nghề nào mà đụng tới biển thì cũng hên xui may rủi nhiều thứ!”.
“Loại sao biển bán trong nhà hàng rất có giá, ở đây còn gọi là nhím biển, giá nhà hàng thì cao vậy chứ mình bắt về, phải ngồi đập vỏ, mà vỏ của nó thì cực bén, cắt vào là đứt rất sâu, phải múc từng tí ruột của nó, làm sạch sẽ, bán được tám chục ngàn đồng một kí lô, chừng đó, về nhà hàng họ phân ra thành bốn dĩa, bán cho khách chấm với bù tạt, giá mỗi dĩa hai trăm ngàn đồng. Một lãi mười đó. Biết là vậy nhưng mình nghèo thì chịu thiệt thôi, đâu có nhà hàng mà bán giá như vậy!”.
1312130
Ông Lê Nuôi, một người làm nghề giã cáo khác cho biết thêm: “Phần lớn những người làm giã cào là rất nghèo, vốn từng là ngư dân, bị Trung Quốc bắt tàu, mất hết vốn, về sắm giã cào kiếm ăn quanh bờ để đắp đổi qua ngày, một phần có cái bỏ vào miệng, một phần cũng là trốn chủ nợ, chứ nếu đi làm tỏi, chủ nợ sẽ ra tận ngoài ruộng tỏi mà tìm”.

Mấy cán bộ lương cao, nên mình mua bó rau cũng theo giá thành phố
“Nói chung, đừng hỏi gì về bảo hiểm y tế, dân chài ở đây chẳng biết gì về những thứ ấy đâu. Mình ở đảo, nhưng phải cố gắng chạy rượt đuổi theo đời sống thành phố, vì mấy ông bà cán bộ ngoài này có mức lương rất cao, tiêu xài còn mạnh tay hơn thành phố, nên mình mua bó rau cũng theo giá thành phố, nhất là muốn đi vào bờ, tiền vé đi tàu cũng mất hết gần một trăm rưỡi ngàn đồng, hai ngày làm giã cào chưa đủ”.
“Chính vì phương tiện đi lại đắt đỏ, mức thu nhập chênh lệch nhau nhiều quá, mà người nghèo càng lún sâu vào nghèo khó, người giàu thì phất lên luôn. Nói là ngoài đảo chứ không còn hoang sơ gì đâu, phân biệt giai cấp và tầng lớp ghê lắm. Lỡ nghèo thì chỉ biết cúi mặt mà đi!”.
Ông Trần Hà, vốn là thuyền trưởng bị mất trắng ngoài khơi do bị Trung Quốc bắt tàu, về làm giã cào để sống qua ngày đoạn tháng, buồn bã kể: “Tôi có thằng con trai duy nhất đã cúng cho thần biển trong trận bão cách đây mười năm. Giờ bà vợ bị tâm thần, ngồi ru rú ở nhà vì sợ bão, lúc nào cũng bị ám ảnh mưa bão. Mình tôi làm nuôi hai đứa cháu nội, mẹ tụi nó đã đi bước nữa, theo chồng vào bờ rồi, nghĩ cũng tội, ở đây mà đói à, phải vào bờ, có cơ hội thì nên đi…”.
“Mỗi ngày tôi kiếm được chừng sáu chục ngàn đồng, để dành mười ngàn bỏ ống, còn lại thì chi phí đủ thứ hết, dầu mè, mắm muối, hằng tuần mua sữa Ông Thọ cho mấy đứa cháu. Mình già rồi chịu khổ được, tụi nó mới mười một, mười hai tuổi, lại mồ côi cha sớm, mất mẹ cũng sớm, mình không thương nó sao được?!”.
Nói xong, ông Hà đưa tay lên khóe mắt, miết nhẹ lên chỗ ướt trên đuôi mắt. Chúng tôi để ý thấy bàn tay của ông chỉ toàn xương, da và gân, đen và hơi run – một bàn tay rất đặc trưng của dân nghèo thân cô thế cô ở Việt Nam.
Hồng Hạc, Lao Động Việt

Không có nhận xét nào: