Pages

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Nổ súng khống chế người chống đối: con dao hai lưỡi?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

cong-an-305.jpg
Một trường hợp công an bắt người tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
File photo
Gây tranh cãi
Nghị định cho phép nhân viên thi hành công vụ được phép bắn vào người chống đối sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2014 sắp tới đang gây tranh luận trong xã hội.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cho phép quân đội, lực lượng vũ trang hay cảnh sát được phép sử dụng vũ lực, ngay cả biện pháp mạnh nhất là bắn vào những thành phần bất hảo, nhất là bọn khủng bố có hành vi chống lại người thi hành công vụ.
Ông Lê Quang Bình Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết ý kiến về nghị định cho phép nhân viên công vụ bắn vào người có hành vi chống người thi hành công vụ này:

“Vấn đề súng đạn thì từ trước tới nay thì Quốc hội cũng rất gắt gao chứ không phải là chưa nghĩ tới. Còn chi tiết thì sắp tới đây Quốc hội sẽ xem xét và ra văn bản bởi vì ngành lực lương hay giao thông chẳng hạn có khi không nhất thiết phải cho phép sử dụng vũ khí vì ở góc cạnh nào thì cũng không đến nỗi nào.
Theo tôi nhận xét thì không phải nhà nước không nghĩ tới vấn đề là để cho tội phạm lộng hành quá thì cũng không được. Nói chung còn nhiều khía cạnh phải tranh luận để mà làm như thế nào cho có hiệu quả cao nhất.”
Khi trong người có sẵn vũ khí mà sự nhận thức chưa được tốt thì người ta dễ hành xử một cách sai lầm.
-Đại tá Nguyễn Đăng Quang
Cảnh sát nhiều nước, trong đó nổi bật là Mỹ được phép dừng xe của bất cứ ai để kiểm tra hay ghi giấy phạt vi phạm giao thông. Cảnh sát được quyền bắn vào người bị ngừng xe nếu họ có biểu hiện chống trả, hay tấn công nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên mọi hành động của cả hai bên, cảnh sát và người vi phạm đều được một máy quay phim đặt trên xe cảnh sát ghi nhận từng chi tiết để làm bằng chứng khi ra tòa và những hình ảnh trong video là vật để chứng minh hành động của người cảnh sát là đúng theo pháp luật.
Tại Việt Nam khi nhân viên nhà nước vi phạm luật bị quay video vẫn thường được thủ trưởng cơ quan bào chữa bằng mọi cách. Biểu hiện coi thường pháp luật này xảy ra mọi nơi từ xã tới huyện và nhất là tại nhiều thành phố.
Ngày 24 tháng 4 năm 2012, hai 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị công an và dân phòng đánh đập dã man tại xã Xuân Quan, Văn Giang khi đi lấy tin người dân bị cưỡng chế đất. Mặc dù vụ việc được người dân quay video rõ ràng công an đánh người nhưng ông Vũ Khắc Hào Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên tuyên bố với báo chí rằng “Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng lên các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”.
Cách nói này khuyến khích cho người dưới quyền tiếp tục vi phạm mà không sợ luật pháp trừng phạt, kể cả nổ súng thay vì đánh đập người dân.
Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 6 tháng 12 năm 2013. Anh Trịnh Xuân Tình một người bán hàng rong bị công an, dân phòng của phường 25 quận Bình Thạnh còng tay đánh đập dã man khi anh vi phạm lòng lề đường. Những hình ảnh này được người dân quay video tung lên mạng tố cáo thế nhưng ông Chủ tịch phường Nguyễn Văn Quý biện hộ bằng lý do “anh Tình có hành vi chống lại người thi hành công vụ” và để “không cho anh Tình có hành vi tấn công tổ công tác” mặc dù khi câu chuyện xảy ra chỉ có 1 mình anh Tình trong khi tổ công tác có đến 9 người.
dan-phong-250.jpg
Anh Trịnh Xuân Tình một người bán hàng rong bị công an, dân phòng của phường 25 quận Bình Thạnh còng tay đánh đập dã man khi anh vi phạm lòng lề đường vào ngày 6 tháng 12 năm 2013.
Nếu cho phép bắn người vì chống lại người thi hành công vụ như điều luật sắp có hiệu lực thì chắc chắn sinh mạng của anh Trịnh Xuân Tình sẽ khó giữ được dưới bàn tay của công an dân phòng phường 25.
Bà Bùi Minh Hằng, một người bất đồng chính kiến từng nhiều lần bị công an đàn áp, sách nhiễu cho biết nhận xét của mình về nghị định này:
“Ai cũng nhìn thấy có lẽ đảng Cộng sản Việt nam bắt đầu châm ngòi cho bạo lực. Trước đây khi họ chưa có những nghị định như thế thế người dân Việt Nam không tháng nào không có những vụ bị đánh chết hay thương tích rất nặng trong đồn công an. Nghị định sắp tới trao quyền cho cảnh sát cơ động giống như hợp thức hóa chuyện giết người. Đây là sự châm ngòi bạo lực của đảng Cộng sản Việt Nam. Ai cũng biết công an Việt Nam họ ngồi xổm trên luật, họ làm việc hoàn toàn không theo pháp luật.
Án oan, bạo lực đối với người dân tất cả từ ngành công an mà ra. Nếu thêm quyền hạn được dùng súng bắn chết người nữa trong khi họ không hề thực thi pháp luật như từ xưa đến nay thì rất đáng lo ngại. Những phán đoán trước đây rằng nếu đảng Cộng sản không có hướng giải quyết những vấn đề mâu thuẩn trong xã hội thì sẽ dẫn dân tộc này đến bạo lực, thì đây chính là phát súng châm ngòi cho bạo lực.”

Thế nào là vũ khí thô sơ?

Theo báo chí thì nghị định cho phép “trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phòng vệ, khống chế bắt giữ người chống đối. Biện pháp đặc biệt được áp dụng là cho phép nổ súng”
Câu hỏi đặt ra thế nào là vũ khí thô sơ? Một thanh gỗ, một cục đá hay một chai xăng cũng đều có thể quy vào là vũ khí thô sơ. Nếu không nhận dạng rõ loại nào có thể gây thiệt mạng cho người thi hành công vụ thì bất cứ cuộc biểu tình nào cũng sẽ có người chết vì định nghĩa vũ khí thô sơ này.
Nghị định sắp tới trao quyền cho cảnh sát cơ động giống như hợp thức hóa chuyện giết người. Đây là sự châm ngòi bạo lực của đảng Cộng sản Việt Nam.
-Bùi Minh Hằng
Đối với những cuộc biểu tình chống chính phủ hay đòi hỏi quyền lợi của người dân thì lực lượng chống biểu tình của nhiều nước được quy định rất rõ ràng những gì được làm và những gì phải tránh. Người biểu tình ném đá, chai xăng hay tràn vào trận tuyến của cảnh sát thì không nước nào cho phép bắn đạn thật vào họ, ngoại trừ những quốc gia độc tài như Trung Quốc, Lybia, Syria hoặc Ai Cập trước đây. Các quốc gia dân chủ trang bị rất kỹ lưỡng cho lực lượng chống biểu tình bằng các loại áo giáp, nón bảo hiểm có thể chống đạn, khiên bảo vệ, súng bắn đạn cay và xe vòi rồng…tất cả những phương tiện ấy đã tỏ ra hiệu quả đối với bất cứ cuộc biểu tình nào và vì vậy bắn đạn thật vào người biểu tình không phải là giải pháp.
Đại tá Nguyễn Đăng Quang cho biết ý kiến của ông về nghị định này dưới cái nhìn của một đại tá công an đã nghỉ hưu:
“Khi trong người có sẵn vũ khí mà sự nhận thức chưa được tốt thì người ta dễ hành xử một cách sai lầm. Sai lầm đó có thề dẫn đến cướp đi sinh mạng của người khác. Bản thân người vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật tuy nhiên điều đó không có lợi về mặt quản lý nhà nước.
Sử dụng vũ khí chống lại người chống người thi hành công vụ thì tôi nghĩ rằng không đúng bởi vì những mâu thẩu hay nảy sinh mâu thuẩn, những không đồng tình của người dân với hính quyền tức là giải quyết vấn đề trong nội bộ nhân dân thì không nên và không thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề này được.
Thí dụ người nào nhận thức được việc làm không đúng của chính quyền chẳng hạn thì người ta không đồng tình người ta chống lại sự cưỡng chế khi người ta cho rằng sự cưỡng chế đó là không đúng pháp luật thì nhà nước lại sử dụng lực lượng vũ trang để bắn vào những người như thế thì tôi cho rằng nó không đúng đâu.
Giải quyết vấn đề mâu thuẩn trong nội bộ nhân dân mà giải quyết như mâu thuẩn giữa địch ta thì không đúng.”
Người dân đang chờ Nghị định này sẽ được áp dụng ra sao trong khi thời gian có hiệu lực rất gần. Nếu pháp luật đủ mạnh để trấn áp những kẻ lợi dụng quyền cầm súng thì nghị định này sẽ là tin vui cho mọi người bằng không thì sẽ có thêm không biết bao nhiêu oan khuất nữa
.

Không có nhận xét nào: