Pages

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Ðại án Vinalines và đòn thử quyết tâm bài trừ tham nhũng

Nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, và cựu Chủ tịch
 Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Trí Dũng.
Khánh An-VOA
Việc ông Dương Chí Dũng khai tên nhân vật quan chức cấp cao của Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Công An Phạm Quý Ngọ là người chủ động báo tin cho ông về việc điều tra và đồng thời là người nhận số tiền 500.000 USD để giúp thoát án đã gây chấn động dư luận. Nhiều luồng ý kiến khác nhau về khả năng liệu còn những nhân vật cấp cao nào sẽ bị lộ diện tiếp theo hay không? Số phận của người nắm giữ và tiết lộ các bí mật sẽ thế nào? Và liệu Việt Nam có thật sự nghiêm minh trong việc xét xử các nhân vật lãnh đạo có liên quan? Khánh An tìm hiểu thêm chi tiết.



Phiên toà hôm 7/1 xét xử vụ án “cố ý làm lộ bí mật công tác”, “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” liên quan đến việc bỏ trốn sang Campuchia của ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, đã rẽ một bước ngoặt đột ngột khi ông này khai tên Thứ trưởng Bộ Công An Phạm Quý Ngọ là người đã mật báo việc thủ tướng đồng ý khởi tố, bắt giam ông Dũng.

Bước ngoặt mới của đại án tham nhũng

Trước tòa, ông Dương Chí Dũng khai đã đến gặp ông Ngọ khi gia đình ông này đang đi nghỉ mát ở Tuần Châu, Quảng Ninh vào chiều ngày 29/4/2012 và đề nghị được quan tâm giúp đỡ, đồng thời biếu ông Ngọ một phong bì 10.000 USD. Sau đó vài ngày, ngày 2/5, ông Dũng đến nhà Thứ trưởng Bộ Công An và biếu ông này thêm 500.000 USD.

Ông Dương Chí Dũng còn nói chính ông Phạm Quý Ngọ là người đã cho ông Dũng số điện thoại rác và dặn ông phải gọi vào số điện thoại này.

Những lời khai bất ngờ của ông Dương Chí Dũng tại tòa khiến nhiều người trong dư luận cho rằng vụ án tham nhũng Vinalines bắt buộc phải xem xét lại, thậm chí điều tra lại từ đầu.

Tuy nhiên theo Luật sư Trần Ðình Triển, người bào chữa cho ông Dương Chí Dũng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, tình tiết mới khai nhận về nhân vật cấp cao có liên quan không phải là tình tiết mới mà trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án Vinalines, ông Dương Chí Dũng cũng đã khai với cơ quan điều tra về chi tiết có người gọi điện thoại cho ông, thế nhưng chi tiết này đã không được đưa vào hồ sơ vụ án để các luật sư khai thác. Luật sư Trần Ðình Triển nói ông biết rất rõ về thông tin trên.

“Tôi biết rất rõ về thông tin này. Nhưng thông tin này mà tiết lộ trong phiên tòa của hàng hải thì nó không có giá trị bằng phiên tòa hôm nay bởi vì nó liên quan đến việc ai là người chủ mưu trong việc xúi giục, bố trí, khuyên ngăn anh Dương Chí Dũng bỏ trốn. Thực lòng anh Dương Chí Dũng không muốn bỏ trốn. Chính lời khai ấy, tại phiên tòa hôm nay, anh Dũng cũng đã nói là để nói một cách cụ thể và đầy đủ hơn thì anh sẽ công bố tại phiên tòa. Nếu trong giai đoạn điều tra mà khai cụ thể thì có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của anh ấy”.

Theo bản án sơ thẩm ngày 17/12/2013, tòa án nhân dân Hà Nội xác định ông Dương Chí Dũng là chủ mưu, ký quyết định phê duyệt đầu tư nhà máy và là người chỉ đạo ông Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều mua ụ nổi gây thiệt hại 366 tỷ đồng, chỉ đạo tham ô 1,66 triệu USD và riêng ông chiếm đoạt 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Dũng sau đó đã làm đơn kháng cáo và nói rằng không liên quan đến việc ăn chia số tiền 1,66 triệu USD trên.

Với tình tiết mới của vụ án, LS. Trần Ðình Triển cho rằng cần phải xem xét lại việc tại sao các lời khai, tài liệu, chứng cứ về tham ô trong vụ án tham nhũng hàng hải tại sao không được làm sáng tỏ một cách triệt để.

“Cần phải điều tra, xem xét lại không những đối với vụ trốn ra (Campuchia) này để khởi tố những người có tội dù đó là ai, đồng thời cũng cần xem xét lại các chứng cứ trong quá trình điều tra của Vụ Hàng Hải mà không thể hiện sự vô tư, khách quan trong quá trình điều tra. Tôi lấy ví dụ là lấy hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Nga để xem phía Nga bán cái ụ nổi này là có được sự thỏa thuận của ông Dũng và ông Phúc hay không, hay một kẻ nào đó đứng sau hưởng toàn bộ số này và đổ cho ông Dương Chí Dũng và cả ông Phúc. Cả phía công ty AP ở Singapore cũng phải được làm rõ như vậy”.

Ngoài ra, luật sư Trần Ðình Triển cũng cho rằng cần phải điều tra các tình tiết mà các bị cáo đã tố cáo tại phiên tòa sơ thẩm về việc họ bị bức cung, mớm cung, nhục hình buộc họ phải khai nhận những tình tiết không đúng sự thật.

Ðòn thử quyết tâm bài trừ tham nhũng

Sau khi báo chí đưa tin danh tính các quan chức Bộ Công An có liên quan đến vụ án tham nhũng Vinalines, nhiều người trong dư luận bày tỏ ý kiến bức xúc với những lời khai lien quan đến những con số tiền đô mà nhiều người cho là “lùng bùng lỗ tai” hay “không thể tin được”. Có người còn so sánh việc dân phải lo chạy ăn từng bữa trong khi các quan chức sử dụng hàng trăm, thậm chí hàng triệu đô-la Mỹ để làm “quà biếu” ngay trên đất nước Việt Nam.

Trong khi đó, một luồng dư luận khác tỏ ra hoàn toàn không ngạc nhiên, trái lại hoài nghi về diễn tiến mới của vụ án. Một trong những trí thức phản biện nổi tiếng tại Việt Nam, nhà giáo Phạm Toàn, cho rằng lời khai của ông Dương Chí Dũng có thể là do tác động về mặt tâm lý trong lúc tuyệt vọng, nhưng cũng có thể là điều mà ông gọi là “hệ thống mưu mẹo loanh quanh”. Ông nói:

“Một hệ thống mưu mẹo gì đấy mà cuối cùng nó lại bảo vệ nhau, có khi nó lại ra nước ngoài một cách trot lọt bởi vì cái vòi bạch tuộc mafia của những nhóm lợi ích bây giờ cấu kết với nhau quá chặt. Tóm lại chả có gì đáng tin cậy là có thật ở Việt Nam cả. Có một điều duy nhất có thật là không ai còn tin gì đang là có thật ở đất nước mình nữa”.

Một số cư dân mạng còn dự đoán trước các kịch bản kết cục có thể diễn ra từ kinh nghiệm của nhiều vụ án lớn trước đây như “xử lý nội bộ”, cách chức, cho hưởng án treo đối với quan chức cấp cao có tội, hoặc “tự vẫn” trong nhà giam đối với kẻ tiết lộ bí mật.

Trong khi đó, một số người cho rằng đại án tham nhũng Vinalines là một đòn thử đối với quyết tâm bài trừ tham nhũng mà các lãnh đạo Việt Nam vẫn thường nêu lên trước công chúng và thế giới. Tuy nhiên, không có nhiều người tỏ ra tin tưởng vào “quyết tâm” này. Nhà giáo Phạm Toàn nói tiếp:

“Không quyết tâm gì đâu. Nếu mà thật sự quyết tâm thì nó khác. Ðây vẫn thấy là một âm mưu, là rửa mặt thôi, tìm cách tô son vẽ phấn chứ nếu mà sự thật là thẳng tay trừng trị thì dễ như bỡn, xoẹt một phát là xong. Thế nhưng xoẹt cái này nó lại lòi ra cái khác. Chả phải!”

Luật sư Trần Ðình Triển cho rằng đại án Vinanlines chỉ là một vụ việc nhỏ trong rất nhiều vụ việc cần phải được xem xét:

“Phát hiện vụ việc này là chuyện nhỏ. Từ đây còn rất nhiều vụ việc cũng cần phải được điều tra, xử lý một cách nghiêm minh.

Còn nhà giáo Phạm Toàn thì cho rằng vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay không phải là trừng trị một hay vài người trong vài vụ án nổi cộm, mà vấn đề là phải có sự ổn định về chính trị xã hội bằng các thiết chế:

“Vấn đề người Việt Nam hiện nay cần là một cơ chế làm thế nào để ngăn chặn được cái xấu, chứ không cần phải bắn giết. Bắn giết một thằng lưu manh ăn thua gì? Vấn đề là bắn giết một hệ thống cho nó tan đi, thay bằng cái khác”.

Trong phiên tòa sơ thẩm hôm 17/12, ông Dương Chí Dũng bị kết án tử hình về hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Vinalines là một trong các vụ án mà Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao Việt Nam xếp vào danh sách “10 đại án tham nhũng” nghiêm trọng với thời gian xử lý kéo dài vì có nhiều vướng mắc và cần có “chỉ đạo tháo gỡ”./VOA

Không có nhận xét nào: