Pages

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Biển Đông, Biển Máu?

Trần Khải
Đó là điều ai cũng lo ngại. Chuyện Hải quân Mỹ giao chiến với Hải quân Trung Quốc là chuyện xa vời. Nhưng cơ nguy hải chiến giữa Trung Quốc và Nhật là điều có thể xảy ra, với xác suất cao hơn chuyện Hải chiến Mỹ-TQ.
Câu hỏi là, hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể xảy ra hay không? Không ai dám khẳng định một câu trả lời nào nơi đây, vì đồng minh ASEAN của VN lúc nào cũng do dự và cãi nhau, còn đồng minh Nga thì có vẻ như không có cam kết gì. Và nếu hải chiến bùng nổ, Hải quân TQ có thể thừa cơ chiếm luôn một số đảo Trường Sa, nơi Đài Loan lúc nào cũng tuyên bố rằng đây là biển của Đaị Hán nhiều trăm năm trước. Hôm Thứ Tư 8-1-2014, các căng thẳng lộ ra thêm một mức độ.

Bản tin VOA ghi nhận qua bản tin tưạ đề “TQ không cho tàu cá nước ngoài hoạt động ở phần lớn Biển Đông” đã viết:
“Trung Quốc ra lệnh cho tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương trước khi đánh bắt hoặc thăm dò tại 2/3 diện tích Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Theo tin của hãng thông tấn AP, lệnh mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 sau khi được công bố bởi chính quyền tỉnh Hải Nam hồi hạ tuần tháng 11 năm ngoái.
Theo qui định mới, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài đi vào khu vực quản lý hành chánh mới của Hải Nam phải có sự cho phép của giới hữu trách Trung Quốc.
Qui định mới còn nói rằng tàu nào vi phạm sẽ bị xua đuổi, cá tôm bắt được sẽ bị tịch thu và bị phạt vạ với tiền phạt lên tới 82.600 đô la; và trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ trên tàu sẽ bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một yêu sách pháp lý rõ ràng đối với ngư trường nằm trong phạm vi của đường chín đoạn đứt khúc, thường được gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý vạch ra và cho là “hải phận lịch sử” của họ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa bình luận gì về các qui định mới của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez, hôm nay cho biết chính phủ ở Manila đang xác minh tin này với các đại sứ quán của họ ở Bắc Kinh và Hà Nội.
Hãng thông tấn AP trích thuật tin tức của báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam cho biết một chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã tông vào một chiếc tàu đánh cá của Việt Nam hôm 3 tháng 1 gần quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa). Trong vụ việc đầu tiên sau khi Trung Quốc đưa ra qui định mới, lính Trung Quốc đã dùng súng điện và dùi cui đánh đập các ngư phủ Việt Nam và tịch thu 5 tấn cá cùng với ngư cụ của họ.
Các nhà phân tích cho rằng hành động này của Trung Quốc có phần chắc sẽ làm cho vụ tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. Ông John Tkacik, một chuyên gia về Trung Quốc từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng “Đây là một diễn tiến quan trọng, nhưng không phải là bất ngờ.” Ông nói thêm rằng việc tuyên bố khu vực quản lý mới của tỉnh Hải Nam dường như là một phần của chính sách của Trung Quốc nhằm siết chặt dần dần sự kiểm soát của họ trong khu vực.
Theo ông Tkacik, Bắc Kinh đang bước ra khỏi sự mơ hồ trước đây về qui chế pháp lý của “đường chín đoạn” để ban bố “một biện pháp cấp tỉnh” để xem phản ứng của các nước khác như thế nào. Ông Tkacik cho biết các nước Đông Nam Á có thể thông qua Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển để thách thức vùng cấm đánh cá mới của Trung Quốc. Ông nói rằng “Với loan báo này, Trung Quốc rõ ràng là đang xem thường công ước của Liên hiệp quốc.”…”(hết trích)
Cần ghi nhận: Con số tiền phạt 82.600 đôla mà Trung Quốc sẽ áp đặt cho tàu các nước khác là khổng lồ, ngoaì tầm tay của tất cả các gia đình ngư dân Việt, và cũng là phi lý quá độ. Đó là chưa nói bị truy tố, phạt tù ra trước tòa TQ.
Chưa bao giờ đàn anh TQ ngang ngược tới như thế, cụ thể là nhắm vaà ngư dân Việt Nam. Bởi vì luật cấm biển này áp đặt bởi tỉnh Hải Nam, chủ yếu là nhắm vào Biển Đông, và chủ yếu là — gần là ngư dân Việt, và xa là ngư dân Philippines…
Thấy rõ, lệnh cấm biển này không nhắm vào ngư dân Nhật Bản, Nam Hàn…
Báo Người Lao Động trong bản tin tưạ đề “Trung Quốc lại có mưu đồ mới” hôm Thứ Tư 8-1-2014 ghi nhận về cuôc tập trận tháng 4-2014 sắp tới:
“Hơn 40 tàu tập trận hải quân ASEAN
Đô đốc Agus Heryana, Tư lệnh vùng IV Hải quân Indonesia, cho biết sẽ có ít nhất 40 tàu quân sự của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại của ASEAN – gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản – tham gia cuộc tập trận chung ASEAN+8 vào tháng 4 tới.
Cuộc tập trận mang tên Komodo 2014 sẽ được tiến hành tại các vùng biển Batam, Natuna và Anambas thuộc Indonesia tiếp giáp với biển Đông. Với tư cách chủ nhà, Indonesia sẽ cử 5.000 binh sĩ và 12 tàu tham gia.”(hết trích)
Nghĩa là, ngoài vùng biển Đông. Tại sao không tập trận ở Biển Đông? Phải chăng, cuộc tập trận ASEAN+8 cũng nể mặt TQ, cũng sợ lệnh cấm biển của TQ, và trong đó cũng có tham dự của Hải quân TQ… Có trời mà hiểu. Nhưng thấy rõ, khối ASEAN lúc nào cũng lạnh cẳng với TQ.
Báo Tuổi Trẻ hôm 9-1-2014 qua bản tin “Tàu cá Trung Quốc liên tục ép tàu cá Việt Nam” đã ghi nhận rằng tàu TQ đột nhập biển VN nhiều hơn, ngang ngược ép tàu cá Việt hung bạo hơn.
Bản tin TT viết:
“Ngày 8-1, tại hội nghị tổng kết công tác biên phòng và xây dựng lực lượng năm 2013, Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Năm 2013, Biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 516 lượt tàu cá vi phạm lãnh hải Việt Nam ở khu vực đông bắc Đà Nẵng, tăng 223 lượt so với năm 2012. Đáng chú ý, từ ngày 22 đến 28-5-2013, các tàu quân sự của Trung Quốc liên tục xua ép tàu cá ngư dân Việt Nam.
Theo đại tá Dương Đề Dũng – chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng Đà Nẵng, hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam của tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt trộm hải sản ngày càng tăng với mật độ dày hơn. Đồng thời các tàu này đi thành từng tốp đông 25-32 chiếc, có sự hỗ trợ của tàu vũ trang giả dạng, tàu vận tải, tàu cung ứng cho hoạt động đánh bắt khi vào sâu trong vùng biển của nước ta.
Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, chánh văn phòng Bộ chỉ huy biên phòng Đà Nẵng, cho biết biện pháp chủ yếu của lực lượng biên phòng khi phát hiện tàu cá Trung Quốc xâm nhập vi phạm chủ quyền là đưa lực lượng ra xua đuổi. “Chúng ta thực hiện chủ trương đối sách của Nhà nước là thân thiện, hữu nghị. Chúng ta cũng không nên gây căng thẳng, không phải chúng ta sợ hay mềm yếu nhưng phải tránh mắc mưu để họ tạo cớ gây hấn” – ông Quỳnh nói…”(hết trích)
Biển Đông hung hiểm vậy, cực kỳ hung hiểm.

Không có nhận xét nào: