Pages

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Campuchia tranh cãi vai trò VN

Việt Nam đã long trọng kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng Khmer Đỏ
Phe đối lập Campuchia nói họ sẽ kỷ niệm ngày chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ với ý nghĩa ‘ngày Việt Nam bắt đầu chiếm đóng Campuchia’, tờ Cambodia Daily, nhật báo độc lập bằng tiếng Anh của Campuchia cho biết.
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam và Đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền ở Campuchia đang kỷ niệm lớn ngày 7/1 mà họ gọi là ‘Ngày Chiến thắng’ trước chế độ diệt chủng Khmer Đỏ nhân dịp tròn 35 năm.


‘Cám ơn Việt Nam’
Một buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra ở Hà Nội hôm Chủ nhật ngày 5/1 với sự tham gia của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin.
Cambodia Daily dẫn lời ông Cheam Yeap, nghị sỹ Đảng CPP, nói lễ kỷ niệm năm nay sẽ là ‘lớn nhất’ kể từ lễ kỷ niệm hồi năm 2009.
Ông nói lễ kỷ niệm năm nay sẽ không diễn ra tại trụ sở Đảng CPP như thông lệ mà sẽ chuyển sang khu vực cầu Kim Cương (Koh Pich) để nhiều người hơn có thể tham dự.
Nghị sỹ này cũng được dẫn lời nói đây là cơ hội để ‘cám ơn Việt Nam’.
“Nếu không có quân đội và vũ khí Việt Nam thì chúng tôi đã không thể nào chiến thắng Khmer Đỏ,” ông nói, “Chúng tôi không thể nào quên việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi.”
Về phía phe đối lập, tờ báo này cho biết họ sẽ không ‘ăn mừng’ mà chỉ ‘tưởng nhớ’ ngày 7/1 với ý nghĩa là khởi đầu 10 năm Việt Nam chiếm đóng Campuchia.
"Nếu không có quân đội và vũ khí Việt Nam thì chúng tôi đã không thể nào chiến thắng Khmer Đỏ. Chúng tôi không thể nào quên việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi.”"
Cheam Yeap, nghị sỹ Đảng CPP
Tuy nhiên, Cambodia Daily không dẫn rõ nguồn mà chỉ ghi chung chung là ‘phe đối lập’.
Tờ báo này cũng nhắc lại là Thủ tướng Hun Sen và các nhà lãnh đạo đất nước khác của Đảng CPP đã lên cầm quyền trong giai đoạn ‘chiếm đóng’ này.
Cũng theo Cambodia Daily, ngày kỷ niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh ‘tình cảm bài Việt dâng cao’ ở Campuchia vốn do phe đối lập kích động trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.
Phe đối lập cáo buộc người Việt ‘nhập cư lậu vào Campuchia tràn lan’ và Việt Nam ‘cướp đất’ của Campuchia để lấy lòng cử tri. Những lập luận này lại được cử tri Campuchia rất đồng tình, cũng theo tờ báo này.
Về phần mình, phát biểu tại lễ kỷ niệm ở Hà Nội, hôm Chủ nhật 5/1, ông Heng Samrin, chủ tịch Quốc hội Campuchia, được trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời nói nhân dân Campuchia ‘mãi mãi ghi nhớ công lao giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện Việt Nam’.
Ông cũng nói nước ông phải ‘nỗ lực gìn giữ, bảo vệ trường tồn’ mối quan hệ ‘hữu nghị, đoàn kết đặc biệt’ giữa Việt Nam và Campuchia.
Buổi lễ do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức để ‘kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng’.

Cướp phá người Việt?

Sam Rainsy đã dẫn đầu các cuộc biểu tình chống chính phủ trong nhiều tháng qua
Trong một diễn biến khác, tờ Cambodia Daily đưa tin một cửa tiệm người Việt ở Phnom Penh đã bị ‘người biểu tình cướp phá’.
Vụ việc diễn ra hôm thứ Sáu ngày 3/1 ở quán cà phê của anh Sok Min, 27 tuổi, nằm gần đường Veng Sreng ở Quận Pur Senchey.
Anh Sok Min là người Việt Nam định cư ở Campuchia đã được 10 năm và lấy tên Khmer.
Anh này được dẫn lời nói là những người biểu tình chỉ ‘nhắm những nơi của người Việt’ và ‘không động tới những chỗ không phải của người Việt’.
Cửa tiệm của anh đã bị ‘lấy đi mọi thứ, bao gồm quần áo, bốn cái tivi, một xe gắn máy’, anh kể, và ba nữ phụ việc trong tiệm đã phải nhảy qua cửa sổ từ tầng hai để trốn thoát.
Cambodia Daily cũng dẫn lời một người hàng xóm có tên là Tann Khieng kể lại rằng một nhóm khoảng 100 người đàn ông đã tách ra khỏi cuộc biểu tình và tiến đến khu vực Borei Trapaing Kraloeng và nói rằng họ sẽ phá hủy tất cả các cửa hàng của người Việt ở đây.
Phóng viên Cambodia Daily miêu tả quán cà phê của anh Sok Min giờ ‘chỉ là căn nhà trống đầy mảnh kính vỡ và rác rưởi’.
Ông Đoàn Bá Khâm, cha của Sok Min, nói nhiều bạn bè của ông đã quay về Việt Nam trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình.
Theo tờ báo này, trong những ngày qua những người biểu tình đã có ‘tình cảm bài Việt’. Những người biểu tình còn hô to những khẩu hiệu có từ ‘yuon’, một từ chỉ người Việt mang tính kỳ thị.

Không có nhận xét nào: