Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Nghị viện châu Âu ra Nghị quyết về việc mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc



Minh Huệ – Tuần trước các nhà lập pháp châu Âu đã đạt được bước tiến lớn trong bảo vệ nhân quyền toàn thế giới với việc thông qua một nghị quyết lên án và kêu gọi chấm dứt việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc mà phần lớn trong số họ là các học viên Pháp Luân Công. Toàn văn của Nghị quyết trên trang web chính thức của Nghị viện châu Âu được trình bày dưới đây.


Nghị viện châu Âu,
- Căn cứ theo Nghị quyết ngày 07 tháng 09 năm 2006 (1) và 14 tháng 03 năm 2013 (2) về quan hệ EU- Trung Quốc, Nghị quyết ngày 13 tháng 12 năm 2012 về báo cáo nhân quyền và dân chủ trên thế giới thường niên năm 2011 và chính sách của Liên minh châu Âu về vấn đề này (3), Nghị quyết ngày 16 tháng 12 năm 2012 về báo cáo nhân quyền thế giới thường niên năm 2009 và chính sách của Liên minh châu Âu về vấn đề này (4), và Nghị quyết ngày 19 tháng 05 năm 2010 về ‘Thông báo của Ủy ban: Kế hoạch hành động đối với việc hiến và ghép tạng (2009-2015): Hợp tác tăng cường giữa các nước thành viên (5),
- Căn cứ theo Điều lệ các Quyền Cơ bản của Liên minh châu Âu ngày 18 tháng 12 năm 2012, cụ thể tại Điều 3 về quyền toàn vẹn thân thể,
- Căn cứ theo buổi điều trần ngày 21 tháng 11 năm 2009, ngày 06 tháng 12 năm 2012 và ngày 02 tháng 12 năm 2013 của tiểu ban nhân quyền và lời chứng liên quan của ông David Kilgour, nguyên Quốc vụ khanh Canada khu vực châu Á Thái Bình Dương và ông David Matas, luật sư nhân quyền về nạn thu hoạch nội tạng quy mô lớn được thực hiện đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc từ năm 2000 mà không được sự chấp thuận của họ.
- Căn cứ theo Công ước Chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, và loại hình làm mất phẩm giá khác, đã được Trung Quốc phê chuẩn vào ngày 04 tháng 10 năm 1988,
- Căn cứ theo quy tắc 122(5) và 110(4) về các Quy tắc thủ tục,
A. Xét rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện hơn 10.000 ca ghép tạng mỗi năm và 165 trung tâm ghép tạng ở Trung Quốc quảng cáo rằng tạng phù hợp có thể được tìm thấy trong vòng hai đến bốn tuần, thế nhưng với tình hình ở Trung Quốc vốn không có một hệ thống công về hiến hoặc phân phối tạng được tổ chức và có hiệu quả; xét rằng hệ thống ghép tạng ở Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về tính minh bạch và khả năng truy nguyên trong quá trình mua nhận tạng, và xét rằng chính phủ Trung Quốc đã chống lại việc giám sát độc lập hệ thống; xét rằng việc tự nguyện chấp thuận có thông báo trước là điều kiện tiên quyết của việc hiến tạng có đạo đức;
B. Xét rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có tỷ lệ tự nguyện hiến tạng rất thấp do quan niệm truyền thống, xét rằng vào năm 1984 Trung Quốc đã thực thi những quy định cho phép thu hoạch nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết.
C. Xét rằng chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không thể giải trình đầy đủ nguồn gốc của những số tạng vượt quá theo yêu cầu của ông Manfred Nowak, cựu báo cáo viên nhân quyền đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác, và của các nhà nghiên cứu Canada ông David Matas, luật sư nhân quyền, và ông David Kilgour, nguyên Quốc vụ khanh Canada về châu Á Thái Bình Dương.
D. Xét rằng ông Hoàng Khiết Phu, Giám đốc Ủy ban Hiến tạng Trung Quốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đã tuyên bố tại hội thảo về hiến và cấy ghép tạng tại Madrid vào năm 2010 rằng hơn 90% nội tạng cấy ghép lấy từ những người hiến tạng đã chết là những tử tù ở Trung Quốc, và nói rằng sẽ yêu cầu tất cả các bệnh viện được cấp phép ghép tạng, đến giữa năm 2014 chấm dứt sử dụng nguồn tạng lấy từ tử tù và chỉ sử dụng những tạng được hiến tự nguyện và phân bổ qua hệ thống phân phối quốc gia mới xây dựng.
E. Xét rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công bố ý định giảm dần việc thu hoạch nội tạng từ các tử tù đến năm 2015, cũng như giới thiệu hệ thống phân phối tạng được máy tính hóa được gọi là Hệ thống Phản ứng Ghép tạng Trung Quốc (COTRS), và như vậy đi ngược với cam kết yêu cầu tất cả các bệnh viện được cấp phép ghép tạng chấm dứt sử dụng nguồn tạng lấy từ tử tù vào giữa năm 2014;
F. Xét rằng vào tháng 07 năm 1999 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một cuộc bức hại sâu rộng trên quy mô toàn quốc, nhằm mục đích xóa sổ môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công và đã dẫn đến việc giam giữ hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công; xét rằng có những báo cáo cho thấy những tù nhân người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng cũng là mục tiêu bị cưỡng bức ghép tạng;
G. Xét rằng Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc và báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, và các loại hình làm mất phẩm giá khác đã bày tỏ quan ngại về cáo buộc mổ cướp nội tạng từ tù nhân, và đã kêu gọi chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tăng cường tính trách nhiệm và minh bạch của hệ thống ghép tạng và trừng phạt những người lạm dụng; xét rằng việc giết hại các tù nhân chính trị và tôn giáo vì mục đích bán tạng của họ để cấy ghép là sự vi phạm nghiêm trọng và không thể dung thứ đối với quyền cơ bản của con người;
H. Xét rằng vào ngày 12 tháng 11 năm 2013 Đại hội Hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu Trung Quốc vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ ba năm kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014;
1. Bày tỏ quan ngại sâu sắc về những báo cáo đáng tin cậy và liên tục về việc thu hoạch nội tạng có hệ thống được nhà nước bảo hộ từ các tù nhân lương tâm mà không có sự đồng ý của họ, ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó phần lớn là các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì niềm tin tôn giáo của họ, cũng như từ các thành viên thuộc các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác;
2. Nhấn mạnh rằng không thể chấp nhận việc giảm dần thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm cho đến năm 2015; kêu gọi chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngay lập tức chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm và các thành viên thuộc các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác;
3. Kêu gọi EU và các nước thành viên nêu lên vấn đề mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc; đề nghị Liên minh và các nước thành viên công khai lên án việc lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc và nâng cao nhận thức về vấn đề này cho những công dân du lịch tới Trung Quốc; kêu gọi EU điều tra toàn diện và công khai đối với việc cấy ghép tạng ở Trung Quốc, và truy tố những người bị phát hiện đã tham gia vào những hoạt động phi đạo đức đó.
4. Kêu gọi chính quyền Trung Quốc đáp ứng đầy đủ việc báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo và các loại hình làm mất phẩm giá khác và báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng yêu cầu chính phủ Trung Quốc giải thích nguồn gốc của số tạng vượt mức theo sau việc gia tăng số ca ghép tạng, và cho phép họ tiến hành điều tra đối với hoạt động ghép tạng ở Trung Quốc.
5. Kêu gọi ngay lập tức thả tất cả các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, bao gồm các học viên Pháp Luân Công.
6. Chỉ thị Chủ tịch chuyển Nghị quyết này tới Hội đồng, Ủy ban.
(Xem nguyên văn tiếng Anh tại đây)

Không có nhận xét nào: