Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Người Việt 'quen sống cùng tham nhũng'

Lãnh đạo VN thay nhau nói đến lợi ích nhóm nhưng chưa nói rõ các nhóm lợi ích là nhóm nào.
Trên thế giới có nhiều định nghĩa, nhiều hình thức khác nhau về tham nhũng. Ở Việt nam, khái niệm tham nhũng được chỉ định cụ thể chủ thể là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực công để vụ lợi cá nhân.
Hành vi tham nhũng biểu hiện trên thực tế rất đa dạng và phức tạp, nạn tham nhũng diễn ra trên tất cả các hoạt động đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn đến tài sản của cộng đồng hiện tại và tương lai.


Thực thi tham nhũng làm thay đổi, đảo lộn chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, đã trở thành bình thường trong quan niệm của đại đa số người tham gia điều hành lĩnh vực công hàng ngày.
Tham nhũng ở Việt Nam xảy ra ở cấp Trung ương, các cấp chính quyền cơ sở, các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xuất nhập khẩu, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao... Thậm chí cả lĩnh vực phúc lợi xã hội, bảo vệ pháp luật, cứu trợ xã hội, thi đua khen thửởng, chuyển công tác...
Điều đáng bàn ở đây là tham nhũng đã và đang hủy hoại một cách lũy tiến đối với nhận thức, hành động của thế hệ tri thức trẻ.
Riêng đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách và các nguồn vốn vay khác do nhà nước quản lý những năm gần đây lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng, được thực hiện đa số bởi các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp khác có vốn nhà nước 100% hoặc vốn nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Dự án và 'phần trăm'
"Tham nhũng đã và đang hủy hoại một cách lũy tiến đối với nhận thức, hành động của thế hệ tri thức trẻ"
Việc lobby [vận động hành lang] và chi tiền cho các “chi phí cần thiết khác” từ vài thậm chí đến mười phần trăm trong suốt quá trình thực hiện dự án là điều không tránh khỏi để có công việc, để nhận được dự án, dù dưới nhiều hình thức đấu thầu, chỉ định thầu, hợp tác công tư (PPP).
Giá trị này chưa hẳn đã được bù lại bằng cách rút ruột dự án như báo chí vẫn thường lên án mà bù đắp bằng giá trị vô hình, bằng thuận lợi vật tư, khấu hao xe cộ, máy móc… Và có thể, thay vì nếu không có việc làm, doanh nghiệp sẽ chết hẳn, thì việc hối lộ để giành dự án là phương án giúp doanh nghiệp “chết từ từ”, với hi vọng nằm chờ cơ hội.
Ở các nước phát triển, việc rửa tiền phải từ chủ thể tham nhũng, thì Việt Nam ngược lại.
Nhà hoạt động chống tiêu cực Lê Hiền Đức đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn giúp dân oan khiếu kiện.
Vài chục ngàn tỷ trong một năm tham nhũng từ nguồn vốn nhà nước được rửa bằng sự phạm pháp của lực lượng hùng hậu cán bộ các phòng ban của các doanh nghiệp nhà nước.
Hợp thức hóa chi phí sản xuất bằng cách lập lại chứng từ tài chính, hồ sơ kỹ thuật, mua hóa đơn VAT… sai khác thực tế để bù giá trị tham nhũng và giá trị thuế VAT cho lượng tiền tham nhũng trên. Phát sinh phạm pháp khác bắt nguồn từ một sự phạm pháp.
Từng lớp tri thức trẻ nối tiếp nhau, người người phải hợp thức hóa giá trị tham nhũng một cách vô tư, tự nguyện, hồn nhiên nếu muốn tồn tại trong công việc.
Hệ lụy tham nhũng làm hư hỏng tư tưởng thế hệ trẻ, tự tròng vào cổ mình thòng lọng phạm pháp ngẫu nhiên đang xảy ra hàng ngày là điều quá nghiêm trọng cho xã hội, cần được lên tiếng từ các bậc cha mẹ, người thân và cộng đồng.
Phải chăng chống tham nhũng nên chống từ gốc, một việc làm đem lại hai ý nghĩa thiết thực cho xã hội.
Nếu không có sự tiếp tay, không phạm pháp không tư lợi đánh đổi với công ăn việc làm hiện tại của lực lượng tri thức trẻ, thì chắc rằng chẳng còn cách nào khác để rửa tiền hộ cho các đối tượng tham nhũng áp đặt cuộc chơi chi phí phần trăm và các chi phí khác trong điều phối vốn ngân sách, vốn vay trong xây dựng hạ tầng và các dạng tương tự.
Nên chăng đưa việc nguy hại này thành điều cấm trong hợp đồng lao động đối với các nhân viên khi được ký hợp đồng với doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối cũng là cách chống tham nhũng thiết thực.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

Không có nhận xét nào: