Nguyễn Minh Thành – Đọc bài: “Hy vọng những đốm lửa nhỏ, cần mẫn” của tiến sĩ Giáp Văn Dương, tôi thấy hứng thú viết bài này, với ý muốn nương theo và bàn sâu hơn vào đề tài niềm tin mà tiến sĩ nói đến. Hi vọng cùng nhau góp phần giúp khơi dậy một chút niềm tin trong chúng ta hôm nay.
Thực tế đúng là xã hội Việt Nam đang mất niềm tin trầm trọng.
Vậy: Niềm tin là gì?
Thực ra hầu như ai cũng biết niềm tin là gì, nhưng động tác đặt ra câu hỏi làm cho ta có thêm không gian cho một vấn đề, mà cuộc sống vốn vội vã của chúng ta đều thiếu chỗ cho hầu hết mọi điều.
“Niềm tin” là từ mà loài người chúng ta dùng cho nhau, nhưng nếu quan sát các vật vô tri trong qui luật vật lí, các vật có thể ở bên nhau khá lâu, hay có khả năng gắn kết với nhau đều phải đạt một số điều kiện tương đồng nào đó, thì đó cũng là niềm tin của chúng. Ví dụ các viên gạch đều có những mặt phẳng là điều kiện để dễ bề xây nên bức tường, hay hai cái móc đều cong quặp tương ứng, để móc vào nhau cho việc lôi kéo hay níu giữ. Một cái cây đứng vững chãi trên mặt đất, là vì bộ rễ mềm mại của nó vươn sâu vào lòng đất, cùng lòng đất có thể mềm đủ, để cho phép nó chui sâu, và rễ cây ôm lòng đất hay lòng đất ôm rễ cây cũng là một dạng tin cậy vậy.
Niềm tin không xảy ra khi có một sự đe doạ bị xâm hại nào đó từ phía đối tác.
Niềm tin biểu hiện ra bề ngoài là sự cam kết, nhưng hun đúc ở bên trong không nhìn thấy là sự thật. Vì thế, đơn giản là: ở đâu có sự thật, ở đó có niềm tin và ngược lại. Hay cũng có thể nói: sự thành thật là năng lượng cho niềm tin.
Lão Tử nói trong Đạo đức kinh về lòng tin cậy như sau:
“Kẻ nào biết quí thân vì thiên hạ, Nên giao phó thiên hạ cho họ.
Kẻ nào biết thương thân vì thiên hạ, Nên gửi gắm thiên hạ cho họ.”
(Quí dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả kí thiên hạ. Ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ.)
Đây là trích từ bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần mà tôi tìm được trên internet. Thật tiếc là tôi không tìm thấy bản dịch tiếng Việt nào nói lên được vẻ đẹp cao siêu và kì diệu của câu này cũng như hầu hết pho kinh, thế nên ít người hiểu và cảm thụ được. Bây giờ pho Đạo đức kinhcũng kể như pho kinh chết.
Chữ “vi” ở đây nghĩa rất rộng, không chỉ nghĩa là vì, mà còn là: ở trong. Nghĩa là: Ai biết quí, cùng tôn trọng thân mình và biết mình trong vòng tay trời đất và vì trời đất (chữ “Thiên hạ” cũng thường bị hiểu hạn hẹp là quốc gia, đất nước, mà thực ra phải là: trời đất) thì trời đất mới có thể chui vào trong nó. Ai biết yêu thương thân mình trong trời đất, vì trời đất, thì người đó mới có thể thả mình tan biến, hay hoà tan trong trời đất, vũ trụ.
Sự quí trọng và yêu thương mới là yếu tố cần thiết để con người đạt đến thông minh, hiểu biết, và cũng là sự thành thật. Nhưng Lão Tử nói quí và yêu bản thân mình, điều này nghe có vẻ ích kỉ tiêu cực, song không phải thế.
Vì: quí yêu bản thân trong Trời Đất. Chính đây là điểm khó hiểu của lời kinh. Nếu một người ý thức được mình ở trong trời đất (mặc dù ai cũng đều ở trong trời đất mà nhiều người không hề biết!), liền xảy ra một niềm tin cậy lớn, tin cậy nơi sự sống. Nó thấy mình bắt rễ sâu trong nguồn mạch sự sống và có bản lãnh cùng vinh dự vươn cao đến tận cùng của sự tồn tại. Lúc ấy nó trở nên siêu việt trong tình yêu, không chỉ đơn thuần tình yêu vợ chồng, bạn bè, người thân, bố mẹ, con cái… Lúc này người ấy mới biết tình yêu thực sự, chỉ có tình yêu thực sự này mới là phép màu, làm người ấy đủ can đảm tan biến vào vũ trụ cũng như là chủ cả vũ trụ. Đó là mục đích tận cùng của loài người.
Ai biết quí yêu bản thân mình, người đó mới biết quí yêu tha nhân hay ngoại cảnh. Còn người chưa biết yêu quí được chính mình mà nói yêu người khác, chắc chắn không thể được, và đó cũng chính là bộ mặt đạo đức giả hay chủ nghĩa giáo điều, mà ngày nay chúng ta thấy nhan nhản trên mặt đất, cho dù họ mang danh tôn giáo hay dân chủ hay nhân dân hay cộng sản…
Lão Tử dùng hai vế đối, trên là kí, dưới là thác để nói lên sự đón nhận và phó thác. Đón nhận và phó thác chính là nguyên lí của niềm tin. Và niềm tin trong câu kinh trên của Lão Tử là niềm tin lớn nhất trong toàn bộ mọi niềm tin. Đó là: con người có thể ôm lấy cả vũ trụ và con người cũng hoàn toàn ở trong tay vũ trụ mà không còn có thể đi đâu khác được nữa. Hay đơn giản hơn là: Vũ trụ giao mình cho nó và nó giao mình cho vũ trụ. Đó là một bảo đảm mà không có sự bảo đảm nào lớn hơn được.
Và đến đây ta thấy điều kiện cho lòng tin là sự bảo đảm. Ít nhiều thì ở các nước tiến bộ, người ta đã hiểu và thực hiện điều này, chứ không chộp giật và phản trắc như trong xã hội Việt Nam hôm nay. Ít nhiều ở các nước ấy người ta đã nghĩ ra mô hình các quỹ tín thác (trust) hay các hãng bảo hiểm hay nhà băng… Cho dù các mô hình đó chỉ là mô phỏng na ná thô sơ theo qui luật về sự tin cậy thường hằng trong vũ trụ. Nhưng dầu vậy cũng thật đáng khen.
Tới đây chúng ta tạm có công thức: muốn có lòng tin cần có bảo đảm, mà muốn có bảo đảm cần có thành thật.
Thành thật là khởi sự và nền móng cho công trình sự sống mà con người thật vinh dự biết bao tham dự.
Để có lòng thành thật là chỗ khó nhất trên quá trình tiến hoá của nhân loại. Và Việt Nam hiện nay đang ở chính giữa của điểm kẹt này. Nơi nào không thông, ùn tắc nhiều quá thì sự cộng hưởng đau khổ sẽ tạo nên thù nghịch và chiến tranh. Muốn cho thông thì phương thuốc là: mỗi người phải hướng vào trong chính mình.
Đã luôn không thiếu những tâm hồn nhiệt huyết muốn thay đổi thế giới bằng các phong trào rầm rộ có sức lôi cuốn đông đảo, Song trên thế giới đến ngày nay dường như sự xấu càng gia tăng và bất hạnh của loài người là không kể xiết. Bởi vì đó là những phong trào chỉ lo bên ngoài. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thế giới bề ngoài theo cách nào đó, nhưng giải pháp cho sự đau khổ của con người chỉ có thể bắt đầu từ bên trong.
Và tôi đồng ý với tiến sĩ Giáp Văn Dương khi ông nói: “Nếu không thay đổi được đời, thì thay đổi ta trước vậy. Khi những ngọn đuốc lớn đã không thể cháy thì chỉ còn hy vọng vào những đốm lửa nhỏ, kiên nhẫn và cần mẫn”.
Vâng, theo tôi, không thể thay đổi người khác nếu mình không hơn người ta. Nhưng tôi không thích dùng từ thay đổi vì rất dễ bị hiểu lầm và lạm dụng, mà tôi thích dùng từ ảnh hưởng.
Và chỉ khi hướng nội, thì người ta mới thực sự tiến hoá. Tiến hoá là: càng ngày mình càng lớn hơn, trưởng thành hơn về tâm thức. Khi ấy sự ảnh hưởng với người khác là tự nhiên chứ không cần nỗ lực.
Cách thực tập để quay về bên trong thì rất đơn giản mà lại rất khó. Đơn giản là vì chỉ cần bắt đầu từ thật thà. Khó là vì nếu tôi bắt đầu thật thà mà người khác thì không, khiến tôi bị thiệt. Ta hãy bỏ qua phần đơn giản mà xem xét phần khó. Tuy khó đấy nhưng không phải là không có cách. Đó là hãy chậm rãi và thực tập thật thà từng cái nhỏ. Nếu có bị thiệt thì cũng thiệt nhỏ thôi. Đương nhiên là cần chút kiên nhẫn vì ta hay muốn mau chóng. Sự đau khổ vì mất niềm tin mà dối trá gây nên cho chúng ta đến như ngày nay cũng là vì dối trá rất kiên nhẫn. Chúng từng tí, từng tí len lỏi vào tâm hồn vốn trong trắng của nhân loại cả muôn ngàn năm rồi. Vậy để cho công bằng thì ta cũng phải kiên nhẫn ít ra như thế, thậm chí tốt hơn nếu có thể kiên nhẫn hơn. Rồi khi bén lửa, chúng bừng cháy và ta sẽ hân hoan.
Để cho cảm thấy đỡ khó, tôi nói đến cái lợi của sự thật thà mà chính tôi trải qua. Trước đây tôi đã từng dối trá và rất dối trá. Lòng tôi vì thế cũng rối tung lên và tôi đau khổ. Cái dối trá lần trước nhỏ thì cái lần sau phải to hơn và suy nghĩ phải chạy nhanh hơn và đương nhiên là mệt mỏi hơn. Khi mệt mỏi thì làm sao làm việc hiệu quả tốt được, nên mọi chuyện trở nên xấu xí. Cho tới khi tôi không thể chịu nổi và phải thoát ra. Tôi đã đầu hàng và quay lại tập thật thà. Quả thật, nay một chút, mai một tí, mỗi lần thật thà là mỗi lần nhẹ hơn, sung sướng hơn. Mỗi lần thành thật nho nhỏ, là mỗi lần một niềm tin nhỏ nhỏ thắp lên.
Tôi hiểu kinh nghiệm kiểu như thế này ít nhiều ai cũng trải qua.
Và tôi cũng hiểu còn rất nhiều người biết thế nhưng nghĩ: mình, thấy sống như hiện tại vẫn còn được nên cứ từ từ rồi hãy thay đổi.
Tôi cũng từng chứng kiến những người đã qua đời mà chưa kịp thay đổi.
Còn hiện nay tôi cũng chứng kiến nhiều bạn bè tôi, nhiều người thân trong gia đình tôi sống trong dối trá, mà tôi chưa đủ mạnh để ảnh hưởng họ chuyển sang thành thật.
Kì lạ lắm, khi ta đang trong tình trạng dối trá, giống như con gà con sắp nở trong vỏ trứng. Khi ấy ai bảo ta rằng ngay bên ngoài vỏ, cách 0,1 mm thôi là cả một sự lớn rộng bao la, ta không tin, làm sao tin nổi trong vỏ trứng kín mít thế này! Ấy thế mà khi gà mẹ mổ cho một cái vỡ vỏ trứng, thế là một thế giới hoàn toàn trái ngược với không gian trong vỏ trứng ùa vào. Gà con dù bé nhỏ, nhưng nó cũng đủ mạnh để đạp thoát ra ngoài vỏ trứng.
Sự thật ở bên ngoài vỏ trứng, vậy làm sao chúng ta có thể bị thiệt thòi khi từ bỏ dối trá. Sự từ bỏ dối trá đáng giá cho ta cả đất trời. Hãy đón nhận sự bảo đảm ấy.
Muốn có sự thành thật với người khác, thì ta phải thành thật với chính mình trước. Điều này hầu như ai cũng nghe nhiều và “biết rồi khổ lắm nói mãi”, song quả thực để bắt tay thực hiện thì không dễ.
Ta thường trải qua một giai đoạn ngần ngại và hoài nghi. Có một sự đổ vỡ lớn mà ta lơ mơ cảm thấy khiến ta ngần ngại. Có một cảm giác mất mát mơ hồ khiến ta băn khoăn: liệu khi chuyển sang thành thật, tôi sẽ được bù lại gì trước những mất mát? Thực ra chúng ta chưa hề cho mình cơ hội xem xét những thứ đổ vỡ mất mát đó là những gì. Thực sự chúng chỉ là rác và đồ giả lộn xộn chồng đống trong tâm hồn chúng ta. Cũng từ đống rác đó mà buồn bực sinh ra, phiền não sinh ra, thù hận sinh ra…
Chỉ cần chúng ta hãy đặt câu hỏi: Có ai hạnh phúc vì dối trá không? Và chúng ta xem xét câu trả lời một cách nghiêm túc trên mọi khía cạnh. Câu trả lời đúng nhất là rất ngắn gọn một từ: “Không”. Chừng nào mà ta còn chưa cảm nhận và thấu hiểu điều đơn giản: dối là ảo, là bất hạnh; thật là thật, là hạnh phúc, thì dù có làm gì ta cũng chỉ là đang giãy giụa chứ chưa ngả mình trong vòng tay sự sống.
Thành thật ư? Đầu tiên là tôi cảm thấy không thích khi coi mình là người giả dối. Tôi thậm chí sẽ rất ghét nếu ai đó coi tôi là giả dối. Và như thế một hàng rào do cái tôi giả dối sẽ dựng nên, hàng rào đó được xây đắp bởi kĩ thuật của chính sự dối trá càng lúc càng tinh vi. Khiến cho không biết bao nhiêu người không biết chính mình là người giả dối. Không những chỉ cá nhân, mà còn cả những tập thể cũng không hề biết họ đang bảo vệ và vun bồi cho sự giả dối tinh vi đang choán ngợp, ngự trị trong cộng đồng và xã hội.
Sự giả dối tinh vi thường nguỵ trang khéo léo trong các nhãn hiệu của tôn giáo hay đạo đức hay tình yêu.
Lấy ví dụ: Tình yêu nước chính là một thứ tình yêu giả, thế mà nó gây ra biết bao đau khổ cho nhân loại từ xưa đến giờ. Trong tự nhiên không hề có cái gọi là lòng yêu nước. Đó hoàn toàn là sản phẩm nhân tạo. Chúng chỉ tồn tại trong sự mê muội của tâm trí loài người chứ không liên quan gì đến tình yêu của sự sống tự nhiên. Và đến ngày nay trái đất chịu bao vết hằn ngang dọc vì biên giới quốc gia. Con người bị thít chặt trong mớ dây hận thù, tham lam, sợ hãi và chia rẽ.
Hay một ví dụ khác: Cô gái chửa hoang hoàn toàn đẹp và đạo đức trước thiên nhiên và trời đất. Nhưng cô ấy sẽ bị biết bao đau khổ trước mặt người đời!
Thêm một ví dụ khác nữa: Chỉ có một Thượng đế duy nhất (nếu có), thế mà bao nhiêu tôn giáo mặc dù công nhận như thế, song lại tranh giành nhau độc chiếm, thậm chí đổ không biết bao nhiêu là máu xương!
Tôi chỉ nêu ra ba ví dụ trong biết bao trường hợp không đếm xuể mệnh danh là đạo đức mà con người phải gánh vác được trao cho bởi chính con người. Kẻ tạo ra chúng là sự dối trá và cách mà chúng được tạo thành cùng được nuôi dưỡng là do chiều hướng sống ra bên ngoài. Ta hãy cẩn trọng phân biệt thế nào là đạo đức tự nhiên và thế nào là đạo đức nhân tạo.
Quay vào bên trong hay ngoảnh đầu là bờ là lời năn nỉ của sự thật và cũng chỉ có cách đó là duy nhất cứu rỗi.
Người ta nói mất niềm tin là mất tất cả, tôi thì cho là chưa mất tất cả. Chúng ta luôn luôn còn sự khởi đầu mới ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
Và đó cũng là một đảm bảo nữa của sự sống, đó là: chúng ta luôn có thể bắt đầu từ ngay bây giờ và ở đây. Đó chính là nhiệm màu.
Đà Lạt tháng Một năm 2014
© 2014 Nguyễn Minh Thành & pro&contra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét