Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Tang lễ ông Lê Hiếu Ðằng dời một ngày

Hỏa thiêu, rải tro cốt xuống sông Sài Gòn

SÀI GÒN (NV) 
Theo thông báo mới nhất của ban tổ chức tang lễ và gia đình, đám tang ông Lê Hiếu Ðằng bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 26 tháng 1, 2014, tức là lùi lại một ngày so với dự định ban đầu.
Sau những màn tấn công của đám mật vụ công an CSVN như giật dây băng trên những vòng hoa phúng viếng do các tổ chức dân chủ như Bauxite Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình... tại đám tang ông Lê Hiếu Ðằng, dư luận đang chờ xem những trò khủng bố mới của nhà cầm quyền CSVN trong 24 tiếng đồng hồ tới.


Bằng hữu của ông Lê Hiếu Ðằng chụp ảnh kỷ niệm trước linh cữu của ông tại chùa Xá Lợi. (Hình: trang mạng Bauxite Việt Nam)
Tin tức từ các trang mạng xã hội nói rằng, ông Lê Hiếu Ðằng, một đảng viên CSVN lâu năm, sẽ được hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh, Sài Gòn. Tro cốt của ông sau đó sẽ được gia đình và bằng hữu rải xuống sông Sài Gòn.

Các mạng truyền thông xã hội còn đưa nhiều hình ảnh về những lần ông Lê Hiếu Ðằng xuống đường chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa-Trường Sa. Ông Lê Hiếu Ðằng được coi là một trong những lãnh tụ phong trào sinh viên-học sinh tranh đấu đô thị tại Sài Gòn trước năm 1975, cựu học sinh trường trung học Phan Chu Trinh, Ðà Nẵng; Ðại Học Luật Khoa Sài Gòn. Ông còn là thành viên của Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, bị tòa án Vùng 3 Chiến Thuật thời Việt Nam Cộng Hòa kết án tử hình khiếm diện. Sau ngày 30 tháng 4, 1975, ông trở thành phó tổng thư ký các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; phó chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tại Sài Gòn; đại biểu Hội Ðồng Nhân Dân Sài Gòn hai khóa liền.
Ông Lê Hiếu Ðằng cũng là giảng viên môn Triết học và chủ nghĩa xã hội khoa học tại trường đảng Nguyễn Văn Cừ ở Sài Gòn; luật gia, phó chủ nhiệm hội đồng tư vấn về Dân chủ và pháp luật thuộc Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, với 45 tuổi đảng.
Sau một thời gian tận tụy theo đuổi “lý tưởng cộng sản,” ông Lê Hiếu Ðằng trở thành người tranh đấu cho nền dân chủ pháp trị tại Sài Gòn; dẫn đầu các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa... Năm 2013, ông chính thức ly khai đảng CSVN, hành động cuối cùng được coi là một “suy nghĩ chín chắn,” đồng thời với lời tuyên bố rằng “chủ nghĩa xã hội chỉ là ảo tưởng.”
Ông cũng là thành viên câu lạc bộ “Những người kháng chiến cũ,” một tổ chức được thành lập với sự đề xướng của ông Nguyễn Hộ, dẫn đến việc ông Nguyễn Hộ bị quản thúc tại nhà cho đến chết. Còn ông Lê Hiếu Ðằng cũng bị bắt giam một năm tù, không xét xử.
Sau sự kiện này, ông bị sa thải khỏi cơ quan dân vận - nơi ông làm việc, và bị khai trừ ra khỏi đảng CSVN ngày 27 tháng 7 năm 1992. Từ đó, ông kiếm sống bằng nghề dạy kèm Pháp văn.
Các bằng hữu của ông ở Ðà Lạt coi ông là “một trong những hoa trái dân chủ nẩy mầm, đã thâm nhập sâu trong hàng ngũ khiến các nhà lãnh đạo thủ cựu CSVN phải giật mình, hốt hoảng.”
Clip ghi lại buổi tẩn liệm ông tại Trung Tâm Pháp Y Sài Gòn cho thấy, ông Lê Hiếu Ðằng được mặc chiếc chemise màu đỏ thường dùng, áo veston xám của thời sinh viên, thắt cà vạt.. trong giờ phút cuối cùng. Linh cữu ông sau đó được đưa đến quàn tại chùa Xá Lợi, quận 3, Sài Gòn.
Tại Hà Nội, lễ cầu siêu ông Lê Hiếu Ðằng cũng đã được tổ chức chiều ngày 23 tháng 1, 2014. Người ta thấy có một số nhà trí thức kỳ cựu hiện diện trong buổi lễ, như Kiến Trúc Sư Trần Thanh Vân, Giáo Sư Nguyễn Ðông Yên, Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Lê Ðăng Doanh, Nguyễn Trung, Hoàng Ðăng Phú, đại tá Nguyễn Ðăng Quang...
Trên trang mạng xã hội còn loan tải bức tâm thư của nhà chiến sĩ dân chủ Lê Hiếu Ðằng hoàn thành ngày 13 tháng 12, 2014, gửi các thanh niên, sinh viên học sinh Việt Nam, nói rằng “chế độ toàn trị do đảng CSVN dựng lên cướp hết các quyền tự do, dân sinh, dân chủ, cướp đất, tài nguyên, các quyền căn bản của con người ...” Những dòng chữ viết cuối cùng của ông hô hào thế hệ trẻ “noi gương tiền nhân đấu tranh, không bao giờ chịu khuất phục trước tù đày, đàn áp, làm nhục, kể cả cái chết.” Ông kêu gọi sự hy sinh để “con cháu chúng ta được sống với quyền được làm người tử tế, hưởng hạnh phúc của cuộc sống tươi đẹp như trẻ em trên thế giới...”
Trong khi đó, các tờ báo ở Sài Gòn chỉ đưa những dòng phân ưu vắn tắt về tang lễ nhà yêu nước Lê Hiếu Ðằng. (P.L)

Không có nhận xét nào: