Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Tai nạn xe cộ liên tiếp đầu năm mới

ĐỒNG NAI (NV) .- Hai tai nạn thảm khốc xảy ra ngay vào thời điểm kết thúc năm cũ, bước sang năm mới, cho thấy, tai nạn giao thông vẫn là vấn nạn nghiêm trọng, đe dọa dân chúng Việt Nam trong năm 2014.

Tai nạn dây chuyền vì chiếc xe đò "không làm chủ được tốc độ" ngày 31 tháng 12 ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nhân viên cấp cứu phải đập kính, cưa xe mới đưa được các nạn nhân ra ngoài. (Hình: Người Lao Động)

Trưa 31 tháng 12 năm 2013, khi đang lưu thông trên quốc lộ 51, theo hướng từ Vũng Tàu về Sài Gòn, do không làm chủ được tốc độ, tài xế của chiếc xe đò mang biển kiểm soát số 72B-00205 đã để xe húc vào đuôi một chiếc xe vận tải mang biển kiểm soát số 51C-22013 đang chờ đèn xanh tại ngã tư quốc lộ 51 - Châu Văn Lồng, thuộc phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chiếc xe vận tải này tiếp tục húc vào đuôi một chiếc xe vận tải khác cũng đang dừng chờ đèn xanh.
Vụ tai nạn khiến tài xế và phụ lái của chiếc xe vận tải bị đâm vào đuôi trọng thương. Riêng chiếc xe đò bị bẹp dúm phần đầu, ghế lái bị đẩy tuốt xuống hàng ghế thứ ba trong xe. Tài xế xe đò chết tại chỗ. Những thanh sắt chữ U trên chiếc xe vận tải đã xuyên vào lòng xe đò khiến 12 hành khách trong xe bị thương nặng. Dân chúng và lực lượng cứu nạn phải dùng búa đập nát kính của các cửa, dùng cưa cắt thân xe, lôi những người bị nạn ra bên ngoài để đưa đi cấp cứu. 
Sang ngày 1 tháng 1 năm 2014, khi đang lưu thông trên đường Mường Xén - Mường Lống, đoạn thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, một chiếc xe đò bị chết máy, trôi ngược trở lại khoảng 40 mét, rồi rơi xuống vực sâu hơn 100m dưới chân đèo Phả Xắc. Vụ tai nạn nạn này làm hai người chết tại chỗ. Bốn người khác bị trọng thương. Khả năng sống sót rất thấp.
Theo một thống kê được công bố hồi đầu tuần này, trong năm 2013, các vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam đã tước đoạt sinh mạng của 9,900 người, trong khi 15 trận bão, lũ suốt năm 2013 chỉ làm 313 người thiệt mạng. Tính ra, số người tử nạn vì thiên tai trong năm 2013 chỉ bằng 0.3% số người mất mạng vì tai nạn giao thông.
Dù số vụ tai nạn giao thông của năm 2013 được cho là đã giảm so với năm 2012 nhưng trung bình mỗi ngày, tại Việt Nam vẫn có 27 người chết vì tai nạn giao thông.
Ngoài việc làm 9,900 người thiệt mạng, trong năm 2013, tai nạn giao thông tại Việt Nam còn làm 32,000 người bị thương, nhiều người trong số này bị tàn phế vĩnh viễn.
Thống kê về tai nạn giao thông trong năm 2013 cho thấy, vẫn còn 19 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông cao hơn năm 2012. Dẫn đầu số này là Khánh Hòa, Hà Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhìn chung, tại Việt Nam, tai nạn giao thông vấn là vấn nạn xã hội nghiêm trọng, đe dọa tất cả mọi người. Viên Bộ trưởng Giao thông Vận tải của Việt Nam khẳng định, lý do khiến tai nạn giao thông vẫn là vấn nạn xã hội nghiêm trọng vì sự chủ quan của cả các viên chức lẫn hệ thống công quyền.
Viên Bộ trưởng Giao thông Vận tải của Việt Nam cho biết, năm vừa qua, bộ này đã cố gắng kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải, đưa ra những đòi hỏi cao hơn về điều kiện kinh doanh vận tải. Điều tra, truy tận gốc các trung tâm đăng kiểm, trung tâm đào tạo - sát hạch lái xe có tiêu cực nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn vì nhận thức về trách nhiệm của lãnh đạo nhiều cơ quan hữu trách và chính quyền địa phương còn kém.
Tuy trong năm ngoái, ngành Giao thông Vận tải của Việt Nam đã kỷ luật 12 cán bộ, cấm hành nghề 21 đăng kiểm viên vi phạm quy trình kiểm định xe, kiểm điểm trách nhiệm - xử lý kỷ luật 23 cán bộ vi phạm quy định về đào tạo - sát hạch - cấp giấy phép lái xe, trong đó có đình chỉ hoạt động của một Hội đồng Sát hạch thuộc Sở Giao thông Vận tải Sài Gòn song Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, đội ngũ đăng kiểm viên và hoạt động đăng kiểm - quản lý các phương tiện đượng bộ, đường thủy vẫn còn nhiều tiêu cực.
Các viên chức chính quyền tại Việt Nam cho biết đang xem xét kinh nghiệm của chính quyền tỉnh Tây Ninh – một trong rất ít địa phương giảm được cả số vụ tai nan giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông, để áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Đó là cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của cảnh sát giao thông. Phạt thật nặng những người say rượu lái xe. Năm 2013, Tây ninh đã thu được 80 tỉ từ việc phạt những người say rượu lái xe.

Các viên chức Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam cũng đang nghiên cứu ý tưởng đưa tên những cá nhân, cơ quan vi phạm an toàn giao thông lên báo như một giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn này. (G.Đ)

Không có nhận xét nào: