Pages

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Thế lực kim tiền của Trung Quốc không lay chuyển được công luận Miến Điện

Trung tâm huấn luyện Thuwunna : Báo The Nation đánh giá : Trung Quốc
dùng "quyền lực mềm" để mua chuộc láng giềng (@27seagames2013)
Trọng Nghĩa
Hạ tuần tháng 12/2013 vừa qua, Miến Điện đã bế mạc thành công sự kiện thể thao quan trọng nhất khu vực : Đông Nam Á vận hội SEA Games 27, mà nước này được quyền tổ chức lần đầu tiên từ gần nửa thế kỷ nay.
Điều ít được nhắc tới là thành công của Miến Điện đã có được nhờ sự giúp đỡ tận tình của Trung Quốc, đã đổ không biết bao nhiêu tiền của, để giúp nước chủ nhà tổ chức chu đáo sự kiện này. Điều đáng nói tuy nhiên lại là công sức của Bắc Kinh lại hầu như không được công luận Miến Điện cảm kích.

Vai trò của Trung Quốc tại Đông Nam Á vận hội tổ chức tại thủ đô hành chánh Miến Điện Naypyidaw, phải nói là rất lớn.
Theo ghi nhận của một quan sát viên trên nhật báo Thái Lan The Nation, số ra ngày hôm qua, 06/01/2014, Bắc Kinh đã cử 28 huấn luyện viên qua tập luyện cho các vận động viên Miến Điện ròng rã một năm trời. Bên cạnh đó, 176 vận động viên Miến Điện đã được phái qua Trung Quốc để theo đuổi một chương trình huấn luyện đặc biệt.
Về vật chất, Bắc Kinh đã chi viện cho người láng giềng nào là thiết bị tập luyện, nào là trợ giúp kỹ thuật miễn phí để quản lý hệ thống điều hành các cuộc thi đấu, như hệ thống bấm giờ chẳng hạn. Thậm chí, Trung Quốc còn cử một đội ngũ gồm 24 biên đạo múa, đạo diễn, chuyên viên dàn dựng đến giúp nước chủ nhà tổ chức lễ khai mạc và bế mạc SEA Games.
Dĩ nhiên, sân vận động chính tại Naypyidaw, nơi tổ chức các sự kiện quan trọng là do một công ty Trung Quốc thiết kế và xây dựng.
Sau khi Đông Nam Á vận hội kết thúc, ngày 03/01/2014, một hiệp hội doanh nhân Trung Quốc-Miến Điện đã tổ chức tại Rangoon một buổi lễ trao giải thưởng linh đình cho những vận động viên đã chiến thắng nhân SEA Games 27.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh tích cực hỗ trợ cho Đông Nam Á vận hội. Vào năm 2009, khi Lào được quyền tổ chức sự kiện này, chính Trung Quốc là nước đỡ đầu về mặt tài cánh, và cũng một nhà thầu Trung Quốc được trao trách nhiệm xây dựng khu liên hợp thể thao quốc gia của Lào ở ngoại ô Vientiane để dùng cho sự kiện này.
Quan sát viên trên tờ The Nation đã không ngần ngại tặng cho Trung Quốc « huy chương vàng » về sử dụng « quyền lực mềm » trong địa hạt thể thao để mua chuộc các láng giềng. Vấn đề là quyền lực mềm đó lại không phát sinh hiệu quả mong muốn là chinh phục được lòng dân địa phương, mà thậm chí còn phát sinh hiệu ứng ngược lại.
Về các khoản trợ giúp trợ giúp hậu hĩnh của Trung Quốc cho Miến Điện để tổ chức Đông Nam Á vận hội chẳng hạn, giới quan sát ghi nhận thực tế là báo chí nhà nước Miến Điện hầu như không nói đến vấn đề này. Thái độ lặng thinh của phía Miến Điện hoàn toàn trái ngược với các bản tin tuyên truyền rộng rãi của hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.
Đây không phải là lần đầu tiên mà quyền lực mềm – hay nói trắng ra là thế lực kim tiền của Trung Quốc – không mua chuộc được lòng người Miến Điện.
Tại đất nước này, trong thời kỳ tập đoàn quân sự bị thế giới tẩy chay trước đây, viện trợ kinh tế của Trung Quốc đã giúp đỡ Miến Điện rất nhiều. Thế nhưng, tâm lý bất bình của công luận đối với điều bị cho là dụng tâm chính trị của Bắc Kinh cũng gia tăng đều đặn.
Ba đề án tiêu biểu của Trung Quốc tại Miến Điện đều đã vấp phải những lời chỉ trích, thậm chí là những cuộc biểu tình phản đối rầm rộ.
Đường ống dẫn khí đốt giữa Trung Quốc và Miến Điện chẳng hạn, dù đã bắt dầu hoạt động vào tháng Bảy, vẫn bị đả kích, tương tự nhu dự án đập thủy điện Myitsone, đã bất ngờ bị chính Tổng thống Thein Sein đình chỉ vào năm 2011 vì bị cho là có nguy cơ gây hại cho môi trường. Công trình khai thác mỏ đồng ở Letpadaung, được giao cho một tập đoàn Trung Quốc vẫn tiếp tục bị cư dân địa phương phản đối.
Đối với tác giả bài viết trên tờ The Nation, cũng dễ hiểu là sau hai thập kỷ tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, chính quyền Miến Điện hiện nay đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc của đất nước vào người láng giềng khổng lồ, để tự mình vươn lên trên thế giới.

Không có nhận xét nào: