Pages

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

“Tôi quá hiểu cơ chế này”


Tâm Lụa
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Đó là nhận định của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư tại hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VII) diễn ra tại Hà Nội vào sáng 13-1.
Trả lời câu hỏi về việc kiểm soát đầu tư công, bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Một trong những nguyên nhân góp phần vào việc lạm phát là chúng ta chi tiền đầu tư công quá mức.
Hiệu quả đầu tư công thấp, ai chịu trách nhiệm? Chúng ta đã có nhiều cơ chế chưa chặt chẽ. Tôi làm rất lâu trong lĩnh vực kinh tế, rất lâu ở địa phương. Tôi quá hiểu cơ chế này. Trung ương phân bổ thế nào, chạy chọt thế nào tôi biết hết. Bây giờ tôi lên làm bộ trưởng, tôi thấy lạ nhiều địa phương không biết gì cả nhưng chúng ta phân cấp quá mạnh cho các địa phương. Cơ chế chúng ta là cho tiền cho những người không biết gì mà quyết định”.
Theo bộ trưởng Vinh, tiền ngân sách của chúng ta không đủ để chi thường xuyên, không có một đồng nào để tích lũy đầu tư phát triển. Tất cả đầu tư phát triển đều là vốn vay. Ngân sách của chúng ta chỉ để lo lương, an sinh xã hội chứ không có đồng nào để đầu tư.
Ông Vinh nói: “Tôi lên Bộ trưởng đã lập tức xây dựng chỉ thị thay đổi toàn diện vấn đề đầu tư, không để tình trạng này xảy ra. Tôi nghĩ đã đến lúc ngăn ngay việc này lại, mặc dù địa phương và các bộ ngành còn rất khó chịu. Chỉ thị bây giờ không cho phép bộ trưởng, chủ tịch tỉnh ký một công trình nào nếu anh không biết anh có bao nhiêu tiền và đảm bảo đủ tiền”.
Nói về thách thức, Bộ trưởng Vinh nhận định: “Đến một ngày nào đó chúng ta không còn dầu khí, không còn than nữa thì phải nhập khẩu toàn bộ. Sắt thép chúng ta không đáng kể, nhiều mỏ sắt không có chất lượng cao. Khai thác dầu khí giảm dần từ 20 triệu tấn/năm đến nay chỉ còn 16 triệu tấn/ năm, dần dần sẽ cạn nguồn tài nguyên này. Trên thế giới có một điều rất hay. Các nước có khoáng sản lại là các nước đang phát triển, lạc hậu. Ngược lại, tất cả những nước không có tài nguyên gì lại các nước đã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tài nguyên duy nhất của họ là tài nguyên con người, chính sách và cơ chế”.
Theo ông Vinh, tài nguyên quan trọng nhất của VN là con người. Con người VN cần cù, chịu khó, thông minh, ham học… vì vậy cần dồn toàn tâm toàn lực nhân sĩ, trí thức để xây dựng được chiến lược của VN trong 5-10 năm tới, cần đổi mới thể chế, không phân biệt nhà nước với tư nhân, không phân biệt tôn giáo, người dân phải được tiếp cận với nguồn lực kinh tế của đất nước một cách công bằng, phải được tự do sáng tạo để phục vụ đất nước.

Không có nhận xét nào: