Pages

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Trung – Nhật và cuộc chiến năm Giáp Ngọ

Trong lúc người Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa 1974, lịch sử châu Á đã có không ít các cuộc chiến xảy ra vào năm có số 4 để lại hệ quả cho nhiều các nước.
Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất đã quyết định số phận Triều Tiên
Với Phương Tây, chiến thắng của Nhật trong trận cảng Lữ Thuận với Nga (1904-05) là quan trọng hơn cả vì người Nhật lần đầu đã thắng 'người da trắng', nhưng với châu Á thì cuộc chiến Trung - Nhật (1894-95) lại có ý nghĩa sâu xa hơn.

Trận chiến Giáp Ngọ (Jiawu) năm 1894 đánh dấu sự vươn lên của một nước 'đồng văn đồng chủng' với Trung Quốc nhưng sớm tự cường và bắt đầu bành trướng, hạ bệ nhà Thanh.
Vì thua trận, Thanh triều phải ký hòa ước Mã Quan (1895) mà Phương Tây gọi là hòa ước Shimonoseki, lấy tên địa điểm ký kết tại thành phố phía Nam Nhật Bản và rơi vào các đợt nhượng bộ lãnh thổ ở phía Bắc với Nhật, Nga và các nước khác.
Cuộc đọ sức về hải quân tuy nhỏ nhưng đã diễn ra theo đúng quy luật của trào lưu các nước công nghệ cao xâm lấn các nước lạc hậu trên toàn châu Á và để lại nhiều bài học đến ngày nay.

Vỡ một trật tự

Bắc Kinh phải bồi thường chiến phí cho Nhật và rút quân khỏi Triều Tiên, thừa nhận nước này không còn là chư hầu, tương tự như 10 năm trước khi nhà Thanh phải ký với Pháp hiệp ước Patenotre buông Việt Nam ra.
Về mặt quân sự, không phải nhà Thanh không tìm cách tăng cường quân bị mà trái lại, Từ Hy Thái hậu đã hoàn toàn ý thức được sức mạnh của vũ khí Tây Phương.
Ngay từ thời nội chiến với phe Thái Bình Thiên Quốc, quân Thanh đã có những chỉ huy như Charles Gordon ‘Chinese’, người Anh, và có các đơn vị được huấn luyện và dùng vũ khí Phương Tây.
Quân Thanh thua Nhật trong trận đánh tại sông Áp Lục chính vì quá tự tin vào chiếm hạm Định Nguyên do Đức thiết kết và coi thường hải quân Nhật.
Tượng ở Thành Đô kỷ niệm cuộc chiến Trung - Nhật lần thứ hai 1937-1945
Tăng cường quân sự không thôi đã không đủ để Trung Quốc chiến thắng.
Sau Chiến tranh Trung – Nhật lần một, Triều Tiên dần dần bị lệ thuộc vào Nhật Bản, rồi mất chủ quyền, trở thành thuộc địa bị Nhật khai thác tàn khốc.
Triều đại Joseon của Triều Tiên, giống như nhà Nguyễn ở Việt Nam, đã mất nước vì chậm chân trong cuộc chạy đua hiện đại hóa.
Ở cả hai nước này, vì giới cầm quyền không dứt được khỏi tư duy hệ thống nặng về Hán học, quan chế, lễ nghĩa nên xã hội đã không thể tiến lên được.
Tại Hán Thành khi đó cũng có phái cải cách (như Nguyễn Trường Tộ ở Việt Nam) nhưng yếu hơn phe bảo thủ và hậu quả là hai phe đánh nhau (chính biến Gapsin), khiến Trung Nhật có cớ can thiệp rồi chiếm đóng.
Hàn Quốc ngày nay không còn như vậy nhờ họ quyết tâm tự cường sau nhiều cuộc chiến.
Với Việt Nam, quân sự đang dần được hiện đại hóa, ngoại giao cũng đa phương nhưng hiện đại hóa hệ thống quyền lực thế nào để có một quốc gia khoẻ mạnh thì vẫn là câu hỏi lớn.
Trên thực tế, bài học năm 1894 vẫn còn nguyên giá trị cho mọi quốc gia trong vùng.
Một trật tự cũ gồm các mặt như thể chế, kinh tế và cán cân quân sự thường chỉ thay đổi khi có chiến tranh.

Cẩn thận chiến tranh

Trong lịch sử xung đột Trung Nhật, cuộc chiến Giáp Ngọ 1894 không phải là lần đầu tiên.
Nhà Nguyên đã tấn công đảo Nhật Bản hai lần, vào năm 1274 và 1281 nhưng không thành.
Sau trận chiến 1894, đế quốc Nhật chiếm toàn bộ Trung Hoa (1937-1945) và chỉ thất bại khi Hoa Kỳ và đồng minh vào cuộc.
Nhìn chung Nhật Bản chưa bao giờ thua Trung Quốc, nước lớn hơn gấp bội, trong tất cả các trận đánh từ thế kỷ 13 đến nay.
Nhà văn Nhật được giải Nobel, Kenzaburo Oe thăm bảo tàng Thảm sát Nam Kinh
Điều này khiến một số nhà quan sát tin rằng một phần dư luận Trung Quốc có nhu cầu ‘rửa hận’, nhất là sau các tội ác chiến tranh quân đội Nhật Hoàng gây ra tại Trung Quốc vẫn để lại vết thương khó phai mờ cho người dân nước này.
Một số tác giả như James Holmes tin rằng nếu xảy ra chiến tranh Trung Nhật lần nữa trong thế kỷ 21, đây sẽ là 'cơn ác mộng cho châu Á' (Asia's Worst Nightmare: A China-Japan War).
Trong cuốn sách vừa ra, BấmDavid Pilling đánh giá truyền thống ‘biến tàn phá thành sức mạnh’ của người Nhật và kết luận rằng đừng ai vội loại Nhật Bản ra khỏi cuộc chơi trong thế kỷ này cả về kinh tế và quân sự.
Nước Nhật ngày nay đã khác xưa và đang là một nền dân chủ và người dân đa số yêu hòa bình.
Hồi 2005, chính tòa tối cao Nhật còn cho một công dân Trung Quốc thắng kiện trong vụ kiện nhà văn cánh hữu Nhật, Matsumura Toshio tội bôi nhọ vì cuốn sách về Thảm sát Nam Kinh.
Là quốc gia tự do, Nhật Bản cũng có những gương mặt khác như nhà văn được giải Nobel, ông Kenzaburo Oe đã viết cuốn sách khác hẳn về vụ thảm sát.
Nhưng có thể chế dân chủ - chẳng hạn như Mỹ, Anh, Pháp - không có nghĩa là chính phủ không đem quân tham chiến hoặc gây chiến bên ngoài.
Cùng lúc Trung Quốc cũng đang không chỉ tăng cường quân bị mà còn dùng truyền thông dân tộc chủ nghĩa để tăng tính chính danh cho hệ thống.
"Không khí dân tộc chủ nghĩa nguy hiểm đang kéo đến với xã hội chúng ta"
Nhà văn Kanzaburo Oe
Cuộc chiến nào cũng cần một lý do cụ thể, thường là không quan trọng lắm nhưng lại xảy ra trong một bối cảnh quan trọng, để bùng nổ.
Cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á quả là đáng lo ngại vì các chính phủ nhiều khi tìm cách ‘chuyển lửa’ ra ngoài, thổi lên tinh thần dân tộc nhằm làm dịu đi bức xúc nội bộ vì tham nhũng hoặc khoả lấp đi bế tắc kinh tế.
Nhiều trí thức, sử gia châu Á không làm gì để lý giải các vấn đề phức tạp này mà còn hà hơi tiếp sức cho thái độ cực đoan nhằm ghi điểm với dư luận.
Ngoài nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, châu Á đang có nhiều tranh chấp lãnh hải, đôi khi chỉ vì một vài mỏm đá, bãi san hô không người ở nhưng mang giá trị danh dự dân tộc, biểu tượng của sức mạnh trong cuộc đọ găng giành vị thế.
Tính cố chấp của các bên liên quan thậm chí có thể khiến một khi xảy ra xung đột, Hoa Kỳ cũng chỉ có thể can dự ngắn hạn vì dư luận Mỹ không sẵn sàng ủng hộ lâu dài cho các tranh chấp khó hiểu với họ.
Với Việt Nam, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, Philippines thì vấn đề không phải chỉ là tự cường trước mắt mà các xã hội đó chọn định hướng gì nếu cục diện an ninh biến đổi nhanh trong quan hệ Trung – Nhật, kể cả khi xảy ra chiến tranh.
Vì như đã thành quy luật, các xã hội nhỏ hơn sẽ luôn phải chọn những gì hoàn cảnh đưa lại khi các nước lớn có chuyện.

Không có nhận xét nào: