Pages

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Vì sao nhiều doanh nghiệp phá sản?

(PetroTimes) - Năm 2013 được đánh giá là năm mà nền kinh tế nước ta đã rơi xuống đáy của khủng hoảng. Chính vì vậy, nhiều khó khăn đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.

Số lượng doanh nghiệp phá sản và thành lập mới đều tăng

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm 2013 là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 nhưng tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2013 cả nước chỉ có 6.742 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, những hỗ trợ về vốn, lãi suất tín dụng, thị trường… giúp số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2013 là 11.299 doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, số liệu của Bộ Tài chính mới cho biết có hơn 400 doanh nghiệp Nhà nước giải thể hoặc phá sản trong năm 2013.

Đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh là cứu cánh của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay

Còn trong lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như bất động sản, theo báo cáo của Bộ Xây dựng công bố hiện cả nước hiện có gần 70.000 doanh nghiệp xây dựng đang hoạt động. Năm 2013 có thêm 10.635 doanh nghiệp thành lập mới, đồng thời 10.077 doanh nghiệp phá sản.

Một điểm đáng lưu ý là ngoài các doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động thì số lượng các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng tăng khá mạnh trong năm qua. Điển hình là các thương vụ đình đám như SCG của Thái Lan mua 85% cổ phần của Prime Group, DaiABank và SGVF sáp nhập vào HDBank, PVFC và Western Bank hợp nhất thành PVcomBank, hai công ty MBS và VITShợp nhất với nhau thành công ty chứng khoán MBS,…

Đâu là nguyên nhân?

Như vậy, nhìn chung, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp phá sản hoặc phải ngừng hoạt động vẫn còn ở mức rất cao. Đặc biệt số lượng các doanh nghiệp này chủ yếu từ khu vực kinh tế tư nhân. Với vai trò là thước đo sức khỏe nền kinh tế khi khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP), 3/4 giá trị sản xuất công nghiệp và tạo nhiều việc làm mới cho nền kinh tế, thì điều đó cho thấy môi trường kinh doanh của nước ta còn chưa thật ổn định và các doanh nghiệp còn yếu kém trong hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao.

Qua điều tra, khi trả lời về lý do ngừng hoạt động, có tới 56,4% số doanh nghiệp trả lời do sản xuất thua lỗ kéo dài, chỉ có 5,1% trả lời do năng lực quản lý, điều hành hạn chế và 38,5% trả lời do nguyên nhân khác như thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường hoặc đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại.

Ngoài ra, do khó khăn của nền kinh tế, sức cạnh tranh giảm sút, nhu cầu thị trường xuống thấp nên nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng co cụm, tìm cách sáp nhập hợp nhất với nhau để tăng sức mạnh hoặc bị chính các đối thủ cạnh tranh thôn tính.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài những khó khăn về vốn, thị trường… khiến nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động thì khá nhiều doanh nghiệp lách các chính sách về thuế để thành lập các “doanh nghiệp ma” nhằm trục lợi. Chính sự tồn tại của hàng chục nghìn “doanh nghiệp ma” chỉ trong thời gian ngắn và thành lập rồi giải thể trong vòng vài tháng hoặc nhiều lắm chỉ đến một năm khiến số lượng doanh nghiệp giải thể và thành lập mới luôn tăng mạnh trong nhiều năm qua.

Với một góc nhìn khác, theo một điều tra không chính thức, có tới trên 90% doanh nghiệp nhỏ giải thể sau 3 năm hoạt động.

Lý giải cho hiện tượng này, một số chuyên gia cho rằng: Nhiều doanh nghiệp nhỏ thường dùng chiêu giải thể sau 3 năm hoạt động để tránh thuế, rồi sau đó lại thành lập một doanh nghiệp tương tự để hoạt động. Hiện số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sống nhờ lách thuế kiểu này cũng không hề nhỏ.

Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp của cán bộ, công chức theo kiểu “chân trong, chân ngoài” hoặc kinh doanh theo sở thích, cảm hứng. Chính vì vậy, khi mà công việc “chân trong” không còn hỗ trợ được nhiều thì họ sẽ rút “chân ngoài” cho nhẹ gánh hoặc đơn giản là hết thích, hết cảm hứng kinh doanh.

Hệ lụy phá sản

Với một nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp phá sản, đặc biệt đối với nước ta khi yêu cầu có một môi trường kinh doanh ổn định nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài thì việc có tới hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản trong một năm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước.

Mặt khác, những hệ lụy về mặt xã hội như công ăn việc làm cho lao động, ảnh hưởng môi trường sinh thái khi nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng làm đau đầu các nhà quản lý.

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành khi nói về tác động của việc doanh nghiệp “chết” hàng loạt gây ra nhiều hệ lụy: “Nếu mà hàng chục ngàn doanh nghiệp phải giải thể, tất nhiên số lao động bị mất việc rất nhiều. Thị trường là gì, thị trường là sức mua của người lao động có thu nhập. Người lao động bị mất việc thì không có sức mua nữa, hàng hóa trên thị trường không có chỗ tiêu thụ. Vì vậy bây giờ phải cố gắng làm sao cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hồi phục, phát triển lại thì mới có công ăn việc làm thì lúc đó mới có nguồn tiêu thụ được, ngược lại không thể trông đợi sức mua tăng lên được.”

Ngoài ra, trong tình trạng hàng loạt các doanh nghiệp phá sản, trong số những người lao động mất việc có không ít những người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp sẽ chọn một giải pháp mong đổi đời là đi xuất khẩu lao động qua con đường môi giới không chính thống. Đây là cơ hội để cho xấu lợi dụng lòng tin của người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để lừa gạt, chiếm đoạt tài sản và càng làm tăng những hậu quả tiêu cực cho xã hội.

Thành Trung

Không có nhận xét nào: