Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Vinashin 'có lãi hàng nghìn tỉ đồng'

Vinashin trở thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC)
Trong một thông tin gây bất ngờ, Vinashin, từng nợ đầm đìa và mới đây đã đổi tên sau đề án tái cơ cấu, xác nhận có lãi 7.900 tỉ đồng (371 triệu USD) trong năm 2013.
Trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị, Chủ tịch Công ty, Nguyễn Ngọc Sự, giải thích con số này là nhờ tái cơ cấu tài chính, không phải nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh.

'Giảm lãi vay'
Vinashin đã chính thức mang tên mới Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) từ ngày 1/1/2014.

Ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, trở thành tân Chủ tịch của SBIC, trong khi Tổng giám đốc là ông Vũ Anh Tuấn, vốn là quyền Tổng giám đốc Vinashin.
Ông Sự nói với báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Tôi phải nhấn mạnh khoản lãi 7.900 tỉ không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại mà là kết quả của hoạt động tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu tài chính.”
“Thực ra, sau khi tái cơ cấu tài chính, chúng tôi được giảm gốc và giảm lãi vay rất nhiều.”
Theo ông, “sau khi được xoá lãi vay thì báo cáo tài chính đã không còn âm nữa mà dương lên rất nhiều”.
"Sau khi được xoá lãi vay thì báo cáo tài chính đã không còn âm nữa mà dương lên rất nhiều"
Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, trở thành tân Chủ tịch của SBIC
Ông Sự cho biết SBIC chỉ còn giữ lại tám doanh nghiệp đóng tàu, “sẽ thay đổi về chất thật sự”.
Theo vị chủ tịch, SBIC hiện có đối tác Damen, tập đoàn của Hà Lan, đã đầu tư vào ba công ty của SBIC.
“Damen đã ký thoả thuận ghi nhớ, theo đó họ sẽ mang hợp đồng từ các nước khác về cho các công ty của SBIC đóng tàu, họ cũng sẽ lo tài chính,” ông Sự giải thích.
Theo báo cáo của tập đoàn Vinashin vào tháng 09/2013 thì trong tám tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu của Vinashin mới đạt 39,67% kế hoạch của cả năm, đạt mức 2.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 130 triệu đô la Mỹ.
Tháng Tám 2012, trong phiên tòa phúc thẩm, chủ tịch Vinashin, Phạm Thanh Bình, bị tòa giữ nguyên phán quyết 20 năm tù.
Ông Bình bị tuyên có tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án Vinashin, còn có bảy người khác bị các án phạt từ 10 đến 19 năm tù.
Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong một thông báo năm 2010, cho biết Vinashin khi đó nợ 86.000 tỉ đồng.
Hồi tháng 9/2013, Vinashin được Tòa thượng thẩm của Anh chấp nhận cho tái cơ cấu khoản nợ không trả được theo luật Anh.
Đây là lần đầu tiên một công ty nước ngoài không có hoạt động, cũng không có tài sản ở Anh, được tòa án Anh tạm bác đơn của chủ nợ cho tới khi việc tái cơ cấu có kết quả.
Đơn kiện phát sinh các khoản vay liên quan tới việc Vinashin, công ty thuộc sở hữu nhà nước, phát hành 600 triệu đô la trái phiếu quốc tế hồi năm 2007, với thời hạn tám năm và được Chính phủ Việt Nam viết thư ủng hộ cho giao dịch vay.
Lẽ ra Vinashin đã phải trả khoản đầu tiên, 60 triệu đô la, vào cuối năm 2010 nhưng không trả được.

Không có nhận xét nào: