Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Băn khoăn công lý!


duongcjidung

Đôi lời: Thật quá đỗi ngạc nhiên khi chỉ mới đọc ngay mấy lời mở đầu bài viết này: “Chuyện nào ra chuyện ấy. Dương Tự Trọng đã vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tâm thế của ông tại toà và tình yêu thương vô điều kiện mà ông dành cho anh trai đã thật sự làm lay động lòng người.”
“Ngạc nhiên” bởi tại sao từ một “đại án”, vừa có quyết định khởi tố một án khác, báo hiệu rất có thể sẽ trở thành “siêu án”, mà đã có người như thể quá ngây thơ, mang chuyện “đạo lý” ra để (vô tình?) khỏa lấp bớt tội trạng, thậm chí lọt người lọt tội, và sự lên án rất cần có của công luận cho một, thậm chí nhiều can phạm?

Để cho rõ hơn, khỏi có ai  còn “vô tư” nữa, xin hỏi thẳng ngay rằng tại sao chỉ nghĩ là Dương Tự Trọng trở thành đồng phạm trong vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn chỉ là vì “tình cố nhục sâu nặng”? Sao không nghĩ rằng đã có cả một ‘băng nhóm” từ lâu, liên kết giữa những kẻ nắm quyền lực, pháp luật, với kẻ nắm tiền bạc, được gia cố vững bền bằng “tình anh em”, “tình đồng chí”, “đồng nghiệp”, “đồng hương”, … để thành “đồng bọn”? Bất cứ ai trong “băng nhóm” này đều hiểu, nếu Dương Chí Dũng xộ khám vào thời điểm đó, thì “chết cả nút!”, chứ chả có thứ “tình cốt nhục” nào cả? Và khi kết thúc thứ “siêu án” kia, Dương Tự Trọng không phải chỉ vướng tội danh, bản án như vừa qua?
Chính vì thế mới có chuyện hàng loạt sĩ quan trung, cao cấp công an, dày dạn kinh nghiệm, chứ không phải chỉ Dương Tự Trọng, theo như lời khai thì đã rất dễ dàng, như … con trẻ, liều lĩnh lao vào một cuộc tổ chức trốn chạy cho Dương Chí Dũng; thừa biết rằng mình sẽ phải đối mặt với nguy hiểm tột cùng, mà vẫn làm. Họ là những:
Vũ Tiến Sơn (phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng, Hoàng Văn Thắng (cán bộ phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an TP Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng), và rất có thể còn nữa. Những người này giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn là bởi cái “tình” gì?
Hay là tác giả bài này sẽ còn viết tiếp, ngợi ca “tình đồng chí”, hay “tình chiến hữu”, “tình huynh đệ” … của Sơn, Thắng, Ánh?
Thế mà vẫn chưa hết khi phải bàn tới thứ triết lý mà tác giả đang biện minh rằng ở đây “pháp luật xung đột với đạo đức”, rằng nếu Dương Tự Trọng tố em trai mình thì “đạo đức có còn không?”. Vậy cứ thử tin là Dương Tự Trọng chỉ vì “tình cốt nhục” thôi, thì cái gọi là “đạo đức” của tình cốt nhục đó có thể được dễ dàng ngồi xổm, chà đạp lên trên đạo đức với toàn xã hội này hay không, khi cứu một người anh ăn cắp, tàn phá hàng tỉ tỉ đồng tiền xương máu của dân nghèo, mà TS Nguyễn Quang A mới đây phải thốt lên “sự thối nát không thể tưởng tượng nổi“? Có thứ “đạo đức” gì kỳ lạ vậy? Thật kinh ngạc cho thứ triết lý này!
Đó là còn chưa bàn tới cái “đạo đức cộng sản” mà từ thuở khai sinh ra chủ thuyết đó, người ta luôn nêu cao khẩu hiệu đặt quyền lợi cá nhân, gia đình phía sau quyền lợi tập thể.  Còn đâu nữa “Học tập và làm theo …”? Sao không đặt luôn dấu hỏi là khi xưa CT Hồ Chí Minh “quyết” tử hình Trần Dụ Châu, ông có cân nhắc “tội đồ” đó có phải chỉ vì “tình cốt nhục”, “vì gia đình”, tức là có “đạo đức”, mà hành động phạm pháp hay không, để mà giảm nhẹ tội trạng?
Và còn nhiều lắm những điều phải tranh luận chỉ trong một bài viết ngắn này!
BT diendanxahoidansu
—-
TS NGUYỄN SĨ DŨNG(báo laodong)
Chuyện nào ra chuyện ấy. Dương Tự Trọng đã vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tâm thế của ông tại toà và tình yêu thương vô điều kiện mà ông dành cho anh trai đã thật sự làm lay động lòng người. Cho dù bị anh trai lôi kéo vào vòng lao lý, cho dù vì giúp anh mà phạm pháp, sự nghiệp bị đổ vỡ hoàn toàn, ông vẫn không hề oán hận, vẫn một mực thương xót cho anh.
Dương Chí Dũng có tội lỗi khi lôi kéo em trai mình vào vòng lao lý. Thế nhưng, Dương Tự Trọng quả thực lại có rất ít sự lựa chọn. Sự lựa chọn còn ít hơn khi nếu bị bắt và bị xét xử, người anh có thể sẽ phải đối mặt với án tử hình. Từ chối trợ giúp sẽ không vi phạm pháp luật. Tố giác còn có thể được thưởng. Nhưng làm như thế thì tình cốt nhục, đạo đức có còn hay không? Đặc biệt, trong một gia đình mà tình cốt nhục sâu nặng như họ Dương thì làm như thế rõ ràng là không thể!
Pháp luật xung đột với đạo đức là một điều rất không may. Bởi vì đạo đức mới chính là nền tảng quan trọng nhất của xã hội loài người. Đạo đức mới là cái làm cho cuộc sống tốt đẹp và trường tồn.
Cha ông ta xưa đã hiểu rất rõ điều này. Pháp luật xưa vì vậy đã từng cho phép người thân trong gia đình “giấu tội cho nhau”. Ngày nay, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền. Pháp luật trong một nhà nước pháp quyền – như Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ – phải tiệm cận được công lý. Nghĩa là, pháp luật phải được ban hành và áp dụng phù hợp với đạo lý, với lẽ phải và lương tri.
Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 (trước ngày toà tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù) cũng giao nhiệm vụ cho toà án phải bảo vệ công lý: “Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý” (Khoản 3, Điều 102, Hiến pháp năm 2013). Thế nhưng, phạt nặng một người bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ đạo lý của mình thì có bảo vệ được công lý hay không và có hợp hiến hay không? là điều làm chúng ta thật sự băn khoăn, quan ngại.

Không có nhận xét nào: