Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Nguy cơ chiến tranh Việt Trung và chiến lược phòng vệ của Việt Nam (P1)

Series này sẽ có ít nhất 8 phần, do tính dài kỳ của nó nên anh Lãng không dự kiến thời gian kết thúc. Nó có thể được bổ sung trong tương lai khi xuất hiện thêm các nhân tố mới trong cục diện Châu Á - Thái Bình Dương. Tác giả giữ bản quyền về các bài viết này, mọi hành động sao chép và phổ biến vì mục đích phi lợi nhuận đều được cho phép với điều kiện trích dẫn nguồn và link tới bài viết gốc.

Phần 1 - Đi tìm nguyên nhân từ nguồn gốc lịch sử

Ngày 05/09/2008, mạng Sina.com, một website trong lãnh thổ Trung Hoa, loan tải một bản kế hoạch mang tên: "Kế hoạch A - càn quét Việt Nam trong 31 ngày". Bản kế hoạch này nhanh chóng được hàng loạt các trang web Trung Quốc đăng tải lại gồm cả tờ South China Morning Post và trở thành một trong những chủ đề gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài. Kế hoạch A, không nổi tiếng vì các kiến giải chiến dịch, chiến lược quân sự thâm sâu, nhưng lại khét tiếng vì tham vọng mà nó đặt ra: Đánh chiếm toàn bộ Việt Nam trong 31 ngày, điều mà 15 cuộc xâm lăng của các triều đại Trung Quốc trong suốt nhiều thế kỷ chưa bao giờ làm được, hoặc ngay cả các đạo quân hùng mạnh nhất thế kỷ 20, gồm lực lượng viễn chinh của Pháp, liên quân Hoa Kỳ và cả đạo quân 600 nghìn người của Đặng Tiểu Bình năm 1979 chưa bao giờ dám mơ tưởng tới. Xét về mặt quân sự, đây là một kế hoạch có tính ảo tưởng, nhưng nó phản ánh một xu hướng và khao khát bắt rễ thâm sâu trong chính quyền và xã hội Trung Hoa: Tham vọng nuốt sống Việt Nam và kế đó là các quốc gia Đông Nam Á lân cận. Không có gì ngạc nhiên, nếu trong một bối cảnh ảo tưởng đẹp đẽ của giấc mộng Trung Hoa, nếu kế hoạch A thành công, chắc chắn sẽ có các kế hoạch B,C,D ... với mục tiêu là Lào, Campuchia, Thái Lan, Mã lai ... và rộng hơn là toàn khu vực.

Tháng 8/2011, trang China News liệt kê về 6 cuộc chiến tranh Trung Quốc sẽ phát động trong 50 năm tới. Bao gồm cuộc chiến thống nhất Đài Loan (2020 - 2025); Cuộc chiến thu hồi các đảo tại Biển Đông (2025 - 2030); Cuộc chiến thu hồi Nam Tây Tạng,  đánh bại Ấn Độ (2035 - 2040); Cuộc chiến thu hồi quần đảo Điếu Ngư (sekaku) và quần đảo Lưu Cầu (Okinawa), đánh bại Nhật Bản (2040 - 2045); Cuộc chiến thống nhất Ngoại Mông, xâm lược và xóa tên Cộng hòa nhân dân Mông Cổ (2045 - 2050); Cuộc chiến thu hồi vùng Viễn Đông, đánh bại nước Nga (2055 - 2060). Bản kế hoạch này gây một tiếng vang còn lớn hơn kế hoạch A vì tham vọng không tưởng của nó. Theo đó tất cả các quốc gia láng giềng hiện hữu của Trung Quốc đều sẽ nằm trong phạm vi mục tiêu của một cuộc chiến trong tương lai mà Trung Quốc sẽ đánh bại tất cả.

Một cuộc trưng cầu trên trang báo mạng Hoàn Cầu, một trang tin trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2008 cho thấy có 80% người sử dụng mạng Trung Quốc ủng hộ "hành động quân sự cứng rắn" với Việt Nam.

Điều gì đang diễn ra trong lòng xã hội Trung Hoa, vì đâu mà cái ý tưởng gây chiến và xâm lược các nước khác lại có sức sống kinh khủng đến thế trong suy nghĩ của người dân và chính quyền đang cai trị đất nước này???

Bản đồ xâm lăng của đế chế Trung Hoa (Phần màu đen là một phần lãnh thổ gốc của Trung Quốc trong lịch sử)

Trong lịch sử, lãnh thổ Trung Quốc (phần màu đen trên bản đồ) chỉ là một phần nhỏ so với Trung Hoa hiện đại. Vùng đất phát tích của Trung Quốc là vùng Hà Nam (Hình tam giác nhỏ màu đỏ trên bản đồ). Rất khó để phân tích rạch ròi về chủng tộc gốc của người Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu nhân chủng học kết luận sắc dân Hoa Hạ (hay Hán Tộc - khái niệm có từ thời nhà Hán), là kết quả hỗn huyết từ các cuộc xâm lăng của người Mông Cổ phía bắc, hòa huyết với các sắc dân bản địa và hình thành chủng tộc Mongoloid. Sự lai giống trong quá trình xâm lăng diễn ra liên tục, cuối cùng hình thành một chủng người được gọi là Hoa Hạ, và được người Trung Quốc ngày nay thừa nhận là chủng tộc chính thống của Trung Quốc hiện đại. Có thể nói lịch sử hình thành của người Trung Quốc "chính thống" là kết quả của các cuộc xâm lăng, và được viết tiếp cũng bằng các cuộc xâm lăng. Người Trung Quốc liên tục bành trướng ra bốn phía, lần lượt sát nhập Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và phần đất thuộc về Bách Việt. Luôn có ưu thế về số đông so với các dân tộc giáp giới, người Hoa Hạ luôn có cảm giác về một sự ưu việt, giống như quan điểm của Hitler sau này về một giống dân siêu đẳng so với các dân tộc xung quanh. Quan điểm này là một quan điểm bén rễ đến tận xương tủy trong suy nghĩ của người Trung Quốc suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà nhiều lần dân Hoa Hạ cảm thấy bị sỉ nhục chua cay. Lần đầu tiên là khi các đạo quân của Thành Cát Tư Hãn tràn ngập Trung Hoa và dựng lên nhà Nguyên, cai trị Trung Quốc từ năm 1271 - 1368. Lần thứ hai là dưới triều đại Mãn Thanh, một dân tộc du mục thiểu số phương Bắc, xâm lược toàn bộ Trung Hoa và duy trì cai trị trong 268 năm, từ 1644 - 1912. Cho đến nay, đây vẫn là những thời kỳ lịch sử được coi là sỉ nhục của người Hoa Hạ hay Hán tộc, được coi là thời kỳ mà người Hán phải nhận giặc làm cha. Chính điều đó hình thành nên những hiện tượng tâm lý phức tạp của người Trung Quốc hiện đại. Một mặt họ vẫn tự coi là một giống dân siêu đẳng, luôn có cảm giác ưu việt vì lợi thế số đông. Mặt khác cũng cái số đông ấy luôn mặc cảm tự ti, dù chôn sâu trong lòng, vì số đông vượt trội ấy vẫn phải khuất phục nhiều lần trước các sắc dân thiểu số và phải chấp nhận hai triều đại cai trị "Nhận giặc làm cha" như những triều đại chính thức trong lịch sử Trung Quốc. Mặc cảm đan xen giữa kiêu ngạo và tự ti ấy được tô đậm thêm với thời kỳ chiến tranh Nha phiến và cuối triều Thanh, khi các cường quốc phương Tây kéo nhau vào đặt tô giới trong lãnh thổ Trung Quốc, và được nhấn đậm bằng cuộc xâm lăng của người Nhật Bản từ năm 1937 - 1945. Một lần nữa, người Hoa Hạ bị khuất phục bởi một dân tộc ít người hơn rất nhiều lần. Chỉ nhờ vào cơ may lịch sử khi Nhật Bản bị liên quân Hoa Kỳ và Liên Xô đánh bại mà Trung Quốc giành lại được độc lập. Chính quá trình lịch sử hình thành phức tạp ấy đã tạo ra người Trung Quốc hiện đại ngày nay, họ luôn có khao khát dựa vào số đông để chứng minh tính ưu việt siêu đẳng của mình bằng cách tiếp tục xâm lấn các vùng lãnh thổ xung quanh. Khao khát chứng tỏ sức mạnh cơ bắp ấy được làm mạnh thêm bởi nỗi tự ti dai dẳng hình thành từ nỗi nhục nhiều lần phải "nhận giặc làm cha" trong lịch sử. Kết quả là cái máu xâm lược trong người Trung Quốc luôn vượt trội so với khao khát chung sống hòa bình, mạnh hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới ngày nay. Mỗi khi có điều kiện mạnh lên, điều người Trung Quốc nghĩ tới đầu tiên là phải thể hiện đẳng cấp ưu việt số đông của mình bằng các hành vi xâm lấn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoàn toàn có lý khi phát biểu trước lưỡng viện Hoa Kỳ, rằng người Trung Quốc có máu xâm lược "Thâm căn cố đế"

Từ những dữ liệu lịch sử và những tham vọng hung hăng trong các kế hoạch xâm lược được lan truyền phổ biến trên các website tiếng Trung hiện nay và một tỷ lệ luôn cao hơn 80% số lượng thanh niên Trung Quốc sử dụng mạng ủng hộ các hành vi quân sự chống lại các nước láng giềng, cho thấy đây không phải là những ý tưởng đơn lẻ, ngược lại, nó là một trào lưu tư duy thâm căn cố đế trong xã hội Trung Quốc. Đây là điều mà tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia giáp giới với Trung Quốc phải nhìn nhận một cách thấu đáo và KHÔNG ĐƯỢC PHÉP ẢO TƯỞNG VỀ DÒNG TƯ DUY CHỦ LƯU CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC VÀ CHÍNH QUYỀN TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI DÃ TÂM XÂM LƯỢC CŨNG NHƯ CÁC HÀNH VI CHIẾN TRANH. Mọi nhận định sai lầm hoặc coi nhẹ dòng tư duy chủ lưu này đều sẽ dẫn đến hậu quả rất đắt.

Phần 2 - Thực lực và khả năng Quân đội nhân dân Trung Hoa

Quay trở lại với Kế hoạch A - càn quét Việt Nam trong 31 ngày của mạng Sina.com. Khó có thể nói ai là tác giả của bản kế hoạch này. Nếu nói đó là một phương án phác thảo của một sỹ quan tham mưu có kiến thức nào đó của Trung Quốc thì sẽ là không chính xác, vì tính ngô nghê rất lớn của nó khi nhận định về thời gian và kết quả của các chiến dịch tấn công. Nó giống như việc vạch ra một trận chiến tranh mà một bên chỉ việc đấm còn bên kia thì không có ai hoặc là không chống cự. Chưa tính đến việc thiếu vắng hoàn toàn các phân tích về hậu cần, vốn là một phần thậm chí còn quan trọng hơn cả việc vạch ra các ý tưởng chiến dịch, chiến lược tấn công, cho thấy đây không thể là một sản phẩm của một quân nhân chuyên nghiệp. Tuy nhiên cũng rất khó kết luận vì có nhiều tướng tá Trung Quốc như thiếu tướng La Viện là một điển hình cho một quân nhân cấp tướng nhưng dường như không có kiến thức quân sự. Do đó cũng không có gì ngạc nhiên nếu kế hoạch này lại do một quân nhân mang hàm cấp tướng tương tự như tư lệnh của binh chủng "Hỏa lực mồm" La Viện của Trung Quốc vẽ ra. Dù vậy, bản kế hoạch A này cũng có một phần khá gây chú ý, đó là ý tưởng về các mũi tiến công chiến lược của Trung Quốc nếu tiến đánh tổng lực Việt Nam.

Bản đồ về các mũi tấn công theo Kế hoạch A - càn quét Việt Nam trong 31 ngày:


Ý tưởng xuyên suốt của Kế hoạch A, là tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu ồ ạt bằng hàng nghìn tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu quân sự, kinh tế, chính trị của Việt Nam. Tiếp đó là sử dụng từ 1000 - 1500 phi cơ tấn công oanh tạc vào các mục tiêu quân sự trong giai đoạn 2, nhằm tiêu diệt năng lực đề kháng của quân đội Việt Nam. Trong giai đoạn sau cùng, bộ binh và lục quân, hải quân được sử dụng trong các chiến dịch tấn công tổng lực. Phần lớn các đạo quân giáp biên giới sẽ tiến công theo các đường tiến quân giống năm 1979, đạo quân quan trọng nhất, dưới sự yểm trợ của không quân và hải quân, sẽ đổ bộ tấn công khu vực Thanh Hóa, nhằm cắt rời lãnh thổ Việt Nam ở phần hẹp nhất, cô lập miền Bắc khỏi miền Trung và Miền Nam. Tổng lực lượng quân sự huy động cho kế hoạch A, ngoài lực lượng tên lửa chiến lược, chiến thuật, sẽ gồm khoảng 3500 máy bay, 1200 xe tăng và 3000 xe bọc thép, cùng với số quân huy động trực tiếp tham chiến khoảng 520 nghìn người. Dự kiến mục tiêu của kế hoạch là sẽ chiếm Hà Nội sau 16 ngày chiến tranh, và chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt nam sau ngày thứ 31.

Đây là một kế hoạch không tưởng khi xét về các mục tiêu chiến tranh. Nó giống như một bản phác thảo các tham vọng xâm lược hơn là một kế hoạch chiến tranh đúng nghĩa. Thực lực quân đội nhân dân Trung Hoa hiện nay rất mạnh, nhưng không đủ năng lực về hậu cần và yểm trợ để hỗ trợ cho một đạo quân nửa triệu người tác chiến trên một chiến trường kéo dài 2000 km với địa hình rất phức tạp. Đặc biệt và việc yểm trợ và đảm bảo hậu cần cho cánh quân thứ ba, được coi là cách quân quan trọng nhất đánh gãy xương sống Việt Nam khi đổ bộ vào Thanh Hóa. Trong điều kiện Việt Nam dù yếu thế hơn, nhưng các lực lượng không quân, hải quân và bộ binh phòng thủ mặt đất của nó hoàn toàn có khả năng đánh quỵ một hạm đội đổ bộ xuất phát từ Trung Quốc và kéo dãn đội hình hành quân 500 km trên biển trước khi đến được mục tiêu. Bên cạnh đó, số lượng tên lửa, oanh tạc cơ và máy bay được đưa vào sử dụng trong kế hoạch có vẻ gây ấn tượng, nhưng dường như vượt quá nhiều lần năng lực không quân thực sự của Trung Quốc, khi chỉ có khoảng trên 500 máy bay là thuộc các thế hệ tương đối hiện đại có thể đảm trách các kế hoạch tấn công sâu vào lãnh thổ Việt Nam, do đó khó có thể thực hiện được tham vọng tiêu diệt năng lực quân sự của Việt Nam trong các đòn đánh phủ đầu. Ngoài ra, kế hoạch hoàn toàn không tính toán tới các phản ứng của đối phương, khi chắc chắn Việt nam luôn có kế hoạch dự phòng chu đáo để bảo tồn năng lực quân sự và phản công trước các đòn đánh của tên lửa và máy bay Trung Quốc. Sau 20 năm chiến tranh với lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ, hơn bất cứ quốc gia nào, người Việt nam có kinh nghiệm hơn ai hết về kỹ năng phân tán và bảo vệ khí tài chiến tranh trước các đòn oanh tạc không quân. Mà xét về năng lực thực sự, không quân PLA ngày nay còn thua không quân Mỹ những năm 1970 về khả năng tác chiến tổng thể.

Quân đội nhân dân Trung Quốc PLA hiện có gì trong tay? Trên bảng xếp hạng của Global Firepower, Trung Quốc xếp thứ ba trong số các quân đội mạnh nhất thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Ngân sách quốc phòng năm 2014 của Trung Quốc khoảng 188 tỷ USD (số liệu thực theo ước tính của Mỹ), xếp thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ và gấp nhiều lần ngân sách quân sự Nhật Bản (50 tỷ USD) và Nga ( 98 tỷ USD).

Năm 2013, Trung Quốc lần đầu tiên công bố quân số của lực lượng vũ trang, số quân tại ngũ của Trung Quốc hiện khoảng 2,2 triệu người. Trong số 1,483 triệu quân sử dụng trực tiếp cho hoạt động tác chiến, lục quân có 850.000 quân, hải quân có 235.000 quân, không quân có 398.000 quân. Cũng trong năm 2013, Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán chỉ riêng Lục quân Trung Quốc đã có 1,25 triệu quân. Lục quân Trung Quốc biên chế tổng cộng 18 tập đoàn quân, thực chất là tập đoàn quân độc lập hợp thành các binh chủng, bao gồm tất cả các binh chủng. Bên dưới tập đoàn quân là các sư đoàn và lữ đoàn - ở cấp này bộ binh có 31 đơn vị, cơ giới có 23 đơn vị, xe tăng có 17 đơn vị, pháo binh có 19 đơn vị, hải quân đánh bộ có 5 đơn vị, nhảy dù có 3 đơn vị. Kho vũ khí lục quân có khoảng 7.000 chiếc xe tăng hiện đại, 8.000 khẩu pháo. Trong 18 tập đoàn quân, có 11 tập đoàn quân triển khai ở khu vực phía bắc Trung Quốc, giáp với Nga. Ngoài lực lượng nhảy dù và hải quân đánh bộ, lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc cũng có nhiều nhất 14.000 quân, trong biên chế là các trung đoàn độc lập và tiểu đoàn đặc nhiệm. Các lực lượng nhảy dù, hải quân đánh bộ và đặc nhiệm Trung Quốc chủ yếu trang bị xe bọc thép nội địa, bao gồm xe tăng đổ bộ và xe chiến đấu bộ binh nhảy dù.

Ngoài ra, trong danh sách Lục quân Trung Quốc còn có lực lượng dự bị và cảnh giới được trang bị rất nhiều vũ khí cũ. Căn cứ vào các dự đoán khác nhau, Quân đội Trung Quốc tổng cộng có 9.000 - 12.000 xe tăng, khoảng 12.000 xe chiến đấu bộ binh và xe vận tải bọc thép (trong đó có 3.500 xe chiến đấu hiện đại), hơn 2.000 khẩu pháo tự hành các loại, gần 3.000 khẩu rocket, hơn 7.000 hệ thống tên lửa chống tăng, 15.000 pháo cao xạ và hệ thống tên lửa phòng không, khoảng 6.000 khẩu pháo kiểu kéo dắt và 10.000 khẩu pháo cối.

Vào cuối thế kỷ 20, so với Quân đội Mỹ, trang bị quân sự của Trung Quốc còn lạc hậu một thế hệ. Nhưng, hiện nay, tình hình đã thay đổi, Trung Quốc ở trình độ dẫn trước hoàn toàn về số lượng xe bọc thép bánh xích mới các loại. Đến nay, Quân đội Trung Quốc sở hữu gần 1.000 xe tăng Type 99, tính năng hoàn toàn có thể sánh ngang với xe tăng chiến đấu của các nước phát triển. Không lâu trước đã trang bị pháo tự hành và rocket hiện đại, bao gồm rocket Vệ sĩ-2D tầm bắn tối đa 400 km, có uy lực mạnh nhất thế giới. Tất cả những điều này cộng với sự thành công của công nghệ ô tô Trung Quốc (năm 2014 sản xuất gần 24 triệu xe), làm cho bộ binh Trung Quốc trở thành một lực lượng có tính cơ động mạnh, trang bị tốt. Ngoài ra, chuyên gia quân sự Mỹ chỉ ra, huấn luyện tác chiến của Quân đội Trung Quốc cũng đã có xu thế mới, bắt đầu thông qua diễn tập để tập các chiến dịch tiến công tốc độ nhanh với chiều sâu có thể đạt 1.000 km. Đồng thời, tiềm lực động viên khổng lồ của Trung Quốc vẫn chưa biến mất, ở đầu thế kỷ 21 dự đoán có thể động viên 380 triệu người, trong đó 208 triệu người thích hợp đưa vào biên chế.

Về số lượng máy bay tác chiến, Trung Quốc đứng thứ ba, chỉ sau Mỹ và Nga. Căn cứ vào dự đoán của chuyên gia Mỹ, Không quân Trung Quốc bao gồm lực lượng hàng không hải quân có khoảng 2.100 máy bay chiến đấu các loại tương đối tiên tiến và 1.500 máy bay chiến đấu cũ, khoảng 500 máy bay vận tải, hơn 100 máy bay giám sát và trinh sát đặc chủng, tổng cộng có khoảng 31 sư đoàn và 4 trung đoàn độc lập.

Lực lượng tên lửa hạt nhân Trung Quốc còn gọi là Lực lượng pháo binh 2 có khoảng 120.000 quân, tổng cộng có 1.500 - 2.000 quả tên lửa đạn đạo có thể lắp đầu đạn hạt nhân, bao gồm gần trăm quả tên lửa xuyên lục địa có thể tiêu diệt các mục tiêu trong lãnh thổ Mỹ và Nga.

Hiện nay, Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt tên lửa chiến lược, từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng giếng Đông Phong-5A lắp nhiều đầu đạn độc lập và có tầm bắn trên 13.000 km, đến tên lửa xuyên lục địa cơ động kiểu đường sắt và kiểu bánh lốp với tầm bắn có thể đạt 11.000 km, họ có đủ mọi thứ. Theo đánh giá của chuyên gia, về số lượng vũ khí hạt nhân Trung Quốc chỉ kém Nga và Mỹ, ít nhất có 130 quả tên lửa đạn đạo lắp đầu đạn hạt nhân, khoảng 40 quả tên lửa đạn đạo lắp đầu đạn hạt nhân trang bị cho tàu ngầm hạt nhân, vài chục quả bom hạt nhân trang bị cho máy bay ném bom chiến lược và 150 - 350 tên lửa hành trình lắp đầu đạn hạt nhân.

Hải quân Trung Quốc, được đầu tư mạnh liên tục trong nhiều năm, hiện nay cũng là một lực lượng rất đáng gờm. Căn cứ vào số liệu của Mỹ, năm 2014, Hải quân Trung Quốc tổng cộng có 1 tàu sân bay, 24 tàu khu trục, 49 tàu hộ vệ tên lửa, 9 tàu hộ vệ hạng nhẹ, 57 tàu đổ bộ và mấy trăm tàu tuần tra bảo vệ bờ biển cùng 61 tàu ngầm dầu diesel và 5 - 8 tàu ngầm hạt nhân. Hải quân Trung Quốc chia làm 3 hạm đội lớn trong biên chế tác chiến: Hạm đội Bắc Hải phụ trách bảo vệ Bắc Kinh từ phương hướng trên biển, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải trước hết được sử dụng cho các hành động nhằm vào Đài Loan.

Trung Quốc cũng đã xây dựng cho mình một nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Các nhà cung cấp quốc phòng chính của Trung Quốc hiện nay bao gồm:

Tập đoàn Công nghiệp vũ khí Trung Quốc (Công ty Công nghiệp phương Bắc)
Tập đoàn trang bị vũ khí Trung Quốc (Công ty Công nghiệp phương Nam)
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc
Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc
Tập đoàn Công nghiệp và khoa học vũ trụ Trung Quốc
Tập đoàn Công nghiệp cơ giới Trung Quốc

Với thực lực quân sự tổng hợp như trên, có thể nói PLA hiện nay là một đội quân hùng mạnh, gần như áp đảo các nước trong khu vực châu Á. Con số thống kê về số lính, số dân có thể huy động vào quân đội, số tăng, pháo, máy bay, tên lửa và số lượng tàu chiến có khả năng gây choáng váng cho những người yếu tim. Giống như bất cứ thời kỳ lịch sử nào, Trung Quốc chưa bao giờ thiếu người và thiếu số lượng vũ khí liệt kê. Tuy nhiên những con số ấy không phản ánh năng lực chiến tranh thực sự của người Trung Quốc. (Còn tiếp)

Bài thứ hai: Chiến tranh tổng lực và chiến tranh cục bộ. Giải pháp trước mối đe dọa hạt nhân)
Bài thứ ba: Phân tích thực lực quân sự Việt Nam. Những vấn nạn căn bản, các giải pháp tăng cường năng lực quốc phòng
Bài thứ tư: Chiến lược chống tiếp cận, đâu là vũ khí chiến lược?
Bài thứ năm: Chiến lược phòng thủ trước Trung Quốc, các phương án mới trong tình hình hiện tại
Bài thứ sáu: Các liên minh chính trị và kinh tế
Bài thứ bảy: Thoát Trung, một lần và lâu dài
Kết luận

Đại loại các bài kế tiếp sẽ bàn về các nội dung trên

Lãng

(FB Lãng)

Không có nhận xét nào: