Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Dân Trung Quốc sợ ô nhiễm và thực phẩm đầy chất độc hại



Vụ tai tiếng gần đây nhất là bắp cải tẩm chất formol (REUTERS)
Vụ tai tiếng gần đây nhất là bắp cải tẩm chất formol (REUTERS)
Bảo tồn sức khỏe đã trở thành cơn ác mộng đối với người dân Trung Quốc. Từ thức ăn, nước uống đến khí trời, tất cả đều thiếu an toàn : thịt chứa clenbutérol, sữa pha mélamine, nước ô nhiễm hóa chất. Chỉ có giới lãnh đạo là được hưởng chính sách cung cấp thực phẩm riêng từ thời…Mao Trạch Đông.

Văn hóa truyền thống Trung Hoa xem sức khỏe là vàng. Nhưng theo hãng tin AFP, người dân sống tại Hoa Lục hiện nay bị rơi vào thế trận ô nhiễm không lối thoát.

Blogger « Văn thanh phong tịnh » đã minh họa tâm trạng lo âu này bằng nhận định : tiền nhân đã không dự báo được biết rằng mặt đất mà người Trung Hoa đang sống hiện nay và khí trời họ đang hít thở hiện nay, thức ăn họ dùng hiện nay đã bị tẩm đầy độc tố : clenbutérol, mélamine, thuốc trừ sâu, chì, thủy ngân và những chất độc hại khác cho cơ thể.
Từ năm 2007 đến 2011, hóa chất clenbutérol dành để trị bệnh đường khí quản cho ngựa đã được giới chăn nuôi heo tại Trung Quốc sử dụng để làm tan mở tăng nạc. Về phần sữa pha mélamine, vụ tai tiếng đã bị chính quyền Trung Quốc cố ý che giấu hơn một năm trời để bảo vệ Thế vận hội mùa hè 2008 trước khi bùng ra một năm sau đó, đã giết chết 6 trẻ em và làm 300.000 em bé khác bị suy thận.
Dù vậy, đến cuối năm 2010 hàng ngàn tấn sữa bột trộn hóa chất này vẫn còn bày bán trên thị trường mà không ai rõ là có còn tiếp diễn hay không.
Bản “cáo trạng” của blogger « Văn thanh phong tịnh » tố cáo tiếp là ăn chay cũng không an toàn vì trong đậu hũ có pha talc hay phấn « rơm ». Dầu ăn cũng không bảo đảm vì rất có thể là đã bị gian thương tái tạo từ dầu phế thải đổ ra ống cống. Bột mì bột gạo ngày nay cũng « trắng một cách lạ thường ».
Dân Trung Quốc có tiền chạy theo thời thượng dùng thực phẩm có hiệu « sinh thái ». Thế nhưng, không có gì bảo đảm là nhản hiệu « sạch » như quảng cáo.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc chuyện gì cũng can thiệp vào, thế mà Cơ quan an toàn thực phẩm và thuốc không giải quyết được tệ nạn thức ăn nhiễm độc cho dân được nhờ?
Theo giải thích của ông Cao Chí Dũng, tác giả một quyển sách về thức ăn sạch tại Trung Quốc thì từ thời Mao Trạch Đông, giai cấp « lãnh đạo đảng » không có ăn chung nguồn thực phẩm với dân chúng. Lãnh đạo có những nông trại riêng cung cấp thịt cá rau quả an toàn.
Nhưng gian thương không phải là cơn ác mộng duy nhất của người dân Hoa Lục.
Chính sách làm giàu trước đã Đặng Tiểu Bình đã biến sông ngòi, đất cát của Trung Hoa thành những bãi chứa rác và hóa chất thải ra từ những khu công nghiệp Quảng Tây, Thượng Hải, Nam Kinh. Theo báo cáo chính thức, hơn 10% đất canh tác của Hoa Lục bị nhiểm chì, thủy ngân và cadmium. Trên hầu hết lãnh thổ Trung Quốc đều có « làng ung thư » nơi mà ô nhiễm đã gây thành « dịch » ung bứu.
Điều trớ trêu, không biết vì lý do nào đó mà Đồ Sơn , ở tỉnh Sơn Đông lại được tặng danh hiệu « làng trường thọ » trong khi tại địa phương này tỷ lệ ung thư cao hơn mức bình thường.
Theo AFP, chính quyền Trung Quốc cũng không có một chính sách bảo hiểm bệnh tật bồi hoàn xứng đáng chi phí chữa trị cho nạn nhân. Đã vậy, chế độ này còn bị « mất mặt » vì nhân dân của họ hoàn toàn bất tín nhiệm vào số liệu của nhà nước. Vào lúc Bắc Kinh loan báo « chất lượng khí trời tốt » dù cho không thấy mặt trời, người dân đã truy cập vào địa chỉ của Sứ quán Mỹ và phát hiện ra rằng nhà nước Trung Quốc không đo đạt khối lượng hạt tử PM 2,5, loại nhỏ nhất và độc hại nhất. Từ đó, cơ quan nhà nước đã phải điều chỉnh sai trái này.
Do vậy, một blogger có bút danh là « tỵ nạn » đã đưa ra lời khuyên mỉa mai châm biếm như sau : cần phải hoán chuyển nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, để cho Ban kiểm duyệt thông tin văn hóa làm nhiệm vụ theo dõi tình trạng an toàn thực phẩm, thuốc men còn Cơ quan an toàn thực phẩm làm nhiệm vụ kiểm duyệt thông tin văn hóa thì khi đó người dân sẽ vừa có thức ăn sạch để dùng lẫn phim sách để xem mà không bị kiểm duyệt.

Không có nhận xét nào: