Hoàng Dũng Nhân
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, cựu Tổng thống Bill Clinton giúp cho Dan và David Evert, đi phía sau ông, tìm hài cốt của cha họ, một phi công. Chính ông Clinton là người mở đầu cho kỷ nguyên quan hệ Việt – Mỹ.
(Nhân đọc báo cáo quốc hội Mỹ về quan hệ Mỹ – Việt)
Vấn đề không phải là bỏ qua lùm xùm để thu về món lợi lớn hơn. Với tư cách là một trong những chìa khoá để cân bằng lực lượng ở khu vực, Việt Nam trước sau nhất định sẽ vô hiệu hoá những cái bẫy đang cản trở sự thăng hoa trong quan hệ Việt – Mỹ.
Nhưng liệu những thông điệp ông Panetta mang đến Hà Nội lần này đã được đón nhận một cách thuận lợi, để nâng cấp hơn nữa mối quan hệ quan trọng không chỉ đối với hai nước?
Bộ trưởng Panetta đã khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, và mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Ông Panetta bày tỏ hài lòng về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ thời gian qua, mong muốn hai nước tiếp tục tích cực triển khai thực hiện bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng được hai bộ Quốc phòng ký năm 2011.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp lại: Việt Nam luôn xem Mỹ là đối tác hàng đầu có ý nghĩa rất quan trọng và mong muốn Mỹ với tư cách là cường quốc châu Á – Thái Bình Dương, sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng với phía Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo và nhiều lĩnh vực khác trong an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống.
Những cái bẫy trong quan hệ Việt – Mỹ
Trong tiếp xúc với ngoại trưởng Phạm Bình Minh, cả hai bên đều không nhắc đến thuật ngữ “tiến tới quan hệ đối tác chiến lược”, vốn đã trở nên rất quen thuộc và được đón đợi đối với truyền thông Việt – Mỹ lẫn quốc tế trong mỗi dịp trọng đại như vừa qua. Nhiều dự đoán được đưa ra. Có thể chuyến thăm của ông Panetta thu được những kết quả vượt dự kiến, nên cả hai bên đều không muốn làm nóng thêm phản ứng trong khu vực? Có thể mỗi bên đều có lý do để kìm bớt sự hưng phấn trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn còn những “khúc nhôi” chưa giải toả hết?
“Khúc nhôi” hay “cái bẫy” cũng thế thôi! Đó là quá trình Việt – Mỹ cần vượt qua cái bóng khổng lồ của Trung Quốc trong nâng cấp quan hệ. Thông cáo về cuộc tiếp kiến của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với Thủ tướng Việt Nam đã khẳng định: “Những hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Mỹ không làm phương hại đến an ninh của các nước láng giềng”. Lập trường của nhiều nước ASEAN như Indonesia, Philippines hay Singapore tại Đối thoại Shangri-La vừa qua cho thấy các nước đó đều tự tin vượt qua cái bóng khổng lồ ấy như thế nào.
Đó còn là cả Việt Nam lẫn Mỹ đều phải hoá giải được “cặp bài trùng” dân chủ – nhân quyền trong quá trình thúc đẩy quan hệ song phương, vốn được cho là do phía Mỹ đưa ra để gây sức ép với Việt Nam. Ở đây có những nhân tố về văn hoá và lịch sử cần được xem xét lại. Đối với một Việt Nam mà cuộc vận động “tranh tự chủ, chống ngoại xâm” như cuộc Cách mạng tháng 8.1945 ngay từ đầu đã được Hồ Chí Minh coi là “noi gương Cách mạng của Mỹ và Cách mạng của Pháp”, thì dân chủ – nhân quyền chính là mục tiêu thiêng liêng của toàn dân tộc!
Còn những ai đó chưa hiểu được tầm quan trọng của việc vun trồng và nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ, thì nên xem lại đánh giá gần đây nhất của trung tâm Nghiên cứu chiến lược an ninh mới của Mỹ, một tổ chức được đánh giá là thân cận với Tổng thống Obama: “Việt Nam là nước nắm giữ chiếc chìa khoá tạo thế cân bằng lực lượng trong khu vực Biển Đông. Nếu Việt Nam không kháng cự nổi trước đà gia tăng sức mạnh của Trung Quốc thì các quốc gia yếu hơn, ít cương quyết hơn… có ít khả năng ngăn chặn được sự bành trướng của Trung Quốc”.
H. D. N.
Theo: sgtt.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét