Pages

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Biển Đông : Manila chất vấn Bắc Kinh về chỉ thị khám soát tàu thuyền


Tàu Hải tuần 21 (Haixun 21) ở bến cảng Hải khẩu, tỉnh Hải Nam
được Trung Quốc cử xuống Biển Đông (REUTERS)
Trọng Nghĩa
Phát biểu tại Manila vào hôm nay, 09/01/2012, Ngoại trưởng Philippines Albert Rosario xác nhận là chính quyền nước này đã yêu cầu Trung Quốc giải thích hai sự kiện làm tình hình Biển Đông căng thẳng thêm trong những ngày đầu năm 2013 : Chỉ thị cho công an biên phòng tỉnh Hải Nam quyền khám soát tàu thuyền ngoại quốc bị cho là thâm nhập trái phép vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền, và quyết định triển khai một tàu tuần tra hạng nặng xuống Biển Đông. 

Theo Ngoại trưởng Philippines, ngành ngoại giao Trung Quốc từng xác định rằng Bắc Kinh khẳng định chủ quyền của mình – kể cả bằng cách ngăn chặn tàu bè nước ngoài trong vùng biển ngoài khơi tỉnh cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Thế nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố rằng hầu như toàn bộ vùng Biển Đông thuộc thẩm quyền của đảo Hải Nam.
Ông Albert del Rosario cho biết là phía Philippines đã yêu cầu Trung Quốc xác định giới hạn lãnh thổ mà họ muốn bảo vệ vì : « Tất cả mọi người đều bức xúc và quan ngại ». Theo Ngoại trưởng Philippines, đó là lý do vì sao Philippines đã nói với Trung Quốc là phải xác định rõ phạm vi áp dụng chỉ thị khám soát của tỉnh Hải Nam. Vấn đề là cho đến nay Bắc Kinh vẫn không trả lời.
Yếu tố thứ hai gây lo ngại là việc Trung Quốc, cử chiếc tàu Hải Tuần 21 thuộc loại hiện đại xuống Biển Đông. Chiếc tàu được trang bị bãi đáp trực thăng, đã rời cảng Hải Khẩu trực chỉ Biển Đông ngày 27/12/2012.
Theo Ngoại trưởng Philippines, mặc dù Trung Quốc và Philippines đã có những bước để giảm bớt căng thẳng bùng lên sau vụ tranh chấp bãi Scarborough Shoal vào năm ngoái, Manila vẫn không thay đổi chính sách xuyên suốt là bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình. Ông Rosario xác nhận sẽ tiếp tục nêu lên vấn đề Biển Đông với các nước khác, một động thái nhằm quốc tế hóa hồ sơ vốn luôn luôn bị Bắc Kinh đả kích.
Ông del Rosario còn cho biết sẽ thảo luận về những tranh chấp lãnh thổ với đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida, khi hai bên gặp nhau tại Manila vào ngày mai. Ngoài ra, 4 nước ASEAN có tranh chấp tại Biển Đông (Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam), cũng sẽ thảo luận với nhau bên lề một cuộc họp hàng năm của ASEAN tại Brunei năm nay.

Không có nhận xét nào: