Pages

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Bóng tối và ánh sáng



Phạm Văn Hải (Sea Free Blog) - Chuyện tội ác và sai lầm của Cộng sản cả thế giới này đều biết. Nhưng tại sao một số nước vẫn tồn tại chính thể độc tài này? Bởi vì người dân ở những nước đó đã chấp nhận và sống quen trong bóng tối, nơi tội ác có thể hoành hành. Bi kịch lớn nhất cho Việt Nam hiện nay là, hầu hết đều thấy cái xấu cái ác, nhưng rất ít người dám công khai chỉ mặt cái thằng xấu và ác đó tên là gì, vì sợ liên lụy gia đình và bản thân!…
*
Hơn nửa thế kỷ trước, thi đàn Việt Nam đã một phen dậy sóng với kỳ án TTKh cùng ba bài thơ để đời. Cho đến nay, mọi suy đoán về thân phận tác giả vẫn chỉ là giả thuyết, và có lẽ, TTKh đã đi vào lịch sử như một tác giả ẩn tích:
“Tòa soạn nhận được một phong bì dán kín do một thiếu phụ trạc 20 tuổi, dáng bé nhỏ, thùy mị, nét mặt u buồn mang đến gửi cho chủ bút tờ báo trên, trong ấy chỉ vỏn vẹn có bài thơ ‘Hai sắc hoa ti gôn’, dưới ký tên là T.T.Kh… Có thể nói đây là lần duy nhất người thiếu phụ ấy xuất hiện”. 
Trên đây là một đoạn trích hé lộ tung tích của tác giả, được đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà nội vào năm 1937. Tuy nhiên, tôi có một thắc mắc nhỏ là, người đưa thư chỉ mới trạc 20 tuổi, lại chẳng quen biết gì với tòa soạn, làm sao dám khẳng định đó là một thiếu phụ, mà không phải là thiếu nữ?
Ấy chỉ là thắc mắc vì thói quen nghề nghiệp suy luận theo logic của một thằng coder. Trọng tâm chính tôi muốn nói đến ở đây không phải là chuyện đó, xin hãy để kỳ án TTKh đi vào quá khứ. Sở dĩ tôi nhắc lại chi tiết “người đưa thư” là muốn so sánh với thời Internet hiện tại. Người muốn ẩn danh chỉ cần tạo một cái nick XYZn trên blogspot, wordpress, facebook… hay thậm chí chỉ cần đăng bài lên một diễn đàn văn thơ nào đó là được.
Nếu có một XYZn nào đó tái sinh với bài thơ “Ngàn sắc hoa lung linh…” chẳng hạn, làm thổn thức con tim bao thế hệ, thì âu cũng là một vận may hiếm có cho nền văn học Việt Nam dưới thời mạt vận này. Và nhân vật ấy có quyền mai danh ẩn tích dưới cái nick XYZn, mặc kệ cho các cư dân mạng suy diễn đồn đoán về thân thế và sự nghiệp của mình. Thảm thay, Việt Nam đang ở vào cái thời mà “văn chương bị gọt giũa bởi con dao quyền lực”(*), nên người ta đặt chuyện tranh đấu giành quyền được bày tỏ tư tưởng lên hàng đầu. Thế nên, những bài viết phơi bày sự thật “nhạy cảm”, bóc trần gian dối trong giáo dục, lột tả tệ nạn tham ô chốn công quyền… lại trở thành thời sự nóng sốt. Tuy nhiên, yếu tố gây sốt ở đây không phải là họ phản ánh cái gì. Bởi vì, những điều ấy thế giới đã biết từ hơn nửa thế kỷ nay, đã được cả châu Âu đồng loạt lên án và đạp bỏ từ hơn 20 năm nay! Cho nên, vấn đề nóng sốt thực sự không phải nó phản ánh cái gì, mà là AI DÁM LÊN TIẾNG.
Bạn thử hình dung cuốn “Hồi Ký của Một Thằng Hèn” được viết bởi mật danh Mx nào đó, hay cuốn “Bên Thắng Cuộc” là do một người Mz đứng tên… thì giá trị của nó sẽ ra sao?
Xin thưa với các bạn, chuyện tội ác và sai lầm của Cộng sản cả thế giới này đều biết. Nhưng tại sao một số nước vẫn tồn tại chính thể độc tài này? Bởi vì người dân ở những nước đó đã chấp nhận và sống quen trong bóng tối, nơi tội ác có thể hoành hành. Bi kịch lớn nhất cho Việt Nam hiện nay là, hầu hết đều thấy cái xấu cái ác, nhưng rất ít người dám công khai chỉ mặt cái thằng xấu và ác đó tên là gì, vì sợ liên lụy gia đình và bản thân!
Tội ác luôn náu mình trong bóng tối. Nếu bạn chưa bước ra ánh sáng thì đừng lên tiếng tố cáo tội ác, vì những lý do sau đây:
- Bóng tối không phải là môi trường của những người lương thiện, bạn sẽ khó lòng địch lại với những thủ đoạn của kẻ ác chuyên mò mẫm trong bóng đêm.
- Tiếng nói của các bạn trong trường hợp này gần như không có giá trị. Những điều bạn lên án tố cáo không phải là chưa có ai biết (ngoại trừ những sự việc vừa mới xảy ra mang tính thời sự, mà trong thời đại Internet toàn cầu này thì nó cũng sẽ lan truyền với tốc độ của sóng điện từ). Cái cần thiết ở đây là có một chứng nhân bằng xương bằng thịt lên tiếng chứng thực cho những lời tố cáo ấy.
Ngay khi tôi đang gõ những dòng chữ này, phiên tòa phân xử vụ án “trốn thuế” của Luật sư Lê Quốc Quân đã bị đình hoãn mà chưa hẹn ngày tái lập. Bạn đang sống trong thời buổi mà “can phạm” khi ra trước vành móng ngựa lại can đảm ngẩng cao đầu lên tiếng mời gọi mọi người hãy đến xem mình bị luận tội ra sao. Ngược lại, những kẻ nhân danh Công lý lại sợ xét xử công khai (đúng ra là để răn đe người khác chứ nhỉ!?) và chỉ muốn xử kín âm thầm. Âu cũng là lẽ thường tình, vì việc làm mờ ám thường nương nhờ trong bóng tối. Thấu hiểu điều đó nên hàng ngàn người yêu chuộng Công Lý đã đồng lòng thắp sáng những ngọn nến nguyện cầu để xua tan bóng tối trước ngày phân xử.
Bạn có thể ẩn danh trên Internet để bày tỏ quan điểm của mình, đó là một trong những quyền căn bản, tôi thật sự tôn trọng việc làm đó. Tuy nhiên, một khi bạn đã đụng chạm đến những vấn đề của thời cuộc – mang tính “nhạy cảm/tế nhị” (ranh giới của chuyện này cũng rất khúc khuỷu gập ghềnh, nó sẽ hoàn toàn bị xóa nhòa khi có tự do ngôn luận thực sự) – thì nên lưu ý đến khái niệm bóng tối và chỗ sáng mà tôi đã đề cập trên đây.
Chung tay thắp lên một ngọn nến để đồng hành cùng Công Lý hay ẩn mình trong bóng đêm để nguyền rủa Tội Ác, có nhiều hướng đi cho chúng ta lựa chọn, chỉ mong sớm thấy mặt nhau khi ra khỏi con đường hầm này.
____________________________________________________
(*) “Đau khổ thay cho những quốc gia mà văn chương bị cắt xén bởi con dao quyền lực. Nó không đơn thuần là sự bóp nghẹt tự do, mà còn niêm phong cửa ngõ vào trái tim và xóa bỏ ký ức của dân tộc ấy”. (Aleksandr Solzhenitsyn).

Không có nhận xét nào: