Pages

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Thời hoàng kim của ngân hàng Trung Quốc đã chấm dứt

Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1
Các cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng đã khiến giá trị của các nhà băng Trung Quốc bị định giá xuống mức thấp kỷ lục khi các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ lợi nhuận sụt giảm và vỡ nợ gia tăng.
“Tín dụng đen” chấm dứt kỷ nguyên vàng của ngân hàng Trung Quốc
Có thể thấy đà giảm giá trị ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu từ nửa cuối tháng 6/2013 khi lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng cao chóng mặt do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) để mặc cho tình trạng thiếu thanh khoản gia tăng bất chấp đà tăng trưởng GDP của nước này đạt mức thấp nhất kể từ năm 1999. Chính Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 6 vừa qua cũng tuyên bố Trung Quốc chấp nhận tăng trưởng GDP thấp để thực hiện mục tiêu trấn áp “tín dụng đen” vì cho rằng những hoạt động này đã làm giảm hiệu quả của việc kiểm soát bong bóng bất động sản và nợ công của chính quyền địa phương.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 2/7, giá trị cổ phiếu của ICBC giảm 2,9% xuống còn 4,75 đô la Hong Kong, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong vòng 4 ngày. Cổ phiếu của ngân hàng Xây dựng cũng giảm 3,8% xuống còn 5,28 đô la Hong Kong và Ngân hàng Nông nghiệp giảm 1,6% xuống mức 3,15 đô la Hong Kong.
Trong tháng 6 vừa qua, cổ phiếu Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và ba “đại gia” ngân hàng khác là Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc đã giảm trung bình 12% trên sàn chứng khoán Hong Kong. Tương tự, tại sàn giao dịch Thượng Hải, nhóm cổ phiếu này cũng mất giá trung bình 9%, nơi hầu hết các nhóm cổ phiếu của nhà băng Trung Quốc đều sụt giảm.
Sự lạnh nhạt của nhà đầu tư với các ngân hàng Trung Quốc cho thấy rõ những lo lắng về một cuộc truy quét các hoạt động “tín dụng đen”, cũng như các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đảo nợ, có thể ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận và làm nợ xấu tại các ngân hàng tăng mạnh.
Trả lời phỏng vấn của hãng Bloomberg, ông Mike Werner, chuyên gia phân tích của Sanford C. Bernstein & Co, có trụ sở ở Hong Kong nhấn mạnh: “Kỷ nguyên vàng của ngân hàng Trung Quốc đã qua đi”, đồng thời, khuyến cáo các nhà đầu tư mua cổ phiếu của ICBC nên từ bỏ các ngân hàng tầm trung tại Trung Quốc. “Nhà đầu tư cần nhận ra rằng các ngân hàng sẽ còn bị áp dụng nhiều quy định nghiêm khắc hơn nữa”, ông Mike Werner nói.
Nguy cơ vỡ nợ từ “tín dụng giá rẻ”
Nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng những con nợ lớn, vốn sống nhờ vào nguồn vốn “giá rẻ” tại Trung Quốc sẽ vỡ nợ khi nền kinh tế giảm tốc, Eswar Prasad, giảng viên kinh tế học tại Đại học Cornell, New York nhận định. Việc này có thể sẽ gây ra “hiệu ứng cuốn chiếu” trong hệ thống tài chính.
“Khả năng bị tổn thương của các doanh nghiệp quốc doanh và hệ thống ngân hàng là vô cùng lớn. Cuối cùng, hệ thống ngân hàng sẽ là nơi chôn vùi rất nhiều các doanh nghiệp và người đi vay”, Prasad khẳng định.
Mặc dù lãi suất liên ngân hàng tại Trung Quốc đã tạm “hạ nhiệt” sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc quyết định bơm vốn có chọn lọc. Tuy nhiên, May Yan, nhà phân tích thị trường ngân hàng tại ngân hàng Barclays Plc, Hong Kong cho rằng nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng ở nước này sẽ còn tăng cao trong nửa cuối năm nay.
Theo Charlene Chu, chuyên gia phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, quyết định để mặc lãi suất liên ngân hàng tăng cao sẽ khiến nhà băng kiềm chế tín dụng cho các cá nhân và doanh nghiệp, do họ cũng đang phải vật lộn để quản lý các sản phẩm tín dụng của các khách hàng. Một khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ càng thêm ì ạch.
Nợ xấu chồng chất
Nợ xấu của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đến nay đã tăng trong 6 quý liên tiếp. Đây là chuỗi tăng dài nhất trong vòng 9 năm qua. Theo số liệu của Ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc, quy mô nợ xấu trong quý I/2013 đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 86 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Charlene Chu, những con số trên chỉ là “tảng băng trôi”, số nợ xấu thực tế của nhà băng Trung Quốc vẫn cao ngất trời. Một số khoản vay đã được đem “đóng gói” và bán cho người dân dưới dạng các sản phẩm quản lý tài sản, với lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi thông thường. Bên cạnh đó, các tài sản khác thì bị bán cho các tổ chức tài chính khác, ví dụ như các quỹ tín thác, nhằm mục đích cuối cùng là giảm tỷ lệ nợ xấu.
Trong khi đó, thị trường “tín dụng đen” tại nước này cũng không ngừng phát triển. Công ty chứng khoán Citic ước tính có tới 97% trong số 42 triệu doanh nghiệp nhỏ không thể vay vốn chính thức từ ngân hàng. Nhiều khả năng thị trường “tín dụng đen” tại Trung Quốc có thể đạt quy mô tới 36.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 69% GDP của nước này, JP Morgan ước tính hồi tháng 5/2013.
“Những thách thức mà hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang phải đối mặt là chưa từng có. Tăng trưởng của ngành này cần phải theo định hướng thị trường và đa dạng hơn”, Henry Cai, chủ tịch phụ trách mảng tài trợ doanh nghiệp châu Á của ngân hàng Đức Deutsche Bank AG khẳng định.
Như vậy, sau gần chục năm tăng trưởng như mơ, với những chu kỳ bơm tiền kích thích kinh tế vào các tỉnh duyên hải đã gia tăng khoảng cách phát triển với khu vực kinh tế lục địa nghèo khổ chiếm đến 2/3 lãnh thổ quốc gia này khiến nền kinh tế Trung Quốc phát triển chân to chân bé. Nhưng ngay cả những nơi được hưởng vòi tín dụng kích thích tăng trưởng vẫn chỉ là những tập đoàn nhà nước hoặc những chân rết có thế lực chính trị. Trong khi đó, nơi cần nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ – nguồn cung việc làm và đảm bảo đời sống cho đa số thường dân lại lâm vào cảnh ruộng khô lúa cháy, khát tiền mặt để kinh doanh nhưng luôn nằm xa tầm với. Các biện pháp siết chắt tín dụng bằng những mệnh lệnh của lãnh đạo Bắc Kinh nhằm càn quét vào được các ngân hàng bóng tối, doanh nghiệp nhà nước trì trệ vẫn luôn là một thách thức lớn chưa từng có khi cơ cấu phân bổ tín dụng với những mức lời ngất ngưởng vẫn nằm chỗ trũng, vận hành bằng quan hệ chính trị chứ không theo định hướng thị trường.
Vân Du
Theo Bloomberg

Không có nhận xét nào: