Pages

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Đã hết thời bùng nổ giá hàng hóa?

Linda Yueh
Chủ biên tin Kinh doanh BBC
Phải chăng kỷ nguyên cực thịnh của kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ những năm 2000 đã chấm dứt?
Giống như cuốn tiểu thuyết “The End of the Affair” của Graham Greene, thật khó để tin rằng tất cả đã kết thúc và buông tay. Tuy nhiên, có một điều không thể chối cãi là giá hàng hóa (commodity price) toàn cầu đã tận hưởng một thập niên cực thịnh.

Nó đã bắt đầu, và có lẽ sẽ chấm dứt, với Trung Quốc. Sự hội nhập của nền kinh tế với mức tăng trưởng hai con số kể từ ngày Trung Quốc gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới năm 2001 có lẽ đã đánh dấu sự khởi đầu.Liệu Trung Quốc có là nước sẽ đánh dấu sự kết thúc?
Cho đến một thập niên trước, giá thực – sau khi đã trừ đi lạm phát – của hàng hóa trước đó đã liên tục giảm trong vòng 150 năm.
Đây là lý do tại sao nhiều nước đang phát triển lại muốn đa dạng hóa mặt hàng của mình, tách dần ra khỏi việc sử dụng tài nguyên, khoáng sản thô để chuyển sang sản xuất.
Sự trượt giá của các sản phẩm nông nghiệp qua nhiều năm đã khiến những nước như Brazil, nơi mà 90% hàng xuất khẩu nông nghiệp là cà phê, trong những ngày đầu thời hậu chiến, phải gánh chịu thu nhập thấp.
Đây là lý do tại sao.
Trong lúc giá cả của các mặt hàng xuất khẩu nước này bị suy giảm, các mặt hàng nhập khẩu ngày càng trở nên đắt hơn. Vì vậy tỷ giá thương mại của nước này (giá xuất khẩu chia cho giá nhập khẩu) ngày càng suy giảm, kéo theo thu nhập quốc gia.
Vì vậy, trong khoảng thời gian giữa thập niên 1950 đến 1960, Brazil đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp của mình và giảm mặt hàng cà phê xuống còn dưới 10% tổng lượng hàng xuất khẩu.

Tiến dần tới kết thúc?

“Nó đã bắt đầu, và có lẽ sẽ chấm dứt, với Trung Quốc”
Phóng viên kinh tế của BBC, Linda Yueh
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong một thập kỷ qua khi Brazil, Úc và Canada, cũng như một số nước khác xuất khẩu ngày càng nhiều hàng hóa để đáp ứng lại nhu cầu của Trung Quốc, và ở một quy mô nhỏ hơn, các nước công nghiệp hóa ở Châu Á.
Giá hàng hóa lên tới đỉnh cao vào năm 2008, ngay cả khi Hoa Kỳ và một phần phương Tây đang phải trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng hơn một thế kỷ. Thời cực thịnh của giá cả hàng hóa thậm chí có lẽ đã giúp Úc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trong khối G10 thoát khỏi suy thoái trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, động cơ để thúc đẩy sự nổ rộ này, có lẽ đang sắp kết thúc, hoặc ít ra là đang giảm phanh.
Khó để nói bao nhiêu phần trăm trong tổng giá trị gia tăng của giá là nhờ vào Trung Quốc.
Một vài kinh tế gia ước tính con số này là khoảng 50%. Một số người khác thì tỏ ra hoài nghi hơn.
Tuy nhiên, với Trung Quốc chiếm đến 40% nhu cầu trên toàn thế giới đối với các mặt hàng quặng sắt, đồng và các loại kim loại khác, nước này rõ ràng đóng một vai trò lớn.
Thế nhưng trong bối cảnh Trung Quốc tiến dần vào kỷ nguyên tăng trưởng dưới 10%, điều này sẽ bị ảnh hưởng.
Nhu cầu đối với khoáng sản tự nhiên tùy thuộc vào sản lượng công nghiệp của một nước. Vào những năm 2000, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng trung bình ở mức 22% mỗi năm khi nền kinh tế vẫn đang tiến lên rất nhanh.
Kỷ nguyên đó có vẻ như đã chấm dứt, khi sản lượng công nghiệp giờ đây tăng trưởng dưới 10%.
Đây vẫn là một mức tăng trưởng khá tốt, nhưng lại là sự đình trệ đáng kể. Nói theo cách khác, mức tăng trưởng đã bị giảm đi một nửa, từ hai con số xuống còn một.

Sự đền bù

Những nền kinh tế đang lên như Ấn Độ sẽ phải hội nhập và công nghiệp hóa rất nhanh để bù lại sự giảm cầu vì tăng trưởng đình trệ ở Trung Quốc
Nhu cầu hàng hóa toàn cầu cũng có nhiều khả năng sẽ đình trệ.
Mặc dù vậy, chỉ vì mức tăng giá giảm tốc, không có nghĩa là giá sẽ giảm, mà thay vào đó sẽ chỉ chững lại vì Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng tốt, trong lúc các nền kinh tế đang lên ở Châu Á như Indonesia vẫn đang công nghiệp hóa.
Sự đình trệ của Trung Quốc đồng nghĩa với việc kỷ nguyên nở rộ của những năm 2000 có thể đã chấm dứt. Trừ khi một nền kinh tế khổng lồ khác của Châu Á, Ấn Độ, có thể công nghiệp hóa nhanh chóng và có tăng trưởng vượt bậc. Chỉ khi đó sự bùng nổ của giá hàng hóa mới có thể tiếp tục.
Đối với Andrew Mackenzie, giám đốc điều hành của công ty khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới, BHP Biliton, Ấn Độ hay bất kỳ nền kinh tế nào khác của Châu Á cũng không thể thay thế nguồn cầu mà Trung Quốc đã đem lại.
Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, việc tăng trưởng giá hàng hóa giảm tốc, giúp tránh được lạm phát và sư gia tăng trong chi phí sinh hoạt, có thể là sự đền bù được chào đón trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp ở Mỹ và Châu Âu.

Không có nhận xét nào: