Đại Dương
Cánh cửa năm 2013 đang khép lại, nhưng, hai vụ bịp bợm trắng trợn của đảng Cộng sản sẽ gây thiệt hại cho dân tộc trên mọi phương diện độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và quyền tự quyết của người Việt Nam.
Chuẩn bị cho việc ký Tuyên bố chung Việt-Trung về mối Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt-Trung tại Bắc Kinh ngày 21-6-2013, đảng Cộng sản Việt Nam đã giở trò bịp bợm qua Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong bài viết hồi 14-12-2012, Trương Tấn Sang nhấn mạnh “Đảng và Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài” rồi liên tục lải nhải mỗi khi tiếp xúc với cử tri.
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La thứ 12 ở Tân Gia Ba hôm 31-5-2013, Nguyễn Tấn Dũng hô hào “xây dựng niềm tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương”.
Hoá ra, Nguyễn Tấn Dũng chỉ nhai lại những điều mà Tập Cận Bình đã phát biểu khi thăm Hoa Kỳ trên cương vị Phó chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và mỗi lần tiếp xúc với các chính trị gia Ấn Độ và Hoa Kỳ sau khi đã nắm trọn quyền lực Nhà nước, Đảng, Quân ủy.
Trong khi đó, Cộng sản Việt Nam thẳng tay đàn áp bất cứ công dân nào có hành động hoặc phát biểu chống Trung Cộng.
Bản Tuyên bố chung đó ắt phải được Bộ Chính trị gồm cả Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng nghiên cứu trước và chấp thuận.
Bắc Kinh dàn xếp cho hai Chủ tịch Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang ký kết để có đủ yếu tố pháp lý hơn Công hàm ngoại giao mà Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phạm Văn Đồng công nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng năm 1958.
Toàn văn Tuyên bố chung Sang-Bình toát lên sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Cộng trên mọi phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, khoa học công nghệ và văn hoá khi 16 chữ vàng và 4 tốt được đặt thành nền tảng cho mối quan hệ Việt-Trung.
Năm 1991, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa, Giang Trạch Dân hiểu thị cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Phạm Văn Đồng về 16 chữ vàng “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”.
Khi thăm Việt Nam năm 1994, Giang dùng 16 chữ vàng để mô tả mối qua hệ khắng khít giữa hai nước.
Đầu năm 1999, Giang Trạch Dân đã đưa 16 chữ vàng vào Tuyên bố chung khi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sang Bắc Kinh.
Hiệp định Phân định Biên giới Việt-Trung được ký kết vào 30-12-1999 mà Chính phủ Hà Nội không công bố toàn bộ bản đồ và chi tiết đàm phán khiến cho dư luận nghi ngờ Việt Nam đã bị mất hàng ngàn cây số vuông.
Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ được ký kết ngày 25-12-2000 khi Chủ tịch Trần Đức Lương thăm Bắc Kinh lại dấy lên nghi vấn về cả ngàn cây số vuông Vịnh Bắc Bộ đã lọt vào tay Trung Cộng.
Nhân chuyến thăm Hà Nội vào năm 2002, Giang Trạch Dân đã đè thêm lên Nhà cầm quyền Việt Nam khẩu hiệu “Tinh thần 4 tốt: láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” để buộc đối tác phải luôn luôn nhân nhượng dù cho có bị lấn áp.
Điểm 3 trong Tuyên bố chung Sang-Bình gồm có 13 tiểu mục bao trùm các biện pháp hợp tác chặt chẽ về ý thức hệ, hành chính, đảng, quốc phòng, nông nghiệp, khoa học công nghệ, đào tạo sĩ quan và cán bộ đảng đoàn rất hại cho tương lai Việt Nam.
Việt Nam không còn cơ hội gia nhập vào trào lưu tiến bộ của nhân loại vì bị ràng buộc trong khối độc tài gồm Trung Cộng, Nga, Bắc Triều Tiên, Cuba nên sẽ bị cộng đồng quốc tế canh chừng ráo riết.
Điểm 4 liên quan đến cách hành xử trên biển không hề nhắc tới các Quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa, Paracel) và Trường Sa (Nam Sa, Spratly), hoặc Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chỉ bàn tới việc tiếp tục thực thi Tuyên bố Ứng xử trên Biển Nam Trung Hoa (CoD) mà không đề cập tới bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Nam Trung Hoa (CoC).
Kể từ 1-1-2013, đảng Cộng sản công bố Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 để toàn dân góp ý vô-điều-kiện cho tới 31-3-2013. Đa số dư luận trong và ngoài nước đòi Hiến pháp tương lai phải bỏ Điều 4 và Quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc, Dân tộc.
Bộ Chính trị quá bất ngờ nên Tổng bí thư đảng Cộng sản, Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng phải đăng đàn để uốn nắn dư luận. Đồng thời, gia hạn đóng góp ý kiến cho tới cuối tháng 9-2013.
Thế là, các cánh tay nối dài của đảng Cộng sản như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Công đoàn Việt Nam và truyền thông lề phải thi nhau tán tụng Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp để Ủy ban Soạn thảo có đủ số liệu vượt trội ý kiến phản đối.
Trước khi Quốc hội biểu quyết, Nguyễn Phú Trọng dùng cơ hội tiếp xúc cử tri ngày 28-9-2013 để nhắc nhở các ông/bà nghị “nhân dân đồng ý giữ tên nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN do kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo; Nhà nước có quyền thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế xã hội”.
Quốc hội với 90% đảng viên Cộng sản giữ các chức vụ quan yếu về làm chính sách; làm, thi hành, kiểm soát luật, quản trị ở cấp địa phương và trung ương đã thông qua Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp dễ dàng vì gia tăng uy thế của đảng, bảo vệ và tăng tiến quyền lợi của đảng viên nòng cốt, ngăn ngừa phản kháng.
Vì thế, duy trì Điều 4 Hiến pháp như cũ. Điều 70 trong Dự thảo viết “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam” được thay thế bằng Điều 65 trong Hiến pháp 2013 “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước”.
Khi “đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” mà các lực lượng vũ trang lại chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch nước đương nhiên phải trung thành với đảng Cộng sản”.
Nhằm thể-chế-hoá quyền lợi kinh tế cho Tập đoàn lãnh đạo mà Điều 51 của Hiến pháp 2013 đã thêm câu “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Hiến pháp năm 2013 như chiếc vòng kim cô đặt lên đầu dân tộc Việt Nam.
Tập đoàn Cộng sản Việt Nam đã gắn bó với khối độc tài trên thế giới nên khó hội nhập với thế giới văn minh, phát triển hài hoà. Trung Cộng tuy có nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới, nhưng, lợi tức bình quân chỉ bằng 1/4 của Nhật Bản, nước có nền kinh tế đứng thứ ba.
Chưa có quốc gia độc tài nào nằm trong tốp 10 có lợi tức bình quân cao nhất thế giới.
Trung Cộng, Nga, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên đều có Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng dưới 50 điểm, đồng nghĩa với tham nhũng nặng.
Giữa tháng 9-2013, Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2013-2014 của 148 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 70. Tại Đông Nam Á, Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar, nhưng, yếu nhất về công nghệ, một chỉ số cần cho nâng việc nâng cao phẩm chất hàng hoá.
Không có nước độc tài nào nằm trong tốp 10 về chỉ số cạnh tranh.
Như thế, dân tộc Việt Nam sẽ không hấp thụ được những gì ngoại trừ các loại cộng nghệ hạng nhì, thậm chí có thể thành bãi rác công nghệ cho Trung Cộng và cả thế giới.
Duy trì nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa làm cho Việt Nam khó chấp nhận quy luật thị trường tự do và tự chuốc lấy thua thiệt khi giao thương với người ngoại quốc.
Việt Nam vắng bóng một lực lượng đối lập hợp pháp do không đủ tự tin trong cạnh tranh nên Tập đoàn Cộng sản Việt Nam luôn luôn tự mãn với những thành tích do người ngoài đem lại.
Đảng viên Cộng sản không cần so sánh Việt Nam với nước khác, bất biết đất nước đang đứng ở đâu trong dòng chảy toàn cầu.
Họ chỉ ưu tiên quan tâm tới bao nhiêu tiền sẽ rơi vào túi mỗi ngày, làm sao để tiêu thụ khối tài sản khổng lồ vô tận, và bằng cách nào có thể duy trì địa vị béo bở hiện tại.
Đại Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét