Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

"Khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước bị chậm trễ"

(GDVN) - GS Nguyễn Minh Thuyết: "Đáng lẽ ra các cơ quan chức năng phải thực hiện ngay sau khi Dương Chí Dũng bỏ trốn".

PV: Tại phiên tòa ngày 7/1, Dương Chí Dũng đã khai nhận được tin sẽ bị khởi tố bắt giam nên bỏ trốn. Vậy rõ ràng là cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ ai là người đã báo tin cho Dương Chí Dũng?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ngay trước ngày cơ quan điều tra công bố lệnh bắt tạm giam thì Dương Chí Dũng đã cao chạy xa bay, và ngay lúc đó thì mọi người đã đặt dấu chấm hỏi là ai báo cho Dương Chí Dũng? Người báo tin cho Dương Chí Dũng phải là người có vị trí trách nhiệm cao ở trong ngành thì mới biết được thông tin mật ấy.

Khi bắt được Dương Chí Dũng thì thực ra cũng không cần phải bàn nhiều tới những sai phạm của nhân vật này ở Vinalines nữa, bởi vì chuyện ấy đã rõ thì mới khởi tố. Cho nên điều mà mọi người quan tâm nhất vẫn là ai báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn?

Tại phiên tòa, Dương Chí Dũng khai ra một lãnh đạo của ngành công an, nhưng thông tin này có đúng hay không thì phải điều tra, chứ không thể nào chỉ vì những lời ấy mà quy kết, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của lực lượng công an, cũng như ảnh hưởng tới uy tín của cá nhân vị lãnh đạo kia. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc điều tra cũng phải nhanh chóng để không bỏ lọt tội phạm, mà nhất là đây lại là việc hệ trọng, được coi là bí mật của nhà nước.

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang

PV: Theo ông, cho tới bây giờ mới khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước có phải là chậm chễ hay không, khi mà tính từ lúc Dương Chí Dũng đã bỏ trốn từ giữa năm 2012 tới nay đã 18 tháng?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là việc khởi tố vụ án làm lộ bí mật của nhà nước bị chậm trễ, đáng lẽ ra các cơ quan chức năng phải thực hiện ngay sau khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, phải làm rõ vì sao thông tin bị lộ, chứ không cần phải chờ tới khi bắt được Dương Chí Dũng.

Tôi lấy thí dụ khi còn công tác ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, có một việc lộ bí mật công tác của trường thì Ban Giám hiệu chúng tôi phải tiến hành ngay các bước điều tra, tìm ra bằng được nguồn gốc vấn đề, chứ không thể chờ đến khi người đó ra tòa khai rồi trường mới lúng túng đi xử lý.

Tôi lại đặt ra một câu hỏi là: Giả sử không bắt được Dương Chí Dũng thì sao? Mà nếu bắt được rồi nhưng Dương Chí Dũng lại bị bệnh và chết rồi thì sao?

PV: Như vậy, qua đây chúng ta lại thấy một bài học đau xót với công tác quản lý, mà đáng tiếc nhất là chuyện thông tin khởi tố bắt giam Dương Chí Dũng bị lộ, và khi Dương Chí Dũng bỏ trốn thì đã gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu so sánh thì số tiền thất thoát trong vụ án ở Vinalines còn cao hơn cả thu nhập của nhiều tỉnh ở nước ta trong suốt một năm, đấy là điều xót xa nhất. Như vậy, rõ ràng ở đây có chuyện không bình thường khi mà Dương Chí Dũng vượt qua được sự kiểm soát của các cơ quan khác để thực hiện việc giao dịch các hợp đồng có giá trị rất lớn, gây tổn thất lớn cho nhà nước.

Tôi cho rằng, cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị chủ quản quản lý Vinalines, và xem xét cả trách nhiệm liên quan của từng cá nhân ở giai đoạn Dương Chí Dũng lợi dụng quyền hạn để thực hiện những hành vi trái pháp luật. Nhưng tôi cũng phải nói là có một điều đấy là các tập đoàn chưa chắc đã sợ bộ quản. Tôi còn nhớ là trong một kỳ họp Quốc hội, khi tranh luận về vấn đề Vinashin thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đó là ông Võ Hồng Phúc đã nói rằng có cả những trường hợp Bộ xuống kiểm tra mà người ta không tiếp.

Điều đó cho thấy những dấu hiệu không bình thường ở các doanh nghiệp nhà nước. Quản lý thì như vậy, đầu tư thì tràn lan làm ảnh hưởng lớn tới quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thời gian qua, nhưng cũng rất mừng là mới đây Thủ tướng đã đưa ra thông điệp nếu lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước cản trở quá trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ thì sẽ bị cách chức.

PV: Trở lại việc khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước, sẽ có hai thái cực khi cơ quan chức năng xác định được người làm lộ tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn: Nhiều người mong muốn phải khẩn trương xác minh, xử lý thận trọng, đúng người đúng tội và công bố cho toàn dân biết, nhưng cũng có thể khi sự thật được công bố thì niềm tin của nhân dân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Quan điểm của ông thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng việc điều tra phải thận trọng, bởi nếu Dương Chí Dũng khai bừa thì sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành công an, thì cũng phải công bố cho toàn dân biết. Còn nếu cơ quan chức năng xác minh được người làm lộ bí mật thì tốt nhất là phải công bố sự thật cho nhân dân biết, dù có thể niềm tin bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng tôi cho rằng như vậy còn tốt hơn rất nhiều nếu điều tra ra được sự thật nhưng cứ giấu giếm. Bởi vì khi công bố sự thật thì cũng có nghĩa là Đảng và Nhà nước ta đã gửi tới toàn dân một thông điệp rất rõ ràng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, vốn là căn bệnh nan y của nước ta nhiều năm nay.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Không có nhận xét nào: