Pages

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Không tham gia xét hỏi, VKS kết luận Vietinbank vô can


Hành vi chiếm đoạt 5.000 tỷ đồng của Huyền Như đều có liên quan đến Ngân hàng Công thương, hầu hết số tiền chiếm đoạt đều là tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, được Huyền Như dùng chứng từ giả rút ra từ chính Ngân hàng Công thương, với các “lỗ hổng” trong hệ thống quản lý tại ngân hàng này.
 
Cho đến thời điểm này, các cơ quan tố tụng, Ngân hàng Công thương đều cho rằng Huyền Như chiếm đoạt được tiền do lỗi của khách đã gửi tiền vào ngân hàng, nếu khách không gửi vào ngân hàng thì Huyền Như không chiếm đoạt được.

Tại phiên tòa ngày 13/01/2014, trước khi chuyển sang phần tranh luận, nhiều luật sư đã cùng nhau kiến nghị Hội đồng xét xử tiếp tục phần xét hỏi vì hầu hết các câu hỏi về việc xác định trách nhiệm của Ngân hàng Công thương đã không được trả lời.

Dù trước đó thừa nhận Ngân hàng Công thương chưa trả lời hết các câu hỏi của các luật sư, tiếp tục sự ưu ái cho Ngân hàng Công thương là không phải trả lời trực tiếp từng câu hỏi mà trả lời chung bằng một bài phát biểu, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu tiếp tục hỏi của các luật sư.

Đồng thời nêu, Ngân hàng Công thương tiếp tục phải trả lời câu hỏi về trách nhiệm của mình trong phần tranh luận, là phần theo Bộ luật tố tụng hình sự không hề có hỏi và đáp (?).

Viện Kiểm sát kết luận sau khi không tham gia xét hỏi

Không tham gia hỏi bất cứ câu hỏi nào trong phần xét hỏi, còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, thậm chí còn nhiều nhầm lẫn, khác nhau giữa nội dung xét hỏi và Cáo trạng, kết luận điều tra, đại diện Viện kiểm sát đã trình bày kết luận của mình.

Vấn đề quan trọng nhất, tạo sự tranh cãi nhiều nhất, thu hút sự chú ý của dư luận nhiều nhất, là trách nhiệm của Ngân hàng Công thương, Viện kiểm sát kết luận Ngân hàng Công thương không chịu trách nhiệm gì, vô can.

Qua nội dung Kết luận điều tra, Cáo trạng, ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa và các ý kiến của Ngân hàng Công thương, căn cứ để nhận định Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm trả tiền cho người gửi tiền là: Huyền Như nhân danh Ngân hàng Công thương để huy động vốn; Huyền Như có ý định chiếm đoạt tiền từ trước; Khách hàng khi gửi tiền đã không làm việc trực tiếp với lãnh đạo Ngân hàng Công thương mà làm việc thông qua Huyền Như.

Khách hàng thỏa thuận với Huyền Như hưởng lãi suất cao, vi phạm quy định về trần lãi suất; Khách hàng không nhận thẻ tiết kiệm, để Huyền Như cầm thẻ tiết kiệm thực hiện hành vi chiếm đoạt; Khách hàng không tự quản lý tài khoản của mình; Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách hàng; Các hợp đồng tiền gửi đã được ký ngoài trụ sở Ngân hàng Công thương; Nguồn gốc của số tiền gửi xuất phát từ hợp đồng ủy thác hoặc cho vay trái pháp luật.

Huyền Như tại phiên xét xử

Đại diện kiểm sát tại Tòa cũng nêu hành vi chiếm đoạt của Huyền Như hoàn thành vào thời điểm tiền đã chuyển vào tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, khi tiền vẫn mang tên khách hàng (?).

Việc Huyền Như dùng chứng từ giả để rút tiềnViện, ký chữ ký giả để vay tiền Ngân hàng Công thương là hành vi thực hiện sau khi chiếm đoạt.

Kết luận của Viện kiểm sát đã không theo kịp diễn biến phiên tòa, trước đó, đại diện Ngân hàng Công thương cũng khẳng định trong vụ án này, Ngân hàng Công thương sẽ chịu trách nhiệm với các khoản tiền gửi theo hợp đồng thật do Ngân hàng Công thương xác lập.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng, người có nhiều năm làm công tác pháp chế ngân hàng, người đã theo dõi sát sao phiên tòa, đã có ý kiến về việc này.

Gửi tiền cho Huyền Như hay cho Ngân hàng Công thương

Theo Kết luận điều tra, Cáo trạng và xét hỏi tại tòa, nhiều khoản tiền của khách hàng trong vụ án đã được chuyển vào tài khoản hợp pháp của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, qua hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.Các trường hợp như Ngân hàng Nam Việt (200 tỷ), Ngân hàng Á Châu (718,9 tỷ), Công ty chứng khoán Phương Đông (380 tỷ) …
 Khách hàng có ký hợp đồng hợp pháp với Ngân hàng Công thương, do bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng (Phó giám đốc CN HCM) đại diện, đóng dấu Ngân hàng Công thương. Ngân hàng Công thương bắt buộc phải hạch toán và trên thực tế đã hạch toán tiền gửi này là tiền huy động của ngân hàng.
Nhiều trường hợp Ngân hàng Công thương còn cấp sao kê tài khoản cho khách hàng. Do đó, đây là quan hệ tiền gửi của khách hàng với Ngân hàng Công thương, không thể nêu đây là Huyền Như nhân danh Ngân hàng Công thương đi huy động. Do đó, Ngân hàng Công thương phải trực tiếp có trách nhiệm với khách hàng.

Huyền Như là Quyền Giám đốc phòng giao dịch của Ngân hàng Công thương, việc khách hàng gửi tiền giao dịch với Huyền Như hay với bất cứ nhân viên nào của Ngân hàng Công thương cũng là chuyện bình thường, khách hàng có gặp hay không gặp lãnh đạo Ngân hàng Công thương cũng không làm thay đổi bản chất quan hệ pháp lý giữa khách hàng và Ngân hàng Công thương.

Cũng cần phải xem xét liệu các khách hàng gửi tiền hiện nay tại Ngân hàng Công thương có gặp lãnh đạo ngân hàng hay không, gặp ai, chức danh nào, ngân hàng có thông báo không, nếu không làm việc thông qua nhân viên thì làm sao quan hệ với Ngân hàng Công thương. Ngoài những khoản tiền trong vụ án, các khoản khác Huyền Như mời khách gửi tiền về Ngân hàng Công thương có phải là cá nhân Huyền Như huy động không?

Hợp đồng tiền gửi ký ngoài trụ sở của Vietinbank

Theo quy định pháp luật, địa điểm giao dịch, ký hợp đồng trong hay ngoài trụ sở của pháp nhân không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch,hợp đồng. Chính Ngân hàng Công thương cũng có hàng trăm, hàng ngàn hợp đồng, giao dịch được giao kết tại khách sạn (tại các lễ ký kết), tại địa điểm của đối tác, tại nhà của khách hàng, thông qua Intenet…;

Chính Phủ cũng ký các hiệp định, thỏa thuận với nước ngoài ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, ngoài trụ sở của Chính Phủ, chẳng lẽ các giao dịch này cũng không có giá trị pháp lý?

Do đó, hợp đồng sau khi được lãnh đạo Ngân hàng Công thương ký, đóng dấu là hợp pháp. Ký trong hay ngoài trụ sở cũng không làm thay đổi trách nhiệm của Ngân hàng Công thương với khoản tiền gửi của khách hàng đã chuyển vào tài khoản của mình.

Về vệc Huyền Như đã có ý đồ chiếm đoạt tài sản từ trước

Khách hàng gửi tiền không thể biết nhân viên Ngân hàng Công thương có ý đồ chiếm đoạt tiền của khách hàng từ trước hay không. Chính Ngân hàng Công thương phải có trách nhiệm giáo dục nhân viên, quản lý tiền do mình huy động của khách hàng, để bất cứ nhân viên nào dù có ý đồ chiếm đoạt cũng không thực hiện được.

Hàng chục nghìn nhân viên của Ngân hàng Công thương hàng ngày đang giao dịch với khách, làm sao khách hàng có thể biết được họ có ý đồ chiếm đoạt hay không khi giao dịch. Tại sao lại bắt khách phải chịu hậu quả từ việc nhân viên của Ngân hàng Công thương có ý đồ chiếm đoạt.

Khách hàng thỏa thuận với Huyền Như hưởng lãi suất vượt trần

Không người gửi tiền nào từ chối lãi suất cao do ngân hàng chi trả. Trách nhiệm chấp hành quy định về trần lãi suất huy động là của Ngân hàng Công Thương, không phải của người gửi tiền. Nếu có vi phạm thì cần xử lý Ngân hàng Công thương.

Giả sử khách hàng gửi tiền nhận lãi suất vượt trần là sai thì cũng không thể dẫn đến hậu quả là phủ nhận trách nhiệm hoàn trả số tiền gốc, lãi cho người gửi tiền của Ngân hàng Công Thương, không làm thay đổi trách nhiệm của Ngân hàng Công thương với khách hàng trong việc quản lý tiền gửi.

Việc vượt trần lãi suất không phải là nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như có thể chiếm đoạt được tiền gửi tại Ngân hàng Công thương.

Khách hàng gửi tiền không nhận thẻ tiết kiệm

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng có thể huy động tiền gửi dưới hình thức tiền gửi thanh toán (có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn), tiền gửi tiết kiệm (có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn).

Tương ứng với từng loại hình này là các tài khoản khác nhau để hạch toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Với hình thức tiền gửi thanh toán thì ngân hàng không phát hành chứng chỉ, thẻ tiết kiệm cho khách hàng.

Các khoản tiền gửi của Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Á Châu, Công ty chứng khoán Phương Đông … nêu trên đều là loại hình tiền gửi thanh toán có kỳ hạn. Do đó, việc khách hàng không nhận thẻ tiết kiệm là đúng.

Ngay cả trong trường hợp khách hàng gửi tiền không lấy sổ tiết kiệm thì Ngân hàng Công thương cũng phải chịu trách nhiệm trả tiền vì chính Ngân hàng Công thương căn cứ hợp đồng thế chấp giả tự ý trích tiền gửi của khách để thu nợ mà mình cho vay trái pháp luật, Ngân hàng Công thương có lỗi trong việc quản lý tài khoản, để Huyền Như giả chứng từ.

Về nguồn gốc của số tiền gửi xuất phát từ giao dịch trái pháp luật

Việc ủy thác của Ngân hàng Á Châu cho nhân viên, việc cho vay của Ngân hàng Nam Việt cho nhân viên … cho dù đúng hay sai cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt được tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công Thương. Các sai phạm của các cá nhân tại Ngân hàng Á Châu đến nay cũng chưa có kết luận bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.

Trách nhiệm quản lý, trách nhiệmtrả tiền của Ngân hàng Công Thương không thay đổi cho dù nguồn gốc tiền gửi là từ việc ủy thác không đúng quy định hay các nguồn gốc bất hợp pháp khác. Không thể vì tiền gửi của khách hàng có nguồn gốc bất hợp pháp mà Ngân hàng Công thương không chịu trách nhiệm quản lý tiền gửi theo quy định, nhân viên Ngân hàng Công thương có thể chiếm đoạt số tiền này.

Nếu lý do từ chối trách nhiệm này là đúng thì Ngân hàng Công thương phải xác minh tất cả nguồn gốc tiền gửi của khách hàng hiện nay, sắp tới để xác định về trách nhiệm quản lý.

Hành vi chiếm đoạt hoàn thành khi nào

Viện kiểm sát nêu Huyền Như hoàn thành hành vi chiếm đoạt tiền khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, việc dùng chứng từ giả rút ra sau đó chỉ là thực hiện sau khi chiếm đoạt.

Ý kiến này chưa đúng với quy định pháp luật, vì khi tiền chuyển vào tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương thì các khoản tiền này vẫn đứng tên khách hàng, khách hàng vẫn có quyền hợp pháp với số tiền này theo hợp đồng ký với Ngân hàng Công thương, theo quy định pháp luật về chủ tài khoản.

Huyền Như chưa chiếm đoạt được số tiền này, hậu quả mất tiền chưa xảy ra thì không thể nói là tội phạm đã hoàn thành.

Việc nêu thời điểm hoàn thành việc chiếm đoạt khi tiền vẫn ở trên tài khoản hợp pháp của khách hàng là đã phủ nhận trách nhiệm quản lý tiền gửi của Ngân hàng Công thương, bỏ qua việc giả mạo chữ ký, gian dối của Huyền Như, bỏ qua lỗi của Ngân hàng Công thương.

Lý luận như vậy sẽ tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm: hàng chục triệu khách hàng đang gửi tiền tại hệ thống ngân hàng hiện nay có thể đã bị chiếm đoạt tiển khi tiền vẫn đang mang tên mình?

Trách nhiệm quản lý tài khoản của ngân hàng và khách hàng

Chức năng đương nhiên của các ngân hàng là đi vay để cho vay, làm dịch vụ thanh toán. Để làm được điều này, ngân hàng đương nhiên phải giữ chặt tiền của mình vay từ dân chúng, tức người gửi tiền; ngân hàng phải đảm bảo các lệnh thanh toán được lập và thực hiện chính xác, hợp pháp. Sau khi tiền của dân chuyển vào ngân hàng, trở thành tiền của ngân hàng, ngân hàng nợ dân chúng và có trách nhiệm hoàn trả gốc, lãi vô điều kiện.

Mục tiêu của người gửi tiền khi gửi tiền vào ngân hàng nhằm hưởng lãi suất và mong muốn tiền gửi của mình được đảm bảo an toàn.

Với đặc trưng của hoạt động ngân hàng, Nhà nước luôn phải giám sát và đảm bảo trách nhiệm của ngân hàng với người gửi tiền.

Nếu các mục tiêu trên không đạt được, ngân hàng sẽ không còn là ngân hàng nữa.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với tư cách là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm nếu không kiểm soát, không đảm bảo các chứng từ giao dịch tài khoản của khách hợp lệ, chính xác. Tất cả ngân hàng trên thế giới đều như vậy, không thể khác.

Khách hàng có trách nhiệm tự hạch toán các chi tiêu của mình trên tài khoản, tự quản lý số dư của mình để chi tiêu, sử dụng các phương tiện thanh toán cho phù hợp (thẻ, séc…), điều này không thể nhầm lẫn với trách nhiệm quản lý các giao dịch rút tiền, chuyển tiền trên tài khoản của ngân hàng.Khách hàng không thể can thiệp vào việc rút tiền, chuyển tiền, nếu ngân hàng không thực hiện.

Ngay kể cả khi khách hàng liên tục xem số dư tài khoản, giao dịch của mình qua các phương tiện như Intenet banking, thì cũng không ngăn được việc Huyền Như dùng chứng từ giả để rút tiền.

Do đó, khi Huyền Như dùng chứng từ giả chuyển tiền, rút tiền trên tài khoản của khách hàng, Ngân hàng Công thương phải chịu trách nhiệm trả tiền cho khách, không thể khác.

Với trường hợp Huyền Như giả chữ ký khách hàng, ký hợp đồng thế chấp giả, lập hồ sơ vay giả để vay tiền Ngân hàng Công thương, sau đó, Ngân hàng Công thương căn cứ hợp đồng thế chấp giả thu nợ cho vay trái pháp luật thì thực chất là Huyền Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Công thương.

Tiền của khách hàng chỉ bị mất khi Ngân hàng Công thương thu nợ. Ngân hàng Công thương phải trả lại tiền cho khách.

Nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt được tiền

Qua các phân tích trên, có thể thấy: Việc hưởng lãi suất cao, việc nguồn gốc tiền gửi không hợp pháp, việc ký hợp đồng ngoài trụ sở, việc khách hàng không quản lý tài khoản, không nhận sổ tiết kiệm … không phải là nguyên nhân để Huyền Như chiếm đoạt được tiền.

Nguyên nhân để Huyền Như chiếm đoạt được tiền là lỗi của Ngân hàng Công thương trong việc quản lý tiền của chính mình, huy động từ khách hàng. Với thủ đoạn như của Huyền Như, với cách thức quản lý như của Ngân hàng Công thương, khi cần chiếm đoạt, Huyền Như chỉ cần làm chứng từ giả để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền thì Huyền Như có thể chiếm đoạt tiền của bất cứ ai gửi tiền tại Ngân hàng Công thương, dù cho lãi suất thế nào, ký hợp đồng ở đâu, nguồn gốc ra sao …

Trách nhiệm quản lý tiền của chính mình, thực chất là vay từ dân chúng, trách nhiệm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, có lẽ là chuyện không phải tranh cãi với bất cứ ngân hàng nào trên thế giới này, là bản chất đương nhiên của ngân hàng.

Không chỉ trong vụ án này, xác định trách nhiệm của ngân hàng là đòi hỏi của tất cả các khách hàng gửi tiền khác, là câu trả lời để tự xếp hạng môi trường kinh doanh. Dư luận đang trông chờ phán quyết công minh của Tòa. 
 
(Báo Đất Việt)

2 nhận xét:

Unknown nói...

nếu không biết gì về pháp luật thì không nên làm liều, không nên phô trương sự thiếu hiểu biết của mình khi viết ra những bài viết thế này. Bởi pháp luật tố tụng hình sự đã quy định rõ quy trình tiến hành một vụ án hình sự làm phải có sự góp mặt lần lượt của ba cơ quan tố tụng hình sự là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Nên vụ án này cũng không phải ngoại lệ, viện kiểm sát cũng phải tham gia thì vụ án mới có thể hoàn thành và không nhất thiết phải xét hỏi tại tòa vì đã có tòa án nhân dân

Unknown nói...

có cái sự việc đơn giản như vậy mà bọn chúng mang ra bới móc các cơ quan chức năng hành pháp của đất nước ta là Viện kiểm sát. Chúng đã không biết gì về luật pháp nhưng cứ ngồi đó mà phán bừa, những bài viết như này thì chỉ có thể lừa những người không mấy hiểu biết về luật mà tin theo chúng, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực về đất nước ta mà thôi. Cứ như vậy thì mục đích của chúng coi như đã hoàn thành trong công cuộc chống phá Đảng và Nhà nước. Vì vậy mọi người phải cảnh giác cao độ, không thể cả tin như vậy