Pages

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Kiện Trung Quốc Việt Nam được gì?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Đường lưỡi bò trên bản đồ của Trung Quốc gây bất bình với các nước trong khu vực.
Đường lưỡi bò trên bản đồ của Trung Quốc gây bất bình với các nước trong khu vực.
AFP
Trong những hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm người Việt khắp nơi đang vận động khởi kiện hành vi này ra trước tòa Công lý quốc tế. Mặc Lâm tìm hiểu thêm những góc cạnh của vấn đề này.
Lịch sử chứng minh một cách xác thực rằng vào ngày 17 tháng Giêng năm 1974 Trung Quốc đã phát động cuộc chiến chống lại hải quân VNCH để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam một cách bất hợp pháp. Đối với luật pháp quốc tế thì hành vi xâm lược này phải bị lên án và phân xử. Đối với tinh thần dân tộc, bất cứ người Việt Nam nào cũng dặn lòng rằng tới một lúc nào đó phải đứng lên dành lại phần máu thịt này bằng mọi cách, trong đó không loại trừ khả năng đem Trung Quốc ra tòa án quốc tế để tố cáo hành động xâm lăng của phương bắc.

Kiện càng sớm càng tốt
40 năm so với lịch sử không phải là dài nhưng đối với luật pháp quốc tế thì không hề ngắn. Nếu xem công hàm Phạm Văn Đồng là một trở ngại pháp lý thì Việt Nam càng phải nhanh chóng nộp đơn kiện Trung Quốc trong thời điểm này.
Trong khi công hàm Phạm Văn Đồng vẫn còn gây tranh luận giữa giới luật học, học giả và các nhà nghiên cứu Biển Đông cũng như án lệ của tòa quốc tế về thuyết Estoppel thì một vụ kiện về cuộc chiến xâm lược sẽ chứng minh sự phân chia địa chính trị cũng như hoạt động chính phủ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền bắc và Việt Nam Cộng hòa tại miền nam là vấn đề lịch sử và mọi biến chuyển chung quanh tờ công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký phải được Tòa Công lý quốc tế xem xét như một áp lực từ Trung Quốc khi cuộc chiến đang xảy ra giữa hai miền nam bắc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định:
-Thời điểm 40 năm ngày Trung Quốc xâm lược hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa thì cũng là một thời điểm rất là tốt để chúng ta một lần nữa tố cáo và nói cho dư luận biết rõ cái hành vi sai trái đó của Trung Quốc. Chúng ta dùng mọi biện pháp có thể để giành lấy chủ quyền của Việt Nam đã được công luận dư luận và luật pháp quốc tế thừa nhận thì tôi nghĩ đây là một cơ hội.
Việc đó nhà nước Việt Nam đã có những hoạt động chống lại từ khá lâu chứ không phải đến bây giờ chúng ta mới làm nhưng thời điểm này đáng lưu ý để đẩy mạnh thêm hoạt động cụ thể của nó nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà Trung Quốc vẫn không bao giờ dừng bước và càng ngày càng lấn tới.
Biểu ngữ tưởng nhớ những người bỏ mình ở Hoàng Sa, Trường Sa trong cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 24/7/2011. (Hình: Blog Anh Ba Sàm)
Biểu ngữ tưởng nhớ những người bỏ mình ở Hoàng Sa, Trường Sa trong cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 24/7/2011. (Hình: Blog Anh Ba Sàm)

Thời điểm 40 năm đã quá dài cho Việt Nam mặc dù Hà Nội từng lên tiếng chống đối sự xâm lăng này sau năm 1979, chỉ sau khi Trung Quốc tiếp tục xâm lăng Việt Nam lần thứ hai. Sự lên tiếng ấy có giá trị nhóm lên ngọn lửa chống xâm lăng trong nước nhưng không có kết quả cụ thể gì đối với quốc tế.
40 năm so với lịch sử không phải là dài nhưng đối với luật pháp quốc tế thì không hề ngắn. Nếu xem công hàm Phạm Văn Đồng là một trở ngại pháp lý thì Việt Nam càng phải nhanh chóng nộp đơn kiện Trung Quốc trong thời điểm này
Một vụ kiện Trung Quốc trong thời điểm này sẽ giúp Việt Nam thoát được cái bẫy “acquiescement” được quy định tại Tòa quốc tế. Theo lời của bà Giáo sư Monique Chemillier Gendreau của Pháp khi giúp Việt Nam nghiên cứu về vấn đề đòi lại Hoàng Sa đã cho rằng Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý cũng như lịch sử về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên nếu Hà Nội không nhanh chóng có hành động công khai chống lại việc Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa thì sẽ bị Tòa Quốc tế buộc có thái độ thụ động trong một thời gian dài và do đó quy định acquiescement, tức sự đồng thuận, có thể được thành lập.
Tuy nhiên trở ngại đầu tiên là nếu Việt Nam chính thức khởi kiện Trung Quốc có thể sẽ bị nước này từ chối tham gia vụ kiện và theo lý thuyết, nếu một bên từ chối thi hành phán quyết của tòa, vấn đề có thể được chuyển lên cho Hội đồng Bảo an LHQ xử lý. Trung Quốc là một trong 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng này thì khả năng bác bỏ vụ kiện sẽ là 100%.
Thực tế này được Thạc sĩ Hoàng Việt hiện đang giảng dạy tại Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:
-Phát biểu của một số người cho rằng hiện nay là thời điểm tốt để Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhưng một vần đề rất quan trọng và khó khăn là đưa theo hình thức nào bởi vì sự từ chối tham dự một phiên tòa quốc tế nó khác, nó rất quan trọng vì tòa án quốc tế đòi hỏi phải có sự đồng thuận các bên mà bây giờ Trung Quốc họ đang từ chối vì vậy khi chúng ta đơn phương đưa ra thì tòa sẽ không chấp thuận.
Bà Giáo sư Monique Chemillier Gendreau
Bà Giáo sư Monique Chemillier Gendreau. Files photos

Cái lợi của vụ kiện
Nhiều vụ kiện cho thấy kể cả vụ kiện này nếu được Trung Quốc chấp nhận thì các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế trước sau gì cũng chỉ mang ý nghĩa chính trị và không có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa sẽ có một hiệu lực khác đó là lương tâm, là nền công lý của nhân loại mà bất cứ nước nào cũng phải tôn trọng nếu không sẽ bị thế giới nhìn dưới ánh mắt phủ định trong tất cả mọi giao dịch.
Một vụ kiện vào lúc này cũng có tác dụng làm cho thế giới thấy được dã tâm của Bắc Kinh trước vấn đề Biển Đông. Hành động áp đặt vùng cấm đánh cá trên hầu hết khu vực Biển Đông...làm thế giới hiểu rõ hơn động cơ khiến Việt Nam phải khởi kiện Bắc Kinh về cuộc chiến xâm lăng năm 1974
Hai nữa ngay cả khi Tòa Công lý Quốc tế phán quyết rằng cả hai nước phải tự thỏa thuận với nhau thì lúc ấy việc Trung Quốc cấm tàu cá Việt Nam ra hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa sẽ bị thế giới lên án.
Vụ kiện giữa Thái Lan và Campuchia về các khu đất chung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear được Tòa Công lý Quốc tế phán quyết vào ngày 11 tháng 11 năm 2013 là một thí dụ. Hai nước tranh chấp đã dịu lại những cơn sốt có thể gây ra chiến tranh và tự xem lại chính sách của mình cũng như trấn an, giải thích cho dân chúng biết sự phán xét này cho công luận trong mỗi nước.
Nếu Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, quốc tế sẽ thấy rằng Bắc Kinh thiếu bằng chứng cũng như lập luận chính đáng về sự xâm lược Việt Nam. Thái độ một nước lớn như vậy khó thuyết phục được thế giới nhất là khối ASEAN đang bị lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc một cách nặng nề. Sự từ chối của Trung Quốc là tiền đề cho các nước trong khối ASEAN thấy rằng khi có tranh chấp kinh tế với Trung Quốc xảy ra thì hãy cam chịu vì Bắc Kinh luôn có thái độ bất hợp tác với các nước nhỏ khi họ có vấn đề pháp lý.
Một vụ kiện vào lúc này cũng có tác dụng làm cho thế giới thấy được dã tâm của Bắc Kinh trước vấn đề Biển Đông. Hành động áp đặt vùng cấm đánh cá trên hầu hết khu vực Biển Đông cộng với thái độ hung hăng của Trung Quốc sẽ làm thế giới hiểu rõ hơn động cơ khiến Việt Nam phải khởi kiện Bắc Kinh về cuộc chiến xâm lăng năm 1974. Khi hồ sơ khởi kiện được nộp Việt Nam có lợi trước mắt là truyền thông quốc tế sẽ đưa tin, bình luận, giải thích cũng như lật lại trận hải chiến này khắp nơi. Nếu điều này xảy ra Trung Quốc sẽ khó lòng áp đặt thêm những bất hợp lý trong chính sách thanh toán toàn bộ Biển Đông.
Một điểm quan trọng khác, Trung Quốc từ trước tới nay vẫn rất ngại vấn đề Biển Đông bị quốc tế hóa. Họ muốn bẻ từng chiếc đũa cho tới khi không còn chiếc nào nữa mới thôi. Chỉ cần quốc tế hóa thì âm mưu này sẽ bị bẻ gãy. Đó là lý do quan trọng khiến Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc trong lúc này.
Đối với trong nước, một vụ kiện như thế còn có cái lợi rất lớn là giúp cho người dân Việt Nam biết rõ hơn những gì đã xảy ra cho quần đảo Hoàng Sa và tại sao đảo của Việt Nam nhưng ngư dân Việt luôn bị Trung Quốc trấn áp và bách hại
Đối với trong nước, một vụ kiện như thế còn có cái lợi rất lớn là giúp cho người dân Việt Nam biết rõ hơn những gì đã xảy ra cho quần đảo Hoàng Sa và tại sao đảo của Việt Nam nhưng ngư dân Việt luôn bị Trung Quốc trấn áp và bách hại. Việc công nhận và loan tải rộng rãi trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 vừa qua là một ví dụ. Nghệ sĩ Kim Chi, một người rất nổi tiếng đã hoạt động lâu năm trong ngành điện ảnh Việt Nam nhưng không hề biết cuộc chiến lịch sử này huống chi là thế giới, bà cho biết:
-Sự thừa nhận này của nhà nước hiện nay tôi thấy là tất nhiên, đáng lẽ nó phải được làm từ lâu rồi. Điều này làm cho tôi rất vui vì qua đó tôi mới biết được nhiều chuyện mà trước đây mình không biết, thực sự là như thế. Mà khi mình biết rồi thì mình rất kính trọng và ngưỡng mộ những người chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã đổ máu, đã hy sinh và đã có những lời rất đanh thép để bảo vệ tổ quốc mình.
Từ bao lâu nay giới bất đồng chính kiến trong nước luôn khẳng định rằng lý do duy nhất làm Việt Nam không thể tiến hành vụ kiện đó là sợ mất chỗ dựa vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam sợ mất chỗ dựa vững chắc nơi người đồng chí nhưng lại không sợ mất một chỗ dựa khác lớn hơn gấp ngàn lần đó là lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam
.

Không có nhận xét nào: