Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

NGƯỜI VIỆT TRONG SỰ THĂNG TIẾN CỦA CỘNG ĐỒNG MỸ GỐC Á Ở HOA KỲ

 
Pew Research Center, trung tâm nghiên cứu độc lập và có uy tín ở Hoa Kỳ với số liệu được cập nhật hồi tháng Tư 2013, cho thấy người Mỹ gốc Việt là cộng đồng lớn thứ tư trong sáu nhóm cư dân gốc Á ở Mỹ. Lớn thứ tư trong sáu nhóm cư dân gốc Á ở Mỹ.
Với 1.737.433 tính đến lúc này, người Mỹ gốc Việt chiếm 10% tổng dân số Mỹ gốc Á Châu, trong đó nhiều nhất là người Hoa với 23,2%, thứ nhì là Philippines 19,7%, thứ ba là Ấn Độ 18,4% , thứ tư là Việt Nam 10% như vừa nói. 
Ông Thế Anh, chuyên gia phổ biến dữ liệu của CENSUS Văn Phòng Kiểm Tra Dân Số Hoa Kỳ, xác nhận:
Theo nghiên cứu của chúng tôi bên Bộ Thống Kê Dân Số thì điều đó là đúng. Theo thống kê dân số từ 2010 ở Hoa kỳ, tổng số người Việt Nam hiện tại là 1.737.433, xếp hàng thứ tư trong các chủng tộc người Á Đông.

Thống kê của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cũng cho thấy người Mỹ gốc Ấn Độ dẫn đầu dân số Hoa Kỳ gốc Á trong hai lãnh vực lợi tức và giáo dục, trong lúc người Mỹ gốc Việt có thể hơn người Mỹ gốc Đại Hàn về mặt lợi tức nhưng đứng cuối bảng về mặt giáo dục.

Về mặt thu nhập hay lợi tức, trong khi người Mỹ gốc Ấn Độ có lợi tức trung bình 88.000 Mỹ kim một năm, 70% có trình độ đại học, người Mỹ gốc Hoa có lợi tức trung bình 65.000/năm, 51% có trình độ đại học, người Mỹ gốc Việt có lợi tức trung bình 53.400 mỹ kim/năm, chỉ 26% có trình độ đại học, người Mỹ gốc Đại Hàn có lợi tức trung bình 50.000/năm nhưng trình độ học vấn 53%, cao hơn số người Mỹ gốc Việt có bằng cấp đại học. Vẫn lời giải thích của chuyên gia Thế Anh thuộc CENSUS Bureau Văn Phòng Kiểm Tra Dân Số, số liệu này ít nhiều có sự xê xích:

Thống kê của CENSUS cho thấy hiện tại lợi tức trung bình của một gia đình Việt Nam là 55.339USD, sấp sỉ con số của bên Pew Reserch Center. Thứ hai là vấn đề giáo dục, hiện tại thống kê dân số cho thấy số người Việt có bằng đại học là 23.6%, trong lúc số người được bằng cử nhân là 19%, và số người nhận được bằng trên cử nhân là 7.2%. Mà nên nhớ rằng 23% là cho tổng số những người từ 25 tuổi trở lên. Từ 25 tuổi trở lên thì trong tổng số đó có 23.6% là có bằng đại học.
 
Dân biểu Joseph Cao (Cao Quang Ánh) là người gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hạ viện Mỹ.
 
Còn theo giáo sư Nông Duy Trường, đang dạy Việt ngữ tại viện đại học Houston, Texas:
Tiếng Anh của người Việt Nam mình so với các sắc dân khác là bị giới hạn, thành ra việc học đại học cũng khó. Lý do thứ hai có lẽ là vì do đời sống thành ra nhiều khi thấy việc đi học đại học cũng là cái việc đầu tư khá là lớn. Ngay cả người Mỹ và chính phủ Hoa Kỳ cũng thấy đó là việc đầu tư quá lớn, sinh viên ra trường rồi không có việc làm rồi mang nợ vân vân và vân vân. Thành ra, tôi nghĩ cái óc thực tiễn của người Việt thì họ nghĩ làm nghề gì cũng được miễn có tiền.
Nếu xét về lợi tức thì lợi tức của người Mỹ gốc Việt cũng tương đối là cao mà không cần phải có bằng đại học. Thành ra nỗ lực của người Việt mình là đi làm có tiền trước đã, mấy chuyện kia tính sau. Đó là những điểm mà tại sao người Mỹ gốc Việt có tỷ lệ đi học đại học thấp so với các sắc dân khác.
Trong lãnh vực kinh tế xã hội, về mặt giàu nghèo cũng có sự chênh lệch giữa các cư dân gốc Á ở Hoa Kỳ. Nhìn chung cộng đồng Mỹ gốc Hoa, Mỹ gốc Đại Hàn và Mỹ gốc Việt có nhiều người nghèo hơn so với cộng đồng Mỹ gốc Ấn, Mỹ gốc Nhật và Mỹ gốc Philippines.

Từ năm 2010 cho đến phúc trình mới cập nhật hồi tháng Tư năm 2013, nói về mức độ giàu nghèo trong xã hội thì số liệu trên Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho thấy con số người cao niên Mỹ gốc Việt được liệt vào danh sách nghèo ngang bằng con số người lớn tuổi Đại Hàn cùng hoàn cảnh, nghĩa là nghèo hơn người cao niên gốc Hoa, gốc Ấn Độ, gốc Nhật Bản và gốc Philippines ở Hoa Kỳ. Chuyên gia phổ biến dữ liệu Thế Anh:
Nói chung cũng rất chính xác, gần giống như thống kê của Dân Số đã trình bày. Năm 2012 nếu chúng ta so sánh với các cộng đồng bạn thì con số đó gần như là chính xác.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, tổ chức đã và đang trợ giúp pháp lý cho rất nhiều người Việt những ngày đầu đến Hoa Kỳ định cư, giải thích:
Số người nghèo cao niên Việt Nam cao hơn các sắc dân khác thì về tỷ lệ tại vì phần lớn người Việt sang Hoa Kỳ theo chương trình tị nạn, đặc biệt các bac HO khi đặt chân đến Hoa Kỳ trong chương trình dành cho những cựu tù nhân chính trị, lúc đó các bác đã là cao niên rồi thành thử ra không có cơ hội để học lại để đi làm, thành ra rất nhiều người Việt ở tuổi cao niên hiện nay có thu nhập thấp so với những người cùng lứa tuổi đó thuộc các sắc dân Á Châu khác.
 
Người Việt tại Hoa Kỳ
 
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý mà Pew Research Center đưa ra, người Việt được coi là vượt trội trong sự cố gắng hội nhập và trở thành công dân Hiệp Chủng Quốc. Thống kê cho thấy chỉ 1/3, tức 33% di dân Nhật Bản là muốn trở thành công dân Mỹ, trong lúc có tới 3/4, tức 76% di dân Việt coi chuyện trở thành công dân Hoa Kỳ là ưu tiên. Chuyên gia Thế Anh thuộc Văn Phòng Kiểm Tra Dân Số cho biết hầu hết người Việt có xu hướng vào quốc tịch Hoa Kỳ:
Thống kê cho thấy trong 1,7 triệu người Việt Nam ở Hoa Kỳ thì đã đến gần 1,2 triệu sinh ra ở Việt Nam, trong số đó thì đến 882.340 đã trở thành công dân Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng bổ túc:

Theo thống kê thì người Việt Nam có tỷ lệ nhập tịch cao nhất trong tất cả các sắc dân Hoa Kỳ gốc Á Châu. Một trong những lý do là tại vì người Việt Nam là những người đi tị nạn, do đó cần một chỗ trụ và một thế đứng trong quốc gia mới, trong khi những sắc dân Á Châu khác ở tại Hoa Kỳ vẫn còn quốc gia gốc của họ, do đó họ không có nhu cầu như người Việt là nhập tịch Hoa Kỳ càng sớm càng tốt.

Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, có thể nói ba yếu tố chính yếu và tích cực của cộng đồng Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ được Pew Research Center công bố từ năm 2012 đến giờ vẫn là:
Thứ nhất, nếu đem so sánh với các cộng đồng Mỹ gốc Á khác, đa số người Mỹ gốc Việt khi được hỏi đều khẳng định điều kiện sống ở Hoa Kỳ tốt hơn ở đất nước của mình. Mặt khác, hơn 94% người Mỹ gốc Việt cho rằng đất nước Hoa Kỳ cho họ nhiều cơ may để thăng tiến so với xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, 86% đến 87% người Mỹ gốc Việt nhận định Mỹ là nơi có tự do tôn giáo cũng như có những chương trình hỗ trợ người nghèo tốt đẹp nhất. Đến 84% người Mỹ gốc Việt còn khẳng định ở nước Mỹ giáo dục và chăm lo học vấn cho con cái thuận lợi hơn rất nhiều.
Theo bà Nguyễn Phúc Anh Lan, thành viên VEF Quĩ Giáo Dục Việt Nam do chính phủ Mỹ thành lập, cả quyết:
Chắc chắn rồi, xã hội dân sự ở Hoa Kỳ cơ bản là người ta rất tôn trọng trẻ con, cho nên những chương trình hỗ trợ trẻ em, những chương trình giúp đỡ các bà mẹ có cháu nhỏ vân vân… phải nói là tuyệt vời, đặc biệt chú trọng vấn đề nuôi nấng con cái. Cho nên chúng tôi nghĩ là những nhận xét đó hoàn toàn đúng. Dĩ nhiên nếu so sánh với Việt Nam thì đương nhiên người ta đã biết cái xã hội nào tốt hơn.

Thứ hai, trong số các cộng đồng Mỹ gốc Á ở Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Việt rất chú trọng đến tương lai của con cái. Có lẽ theo truyền thống hiếu học cùng và nếp nghĩ “Con hơn cha nhà có phúc”, 48% cha mẹ Mỹ gốc Việt bày tỏ ý muốn là con cái khi trưởng thành, nghĩa là khi bằng tuổi cha mẹ hiện tại, thì mức sống của chúng khi đó phải khá nhiều so với cha mẹ.

Thứ ba, người Mỹ gốc Việt dẫn đầu các cộng đồng Mỹ gốc Á ở Hoa Kỳ về đức tính cần cù, chăm chỉ. Cứ trong 10 người thì hết 8, khoảng 83% người Mỹ gốc Việt, quan niệm thành công chỉ đến nếu chịu khó làm lụng cật lực. Số người Mỹ gốc Việt không tin vào những qui tắc vừa nói chỉ là 15% mà thôi.
Trong tư cách một trưởng Hướng Đạo thường xuyên tham dự những buổi trại huấn luyện kỹ năng lãnh đạo cho giới trẻ Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, bà Nguyễn Phúc Anh Lan cho rằng nếu chỉ cần cù và nhẫn nại thì vẫn chưa đủ:
Tuy nhiên để đạt sự thành công thì đó không phải là yếu tố duy nhất. Trong các trại phát triển kỹ năng lãnh đạo thanh niên, chúng tôi luôn luôn khuyến khích các em cố gắng hết sức trong phạm vi khả năng của mình, đồng thời phải tìm phương thức làm việc một cách hữu hiệu hơn. Nếu cố gắng hết sức nhưng mà phương pháp hoàn toàn không hữu hiệu thì mình không thể thành công như ý muốn. Chúng ta phải có những phương thức hữu hiệu và phải học hỏi không ngừng.
Về mặt chính trị, Pew Research Center xếp hạng người Mỹ gốc Việt thấp nhất trên bảng danh sách các sắc dân gốc Á tham gia vào các đảng phái chính trị cũng như tham gia đầu phiếu:
Một trong những lý do là người Việt Nam đến Hoa Kỳ còn tương đối mới mẻ, nhưng phần lớn các sắc dân Á Châu tại Hoa Kỳ đều đã có mặt trước người Việt ở Hoa Kỳ nhiều thế hệ, thành ra họ hội nhập nhiều hơn và sâu hơn về vấn đề chính trị.

Lý do thứ hai mà người Việt ít tham gia các tổ chức đảng phái là tại vì họ xuất thân từ một quốc gia, một xã hội mà đảng phái mang ý nghĩa không tốt thành ra họ tránh né không muốn tham gia vào đảng phái ở đất nước Hoa Kỳ. Đó là tâm lý mang theo dù rằng xã hội Hoa Kỳ hoàn toàn khác với Việt Nam.
Trong lúc giám đốc điều hành BPSOS, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, nhận xét như vậy, chuyên gia Thế Anh của Văn Phòng Thống Kê Dân Số đưa ra một nhận định khác:

Cái này thì Bộ Thống Kê Dân Số không có con số rõ ràng, nhưng theo tôi biết thì con số người Việt có thể đăng ký bầu cử cao nhưng mà số người thực sự đi bầu cử không cao bằng. Theo kinh nghiệm làm việc với các tổ chức cộng đồng người Á Đông thì người Việt Nam đi đăng ký bầu cử rất là nhiều, có tinh thần cao, nhưng có một số chuyên gia nhận định rằng chính thức đi bầu cử trong ngày bầu cử thì con số không được cao lắm.
Thống kê của Pew Reseach Center cho thấy trong số trên một triệu 700 ngàn người Mỹ gốc Việt, 43% theo đạo Phật, 36% theo Công Giáo, 6% theo đạo Tin Lành.
Và trong khi những sắc dân khác, người Mỹ gốc Nhật chẳng hạn, cho rằng giá trị tinh thần và đạo đức ở Hoa Kỳ không khác mấy so với những giá trị thường hằng trong xã hội Nhật, thì 67% người Mỹ gốc Việt cho hay họ nhận thức được và yêu mến những giá trị tinh thần và sự làm việc chuyên cần trong xã hội Hiệp Chủng Quốc.
Không như người Ấn Độ hay người Philippine và cả người Nhật tự nhận mình có thực lực tài chánh ở Mỹ, người Mỹ gốc Việt thường không tự hào với người bản xứ rằng họ là người giàu có. Người Mỹ gốc Việt chăm chỉ, thích duy trì và đề cao giá trị gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, trau dồi tiếng mẹ đẻ và những truyền thống văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, theo Pew Research Center, người Mỹ gốc Việt đã đóng góp tích cực vào nền kinh tế bản xứ. Chuyên gia Thế Anh phân tích:
Chúng ta cũng nên để ý rằng tổng số các doanh nghiệp của Việt Nam rất cao nhưng vì mình phần nhiều nằm trong tiểu thương và ngành phục cho nên theo thống kê kinh tế năm 2002 chẳng hạn thì tổng số doanh thu của ngừơi Việt nam đưa vào nền kinh tế Hoa Kỳ là 16 tỷ đô la. Trong lúc đó, so với cộng đồng Ấn Độ và cộng đồng Nhật Bản, tuy rằng mình có nhiều doanh nghiệp hơn nhưng mà tổng số doanh thu mình là generate ít hơn là vì buôn bán nhỏ lẻ nhiều hơn. Nhưng nếu chúng ta nói về con số các doanh nghiệp thì có thể chiều hướng của người Việt Nam có tổng số doanh nghiệp rất là cao.
Sau hết, người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ bao giờ cũng nghĩ tới chuyện an cư lập nghiệp, một mái nhà riêng là mơ ước phải thực hiện cho bằng được nơi nhiều người từ lúc chân ướt chân ráo đến đất này. Với tỷ lệ 49% tìm cách sở hữu và thanh toán hết tiền trả góp một căn nhà là số liệu cao nhất so với các sắc dân gốc Á khác ở Mỹ.
Thanh Trúc vừa gởi đến quí vị những số liệu thống kê của Pew Researcg Center, Trung Tâm Nghiên Cứu độc lập về nhân khẩu, cách sống và sự hình thành của các cộng đồng di dân, ở đây là di dân gốc Á nói chung và người Mỹ gốc Việt nói riêng, để tô vẽ vào bức tranh toàn diện của xã hội Hiệp Chủng Quốc rộng lớn, đa văn hóa và không ngừng phát triển.
 
Thanh Trúc, phóng viên RFA

Không có nhận xét nào: